spot_img

GIẢI THÍCH, GHI CHÚ VÀ TÀI LIỆU THAM KHẢO ( Phần 3 )

Phần ghi chú có 8 mục nhưng vì dung lượng trang web hạn chế nên đã cắt vài mục, bản gốc tác giả đang lưu giữ: 1- Giải thích một số ý trong bài “Dòng họ hiển hách…”. 2- Trực hệ của cụ Trần Đăng Như 21, 20 hay 17 đời. 3- Trần Pháp Độ, thủy tổ họ Trần vùng Thanh Nghệ Tĩnh. 4- Chi họ Lê Công và nhà thờ Lê Dụ. 5- Lê Thiệu Huy. 6- Trần Hưng Đạo diệt trừ âm binh, tà ma, quỷ dữ. 7- Chuyện mộ táng vào nơi phát đế vương. 8- Tài liệu tham khảo.

I- Giải thích, bổ sung một số ý trong bài “Dòng họ hiển hách…”

a+ Hiểu thế nào là trước công nguyên (TCN) và sau công nguyên (SCN hay CN): Để dễ

-(1*) Nước Xích Quỷ và bộ tộc Bách Việt: Đế Minh sinh ra Đế Nghi và Lộc Tục (2919 – 2792 TCN, thọ 127 tuổi, con đầu của vợ thứ) tại tỉnh Hồ Nam Trung Quốc. Cách nay gần 5.000 năm (2879 TCN + 2021 SCN) vua cha Đế Minh ban ngôi báu và chia đôi thiên hạ cho Đế Nghi anh trai làm vua nước Xích Thần phương Bắc, Lộc Tục em làm vua phương Nam lên ngôi đặt tên hiệu Kinh Dương Vương lãnh đạo bộ tộc Bách Việt và tên nước Xích Quỷ (ý nghĩa là vùng đất phía Nam tươi sáng), kinh đô bên núi Nghĩa Lĩnh đất Phong Châu (Việt Trì, Phú Thọ); ranh giới 2 nước là sông Dương Tử (Trường Giang). Báo điện tử “cổng thông tin dòng họ Trần Nguyên Hãn” có bài “Tìm hiểu về gốc tích họ Trần” viết về cương vực nước Xích Quỷ: “đông giáp biển Đông, tây giáp Ba Thục (tỉnh Tứ Xuyên Tr Quốc), bắc giáp hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam – TQ), nam giáp Hồ Tôn (tỉnh Khánh Hòa – VN)”. Đến thời các vua Hùng biên giới nước Văn Lang lùi về Đèo Ngang (dãy Hoành Sơn), Kỳ Anh, Hà Tĩnh; bên kia là Quảng Bình và các tỉnh phía Nam thuộc vương quốc Chiêm Thành (Chăm Pa)… cư dân phần lớn là người cổ Mã Lai, Ấn Độ đến.

Báo điện tử “Bảo tàng lịch sử Việt Nam” 13/4/2011 có bài “Tiền thân kinh đô Phong Châu vốn ở Hà Tĩnh” tức là kinh đô đầu tiên của các vua Hùng, báo điện tử Nghệ An 11/5/2016 bài “Nhà nước cổ đại Việt Thường Thị”, báo điện tử Hà Tĩnh 12/4/2019 bài “Người dân Hà Tĩnh thành kính tưởng nhớ các vua Hùng”… đã căn cứ các tài liệu thư tịch cổ dự đoán thời Hồng Bàng (Hồng Bàng Thị) có nước Việt Thường (Việt Thường Thị) từ bắc Thanh Hóa đến đèo Hải Vân, kinh đô ở phường Đức Thuận hoặc phường Trung Lương thị xã Hồng Lĩnh. Kinh Dương Vương là vua nước Xích Quỷ, dựng kinh đô đầu tiên bên núi Hồng Lĩnh (Ngàn Hống) trên đất xã Thiên Lộc (Can Lộc) hoặc quanh đó; như vậy đã có thời kỳ đất Phương nam có 3 nhà nước là Xích Quỷ, Việt Thường và Hồ Tôn (Chiêm Thành); rồi sáp nhập xóa tên Việt Thường vào Xích Quỷ vài năm sau chuyển ra Nghĩa Lĩnh (Phú Thọ), từ đó nước Việt Thường bị lãng quên…?

Thời cổ người Trung Quốc gọi các Bộ tộc phía nam sông Trường Giang bằng một tên chung là “Việt”, bắt đầu thời nhà Hán đặt tên mới là “Bách Việt” (ý nói là nhiều Bộ tộc Việt) trong đó có Bộ tộc (Dân tộc) như: Mân Việt, Lạc Việt, Âu Việt, Dương Việt, Điền Việt… Họ khác nhau về địa bàn cư trú, văn hóa và ngôn ngữ, mỗi Bộ tộc có nhiều Bộ lạc nhỏ.

Người Mân Việt ở vùng đất Mân (tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc). Người Lạc Việt chủ yếu sinh sống ở tây nam Quảng Đông, đông nam Quảng Tây Trung Quốc (TQ) và Miền bắc Việt Nam (VN) ngày nay; họ là tổ tiên của dân tộc Kinh, Mường VN và người Tráng TQ. Người Âu Việt là tập hợp các bộ lạc miền núi sống ở đông bắc VN và vùng Chiết Giang TQ họ là tổ tiên của người Tày Nùng ở VN, người Choang ở Quảng tây, người Điền Việt ở tỉnh Vân Nam TQ…

Thời Chiến quốc (476- 221 TCN) ở Tr Quốc có 7 nước: Tần, Triệu, Ngụy, Hàn, Sở, Tề, Yên đều là Chư hầu của nhà Chu (Chư hầu là nước bị phụ thuộc hoặc liên minh để được bảo hộ. 4 nước: Triệu, Ngụy, Hàn, Sở đều có chung một phần biên giới với Tần); khi nhà Chu suy tàn thì 7 nước đánh nhau phân chia thiên hạ rồi Tần Thủy Hoàng giành ngôi bá chủ lập nên Đế quốc Trung Hoa rộng lớn hùng mạnh, lên ngôi Hoàng đế năm 221 TCN. Năm 218 – 208 TCN nhà Tần (tỉnh Cam Túc và Thiểm Tây) mở rộng lãnh thổ về phía bắc và nam, phần lớn phía nam sông Trường Giang là đất các tỉnh: Vân Nam, Quảng Đông, Quảng Tây, Hồ Nam, Giang Tây, Chiết Giang, Phúc Kiến… bị nhà Tần thâu tóm đổi thành quận, huyện; đất Mân đặt tên mới là quận Mân Trung, đến đời nhà Đường đặt tên Phúc Kiến, nay là tỉnh Phúc Kiến… Thời nhà Hán Bộ tộc Bách Việt dần đồng hóa với người Trung Nguyên trở thành người Hán, chỉ còn Lạc Việt (tổ tiên người Kinh) và Âu Việt là 2 nhóm cư ngụ ở Miền bắc Việt Nam là không bị đồng hóa.

-(3*) An Dương Vương (ADV): tên thật là Thục Phán thủ lĩnh bộ tộc Âu Việt hùng mạnh nằm sát nước Văn Lang của vua Hùng. Thục Phán lãnh đạo bộ tộc mình và liên minh với các bộ tộc khác giết tướng Đồ Thư đánh thắng quân Tần… Theo sách “Các triều đại Việt Nam” trang 15 có đoạn viết: “Vua Hùng Vương có người con gái nhan sắc tuyệt vời… Vua nước Thục nghe tin sai sứ đến cầu hôn… Không lấy được Mỵ Nương Thục vương căm giận di chúc cho con cháu… phải diệt nước Văn Lang… (vua Hùng) chỉ say sưa yến tiệc không lo việc binh bị. Bởi thế, khi quân Thục lại kéo đến đánh… vua Hùng còn trong cơn say… trở tay không kịp phải bỏ chạy rồi nhảy xuống sông tự tử… Thế là nước Văn Lang mất”. Thục Phán lên ngôi lấy hiệu là An Dương Vương trị vì từ năm 257- 207 TCN, hợp nhất 15 bộ lạc người Lạc Việt của nước Văn Lang với vùng đất của người Âu Việt đặt tên mới là nước Âu Lạc kinh đô tại Cổ Loa, Đông Anh, Hà Nội… ADV nhiều lần đánh lui quân Triệu Đà, sau đó mắc phải “kế thông gia” của Triệu Đà cho công chúa Mỵ Châu lấy Trọng Thủy làm phò mã và nghe lời dèm pha của gian thần làm cho tướng Cao Lỗ và Tr Tự Minh phải bỏ đi… coi như hổ không răng. Khi Triệu Đà đưa quân đánh, Cao Lỗ đến cứu bị tử trận; bố con Thục vương cùng cưỡi một ngựa chạy về phía nam đến bờ biển Cửa Hiền xã Diễn Trung, Diễn Châu, Nghệ An (cách núi Mộ Dạ 6 km) vì đường cùng nên vua rút gươm chém con rồi nhảy xuống biển chết kết thúc 50 năm làm vua (đền Cuông thờ ADV ở lưng chừng núi Mộ Dạ xã Diễn An, nằm bên quốc lộ 1A cách TP Vinh 30 km về phía bắc).

-(4*) Triệu Đà (257-137 TCN, thọ 120 tuổi) là võ tướng của Tần Thủy Hoàng… Sau khi đánh bại ADV gặp lúc TT Hoàng mới chết, nước Tần suy yếu nên tự tách ra xưng Triệu Vũ Đế lập nên nước Nam Việt (207- 111 TCN); lãnh thổ là 1 phần vùng đất Lĩnh Nam (phía nam núi Ngũ Lĩnh) gồm có: tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, một phần Vân Nam, Quý Châu và Miền bắc Việt Nam đến hết đất Hà Tĩnh; kinh đô tại TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông. Năm 202 TCN Lưu Bang xưng Đế lập nên nhà Hán, bắt Triệu Đà quy hàng thần phục và ban tước Triệu Vũ Vương, vẫn để tên nước là Nam Việt; đến năm 111 TCN nhà Triệu qua 5 đời vua bị nhà Hán xóa tên, bắc VN thành quận Giao Chỉ (vì có người Giao Chỉ). Thời Đông Hán (25CN- 220 CN) có Tô Định, viên “Thái thú” (chức vụ quan triều đình TQ cai trị thuộc địa như một huyện, tỉnh) tham lam, độc ác, hoang dâm; chúng giết người già trẻ em, đàn ông khổ sai, con gái phụ nữ làm nô tỳ bắt đẻ con để đồng hóa. Năm 40 CN, Tô Định bị Hai Bà Trưng đánh cho thua chạy về nước…

Thời kỳ Bắc thuộc kể từ lúc Triệu Đà xưng đế năm 207 TCN đến khi Khúc Thừa Dụ giành chủ quyền năm 905 CN kéo dài 1.112 năm (207 TCN+905 CN) qua các Triều đại: Triệu, Hán, Ngô, Ngụy, Tấn, Tống, Tề, Lương, Tùy, Đường xâm chiếm đô hộ. Các triều đại khác cai trị là: nhà Ngô 26 năm (939 đến 965), nhà Minh 21 năm (1407-1428 Lê Lợi thắng quân Minh), tổng số 1.159 năm VN là nước thuộc địa trở thành một đơn vị hành chính quận huyện hoặc tỉnh. Mất nước nhưng vì không mất “tổ chức làng xã” cho nên tiếng nói, phong tục tập quán, bản sắc văn hóa còn giữ và truyền lại đến nay (Khúc Thừa Dụ là Hào trưởng một vùng nổi dậy lập Chính quyền được nhà Đường phong tước “Tiết độ sứ” cai trị 1 vùng như Lãnh chúa hay vua nhỏ).

Các triều đại nhà Ngô, Đinh, Tiền Lê (Lê Hoàn), Lý, Trần, Hồ, Hậu Lê (Lê Lợi), Tây Sơn, Nguyễn đều là nhà nước Quân chủ chuyên chế – Phong kiến độc lập tự chủ, nhưng vì là nước nhỏ cho nên phải quan hệ bang giao với Tr Quốc chịu làm chư hầu thần phục để được công nhận lãnh thổ, công nhận triều đại của mình và yên ổn làm ăn; đặc điểm của thần phục là chấp nhận sắc phong và triều cống. Tước hiệu Hoàng đế Việt Nam chỉ gọi nội bộ, khi đối ngoại với TQ gọi theo sắc phong của Thiên triều. Khi Hoàng đế TQ mừng thọ, khi VN có việc lớn… đều phải sang yết kiến dâng tấu, xin chỉ dụ; ngoài ra định kỳ (khoảng 3 năm) vua VN hoặc người đại diện sang chầu và cống nạp gọi là “đi sứ”; sứ thần (sứ giả) phải là người có bản lĩnh, hiểu rộng, tài đối đáp… Thời nhà Nguyễn đi sứ từ Huế cả đi và về tổng số mất 14 tháng. Quà biếu và cống nạp có: vàng, bạc, châu ngọc, ngà voi, sừng tê giác, vải lụa, trầm hương, thợ giỏi, thầy bói, thầy thuốc, nô tỳ… Nói là thỏa thuận nhưng có thời chúng bắt Triều cống vô lý lấy cớ để cướp nước.

Kinh Bắc gồm 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang thuộc quận Giao Chỉ. Thành Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh) là thủ phủ của nhà Đông Hán thời Bắc thuộc do Sĩ Nhiếp thái thú cuối cùng nhà Hán cai trị; nơi ấy là đô thị, trung tâm chính trị, văn hóa, Phật giáo cổ xưa nhất VN. Quận Giao Chỉ có nhiều người Giao Chỉ, là người VN có nguồn gốc thượng cổ 10 ngón chân tòe ra như 2 cái chổi, 2 ngón cái bẻ quặt chỉa vào nhau (hiện nay Miền bắc có thể còn vài người).

-(5*) Trần Thủ Độ ? Tập san “Khí phách Rừng thần” số 5/ 2016 và web của Ban LL có bài “tìm hiểu về gốc tích họ Trần” viết: Tr Thủ Huy sinh ra Tr Thẩm (Tr An Quốc) và Tr Thủ Độ; tài liệu khác viết Tr Hoằng Nghị sinh ra Tr An Quốc, Tr An Hạ, Tr An Bang (Tr Thủ Độ). Báo Nông nghiệp điện tử 30/ 7/ 2018 có bài “Ai nặn ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ?” có đoạn: “… Đó là nhân vật không có thật, càng không phải là thân phụ của…Trần Thủ Độ…”.

-(8*) Hơn một ngàn năm Bắc thuộc Việt Nam là nước thuộc địa, ngoài ra là nước Chư hầu của Trung Quốc. Thuộc địa là nước bị thua trận, nước bị cai trị trở thành 1 đơn vị hành chính quận huyện hoặc tỉnh; triều đình TQ cử đại diện là quan Thái thú hoặc Tiết độ sứ hay Đô thống sứ cai trị. Thái thú là người TQ chức quyền có giới hạn; Tiết độ sứ là danh hiệu do hoàng đế TQ sắc phong cho người TQ (Tiết độ sứ Cao Biền vừa là tướng, giỏi thiên văn, địa lý, phù thủy trấn yểm…) hay bản xứ (vua VN), quyền hạn giống Lãnh chúa một vùng hoặc ông vua nhỏ, chức vụ cha truyền con nối; Đô thống sứ giống như Tiết độ sứ nhưng tính tự chủ và quyền hạn lớn hơn.

Chư hầu là nước phụ thuộc một phần bị cống nộp và điều quân… hoặc là nước độc lập tự chủ liên kết với nước lớn để được bảo hộ. Tước hiệu Hoàng đế Việt Nam chỉ gọi nội bộ, đối ngoại với Tr Quốc thì gọi theo quy định của Thiên triều đó là: Quốc vương, Quận vương… Khi VN lập ngôi vua mới phải có tờ trình (cầu phong) để xin sắc phong và những việc trọng đại đều sang yết kiến dâng tấu xin chỉ dụ; ngoài ra định kỳ khoảng 3 năm một lần vua VN hoặc người đại diện phải sang chầu và đem vàng bạc châu báu, nô tỳ, gái đẹp, thợ giỏi… cống nộp.

Hoàng đế, Quốc vương, Quận vương, Bá vương, Tiết độ sứ, Đô thống sứ là tước hiệu của người đứng đầu cai trị một nước to, nhỏ hay vùng lãnh thổ, đều gọi chung là vua. Hoàng đế, Quốc vương… là tước hiệu tự phong cho mình; Hoàng đế là vua nước lớn còn Quốc vương… là vua nước nhỏ, Hoàng đế ban tước hiệu cho vua các nước nhỏ chư hầu.

Thực dân và Đế quốc là nước có thuộc địa, cử Toàn quyền hoặc Thái thú đến cai trị. Nhà nước “Quân chủ chuyên chế” có vua, ngôi báu lưu truyền. Chế độ Phong kiến có đặc điểm: thân vương, tướng lĩnh, quan lại được vua phong tước, kiến địa (cấp đất) và cấp thái ấp, nô bộc, dân đóng thuế nuôi họ; Địa chủ (điền chủ, bá hộ): chiếm đất, phát canh thu tô bóc lột nông dân.

-(13*) An Tư công chúa: đầu năm 1285 quân Nguyên tấn công Đại Việt lần 2, tướng giặc Trấn nam vương Thoát Hoan (con vua Hốt Tất Liệt) thống lĩnh 50 vạn quân chia thành nhiều mũi từ Lạng Sơn kéo xuống, Toa Đô và Ô Mã Nhi dẫn 10 vạn quân từ Chiêm Thành đánh ra vây hãm Thăng Long… Không còn lựa chọn, Thượng hoàng Tr Thánh Tông phải dùng kế mỹ nhân đem em gái út lá ngọc cành vàng của mình là An Tư cống cho Thoát Hoan làm nội gián để hoãn binh và chuẩn bị lực lượng... Thoát Hoan phải chui ống đồng bắt lính khiêng chạy về Tr Quốc đồng thời đem theo An Tư…

-(14*) Trần Nhân Tông, công chúa Huyền Trân và nước Chiêm Thành: năm 1301 Tr Nhân Tông (vừa Thái thượng hoàng, vừa là Thiền sư) nhận lời mời vào du ngoạn Chiêm Thành được Quốc vương Chế Mân tiếp đãi nồng hậu và ở lại trong cung điện Đồ Bàn (Bình Định) gần 9 tháng, lúc ra về có giao ước gả con gái Huyền Trân công chúa (1287 – 1340) một tuyệt thế giai nhân cho Chế Mân để mở rộng hòa hiếu. Tháng 6/ 1306 Tr Anh Tông (vua đời thứ 4) chủ trì hôn lễ cho em gái lúc đó nàng 19 tuổi và nhận món quà sính lễ vùng đất Châu Ô, Châu Lý (phía nam sông Thạch Hãn Quảng Trị đến bờ bắc sông Thu Bồn Quảng Nam). HTrân lấy chồng 11 tháng sinh một bé trai thì đến tháng 5/1307 Chế Mân băng hà do tử nạn khoảng 50 tuổi (Chế Mân là vị vua anh hùng tài thao lược), theo tục lệ Huyền Trân phải lên giàn hỏa thiêu cùng chồng cho nên vua Tr Anh Tông dùng kế cử quan Trần Khắc Chung tài ăn nói đem thuyền vượt biển vào tang lễ giải cứu HTrân; đáng lẽ hơn 1 tháng về đến Thăng Long nhưng kéo dài gần một năm, về Thăng Long bà xuất gia tu hành rồi mất tại xã Liên Minh, huyện Vụ Bản, Nam Định; các triều đại sau phong bà là “Thần hộ quốc”, tên đường phố và chùa đền thờ bà có ở vài nơi. Vì chuyến đi dài cho nên một số tài liệu nghi vấn 2 người tư thông ăn ở với nhau như vợ chồng nhiều tháng trên đảo ngọc… nay là đảo Hòn Chảo điểm du lịch nằm giữa Huế và Đà Nẵng cách đất liền 15 km.

-(15*) Thành Đồ Bàn (An Nhơn, Bình Định) kinh đô của Chiêm Thành là nơi Tr Duệ Tông (vua Trần đời thứ 9) thân chinh mang quân đi điếu phạt, cùng với Cung phi (vợ lẽ) Nguyễn Thị Bích Châu và gần 12 vạn quân lâm trận, vì chủ quan nên lọt vào ổ mai phục bị chết gần hết. Cổng thông tin du lịch Hà Tĩnh ngày 25/ 11/ 2014 với bài: “Đền thờ Nguyễn Thị Bích Châu” có đoạn: “Năm 1377, nhà vua đem quân đi đánh Chiêm Thành… bà xin đi theo để hộ giá. Khi… đến cửa Thị Nại (Quy Nhơn)… Chế Bồng Nga… lập mưu trá hàng… sau đó bất ngờ tiến đánh vào lúc nửa đêm… Bích Châu… trúng tên độc và từ trần vào đêm 11 rạng ngày 12/ 02 âm lịch năm 1377. Ba ngày sau… vua băng hà…”, Bà mất mới 20 tuổi vua 41 tuổi. Đoàn thuyền chở thi hài vợ chồng vua và tàn quân về Thăng Long, khi đến biển Kỳ Lợi (Kỳ Anh) vì mưa to gió lớn phải dừng lại đưa lên bờ dựng nhà làm tang lễ (nay ở đây có đền thờ); xong việc thi hài vua di chuyển đường bộ còn vợ tiếp tục đường biển, thuyền đến ngang xã Kỳ Ninh gặp gió mùa đông bắc sóng lớn đẩy dạt vào bờ đành phải an táng Bà (có vài chuyện về bà Hải mang tính huyền thoại không viết ở đây). Triều đình cho lập đền thờ cạnh ngôi mộ, thường gọi là “đền bà Hải” (vì quê Bà ở Hải Hậu, Nam Định để tránh tên húy); dân tôn thờ coi Bà là Thánh mẫu một vùng hàng năm nhiều người đến đền thờ lễ bái Bà, đền thờ Bà là di tích lịch sử cấp Quốc gia (cách QL 1A 8 Km).

-(18*) Nhà hậu Trần có 2 vua: Giản Định Đế (vua thứ 13) lên ngôi tại Ninh Bình bị Trương Phụ bắt giết, giữ ngôi 2 năm (1407 – 1409). Trùng Quang Đế (vua thứ 14) chạy vào Nghệ An sau chuyển vào xã Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh; tại xã Yên Hồ (xã có đền thờ Nguyễn Biểu) ông cho xây dựng kinh đô Bình Hồ, chiêu binh mãi mã, tuyển mộ hào kiệt và làm lễ đăng quang lên ngôi Hoàng đế ngày 17/ 3/ 1409 âm lịch; ở đây 4 năm (1409 – 1413) rồi vào Thừa Thiên- Huế… bị Trương Phụ bắt tại Thừa Thiên- Huế đưa xuống thuyền về Tr Quốc nhưng đến cửa biển Cửa Hội (hoặc sông Lam đoạn gần cửa biển) ông nhảy xuống nước tự vẫn ngày 9/ 5/ 1414 âm lịch khoảng 25 tuổi, giữ ngôi 5 năm (1409 – 1414); lăng mộ và đền thờ tại xã Hưng Lộc, TP Vinh.

Nguyễn Biểu (quê Yên Hồ, Đức Thọ) chức danh “Điện tiền ngự sử” làm tướng nhưng giỏi cả văn thơ, được Trùng Quang Đế cử “đi sứ” đến trại Trương Phụ ở núi Lam Thành để cầu phong và điều đình giảng hòa thực hiện kế hoãn binh… Tr Phụ dọn cỗ đầu người ép Nguyễn Biểu ăn, sau đó trói vào cột cầu (một nhánh sông Lam) thủy triều lên chết ngạt ngày 1/ 7/ 1413 âm lịch lúc khoảng 63 tuổi, đền thờ ông ở Yên Hồ, Đức Thọ và Nghệ An có từ thời nhà Lê.

-(21*) Từ xã Thọ Thành đến Trung Lễ 80 km không xa nhưng vì sao 3 bố con cụ Như mất liên lạc với quê nhà, không cho biết quê ở đâu, vì sao bỏ chữ “Đăng” tên lót ?… đó là điều bí ẩn! Cho đến năm 2001 ông Trần Lê Xuân (đời 13, phái 3) tìm được gốc tích kết thúc gần 400 năm “không rõ nguồn gốc”. Cụ Như tạ thế do tuổi già an táng nơi cánh đồng Bùi Xá, 2 con cụ Như phần mộ ở cánh đồng xã Đức Thủy; đời thứ 3, cả 2 anh em Trần Triều và Trần Đình chôn ở cánh đồng xã Đức Xá và Đức Nhân… năm 1968 cải táng đưa về nghĩa trang Bà Lớn Trung Lễ.

-(22*) Thời phong kiến họ Trần Lê đã có tôn đồ, thế phả, phả ký và sổ trường sinh ghi chép tương đối đầy đủ từ đời thứ nhất (Tr Như) đến đời thứ 11 viết bằng chữ Hán (chữ Nho). Năm 1965 biên soạn lại Gia phả lần thứ nhất, lúc đó cụ Trần Thiện Kế (cụ giáo Ngụ) đời thứ 11 là thầy đồ nho uyên thâm người thôn Trung Nam đã sưu tầm và dịch sang chữ Quốc ngữ gửi cụ Lê Thước (đời thứ 11) làm việc tại Hà Nội, cụ Thước cùng dịch lại có bổ sung một số con cháu đến đời 14 với sự góp ý các bậc cao niên, hoàn thành năm 1970. Năm 1978 chỉnh lý Gia phả lần thứ nhất, năm 2002 chỉnh lý lần thứ 2, năm 2006 chỉnh lý lần thứ 3, năm 2016 chỉnh lý lần thứ 4.

II- Trực hệ của cụ Trần Đăng Như (Trần Như) 21, 20 hay 17 đời ?

Trực hệ từ đời thứ nhất (Trần Kinh) đến đời thứ 9 (Trần Nguyên Đán) các tài liệu đều viết giống nhau, từ đời thứ 10 trở đi khác nhau. Căn cứ vào 6 bài viết đăng trong tập san “Khí phách Rừng Thần” và trên website “dòng họ Trần Nguyên Hãn” của Ban liên lạc dòng họ Tr Ng Hãn:

  • Tìm hiểu về gốc tích họ Trần (biết Tổ họ Trần VN từ đâu đến và đến nay là mấy năm…).
  • Họ Trần và nguyên tổ Hoàng đế triều Trần (biết tên một số danh nhân và các vua Trần..).
  • Thân thế, sự nghiệp Đức Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Có đoạn: “…Trước họa tru diệt… Trần Nguyên Đán… phải cho con trai là Trần Án cùng con dâu Lê Thị Hoàn đang mang thai… từ Chí Linh lên làng Quan Tử… Trần Án… gọi… Trần Thúc Quỳnh là anh… Theo Trần gia ngọc phả lưu trữ tại viện Hán Nôm ký hiệu A 2046 thì … Trần Thúc Quỳnh có con là… Trần Thuần Đức hiện nay là tổ của một dòng họ ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trần gia ngọc phả viết: Trần Thuần Đức sinh ra… tiếp nối 19 đời không có ai là Trần Nguyên Hãn… Trần Thuần Đức… không đổi tên là Trần Án…”.
  • Một số tư liệu lịch sử về dòng họ Tr Nguyên Hãn, có đoạn: “Trần Nguyên Hãn là con Trần Án, cháu nội của quan Tư Đồ Trần Nguyên Đán”.
  • Tổ Trần Án thân sinh Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn là ai ?. Có đoạn: “… Như vậy chúng ta có thể tin chắc rằng ông Trần Nguyên Hãn là con ông Trần Án, là cháu nội cụ Trần Nguyên Đán, là con cô, con cậu với ông Nguyễn Trãi… Quan hệ giữa Trần Nguyên Hãn với Trần Thuần Đức là anh em con chú, con bác. Không có chuyện ông Trần Nguyên Hãn là con ông Trần Thuần Đức đổi tên…”. Từ 5 tài liệu đó đã khẳng định Tr Nguyên Hãn đời 11 chứ không phải đời 12 và không có Tr Thúc Quỳnh trong trực hệ.
  • Biên bản công nhận dòng họ Trần Lê đại tôn ngày 23/ 8/ 2002. Xác định cụ Trần Như đời thứ 17 lập thành 6 bản và coi như văn bản “Pháp lý” để cho Chi họ Trần ở 4 xã: Trung Lễ, Diễn Xuân, Thọ Thành, Mã Thành thực hiện.

*  Hãy lần theo 6 dẫn chứng trên mỗi người tự thống kê lại sẽ có trực hệ từ cụ Trần Kinh đến Trần Đăng như là 17 đời như đã viết ở phần trước. Đối chiếu với bản 21 đời tăng 4 cụ: giữa Tr Nguyên Đán với Tr Nguyên Án thêm Tr Thúc Quỳnh; giữa Tr Chân Tính với Tr Yết Tâm thêm Tr Thiện Hạnh, Tr Huệ Hương, Tr Huệ Minh; thế nhưng theo phân tích 21 đời không đúng, mà 20 đời (bỏ Tr Thúc Quỳnh) cũng chưa chính xác vì cả 21 và 20 đời đều chưa có Biên bản thống nhất của Chi họ Trần 4 xã. Dẫu chọn số nào khác 17 đời đều phải có Biên bản thống nhất của 4 Chi họ và các thành viên như trong Biên bản 23/ 8/ 2002 để kiểm tra thẩm định, ký xác nhận.

Khi chưa có văn bản mới, họ Trần Lê đại tôn ở xã Lâm Trung Thủy tạm công nhận trực hệ 20 đời và “theo phả tộc Trần Việt Nam cụ Trần Đăng Như là đời thứ 17”.

III – Trần Pháp Độ: sinh năm 1424 quy tiên năm 1509, 85 tuổi; con thứ 3 (có tài liệu viết con thứ 5) của Trần Nguyên Hãn, là một đồng tử được cứu tại bến Đông Hồ. Năm 1429 sau khi Tr Ng Hãn tự vẫn, ông và mẹ bị Lê Lợi (Lê Thái Tổ) bắt về quản thúc tại Thăng Long. Năm 1454 (26 năm sau) vua Lê Nhân Tông (cháu Lê Lợi) đại xá minh oan cho Tr Ng Hãn và tha cho vợ con ông. Tr Pháp Độ được Lê Nhân Tông mời vào triều làm quan giữ chức “Thiết chế lễ Tướng công” chuyên trông coi lễ nghi, kỷ cương trong triều. Tr Pháp Độ có 3 người con trai (đời 13) có tài liệu viết 4 con:  – Con trưởng Trần Công Sủng, sinh năm 1467, các chi họ và hậu duệ hiện nay ở các xã phía Nam huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa và các xã phía Bắc Quỳnh Lưu, Nghệ An.

– Con thứ 2 là Tr Đạo Tín, sinh năm 1472 các chi họ ở Hậu Lộc – Thanh Hóa và Nghệ An.

– Con thứ ba là Tr Thiện Tính (hiệu Chân Thường, húy Trần Khương) sinh năm 1475 lập nghiệp tại Yên Thành, Nghệ An; mộ cụ ở Văn Thành, Yên hành, Nghệ An.

Tr Thiện Tính sinh ra 3 trai: Tr Chân Tịch (hiệu là Huyền Nghiêm, húy Phúc Quảng), Tr Chân Tính (hiệu Huyền Thông, lấy 2 vợ sinh 11 người con trai, mộ cụ tại Diễn Lâm), Tr Chân Thiên (hiệu Huyền Linh, húy Sinh Thiên, giỏi địa lý phong thủy); đời sau một số chuyển vào Thanh Chương (Nghệ An), Can Lộc, Đức Thọ (Hà tĩnh) và các tỉnh phía Nam.

Năm 1470 dưới triều Lê Thánh Tông, Tr Pháp Độ xin hưu quan đưa vợ và 3 con về Tống Sơn (nay thuộc huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa); 6 năm sau cho vợ và Tr Đạo Tín ở lại Tống Sơn, còn cụ cùng với 2 con là Trần Công Sủng và Trần Thiện Tính vào Nghệ An, sau khi ổn định cụ với Tr Công Sủng trở ra xã Mai Lâm, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa.

Ở Thanh Hóa được vài năm, cụ trở vào với con út Thiện Tính khai hoang, truyền bá việc học và đạo làm người… lập xứ Nương Mao gồm các xã Vĩnh Thành, Nhân Thành, Hợp Thành thuộc huyện Yên Thành và một số xã của Diễn Châu giáp với Yên Thành…

Đến thời vua Lê Hy Tông (1675- 1705) cho xây đền thờ cụ Pháp Độ và cấp công điền tế tự; các Triều đại sau ban tặng cụ “Thượng Thượng đẳng thần” với nhiều đạo sắc phong, là Thành Hoàng bản xứ. Đền thờ Tướng công Tr Pháp Độ tại xã Diễn Thắng được nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử, nhưng mộ cụ lại ở xã Nhân Thành cho nên tại xã này cũng có nhà thờ cụ. Tr Pháp Độ là Thủy tổ họ Trần vùng Thanh Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi… Cụ có những hậu duệ ưu tú như: Tổng bí thư Trần Phú (quê Hà Tĩnh), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (quê Quảng Ngãi)…

IV- Chi họ Lê Công và nhà thờ Lê Dụ? Câu chuyện bắt đầu từ ông Trần Đôn Cung (đời thứ 6, Phái 6), ông Cung lấy 2 vợ là người cùng xã; vợ đầu sinh 2 trai khai sinh họ Trần, cháu chắt của anh đầu đến đời thứ 10 không có con nhận Tr Trọng Đạt- đời 11 (bố Tr Văn Bá) về nuôi… Vợ 2 tên là Lê Thị Thiều, bà Thiều sinh con trai được vài tháng thì ông Cung qua đời, bà đem con về bên ngoại nhờ nuôi đặt tên là Lê Công Tuần (7); các đời sau có: Lê Công Phó (8), Lê Dụ (9), Lê Trọng Liệu (10), Lê Thước (11), Lê Thiệu Huy (12)… Trở thành Chi họ Lê Công có nhà thờ riêng (xây dựng lại toàn bộ năm 2019) ở trong xã mang tên Lê Dụ, đến đời 13 có Lê Công Hóa (con là Lê Công Đức) làm Tộc trưởng Chi họ này ?… Bà Thiều tái giá lấy người họ Nguyễn cùng xã sinh một trai rồi cũng chồng chết đem con nhờ ngoại nuôi để lấy chồng tiếp (3 chồng); người con trai đó khai sinh họ Lê nhưng đời sau đổi lại họ Nguyễn sinh ra dòng dõi cố cháu Lù, nay có Nguyễn Hữu Thọ (thôn Trung Nam) làm Chủ tịch xã là một trong các hậu duệ của cụ.

Thời Hồ Quý Ly và Lê Lợi… người họ Trần bị truy sát phiêu bạt tứ phương, nhiều người đổi sang họ: Mai, Đặng, Đào, Cao, Bùi, Quách, Trịnh… nhưng việc đổi sang Lê Công vì lý do khác.

V- Lê Thiệu Huy: là đời thứ 12 của cụ Trần Như trong gia đình khoa bảng, có bố là Lê Thước (đời 11) đậu Giải nguyên giỏi chữ Hán, nôm, Pháp; là nhà giáo dục, nhà biên khảo Hán-Việt, hiệu đính truyện Kiều bất hủ và chí sĩ cách mạng; có cụ cố Lê Dụ (đời thứ 9) là Khâm sai đại thần triều đình Huế được vua Tự Đức tặng nhiều sắc phong; có can Lê Công Phó (đời thứ 8) phẩm hàm “Quang lộc tự khanh”. Lê Thiệu Huy có trí tuệ siêu phàm, thông thạo nhiều thứ tiếng… xứng danh thần đồng Đông Dương đỗ thủ khoa 3 bằng cử nhân Pháp cấp, các nhà khoa học lừng danh phải khâm phục; được Pháp mời đi du học với học bổng toàn phần nhưng ông chọn con đường cách mạng… Giữ chức Tham mưu trưởng liên quân Việt – Lào, trong lúc làm nhiệm vụ đã xả thân bảo vệ Hoàng thân Xu Pha Nu Vông vượt qua sông Khóng (một nhánh của sông Mê Kông) hy sinh lúc 26 tuổi (1921- 1946) khi tài năng, uy tín, sự nghiệp đang phát triển.

VI Trần Hưng Đạo (THĐ) diệt trừ âm binh, tà ma, quỷ dữ: THĐ sinh năm 1228, mất (chết già) 20/ 8 âm lịch năm 1300, thọ 72 tuổi; là con An sinh vương Trần Liễu tại phường Lộc Vượng, thành phố Nam Định; Ngài hóa Thánh hỏa táng bỏ tro cốt vào bình đồng chôn dưới đất lấp bằng trồng cây lên đề phòng giặc và quân phiến loạn, nơi chôn đến nay chưa biết có thể trong vườn An Lạc thuộc Côn Sơn – Kiếp Bạc (nay thuộc thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương).

Lần chống giặc Nguyên lần 2 ông viết bài “Hịch tướng sĩ” và “Binh thư yếu lược” để khích lệ và luyện quân. THĐ và 4 con trai đều là tướng đánh giặc Nguyên, năm 1288 đánh xong giặc lần 3 ông trở về Thái ấp Vạn Kiếp (Hải Dương) vui thú trang viên chăm sóc vườn thuốc quý…

Ông là bậc Thánh nhân quân tử đã vì nước vì dân, được dân kính trọng tôn thờ gọi là “Đức thánh Trần”. Hiện nay dân ta đang phụng thờ 3 thánh người thật: Tr Hưng Đạo, Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp; ngoài ra còn thờ Thánh tâm linh như: Thánh Gióng (Sóc Sơn, Hà Nội), Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì, Hà Nội) và các Thánh Mẫu: Thánh Mẫu Liễu Hạnh (Phủ Dầy, Nam Định), Thánh Mẫu YA Na hay nữ thần Po Nagar (tháp Chàm, Nha Trang), Linh Sơn Thánh Mẫu (Bà Đen, Tây Ninh), Bà Chúa Xứ (Châu Đốc, An Giang)…

Truyền thuyết về Đức thánh Trần thần thông biến hóa, hiển linh cứu nạn, diệt trừ âm binh, tà ma, quỷ dữ trong đó có tướng giặc Phạm Nhan. Có nhiều cách kể khác nhau tóm tắt như sau: Xưa có người đàn ông quê ở Quảng Đông, Trung Quốc sang Việt Nam buôn bán lấy vợ tại phường Hưng Đạo, Đông Triều, Quảng Ninh sinh con trai đặt tên Nguyễn Bá Linh, lớn lên về nước đặt tên chữ Phạm Nhan (PN) thi đỗ làm quan rồi gia nhập quân triều đình nhà Nguyên; PN giỏi bùa phép, tà thuật và ham mê thiếu nữ đàn bà đến mức quái đản. Trong cuộc xâm lược lần thứ 2, vua Hốt Tất Liệt sai Thái tử Thoát Hoan thống lĩnh 50 vạn quân Nguyên và PN chỉ huy một cánh quân đánh vào Đại Việt, PN có hình dáng kỳ quái mặt chuột, tai dơi, mắt lươn ty hý, ngồi trên lưng ngựa tay cầm kiếm, đầu để trần tóc dài trắng xỏa xuống như một đạo sĩ… Đợt đầu đánh nhau với quân THĐ khi 2 bên dàn trận xong thì PN tay bắt quyết, miệng lẩm nhẩm đọc thần chú; trời đang trong xanh bỗng mây đen kéo đến che không gian tối đen, trên không trung dội xuống muôn vàn tiếng hò reo chói tai của âm binh thiên tướng và gạch đá ném xuống quân ta tới tấp; đồng thời PN dùng tà thuật tay vung ra một nắm hạt đỗ tức khắc biến thành vài trăm chiến binh khổng lồ đầu trâu mình đồng da sắt, mặt mày dỡ tợn, tay cầm khí giới lừng lững tiến lên phía trước che chắn cho đoàn quân phía sau; cung tên của quân THĐ nhọn sắc nhưng bắn không thủng, chém không đứt… THĐ đã biết thuật đó nhưng vì bất ngờ nên phải cho lui binh; ngày hôm sau THĐ cho quân chuẩn bị máu chó trộn với cứt, nước đái hôi thối rồi tẩm vào rất nhiều mũi tên… Lần này THĐ đem quân đến đánh, PN hùng hổ nhảy lên ngựa nghênh chiến, tay cầm kiếm dàn trận gióng trống phất cờ rồi đọc thần chú và trời lại tối đen, âm binh lại xuất hiện; quân lính của THĐ bắn rất nhiều mũi tên bẩn lên trời xua tan đám mây đen và bắn vào hàng quân của PN; thiên tướng biến mất làm rơi xuống đất rất nhiều giấy vụn, giẻ rách đủ màu. Quân PN rối loạn, quân của THĐ thừa thắng xông lên bắt được PN lấy dây trói lại, nhưng nó tự thu nhỏ người tàng hình biến mất. Trận tiếp vẫn bắt được PN, rút kinh nghiệm phải chém đầu ngay nhưng đầu rơi xuống đất máu không chảy rổi tự bay lại nối liền vào cổ… thu người rồi trốn.

THĐ biết rằng khó bắt PN để xử tử cho nên đã vận động nhân dân vùng quanh đó điều tra tìm hiểu, may nhờ có bà lão bán hàng quán đã khôn khéo chuốc rượu gợi chuyện để moi tin từ những tướng thân cận của PN mới biết được cách phá ma thuật của PN. Phải dùng dây ngũ sắc trói thì mới không thu người nhỏ lại; dùng cứt gà sáp, bồ hóng, ớt cay và vôi tôi trộn với nhau bôi vào kiếm để chém thì đầu không mọc lại được… quả nhiên lần này bắt trói và chém PN ra thành nhiều khúc, đầu vừa rơi xuống thì đàn chó nhảy chồm vào kéo ra nơi khác cắn nát; xác của PN vứt xuống nước biến thành đỉa, vứt vào rừng biến thành vắt, vứt trên đất liền thì biến thành muỗi hút máu; ngoài ra hồn ma của nó biến thành quỷ bay lơ lửng trong không gian tìm phụ nữ hành kinh, băng huyết, hậu sản để hút máu; trước năm 1965 nhiều nơi gia đình có phụ nữ sinh đẻ thường treo gai bồ kết, gai mây… ngoài cửa cổng, trước cửa buồng, đồng thời tới đền hoặc điện thờ Đức thánh Trần xin lá bùa về trấn yểm…Ngày nay, đền thờ và tượng đài THĐ có ở nhiều nơi trên lãnh thổ Việt Nam.

VII- Huyền tích về câu chuyện mộ táng vào nơi phát đế vương

Nhiều tài liệu viết khác nhau về tên và quê quán thầy địa lý là Trung Quốc hay Việt Nam? di dời mộ Trần Tự Mai (ở Quảng Ninh) hay Trần Kinh (ở Nam Định) về Thái Bình?… Sơ lược lại như sau: Có người tên là Đoàn Thông (ĐT) giỏi phong thủy địa lý và thông thạo chiêm tinh chuyên đi tìm đất phong thủy cho các nhà giàu; khi đến vùng xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình thấy có một gò hỏa tinh nổi trên mặt nước, chung quanh có nhiều gò nhỏ quần tụ chầu vào gò lớn; quan sát kỹ thấy linh khí từ gò hỏa tinh bốc lên ngùn ngụt. Bấy giờ, ở gần đấy có người giàu tên là Nguyễn Cố (NC) muốn tìm đất đặt mộ, biết được ý định đó ĐT tìm vào nhà NC hỏi chuyện, Nguyễn Cố mở tiệc thiết đãi tử tế và mời thầy ở lại vài ngày. Thầy đã bày cho NC dời mộ tổ tiên đến táng vào gò Hỏa Tinh và quả quyết rằng chỉ một thời gian ngắn nhất định gia tộc NC sẽ phát không làm vua thì cũng nhất phẩm triều đình; khi thành đạt, giàu sang ông mới tính chuyện lấy tiền… Ba năm sau Đoàn Thông trở lại ngỡ ngàng trước nhiều thay đổi khác lạ về quyền chức, địa vị, gia cảnh nhà Nguyễn Cố giàu có bề thế; sự xuất hiện của thầy địa làm cho vợ chồng Nguyễn Cố phát sinh ý xấu không muốn trả khoản tiền hậu tạ như trước đây đã cam kết. Tối ấy Nguyễn Cố mở tiệc khoản đãi chuốc rượu cho thầy uống say chí tử, trói lại rồi nhốt vào cái rọ tre thả trôi sông nhưng mệnh thầy chưa dứt. Hôm ấy nước thủy triều đang xuống Trần Hấp đánh cá chống thuyền tình cờ qua bãi nổi, thấy chiếc rọ tre trôi dạt vào cồn cát cùng lúc lại nghe tiếng người kêu cứu, ông vội cho thuyền đến. Trong rọ một người đàn ông khoảng 50 tuổi bị trói sắp chết lạnh, Trần Hấp tìm cách cứu người rồi đưa về nhà thuốc thang cơm cháo…

Để trả ơn cứu mạng, sau một lát bắt quyết tính quẻ và nhìn thiên văn thầy mới hiến cho Trần Hấp một kế và dặn rằng: vào đêm của ngày, tháng… (cách 5 tháng sau) sẽ có mưa to gió lớn, sấm sét nổi lên, ông ra ngay mộ cha Nguyễn Cố rạch mấy đường ngang dọc rồi lấy máu chó đổ xuống, khi mưa tạnh chắc chắn NC ra xem thấy vậy sẽ khiếp sợ dời mộ ngay, sau đó ông đưa mộ tổ tiên đến táng vào chỗ đó, gia tộc nhất định sẽ phát triển thịnh vượng lưu danh muôn thuở; đồng thời thầy lại đến nhà Nguyễn Cố trong một buổi chiều u ám, Nguyễn Cố thấy ông xuất hiện cứ tưởng hồn ma sợ hãi sụp lạy xin tha mạng; thầy địa nói với Nguyễn Cố, số tôi có trời phù hộ không thể chết được; mấy năm trước tôi khuyên ông táng mộ cha vào gò Hỏa Tinh vội quá nên chưa bày hết thuật nay đến cốt chỉ bày tiếp để được ứng nghiệm nhưng ông đã phản thầy giết người quỵt nợ sự nghiệp mới tạo dựng sẽ nhanh tiêu tan, muốn bình yên thì ông phải thành tâm nghe ta nói đây: vào ngày nọ tháng kia… (giống như đã nói với Tr Hấp) trời nổi giông tố, khi mưa lặng gió dừng ông ra mộ cha mà thấy nứt nẻ, máu chảy đỏ dòng thì phải dời mộ ngay, để chậm không những mình ông mà cả vợ con, nội thân dòng tộc cũng bị tai họa lớn… Nguyễn Cố không dám làm sai, rồi sự việc diễn ra đúng như lời thầy đã sắp đặt cho cả 2 bên.

Trong bài “Tìm hiểu về gốc tích họ Trần” viết: Tr Hấp chuyển hài cốt ông nội (Tr Tự Mai) từ Đông Triều, Quảng Ninh về mật táng tại gò cát địa Hỏa Tinh tại hương Đa Cương, phủ Long Hưng; làng Lưu Xá, xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình; đồng thời chuyển cả gia đình và bố (Tr Kinh còn sống) từ Nam Định sang ThBình (tài liệu khác thì viết chuyển mộ cụ Trần Kinh…).

Nhờ hồng phúc lớn, từ khi Trần Hấp táng hài cốt tổ tiên vào nơi đất phát vương thì vài năm sau Trần Lý (con Trần Hấp) giàu có nổi tiếng khắp vùng, đến đời con của Trần Lý có Trần Thị Dung làm Hoàng hậu và Trần Thừa cùng các em đều làm quan; đời con của Trần Thừa có Trần Cảnh (tên húy là Trần Bồ) lên ngôi vua rồi Trần Thừa lên làm Thái thượng hoàng sau đó là Trần Thái tổ (cụ Tổ của các vua nhà Trần)… ngôi báu nối truyền kế vị được 12 đời, có tất cả 14 vua.

VIII –  Tài liệu tham khảo

– Sách “Các triều đại Việt Nam” của Quỳnh Cư – Đỗ Đức Hùng, nhà xuất bản Thanh niên 1995.

– Sách “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” của Hà Văn Thu – Trần Hồng Đức, in năm 2007.

– Cổng thông tin dòng họ Tr Nguyên Hãn có các bài: Tìm hiểu về gốc tích họ Trần. Họ Trần và nguyên tổ Hoàng đế triều Trần. Chương túc quốc thượng hầu Đại tư đồ Tr Ng Đán. Thân thế sự nghiệp Đức tả tướng quốc Tr Ng Hãn. Một số tư liệu lịch sử về dòng họ Tr Ng Hãn. Tổ Trần Án thân sinh Tả tướng quốc Tr Ng Hãn là ai?. Sự hình thành, phát triển và hoạt động của họ Tr Ng Hãn Thanh Nghệ Tĩnh. Sơ đồ Phả hệ Thủy tổ Trần tộc (xóa cuối năm 2019 hoàn chỉnh thêm).

– Báo Nông nghiệp điện tử ngày 30/ 7/ 2018 có bài “Ai nặn ra nhân vật Trần Hoằng Nghị là cha Trần Thủ Độ? ”…

– Tập san “Khí phách Rừng thần” của Ban LL dòng họ Tr Nguyên Hãn Việt Nam, số 5/ 2016 có bài: “Thân thế Thống quốc Thái sư Tr Thủ Độ”.

– Biên bản công nhận dòng họ Trần Lê đại tôn ngày 23/ 8/ 2002.

– Gia phả họ Trần Lê đại tôn. 3 bài viết của ông Trần Trúc Ngân về: Cụ Lê Ninh anh hùng bất tử, Người họ Trần trên đất Trung Lễ, Trung Lễ anh hùng (chuyện thơ gần 800 câu song thất lục bát) và một số sách vở tài liệu khác…

Viết lại tại thành phố Vinh, ngày 20 tháng 10 năm 2021          

                                                  Trần Điện Năng – đời thứ 14, Phái Giáp tam (Phái 3).

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles