spot_img

DÒNG HỌ HIỂN HÁCH, DANH GIA VỌNG TỘC VÀ NGƯỜI HỌ TRẦN LÊ ( Phần I )

       Từ thời Phong kiến đến nay xã Trung Lễ nhiều lần đổi tên trong đó Ngu Lâm rồi Cổ Ngu là tên chung cho cả 3 xã Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy; năm 1930 Chính quyền tách 3 xã ra, khi Pháp đến cai trị vẫn giữ danh xưng xã ta là Trung Lễ và chia thành 2 làng Lạc Thiện- Quy Nhân (đường đi dọc phía trước nhà thờ họ Lê, nửa phía bắc gọi là làng Quy Nhân, phía nam là Lạc Thiện); hòa bình đổi là Đức Trung, rồi sau lại Trung Lễ, đến ngày 01/01/ 2020 sáp nhập 3 xã trở lại đặt tên mới là Lâm Trung Thủy. Trong bài này khi viết tên xã Lâm Trung Thủy cũng chỉ nói về xã Trung Lễ xưa (và ngược lại). Dân xã Trung Lễ phần lớn làm nhà sát bên phía bắc quốc lộ 8A điểm đầu đối diện Trường THPT  Trần Phú, điểm cuối là ngã 3 Lạc Thiện…

     Tôi đã sưu tầm sách báo, tài liệu… rồi chọn lọc biên soạn lại; tái bản lần thứ 10 có sửa chữa, bổ sung và bài này để thay thế bài đã đăng đã in những lần trước. Câu chuyện kể về một số nhân vật họ Trần có tầm ảnh hưởng lớn và trực hệ cụ Trần Đăng Như; tên người và các sự kiện chính căn cứ vào các bài viết trên trang website và tập san “Khí phách Rừng thần…” của dòng họ Trần Nguyên Hãn Việt Nam; Biên bản công nhận dòng họ, Gia phả họ Trần Lê đại tôn… và trong thôn xã (vì nhà Tôi xưa ở thôn Trung Nam); ngoài ra còn mở rộng những câu chuyện sự việc khác, biết xa đề nhưng viết cho người muốn tìm hiểu thêm. Bài có 3 phần chính, ngõ hầu trao đổi với những ai quan tâm tới lịch sử và dòng họ.          

 

                                                   

—————————————–

PHẦN 1DÒNG HỌ HIỂN HÁCH, TRẦN ĐĂNG NHƯ DANH GIA VỌNG TỘC

Căn cứ 2 bài viết “Tìm hiểu về gốc tích họ Trần. Họ Trần và nguyên tổ Hoàng đế triều Trần” trong tập san “Khí phách Rừng Thần”, trên website dòng họ Trần Nguyên Hãn và tài liệu khác biết được Tổ tiên của nhà Trần Việt Nam là Trần Tự Minh (TTM) tộc Mân Việt, thuộc dòng Bách Việt (1*) sống ở đất Mân, quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc. Dưới thời Hoàng đế Tần Thủy Hoàng (2*) cai trị thiên hạ, ông là võ tướng tước vị Phương Chính hầu. Sau khi thống nhất Trung Quốc, năm 218 trước công nguyên (TCN) Tần Thủy Hoàng (TTH) sai tướng Đồ Thư đem 50 vạn quân vượt sông Dương Tử (Trường Giang) xâm lược vùng đất Bách Việt (10 năm sau Đồ Thư bị Thục Phán giết)… Vì mâu thuẫn giữa người Hán và người Bách Việt, Tr Tự Minh đã theo dòng người Bách Việt di cư xuống phía Nam tham gia lực lượng của Thục Phán – An Dương Vương (3*), ông cùng với tướng Cao Lỗ (người chế tác nỏ Liên châu – nỏ thần và chỉ huy xây thành Cổ Loa) giúp vua nhiều lần đánh thắng cuộc xâm lăng của Triệu Đà (4*) và trở thành vị tướng tài ba… Nhưng rồi An Dương Vương (ADV) nghe lời gian thần dèm pha làm cho Cao Lỗ bỏ về quê, TTM lánh nạn về Kinh Bắc; sau đó ADV bị Triệu Đà dùng “kế thông gia” cho con trai Trọng Thủy lấy Mỵ Châu để làm gián điệp nên 2 bố con phải trả giá bằng mạng sống của mình kết thúc 50 năm trị vì và một triều đại oanh liệt, làm mất giang sơn xã tắc năm 207 TCN, mở đầu giai đoạn đất nước chìm đắm trong hơn một ngàn năm Bắc thuộc.

“Họ Trần… cư ngụ ở Kinh Bắc, truyền đến đời Trần Tự An (1010 1077)… Trước khi qua đời, Trần Tự An khuyên con trai là Trần Tự Mai nên tìm cách chuyển võ đường… đi một nơi khác….”; như vậy người họ Trần sống trên đất Kinh Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) đến đời Tr Tự An (ông nội của Trần Kinh) khoảng 1.295 năm (218 TCN + 1077) và gốc tích nhà Trần tính từ khi Tr Tự Minh sang Việt Nam đến năm 2021 là 2.239 năm (218 TCN + 2021).

Ban đầu Tr Tự Mai chuyển về sống ở xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh mở võ đường và làm nghề đánh cá xây dựng cơ nghiệp; đến đời con Trần Kinh (tên khác là Tr Quốc Kinh, Tr Tự Kinh) sinh khoảng năm 1103, lớn lên rồi trên đường đi làm ăn chuyển về sống và lấy vợ tại làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, cách trung tâm TPhố 3 km) sinh được Trần Hấp (Tr Tự Hấp, khoảng năm 1135) và Trần Tự Duy, cả 2 anh em đều võ công cao thủ mở võ đường nhưng vẫn theo nghề sông nước.

Trần Hấp sinh ra Trần Lý, Tr Lý sinh ra: Trần Thừa (1184 – 18/01/1234 âm), Tr Tự Khánh, Tr Thị Dung, Tr Thị Tam Nương. Tr Thừa sinh ra Tr Liễu (bố của Tr Quốc Tuấn), Trần Cảnh (Tr Bồ), Tr Nhật Hiệu, Tr Bà Liệt (bố Tr Quốc Toản), Tr Thị Thụy Bà và Tr Thị Thiên Thành.

Tr Tự Duy sinh Tr Thủ Huy, Tr Thủ Huy (5*) sinh Tr Thẩm (An Quốc vương) và Tr Thủ Độ.

Một lần đánh cá trên sông Tr Hấp thấy người bị nạn cứu vớt đưa về nhà chăm sóc không ngờ đó là thầy địa lý và chiêm tinh giỏi… Để cảm tạ, thầy đã chỉ cho Tr Hấp chuyển hài cốt ông nội (Tr Tự Mai) từ Đông Triều, Quảng Ninh về xã Tiến Đức, Hưng Hà (Long Hưng xưa), Thái Bình táng vào gò hỏa tinh, đồng thời chuyển gia đình từ Nam Định sang Thái Bình để tiện trông giữ phần mộ (chuyện ở ghi chú); thế nên Trần Hấp và đời Trần Lý (con), Trần Thừa (cháu)… đều sống ở Thái Bình. Ngày nay hậu duệ của Trần Tự Minh sống khắp nơi trong cả nước…

Tại xã Tiến Đức, Hưng Hà,Thái Bình nơi có đền thờ, lăng mộ của Tr Kinh, Tr Hấp, Tr Lý, Tr Thừa, Tr Thủ Độ, Tr Thị Dung, Tr Thái Tông, Tr Thánh Tông, Tr Nhân Tông, mộ các hoàng hậu, công chúa, vương hầu. Nơi đây là căn cứ huấn luyện và tập dượt thủy quân… Vậy nên Thái Bình là quê cha đất tổ của các vị vua Trần, là nơi khởi nghiệp của vương triều Trần. Như vậy Tr Tự Minh từ Trung Quốc sang định cư tại Từ Sơn, Bắc Ninh; Tr Tự Mai từ Bắc Ninh chuyển về sống ở Đông Triều, Quảng Ninh; Trần Kinh từ Đông Triều chuyển về Tức Mặc, Nam Định; Trần Hấp từ Nam Định chuyển sang Thái Bình.

Tại Thiên Trường Nam Định nơi ngày nay có chùa Phổ Minh, có đền Trần (6*). Vùng rộng lớn quanh khu vực đền Trần xưa kia gọi là Phủ Thiên Trường, đó là nơi Tr Kinh đến sinh sống và lấy vợ, là nơi dựng cờ dấy nghĩa của 3 lần chống quân Nguyên Mông (7*), là nơi khi Trần Cảnh lên ngôi cho xây dựng nhiều lầu son cung điện (giặc Minh đốt phá hết ở thế kỷ 15); là nơi có nhiều dinh thự, thái ấp của các công hầu khanh tướng… là nơi các Thái thượng hoàng từ Thăng Long lui về nghỉ dưỡng đồng thời cũng là nơi để các vua con trở về vấn an và bàn việc Quốc gia đại sự, Phủ Thiên Trường coi như kinh đô thứ 2 (ngoài Kinh đô Thăng Long).

Tô Trung Từ là quan lớn dưới triều Lý (1009 – 1225) có chị gái lấy Trần Lý cho nên lúc Triều đình biến loạn Thái tử Lý Hạo Sảm (Lý Huệ Tông, vua đời thứ 8) mới 15 tuổi chạy về Hải Ấp (xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình) nơi Tr Lý cai quản. Tr Lý biết đây là cơ duyên lớn nên đã có ý tác hợp cho con gái của mình tên là Trần Thị Dung… Đó là cuộc hôn nhân chính trị và là một thiên tình sử để rồi đưa một cô gái làng chài nhỏ bên dòng sông Luộc tấn phong lên ngôi vị “Linh từ quốc mẫu” cao quý… Người đặt nền móng cho triều Trần là Tr Tự Khánh, người xây tiếp và hoàn thiện là Tr Thủ Độ, Tr Lý bị tử trận dẹp loạn Quách Bốc năm 1209.

Trần Thủ Độ (sinh năm 1194 giáp dần, mất 1264, 70 tuổi) quê ở xã Canh Tân, Hưng Hà, Thái Bình; là con thứ 2 của Tr Thủ Huy, là nhân vật mà sử thần các triều đại phong kiến cho là “vừa có công, vừa có tội” nhưng hãy đặt lợi ích quốc gia trong thời điểm lịch sử để xem xét mới thấy hết tầm vóc lớn lao trên vũ đài chính trị của Trần Thủ Độ (TTĐ), rồi thời thế sẽ luận anh hùng… TTĐ lúc nhỏ được Trần Lý (bác ruột) đưa về nuôi dạy coi như con trong nhà, Tr Lý lúc đó là một cự tộc giàu có và thế lực mạnh nhất vùng, nhiều việc đều giao TTĐ thực hiện, TTĐ là chú ruột của Trần Cảnh (tên húy là Trần Bồ, sau là vua Tr Thái Tông).

Tr Thủ Độ tuy ít chữ nhưng lại thông minh xuất chúng, có tài bẩm sinh về chính trị, là nhà cải cách vĩ đại; tính thẳng thắn, cương trực; nghĩ những điều chưa ai nghĩ tới, làm những việc chưa ai làm được; nói đi đôi với làm, đã làm là quyết liệt đến cùng và không khoan nhượng. Người ta đã ví TTĐ giống như Tào Tháo: cứng rắn, khôn ngoan, tài thao lược hơn người. TTĐ có những nét tương đồng với Tần Thủy Hoàng và Thành Cát Tư Hãn là quyết đoán để nắm quyền lực tạo dựng thiên hạ… TTĐ là người khởi dựng triều Trần và chấn hưng Đại Việt. Nếu không có TTĐ sẽ không cứu vãn đất nước khi nhà Lý suy tàn, sẽ không có triều Trần để làm nên “hào khí Đông A” cao ngút trời với 3 lần đánh bại quân Nguyên Mông ở thế kỷ 13. Cuộc chiến lần thứ nhất, lúc ấy vó ngựa viễn chinh của Đế quốc Mông Cổ (8*) thiện chiến và tàn ác là nỗi kinh hoàng của toàn Châu Âu, Châu Á; thế lực giặc rất mạnh làm mọi người run sợ không biết xử lý ra sao thì Tr Thủ Độ đã trả lời vua và truyền sức mạnh quyết chiến với câu nói bất hủ mãi mãi vang lên trong dòng lịch sử dân tộc “đầu thần chưa rơi xuống đất, xin bệ hạ đừng lo”…

Mỗi vương triều đều hết hưng thịnh đến suy vong. Ánh hào quang thời hoàng kim ngày nào của nhà Lý dần mờ tắt, lúc bấy giờ vua Lý Huệ Tông  (LHT) bạc nhược bị bệnh điên bỏ bê chính sự; triều đình các phe phái cấu xé lẫn nhau, nhiều thế lực cát cứ tranh hùng xưng bá và nội chiến thường xuyên xẩy ra, nhân dân đói khổ lầm than, trộm cướp nổi lên khắp nơi giữa thanh thiên bạch nhật, ngoài biên thùy quân Chiêm Thành và Chân Lạp cướp bóc quấy phá; Đế quốc Mông Cổ thôn tính xong nước Tống và đang gây hấn các tỉnh phía Nam… cho nên mọi việc Quốc gia đại sự LHT ủy thác cho Thái úy Trần Tự Khánh (con Tr Lý) vì Tr Tự Khánh (TTK) là nhà Chính trị và viên tướng dũng mãnh mưu lược, là chiến tướng đầu tiên của họ Trần một tay xoay chuyển thiên hạ dẹp tan hết thế lực đối kháng, ông đột tử năm 1223 không rõ nguyên nhân lúc dưới 50 tuổi. LHT phong Trần Thừa (anh TTK) tước vị “Phụ Quốc Thái úy” (giống Thủ tướng kiêm Tổng tư lệnh ngày nay, rồi Thái thượng hoàng, Tr Thái Tổ- cụ Tổ các vua Trần VN) để thay TTK; Tr Thủ Độ chức vụ “Điện tiền chỉ huy sứ” quản lý các đạo quân bảo vệ kinh thành và trông coi mọi việc trong cung cấm, giữ chức vụ Điện tiền… rồi sau là “Thống quốc Thái sư” nhưng thực quyền lớn hơn cả vua. Với nhãn quan chính trị sâu sắc và tư chất sáng suốt, ông tự làm theo cách riêng của mình khác thường, phi thường, kinh thiên động địa không ngại mang tai tiếng xấu và tàn ác để gánh trên vai trách nhiệm lịch sử kiến lập nên cơ nghiệp nhà Trần.

Hoàng đế Lý Huệ Tông (LHT) sinh 2 công chúa tên là Thuận Thiên (1216 – 1248) và Chiêu Thánh (1218- 1278), vì chị đã lấy Trần Liễu cho nên gần cuối năm 1224 TTĐ đạo diễn bắt LHT thoái vị nhường ngôi cho Chiêu Thánh (Lý Chiêu Hoàng, vua nữ duy nhất ở VN) mới 6 tuổi, rồi bắt LHT đi tu; đầu năm 1225 TTĐ bắt Lý Chiêu Hoàng lấy Trần Cảnh (2 người cùng 7 tuổi), gần cuối năm nhường ngôi báu cho Tr Cảnh (Tr Thái Tông) đó là cuộc chuyển giao chính trị đầy ngoạn mục và không đổ máu, như vậy 2 con gái của em gái (Tr Thị Dung) lấy 2 con trai của anh ruột (Tr Thừa) (9*). Giai đoạn này vua còn nhỏ dại, các tôn thất nhà Trần đều thiếu kinh nghiệm chính trường cho nên Thái sư TTĐ phải nhiếp chính, thực chất mọi việc TTĐ nắm quyền giải quyết. Có nhiều cơ hội mà TTĐ không chiếm ngôi báu bởi ông xem nhẹ chức quyền, không vụ lợi riêng tư mà một lòng vì Hoàng tộc và yêu nước. Có tin đồn, năm 1226 TTĐ bắt LHT treo cổ sau chùa Chân Giáo (10*)?, LHT chết TTĐ lấy Tr Thị Dung (vợ của LHT) tức là lấy chị con bác ruột và một ngày mùa đông năm 1232 nhân dịp tế lễ vị vua nhà Lý, TTĐ lập mưu chôn sống gần hết Tôn thất nhà Lý làm cho một số người phải vượt biển sang Hàn Quốc và nước khác.

Năm 1230 vợ chồng An sinh vương Tr Liễu – Thuận Thiên sinh được 1 con trai đầu đặt tên là Tr Quốc Tung (hoặc Tr Tung là võ tướng và Thiền sư pháp danh Tuệ Trung Thượng sĩ, là thầy hướng dẫn Tr Nhân Tông đi vào cõi Thiền), năm 1237 Thuận Thiên đang có thai lần 2 được 3 tháng… ngoài ra Tr Liễu với vợ khác (11*) sinh ra được Tr Quốc Tuấn và Tr Thiên Cảm.

Chiêu Thánh (LC Hoàng) năm 14 tuổi sinh bé trai nhưng con chết, đau ốm cho đến năm 19 tuổi (1237), lúc đó Tr Cảnh lấy Chiêu Thánh được 12 năm. TTĐ lo Tr Cảnh không con kế vị nên bắt Tr Cảnh bỏ vợ lấy chị dâu (vợ anh trai cũng là chị vợ) đang có sẵn đứa con trong bụng (năm 40 tuổi Chiêu Thánh lấy Lê Phụ Trần danh tướng nhà Trần, sinh ra Lê Phụ Hiền tức Lê Tông, được ban danh hiệu quốc tính Bảo Nghĩa vương Tr Bình Trọng và 1 gái tên Ngọc Khuê).

Hai anh em Tr Liễu và Tr Cảnh quyết liệt phản đối việc làm trái đạo đức, Tr Cảnh bỏ lên chùa Hoa Yên ở núi Phù Vân – Yên Tử định đi tu nhưng TTĐ vừa cứng rắn vừa khéo thuyết phục nên phải quay về kinh đô, còn Tr Liễu đem quân nổi dậy bị TTĐ vây bắt may nhờ có Tr Cảnh và các quan cầu xin mới tha chết.

Thuận Thiên sinh lần 2 này đặt tên con là Tr Quốc Khang (Tr Cảnh là bố nuôi) về sau làm tướng nhà Trần. Sau đó Tr Cảnh có con chung với Thuận Thiên được 2 người đó là Thái tử Tr Hoảng (tên khác Tr Quốc Hoảng, là vua Tr Thánh Tông) và Tr Quang Khải; ngoài ra Tr Cảnh với vợ khác sinh được thêm: Tr Quang Xưởng, Tr Ích Tắc, Tr Nhật Duật, Tr Thị Thánh Từ, Tr Thị Thiều Dương, Tr Thị Thụy Bảo, Tr Thị An Tư.

Triều đại nhà Trần (1225 – 1400) lẫy lừng bởi có vua sáng, tướng giỏi, tôi trung: những Hoàng đế nhân từ, anh minh, gần gũi, cởi mở khoáng đạt; giỏi chính trị và ngoại giao làm cho đất nước thái bình thịnh trị, Quốc thái dân an, kẻ thù khiếp sợ, lân bang kính nể. Nhiều nhân tài kiệt xuất đã viết nên trang sử chói lọi của dân tộc lưu danh thiên cổ: Tr Thái Tông (Tr Cảnh 1218 – 1277,59 tuổi, vua đời thứ nhất) là vị vua anh hùng cứu nước, một nhà thiền học xuất sắc, một triết gia và nhà thơ; cuộc chiến lần thứ nhất (đầu tháng 1/ 1258 đến giữa thg 1/1258, nửa thg) ông ngự giá thân chinh, dưới trướng có Tổng tư lệnh Tr Thủ Độ làm tiên phong và nghĩa quân Đại Việt đã làm nên chiến thắng. Tr Thánh Tông (Tr Hoảng 1240 – 1290, 50 tuổi, vua đời thứ 2) là người tài đức và Thiền sư, lãnh đạo 3 cuộc chiến, tổ chức “Hội nghị Diên Hồng”. Tr Nhân Tông (Tr Khâm 1258- 1308, 50 tuổi, vua đời thứ 3) anh hùng dân tộc lãnh đạo đánh quân Nguyên lần 2 và 3; là nhà thơ, Phật hoàng, Thủy tổ Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (12*)…

Trần Hưng Đạo, tên thật Tr Quốc Tuấn, tước hiệu Hưng Đạo đại vương, tước vị Quốc công tiết chế (Tổng tư lệnh); gọi đầy đủ là Quốc công tiết chế, Hưng Đạo Đại Vương Tr Quốc Tuấn; 3 lần đánh quân Nguyên nhưng giữ vai trò Tổng tư lệnh ở cuộc chiến lần 2 (cuối tháng 1/ 1285 đến cuối thg 5/ 1285, 4 thg) và lần 3 (cuối thg 12/ 1287 đến cuối thg 4/ 1288, 4 thg). Ông là vị tướng lừng danh tinh thông binh thư kim cổ, có tư duy chiến lược quân sự siêu đẳng, anh hùng dân tộc, một trong 10 thiên tài quân sự thế giới; nhân dân kính trọng tôn thờ gọi là Đức Thánh Trần hiển linh cứu nạn, diệt trừ tà ma, quỷ dữ (có phụ lục) và nhiều danh tướng như: Tr Quang Khải, Tr Khánh Dư, Tr Nhật Duật, Tr Bình Trọng, Tr Quốc Toản… Ngoài ra nhà Trần có 2 công chúa tài sắc và một con dâu công lớn với đất nước: Công chúa An Tư (13*), Huyền Trân (14*) và Cung phi (vợ thứ của Tr Duệ Tông, vua đời thứ 9) Nguyễn Thị Bích Châu- bà Hải (15*).

Trần Quang Khải (1241- 1294, 53 tuổi) quê Nam Định, con vua Tr Thái Tông, em ruột vua Tr Thánh Tông; ông là nhà quân sự trứ danh trí dũng song toàn, nhà ngoại giao xuất sắc và nhà thơ lớn của dân tộc, danh nhân đất Việt (Vua quan nhà Trần giỏi thơ văn); ông học rộng và biết nhiều tiếng bản địa người Hán và dân tộc, là vị tướng chủ chốt đứng sau Tr Hưng Đạo trong cuộc chiến chống Nguyên Mông lần thứ 2 (1285) với 2 trận tiêu biểu là trấn giữ phòng tuyến Thanh Nghệ Tĩnh và trận Bến Chương Dương – Thăng Long; cuộc chiến lần 3 (1288) hộ giá 2 vua Thánh Tông, Nhân Tông. Dưới triều Tr Nhân Tông, Chiêu minh đại vương Tr Quang Khải được sắc phong “Thượng tướng Thái sư” nắm giữ quyền nội chính trong cả 2 cuộc chiến.

Cuộc chiến lần 2 Tr Quang Khải (TQK) dẫn quân vào trấn thủ Thanh Nghệ Tĩnh, cùng ra trận với ông dưới trướng có con là Văn túc vương Trần Đạo Tái  (võ tướng, nhân tài văn chương, bị bệnh chết lúc dưới 40 tuổi). Tướng giặc Ô Mã Nhi và Toa Đô cầm đầu 10 vạn quân thủy bộ từ Chiêm Thành kéo ra bị quân TQK đánh chặn phải bỏ chạy theo đường biển ra Bắc. TQK dẫn quân thần tốc ra Bắc đánh tan chiến thuyền giặc tại bến Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội). Chiến trường mịt mù khói lửa, giặc vỡ trận xác chất đầy sông, một số lên bờ ôm đầu máu chạy; quân ta truy kích đến tận thành Thăng Long và diệt phần lớn giặc trong thành ra ứng cứu; tướng giặc Trấn nam vương Thoát Hoan vì “không qua khỏi cửa ải mỹ nhân” đã tìm cách thoát thân giữa đám tàn quân… Kinh đô được giải phóng, Đại Việt ca khúc khải hoàn quét sạch hơn 50 vạn quân Nguyên làm chấn động Thế giới. Tại lễ mừng chiến thắng vua Trần mở hội thiết triều luận công ban thưởng ba quân, TQK bước lên đài vinh quang được vinh danh công trạng lớn… Hết trận mạc ông trở về thái ấp ở phủ Thiên Trường vui thú điền viên, đàm đạo văn thơ, thế sự…Người thời nay khi lật giở từng trang sử Việt ngưỡng mộ như thấy hình ảnh ông oai phong lẫm liệt mặc giáp trụ, lưng đeo cung tên gươm báu, cưỡi chiến mã dẫn đầu mấy vạn hùng binh xung trận; tiếng ngựa hý, quân reo, chiêng trống ngợp trời như còn vọng mãi non sông…

Nhưng rồi nhà Trần bị mất vào tay Hồ Quý Ly (16*) người đã nhiều năm “dấu mặt chờ thời” đầy mưu đồ chính trị trong cuộc tranh bá đồ vương, trị quốc bình thiên hạ. Hồ Quý Ly (HQL) có 2 em gái làm vợ vua Trần, vợ của HQL cũng là con gái vua Trần, con gái HQL lại lấy Tr Thuận Tông (vua thứ 11) vì thế ông được các đời vua Trần sủng ái thao túng “gửi trứng cho ác” nên đã nhanh chóng leo lên đỉnh cao công danh quyền lực. Năm 1387 với tước vị Tể tướng (chức vụ chỉ sau vua) đó là lúc sóng gió chính trường nổi lên, HQL lộng quyền “chặt vây cánh” các tôn thất nhà Trần đưa người nhà và thân tín vào thay. Thuận Tông khác nào “đại bàng gãy cánh cũng như gà con”, năm 1397 bị HQL bắt ép dời kinh đô từ Thăng Long (Đông Đô) vào Vĩnh Lộc Thanh Hóa gọi là Tây Đô (nay còn 1 đoạn thành), năm 1398 bắt Thuận Tông nhường ngôi cho con là Thái tử Trần An (Tr Thiếu Đế) lúc 3 tuổi rồi bắt Thuận Tông đi tu và giết. Năm 1399 HQL thảm sát man rợ hơn 370 tướng lĩnh và tôn thất nhà Trần trong đó có danh tướng Tr Khát Chân, tịch thu toàn bộ gia sản của họ, con gái bị bắt làm nô tì, con trai bị dìm chết hoặc chôn sống. Năm 1400 Tr Thiếu Đế (5 tuổi) bị ông ngoại HQL cướp ngôi báu làm ngai vàng triều Trần sụp đổ, đổi Quốc hiệu Đại Việt thành Đại Ngu (yên vui lớn).

Năm 1406 nhà Minh lấy cớ “phù Trần, diệt Hồ” đưa binh hùng tướng mạnh sai đại tướng Trương Phụ (17*) và phó tướng Mộc Thạnh thống lĩnh 80 vạn quân sang chinh phạt. HQL đưa quân nghênh chiến nhưng vì sai lầm về chiến thuật và cải cách không hợp lòng dân nên cơ đồ nhanh chóng đến hồi mạt vận; vua tôi nhà Hồ thảm bại, thế cùng lực kiệt phải chạy trốn vào Hà Tĩnh, HQL bị Trương Phụ bắt tại hang núi Thiên Cầm (nghĩa là trời bắt) huyện Cẩm Xuyên; Hồ Nguyên Trừng và Hồ Hán Thương bị bắt tại núi Cao Vọng xã Kỳ Lợi, Kỳ Anh năm 1407 rồi cả 3 theo giặc. Nhà Hồ tồn tại 7 năm, nhà Hồ ra đi thì cơn ác mộng Bắc phạt quay trở lại!. 3 bố con cùng nhiều người khác bị đem về Tr Quốc trong đó có Nguyễn An là kiến trúc sư đại tài thiết kế và chỉ đạo xây dựng cung điện cho nhà Trần ở Kinh đô Thăng Long, sang TQ bị thiến làm Thái giám đổi tên là A Lưu, là người trong nhóm thiết kế và tổng chỉ đạo xây dựng Tử Cấm Thành.

Tiếp đến là nhà Hậu Trần có 2 tôn thất đều sinh ra ở Thăng Long, đó là Giản Định Đế (tên húy là Trần Ngỗi vua đời thứ 13, con thứ 3 của Tr Nghệ Tông vua đời thứ 8) và Trùng Quang Đế (vua đời thứ 14 húy Tr Quý Khoáng, cháu nội Tr Nghệ Tông và gọi Trần Ngỗi bằng chú ruột), trong cơn binh lửa họ đã dựng cờ khởi nghĩa được quân lính tôn lên làm vua (18*) để tập hợp lực lượng đánh giặc Minh ghi dấu giai đoạn ngắn ngủi nhưng bi hùng của dân tộc; họ đã trở thành anh hùng thời loạn nhưng vì “lực bất tòng tâm” nên không thể vãn hồi thế cuộc, nhà Hậu Trần tồn tại 7 năm (1407- 1414). Triều đại nhà Trần tính theo nối ngôi kế vị truyền được 12 đời vua, dài 175 năm từ Hoàng đế Tr Thái Tông (vua đời thứ nhất, lên ngôi năm 1225) đến Hoàng đế Trần Thiếu Đế (vua đời thứ 12, mất ngôi năm 1400), nếu tính 14 đời vua thì dài 183 năm.

Chương túc quốc thượng hầu Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (1325-1390, 65 tuổi) hiệu là Băng Hồ sinh tại TP Nam Định, đời thứ 4 (đời chắt) của Tr Quang Khải; là nhà thơ, thiên văn kiêm đạo gia, giỏi thuật tướng số tử vi. Tiên sinh xưa đức cao vọng trọng sống giai đoạn cuối thời Trần đầy biến động, có công lật đổ Dương Nhật Lễ (là con nuôi Tr Dụ Tông – vua đời thứ 7) làm vua hơn 1 năm nhưng vì ngoại tộc phản bội nên không có tên trong danh sách các vua Trần, giành lại ngôi báu cho nhà Trần; tuổi già trí sĩ về tại Côn Sơn (Tp Chí Linh, Hải Dương). Tr Ng Đán sinh ra Trần Nguyên Án (Trần Án), Tr Án sinh ra Trần Nguyên Hãn (TNH); Tr Ng Đán có công nuôi dạy cháu ngoại Nguyễn Trãi thành tài (dưới 10 tuổi ở với ông bà ngoại); TNH là cháu nội (đời thứ 3) của Tr Ng Đán, thứ 6 TQKhải, Ng Trãi với TNH là anh em con cô con cậu. Lúc Hồ Quý Ly tru diệt dòng tộc nhà Trần con trai đầu của Tr Án bị giết, bà Lê Thị Hoàn đang mang thai TNH cùng chồng Trần Án chạy từ Chí Linh về xã Sơn Đông, Lập Thạch, Vĩnh Phúc lánh nạn (tài liệu khác viết 2 bố con Tr Án bị giết trước ngày bà Hoàn về Vĩnh Phúc).

Theo dòng lịch sử… Bởi yêu nước thương dân, năm 1418 hai ông tìm đến Lam Sơn tụ nghĩa, buổi đầu ra mắt Lê Lợi (19*) Trần Nguyên Hãn (陳 元 扞) đem 200 nghĩa binh và hơn 100 ngựa chiến gia nhập đại quân… giữ chức Tả tướng quốc (đứng đầu các quan, như Thủ tướng Chính phủ bây giờ); Nguyễn Trãi “đa mưu, túc trí” dâng “bình Ngô sách” một áng thiên cổ hùng văn… làm quân sư; cả 2 đều là công thần khai quốc triều Hậu Lê… 10 năm xông pha trận mạc, Tr Ng Hãn trí dũng khí phách với tài thao lược điều binh khiển tướng thần kỳ đánh thắng nhiều trận lớn trong đó có trận giải phóng từ Quảng Bình đến hết Thừa Thiên Huế, trận Đông Quan (Thăng Long), Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than và dốc Hòe Nhai, Hà Nội), hạ thành Xương Giang (TP Bắc Giang)… làm cho tên tuổi danh tướng Hãn gắn liền với những chiến công hiển hách. Đánh giặc xong, triều đình bất ổn vì nhiều phe phái và nhớ lại lá số tử vi của Tr Nguyên Đán tiên tri nên 2 ông đã “rửa tay gác kiếm” treo ấn từ quan; Nguyễn Trãi về thái ấp Côn Sơn, Tr Ng Hãn trở lại Trang Sơn Đông vùng đất cổ xưa văn hiến.

Có tài liệu viết, Tr Ng Hãn nói với thân tín: “Lê Lợi tướng mạo gần giống Câu Tiễn, có thể chung sống khi hoạn nạn, nhưng không thể cùng hưởng vinh hoa phú quý…”. Việt vương Câu Tiễn (tại vị 496 – 465 TCN) có tướng mạo: xương chân lông mày nhô ra, đầu chóp mũi khô nhọn và khoằm xuống như mỏ chim, môi trên nhọn và chìa ra quá môi dưới, cổ dài… đó là tướng người đa nghi, vô ơn, bạc ác, thế nên khi thắng trận Phạm Lãi cùng Tây Thi bỏ trốn biệt tích vào thâm sơn cùng cốc sống yên ổn đến già. Văn Chủng không đi, vì PLãi biết “sống gần vua như gần hổ” nên đã dùng câu điển tích xưa nhắc nhở bạn: “thỏ hết chó săn bị làm thịt, chim hết thì vứt cung tên, phá xong nước địch thì mưu thần bị diệt”, quả nhiên VChủng bị chết oan (PLãi, VChủng vừa là tướng tài và mưu sĩ giúp CTiễn- vua nước Việt ở TQ thời Chiến quốc đánh bại Phù Sai- vua nước Ngô lấy lại đất nước và uy quyền đã mất… PLãi đã dâng người yêu Tây Thi- một trong tứ đại mỹ nhân TQ cho Phù Sai làm kế mỹ nhân). Xét thấy 2 ông với Lê Lợi gần giống trường hợp PLãi, VChủng với CTiễn nhưng vì không bỏ trốn vào rừng sâu núi thẳm…

Lũ gian thần Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản, Nguyễn Tông Chí, Lê Đức Dư vì đố kỵ ganh ghét cho nên vu cáo Tr Ng Hãn mưu phản Triều đình; hơn một năm sau Lê Lợi hạ chiếu cho 42 lực sĩ xá nhân bắt ông về Thăng Long, qua bến Đông Hồ (gần nhà ông) thuyền ra giữa sông ông tự vẫn chịu cái chết bi thảm coi như bị vua bức tử. Hôm nay sông Lô vẫn cuộn mình nổi sóng dâng lên nhiều cung bậc cảm xúc và tiếng vọng thời gian đã đưa ông hóa thân vào cõi bất diệt. Cùng nhảy xuống sông có con tên là Trần Pháp Độ may được cứu vớt, sau làm quan “Thiết chế lễ Tướng công” chuyên trông coi lễ nghi kỷ cương trong triều, rồi trở thành Thủy tổ họ Trần vùng Thanh Nghệ Tĩnh, Quảng Ngãi (xem phần ghi chú).

Tr Ng Hãn sinh 01/ 02/ 1390 âm lịch, mất 26/ 02/ 1429 âm lúc 39 tuổi, an táng tại “Rừng Thần” xã Sơn Đông (nơi ông luyện võ, chiêu binh mãi mã đánh giặc Minh). Sau khi mất, Lê Lợi (Lê Thái Tổ) còn ra lệnh bắt vợ con ông về Thăng Long quản thúc; để tránh bị thảm sát nhiều người họ Trần phải đổi thành họ Đặng, Đào, Cao, Bùi, Quách, Trịnh.. (thời nhà Hồ cũng vậy); ngoài ra một số công thần khai quốc: Lê Sát, Lê Ngân, Phạm văn Xảo… cũng bị chết tức tưởi dưới bàn tay của Lê Lợi. Với quan Phục hầu Nguyễn Trãi (sinh 1380, mất 16/ 8/ 1442 âm) bị tru di tam tộc (có thể họ bố, họ mẹ và họ vợ) lúc 62 tuổi và Nguyễn Thị Lộ (thiếp- vợ lẽ của Ng Trãi) 40 tuổi vì mắc oan giết vua Lê Thái Tông (con Lê Lợi) trong “vụ án Lệ Chi viên” (20*).

Năm 1454 (26 năm sau) chuyện thâm cung bí sử được sáng tỏ, vua Lê Nhân Tông (cháu Lê Lợi) xuống chiếu minh oan Tr Ng Hãn, tha cho vợ con và trả lại tài sản; truy phong ông là Phúc thần, Khai quốc nguyên huân; lập đền thờ và miếu Đông Hồ, nay là di tích lịch sử cấp Quốc gia.

Căn cứ “Biên bản cuộc họp ngày 23/ 8/ 2002 công nhận họ Trần Lê đại tôn…”, bài viết “Một số tư liệu lịch sử về dòng họ Tr Nguyên Hãn. Thân thế sự nghiệp Đức tả tướng quốc Tr Ng Hãn và 3 bài viết trên… Biết được: Tr Ng Hãn có 3 vợ sinh được 3 trai (tài liệu khác viết 5 trai?) đó là Tr Nguyên Hữu, Tr Đăng Huy, Tr Pháp Độ (con của vợ thứ 3); các đời sau của Tr Pháp Độ chuyển dần vào Thanh hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi… Biết được cụ Trần Như xuất thân từ dòng họ hiển hách, danh gia vọng tộc và theo phả tộc Trần Việt Nam cụ Trần Đăng Như là đời thứ 17 theo thứ tự: 1- Trần Kinh, 2- Tr Hấp, 3- Thái úy phụ chính Tr Lý, 4- Tr Thừa (Phụ quốc Thái úy, về sau làm Thái thượng hoàng, rồi Trần thái tổ), 5- Tr Cảnh (vua Tr Thái Tông), 6- Thượng tướng thái sư Chiêu minh đại vương Tr Quang Khải (nhà quân sự, ngoại giao và nhà thơ), 7- Văn Túc vương Tr Đạo Tái (nhân tài văn chương và võ tướng), 8- Uy Túc vương Tr Văn Bích, 9- Đại tư đồ Tr Nguyên Đán, 10- Tr Nguyên Án, 11- Tả tướng quốc Tr Nguyên Hãn, 12- Thiết chế lễ Tướng công Tr Pháp Độ, 13- Tr Thiện Tính (hiệu là Chân Thường, húy là Tr Khương), 14- Tr Chân Tính (hiệu là Huyền Thông), 15- Tr Yết Tâm (tức là Trần Thiện Tâm), 16- Tr Minh Triết, 17- Tr Đăng Như. Gia phả họ Trần Lê chỉnh lý năm 2016 là 21 đời nhưng có thể đời 20 đời, tăng 3 cụ: Tr Thiện Hạnh, Tr Huệ Hương, Tr Huệ Minh (giải thích ở phần sau).

Tại xã Thọ Thành, Yên Thành cụ Tr Minh Triết sinh được 4 trai, sau này ở 4 nơi, 1- Trần Đăng Như (Tr Như) là con đầu ở xã Trung Lễ, 2- Tr Khắc Liễu xã Diễn Xuân, 3- Tr Liễu Ngộ xã Thọ Thành, 4- Tr Thế Lộc xã Mã Thành… Dưới thời Lê trung hưng (trung hưng lại nhà hậu Lê giai đoạn từ năm 1533 – 1789) triều đình biến loạn tranh chấp quyền lực nội bộ, nạn binh đao do nhiều cuộc khởi nghĩa, cho nên trong cơn loạn lạc hoặc bị truy sát dòng tộc 3 bố con cụ Như đã mai danh ẩn tích rời khỏi quê hương không để lại dấu tích, mãi đến năm 2001 (gần 400 năm sau) hậu duệ các Chi họ tìm được nhau mới biết quê quán gia đình cụ Tr Như (21*). Cụ Như có trình độ học vấn cử nhân, thời đó nếu làm quan thường giữ chức Tri huyện; có giai đoạn 3 bố con đi ra Đông Sơn, Thanh Hóa vài năm rồi vào định cư tại thôn Trung Nam, xã Trung Lễ khoảng năm 1620, thế kỷ 17… Cụ Như dạy học, cắt thuốc giúp dân 3 xã Trung Lễ, Đức Bùi, Đức Xá (Bùi, Xá nay là Bùi La Nhân), ngày xưa thầy giáo và thầy thuốc được xã hội kính trọng.

Tại xã Lâm Trung Thủy, Đức Thọ, Hà Tĩnh cụ Trần Đăng Như (Trần Như) là đời thứ nhất, Thủy Tổ họ Trần Lê đại tôn. Họ Trần Lê thuộc dòng Tr Huyền Thông (Tr Chân Tính), họ Tr Pháp Độ, bắt nguồn từ Tổ Tr Nguyên Hãn. Thời trước Hội đồng gia tộc đặt tên họ đại tôn là Trần Lê để phân biệt với họ Trần Doãn, Trần Xuân, Trần Kính, Trần Ký trong xã.

Trải qua nhiều biến cố lịch sử thăng trầm, các lớp hậu duệ của cụ không ngừng phấn đấu thành người tử tế, tâm sáng chí bền có ích cho quê hương đất nước, làm vẻ vang tự hào dòng họ.

Hai con trai (đời thứ 2) của cụ Như đều không rõ tên (22*), làm quan võ; người anh giữ chức “Đô chỉ huy sứ đồng tri thiêm sự” (giống Tư lệnh trưởng bây giờ), không có con, người em “Chánh đội trưởng đồng tri thiêm sự” (lãnh binh Hoàng gia) có vợ con truyền mãi tới bây giờ; đến cuối năm 2017 sinh ra cháu đầu tiên của đời 18 và đến năm 2021 có hơn 2.200 đinh gồm tất cả ở quê và đi ra. Hậu duệ một số đời đã làm nên công trạng: Đời thứ 4- Trần Khôi, làm quan Bộ lại (giống như bộ nội vụ chuyên về công tác cán bộ) dưới thời Trịnh Sâm. Đời thứ 7- Trần Chính Nghị làm quan Tri huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đời thứ 8- Lê Công Phó (bố Lê Dụ, xem phần Chi họ Lê Công) phẩm hàm “Quang lộc tự khanh”. Đời thứ 9- Lê Dụ là khâm sai đại thần của triều đình Huế, được vua Tự Đức ban nhiều sắc phong. Đời thứ 10- Trần Đôn Tán (con Tr Đôn Loại) là võ tướng trong mặt trận Đông Sơn đánh giặc Minh, bị tử trận được vua tặng 2 chữ Phúc Thần. Đời thứ 10- Lê Trọng Liệu (con cụ Lê Dụ) học vị cao nhưng không ra làm quan, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp có công đấu tranh với quan lính Pháp ở đồn Lạc Thiện bảo vệ dân làng và có công hợp tự họ Trần thành 8 Phái vào năm 1927. Đời thứ 11- Trần Văn Trinh là Lý trưởng làng Lạc Thiện, đã cung cấp thông tin và hoạt động cho phong trào Cần Vương bị giặc Pháp bắt vài lần rồi thả. Đời thứ 11- Lê Thước (con Lê Trọng Liệu) là nhà Hán học, người hiệu đính kiệt tác thơ truyện Kiều và nhân sĩ yêu nước. Đời thứ 12- Lê Thiệu Huy (con Lê Thước) trí tuệ siêu phàm… thần đồng Đông Dương… các nhà khoa học lừng danh phải khâm phục; Tham mưu trưởng Liên quân Việt- Lào, liệt sỹ – anh hùng LLVTND. Đời thứ 13- Trần Văn Giao, anh hùng lao động về ngành địa chất lúc mới 23 tuổi. Đời thứ 14- Trần Lê Đông, Tiến sĩ khoa học, Tổng giám đốc dầu khí Việt Xô, anh hùng LĐ thời kỳ đổi mới…

Họ Trần Lê đại tôn có 8 Phái đứng đầu là 8 vị Thế tổ: 1- Trần Đôn Sỹ, 2- Trần Đá, 3- Trần Đôn Loại, 4- Trần Huy Quả, 5- Trần Khắc Nhuận, 6- Trần Đôn Cung, 7- Trần Đôn Phác, 8- Trần Dị. Đến nay người trong họ tuy chưa ai có tước vị hay danh hiệu thiên tài xuất chúng là nhà chính trị lỗi lạc, nhà quân sự kiệt xuất, nhà khoa học lừng danh, Chính khách, thương gia cự phách hay doanh nhân siêu hạng… nhưng đã có Khâm sai Đại thần triều đình, quan tướng văn võ, đấng chí tôn học rộng tài cao. Tính đến năm 2015 cả Họ có 3 anh hùng, 6 giáo sư và phó giáo sư, 14 tiến sĩ, nhiều chức vụ cao trong Công an, Quân đội, Nhà nước; nhiều doanh nhân thành đạt, hộ dân và cá nhân xuất sắc… Có 33 liệt sĩ và nhiều thương bệnh binh qua các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, chiến tranh Biên giới Tây Nam (1978 – 1989) với Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn và chiến tranh Biên giới phía Bắc năm 1979 chống Trung Quốc xâm lược. Tiêu biểu gia đình cụ Thước có 3 giáo sư: Lê Thước, Lê Triều Phong, Lê Xuân Diệm và anh hùng- liệt sĩ Lê Thiệu Huy; gia đình cụ Nguyện đời 12 phái 8 có 2 đại tá và 1 anh hùng lao động.

Nơi địa linh nhân kiệt người họ Trần Lê đại tôn luôn tự hào và phát huy hào khí Đông A trên mọi lĩnh vực, thời phong kiến và Pháp thuộc đã góp phần vào truyền thống “xã cách mạng, xã văn vật, xã có nhiều Khoa bảng- Tiến sĩ”; giai đoạn chống Mỹ được Nhà nước phong tặng “xã anh hùng”, thời kỳ đổi mới công nhận “xã văn hóa”, nhiều năm học sinh thi đại học tỷ lệ đỗ đạt cao nhất tỉnh… Từ những thành tích cao và bề dày lịch sử vẻ vang như vậy cho nên tháng 01 năm 2008 nhà thờ Thủy tổ Trần Đăng Như vinh dự được xếp hạng “di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh, tháng 11 năm 2020 Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học Việt Nam tặng bằng khen về “phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập…”.

Viết lại tại thành phố Vinh, ngày 20 tháng 10 năm 2021          

                                                  Trần Điện Năng – đời thứ 14, Phái Giáp tam (Phái 3).

[dflip id=”19973″][/dflip]

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles