(Chỉ viết riêng về xã Trung Lễ xưa): là xã đồng bằng thuần nông, trước năm 1950 hơn 95% nhà tranh vách đất; tre xanh bao quanh vườn nhà ngõ lối, cây cổ thụ, bụi rậm mọc hoang như rừng trong thôn và ngoài gò bãi… nhiều đêm có lợn rừng, nai, hoẵng từ đại ngàn về kiếm ăn; ban ngày chim công, trĩ, gà lôi, vịt trời bay về đồng. Năm 1970 tôm cua cá vẫn đầy đồng; chim muông, bìm bịp, rắn, chồn đầy vườn; diều hâu, quạ đen lượn lờ; từng đàn diệc, sếu, ngỗng bay ngang lưng trời…
Các cụ xưa nói rằng “đất vua, chùa làng, phong cảnh bụt”, thôn Trung Nam là nơi địa linh có long mạch trấn giữ bảo hộ chúng sinh bởi thế đã dựng lên một số kiến trúc tâm linh thờ tự chạm khắc nghệ thuật tinh xảo, sầm uất uy nghi trang nghiêm cổ kính rêu phong mang đậm bản sắc tâm hồn Việt: có điếm canh, đình làng, đền Quy Nhân (Phát Lát) và đền Cửa Diệc thờ Thánh có cổng tam quan voi lính đứng gác; xã có nhiều miếu thờ và phía đông có ngôi cổ tự (chùa cổ)… Hiện nay có vài nơi đào được đống bát đĩa gốm sứ, hũ tiền bằng đồng thời quân Trương Phụ đồn trú và thời nhà Nguyễn, một số gia đình đào được thỏi vàng của thời xưa chôn dấu…
Năm 1960 Nghị quyết 3 “xóa bỏ tàn tích, tư tưởng Phong kiến…” ra đời, xã ta thực hiện chiến dịch đến năm 1963, một số bom Mỹ tàn phá còn lại đến năm 1973 mục hỏng hết. Đáng lẽ bài trừ hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan lại đi phá những công trình nghệ thuật cổ truyền, nếu để đến giờ có thể là di tích lịch sử văn hóa. Cảnh cũ giờ đổi thay, một số người dân hoài niệm về tập tục văn hóa xưa đã tự khôi phục 6 miếu thờ nhưng không trang nghiêm u tịch như trước.
Cuối năm 1885 quân Pháp cùng với bọn tay sai tà đạo chia nhiều mũi đánh phá thôn Trung Nam nơi có xưởng rèn đúc súng đạn, căn cứ địa của nghĩa quân cụ Lê Ninh người anh hùng xướng nghĩa Cần Vương và vùng lân cận… Vì trận đánh bất ngờ và lực lượng yếu hơn nên Quân của cụ rút lên núi Vũ Quang liên kết với quân của Phan Đình Phùng (Lê Khanh là quan Bố chánh triều Nguyễn lấy vợ đầu là em Phan Đình Phùng sinh ra Lê Ninh và vợ 2 sinh ra cố nội Lê Hiền; dinh thự và nhiều chum vàng bạc chôn cất nay có thể còn một ít đâu đó, trung tâm xưa là nhà Lê Hiền bây giờ). Nơi sơn lam chướng khí, cụ từ trần (1857- 1887, 30 tuổi) dân xã Trung Lễ ngưỡng mộ kính trọng coi là thần Thành hoàng. Đầu năm 1886 Pháp chiếm đóng xây “đồn Lạc Thiện” trên diện tích gần 40 ngàn m2 cạnh nhà thờ họ Trần, 4 góc dựng 4 chòi cao canh gác; có 2 dãy nhà to cao (mỗi nhà dài 40m, chia 4 phòng mỗi phòng có 1 lò sưởi ống khói vươn cao, tường dày 50 cm, cửa kính chớp) và vài nhà nhỏ hơn để người, ngựa, chó becgie ở; có 2 lô cốt bê tông cốt sắt vừa nổi và chìm… Gạch, ngói, xi măng chở từ Pháp sang; có nhiều cây long não cổ thụ tác dụng che nắng, thanh lọc không khí (sông đào năm 1934 do quan Tri huyện Lê Văn Luyện người làng khởi xướng)… Pháp chia xã thành 2 làng Quy Nhân và Lạc Thiện để dễ quản lý giám sát (đường đi trước nhà thờ họ Lê nửa phía bắc làng Quy Nhân, phía nam Lạc Thiện), 2 lần chúng đốt phá thôn xóm đuổi dân ra ngoài đồng tự dựng lều để ở hòng đàn áp dập tắt tinh thần cách mạng của dân xã anh hùng. Thôn quê trù phú bình yên ngày nào bỗng chốc trở thành làng kháng chiến xơ xác tiêu điều, một số chiến sĩ cộng sản bị bắt về giam cầm, tra tấn…
Tháng 3/1945 Nhật đảo chính… Pháp rút khỏi đồn, nơi đây thành “trường Lạc Thiện” cấp 1 và 2; con em huyện Hương Sơn, Can Lộc cũng về đây học (Nguyễn Đình Tứ quê Can Lộc, Ủy viên Bộ chính trị, Bộ trưởng bộ Đại học… lúc nhỏ đến ở nhà 0 học trường Lạc Thiện. 0 ruột NĐ Tứ con nhà “trâm anh thế phiệt” là bà nội của anh Thông, Lĩnh, Kỳ, Hưng…). Tháng 8/ 1945 đánh đuổi phát xít Nhật, vua Bảo Đại thoái vị kết thúc hơn một ngàn năm chế độ Địa chủ- Phong kiến, Cách mạng Việt Nam thắng lợi. 2/ 9/ 1945 Quốc khánh nước VN, 23/ 9/1945 Pháp quay lại VN lần 2, tháng 7/ 1954 hòa bình lập lại ở Miền bắc… Ngày 5/ 8/ 1964 đế quốc Mỹ bắt đầu đưa máy bay đánh phá Miền bắc trong đó có xã ta nhưng ác liệt nhất 2 năm 1967- 1968 mỗi ngày đêm có 7 đến 10 đợt dội bom làm tan nát, nhà sập, người chết. 30/4/1975 giải phóng Miền nam thống nhất Tổ quốc… Nhà trường tuy không trúng bom đạn nhưng ngói rơi vỡ nhiều, các lớp đi sơ tán rồi sau này học trường mới… Mấy dãy nhà Pháp vì mưa bão và không tu sửa nên hư hỏng dần, cây long não bị chặt phá, năm 2015 san ủi hết xây trạm y tế xã. Đồn bốt Lạc Thiện năm xưa, chứng tích một thời thực dân Pháp cai trị nay đã thành dĩ vãng.
Pháp đến đồn trú tại xã cách nay 135 năm (2021 – 1886) lúc ấy nhà thờ họ Trần đã có từ lâu, cách nay trên 150 năm; nhà thờ là địa điểm của cơ sở cách mạng, các chiến sĩ thường lui tới theo dõi hoạt động của chúng… Pháp đã vài lần bắt bớ nhưng phải thả và chưa dám phá nhà thờ bởi vì họ Trần có nhiều người tài giỏi, thông thạo tiếng Pháp, hiểu sâu về luật bảo hộ dân sự… (theo ý trong 3 bài viết: Người họ Trần trên đất Trung Lễ, chuyện thơ Trung lễ anh hùng và cụ Lê Ninh anh hùng- bất tử… của tác giả Tr Trúc Ngân- đời thứ 13, phái Giáp tam).
Năm 1927 đại tu nhà thờ và hợp tự 8 Phái quy về một mối từ đường họ đại tôn không để Chi Phái tự xây nhà thờ nhằm tập hợp sức mạnh đoàn kết giống như nhà thờ Giáo xứ. Tiếp tục sửa chữa tôn tạo nhà thờ trong các năm 1950, 1980, 2002; tháng 8/ 2019 đến cuối tháng 6/ 2020 dương lịch xây lại mới cổng tam quan, trùng tu tôn tạo: hạ điện (bái đường), trung điện và thượng điện (nơi thờ bài vị Thủy tổ, Thế tổ) thoáng đãng to đẹp hơn, tháng 4/ 2021 xây lại tường rào xung quanh. Nhà thờ tọa lạc trên khuôn viên cũ 1.500 m2 và vị trí các dãy nhà vẫn như năm 1927 với không gian thờ tự tôn nghiêm. Thời trước có nhiều loại đồ thờ cổ và đẹp: hoành phi, câu đối, đại tự, chiêng đồng, chim hạc, lư hương, bình hoa… trong đó vài bảo vật quý hiếm có thể đồng đen, nay một số đã mất. Tương truyền ngày lễ tết Thủy tổ, Thế tổ và tiên tổ các gia đình từ cõi vô thường về đây hội ngộ; mảnh đất thiêng này đã nhiều lần long trọng vui đón quan trạng về làng, con cháu các đời thành danh vinh quy bái Tổ. Lễ tết các con cháu về tại từ đường để tận hưởng phút giây thời gian như ngừng lại lắng hồn về những điều xưa cũ, tỏ lòng biết ơn Tổ tiên, mong linh ứng hóa giải hạn xui, ban vận may phúc lộc; cũng là dịp gặp để biết thứ bậc, tăng tình đoàn kết; chúc nhau vui khỏe, an khang, thịnh vượng, phát triển văn hóa dòng họ…
Viết lại tại thành phố Vinh, ngày 20 tháng 10 năm 2021
Trần Điện Năng – đời thứ 14, Phái Giáp tam (Phái 3).