spot_img

Viết về cụ Lê Ninh

LỜI NÓI ĐẦU

Ông nội tôi tên là Trần Đôn Hoan với cụ Lê Ninh là con cô con cậu (cố nội tôi tên là Trần Đôn Bằng lấy cố Lê Thị Thưởng, cố Thưởng là em gái Lê Khanh, tức là 0 ruột cụ Lê Ninh). Ông Hoan làm quan văn giúp cụ Lê Ninh khởi nghĩa Cần Vương. Sau khi thất bại ông tôi thoát vào Huế dạy học với người chú ruột mười năm sau mới về. Ông Hoan có ba em trai đều phò tá cụ Lê Ninh, hai em bị bắt tại trận trong khi quan Đề Phác (em cụ Ninh) hi sinh, hai người bị giải lên bắn tại rú Cận Kỵ (Đức Long). Còn một em nữa bị vây với chủ tướng trúng đạn trong rừng được người chị cả (bà tôi) đưa về cứu chữa nhưng không khỏi rồi mất trên tay bà như đứa con yểu mệnh vậy. Ngày xưa cha ông tôi với cha ông cụ Ninh việc chung việc riêng cùng nhau bàn bạc, vui buồn sống chết có nhau; ngày nay ông Lê Ngọc (bố Lê Hiền) với Tôi ăn ở với nhau tử tế, có chung một sở thích là ngâm ngợi truyện Kiều nên càng gần gũi hơn. Từ năm 1968 trở về trước 2 gia đình ở chung một thôn cách nhau khoảng 50 mét, nhờ vậy tôi biết được rất rõ ràng để viết lại phản ánh rất trung thực thân thế, sự nghiệp của cụ Lê Ninh và những câu chuyện
xung quanh Cụ. Người sống mãi với chúng con trên quê hương Trung Lễ anh hùng.

Viết tại Trung Lễ: ngày 01 tháng 01 năm 1985
Viết lại: Tp Vinh, ngày 20 tháng 3 năm 2009
Tác giả: Ông TRẦN TRÚC NGÂN ( Đời 13 – Phái Giáp Tam – Phái Trần Đôn Loại ) và ông Trần Điện Năng – Đời 14 – Phái Giáp Tam đánh máy.

 

 

CỤ LÊ NINH ANH HÙNG BẤT TỬ

 

Hôm ấy các quan chức xe ngựa nghi vệ: từ Ngọc Lâm (nay là xã Đức Lâm) đoàn cụ Hòa kéo ra, từ Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) đoàn cô Mòi kéo vào. Đoàn can Bằng (Can Bằng là cố nội của ông Ngân, vợ can Bằng là o ruột cậu Lê Ninh) đi tới tuy không xe cộ sang trọng nhưng được hội đồng quan gia tôn kính vì có nhiều thầy đồ, nho sĩ. Họ tề tựu đông đủ tại tòa nhà to lớn giàu sang xung quanh dựng lên giãy nhà
ngói đỏ, tường vôi nằm giữa khu vườn rất rộng từ vườn ông Cẩm đến rạng cây sát nhà Thái Hiện phía tây từ vườn ông chắt Hậu tới giáp kênh 19. Hàng ngày dinh thự vui vẻ tiếng gia chủ con cái trong nhà, tiếng dạ thưa của kẻ ăn người ở ra vào bận rộn, sáng nay thêm náo nhiệt tiếng quan khách ra vào cưỡi ngựa rung đục đạc leng keng, tiếng người chào hỏi vồn vã. Cả xóm Trữa, Trung, Nam này sôi động như tết. Lúc bấy giờ dân ở đây còn nghèo đói, nhưng đường đi lại rộng rãi thênh thang nhất làng thuận tiện cho việc chào đón đám rước
lộng lẫy, cờ quạt phất phơ, voi ngựa quan quân hành binh thoải mái. Trời về chiều, xung quanh vườn hàng chục giống chim trong lồng hót véo von. Trong nhà tuy người vẫn đông, nhưng tiếng bàn bạc trật tự, êm êm có khi ngắt quảng.
Có chuyện gì vậy? Họ đang thảo luận việc quân phân ruộng đất, tài sản rất nhiều cho con cái. Sau bốn ngày cật lực, một quyển chúc thư chưa từng có xưa nay được thông qua quy định kỷ phần một cách êm đẹp với sự chứng kiến của các quan thầy trong Nghệ Tĩnh. Có một điều quan trọng bậc nhất mà suốt đời làm quan các cụ tích trử lại đựng vào hũ chum cở lớn, trên lưng chạm nổi những con thằn lằn vẫn chưa nói đến. đối với người khác là bí ẩn, nhưng điều đó làm sao mà che giấu được đôi mắt tinh đời và bộ ốc rất thông thái của Cậu. Được rồi, cứ để yên, cậu nghĩ vậy, khi cần đến, ta đã có cách. Lúc thư thả, Cậu làm vườn, trồng cây cảnh rất đẹp, khi nông nhàn Cậu mời dân đến xem hoa ngoạn cảnh. Nên trong dân có câu “ Nhà nhiều vàng bạc, cụ Tặng cụ Khanh, vườn đẹp như tranh là vườn Cậu ấm ”. Xem như nhà Cậu, thì cha mẹ sinh con, trời đất sinh tính cũng không sai. Ông bà bố mẹ càng góp nhặt làm giàu bao nhiêu, các con càng rộng rãi dễ dàng bấy nhiêu, coi dân như ruột thịt. Năm Cậu lên mười ba tuổi, nhà cần thêm người lo lắng giúp đỡ, ông bố muốn dạm một gì hai trẻ trung đẹp đẽ, bèn mượn người làm rể thay, bằng cách ngụy trang khéo léo. ít lâu nhà cụ Lê Tặng tổ chức đám cưới tưng bừng rước cô dâu, họ hàng đi bằng ghe thuyền cập bến chợ Trổ rồi cả họ lên xe về Trung Lễ liên hoan. Cô dâu ấy là Võ Thị Mòi người làng Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên). Khi nhập thất về đây, cô cứ tưởng mình là vợ của người hôm nọ, đêm đêm trông chồng chẳng thấy chồng đâu, cứ thấy ông mày râu nhẵn nhụi thập thò mà giận duyên tủi phận. Cô biết mình túng đất sẩy chân nên nén lòng căm tức cho qua ngày đoạn tháng. Song những lúc nhà vắng vẻ cô hát lên với giọng Phù Long gợi lên nỗi buồn thương, dẫu ai lòng dạ dửng dưng cũng khó ngăn nỗi niềm xúc động. Một ngày vui lại đến. Cô hân hoan đón tiếp bà con họ hàng đến mừng chẵn tháng cho chú trai Lê Võ. Năm cậu Ninh 17 tuổi đi đấu tranh kịch liệt chống lại hòa ước năm 1874 bị Pháp bắt giam một năm rồi được thả về lại tiếp tục hoạt động Cần Vương để chuẩn bị ráo riết cho cuộc khởi nghĩa. Năm 20 tuổi, tốt nghiệp trường Nghệ An tương đương với bằng trung học bấy giờ, cậu Ninh chán cảnh sống xa hoa trong lâu đài tráng lệ của cha ông làm quan hai tỉnh Phú Yên, Bình Định về hưu, giàu có nhất vùng, tạm biệt dinh cơ thân yêu, vô nam ra bắc, tham quan khắp nơi, được gặp gỡ trao đổi với các vị vua yêu nước, được xem tận mắt triều đình nhà Nguyễn thối nát bán nước, ách đô hộ của Pháp tàn ác dã man như thế nào? Nhân dân khắp nơi đói rách lầm than ra sao? Tất cả điều đó đã ghi sâu vào đáy lòng thương cảm của người trai làng Trung Lễ. Rồi cậu về thăm lại quê hương xin bố mẹ cho lúa, khoai, tiền bạc phát chẩn cứu dân nghèo qua những ngày giáp hạt. Gắn liền với việc bí mật, cậu thường xuyên vào ra nhà cô Võ Thị Đoàn (con gái một nhà nho yêu nước xứ Nghệ) rồi thành vợ chồng. Ông cụ thấy cậu đẹp đẽ thông minh chữ nghĩa, lại đậm đà dáng dấp con nhà võ bèn đem lòng mến mộ gả con gái xinh đẹp trung hậu, khôn ngoan cho, truyền thụ sang cậu nhưng kiến thức về phong trào Cần Vương và chuẩn bị cho đầy đủ hành trang trên bước đường cứu nước. Là người con hiếu thảo với cha mẹ, hòa thuận với anh em, tử tế với xóm giềng, cậu thân mật họp các em lại, dạy dỗ các em thấm thía cái nhục nhã mất nước, thấm nhuần lời kêu gọi thiết tha của non sông. Kết thúc đợt chỉnh huấn gia tộc, năm anh em mặt mũi quắc thước rạng rỡ, bừng bừng khí thế anh hào đã nhất trí ký vào bản cam kết danh dự gửi lên cụ Phan chấp nhận. Cậu biết muốn triển khai đại sự, vấn đề kinh tế tài chính là quan trọng hàng đầu, các cậu bí mật họp lại bàn bạc thống nhất lấy bằng được hũ vàng chum bạc và các báu vật khác giấu biền biệt trong kho – cái kho mà hồi nhỏ Cậu đã tò mò biết được, và ai nấy đều chấp hành nghiêm chỉnh cách thức hành động trong đêm. Hôm ấy nhà có giỗ cụ Lê Tặng, các con trai cụ Khanh sao mà ngoan ngoãn đến thế, quan tâm tới bố mẹ đến thế, tối đến quây quần bên cạnh chúc hai thân mời thêm rượu hậu bôi, hi vọng thành công trong việc thực hiện diệu kế đó. Nửa đêm xem chừng hai cụ đã chìm trong giấc ngủ, cậu cả lại rón rén nằm bên mẹ, nhẹ nhàng lấy chùm chìa khoá ra mở mau cánh cửa kho, ra hiệu cho các chú lấy hết vàng (Au) trong 12 hũ và bạc (Ag) trong một dãy 12 chum ra, bỏ đầy cát gắn nắp lại cẩn thận, khoá cánh cửa kho lại y nguyên. cậu cả buộc lại chùm chìa vào thắt lưng cho mẹ như cũ. Đồng thời những kim hoàn châu báu được các người cộng sự mang đi cất giấu kín đáo nơi khác. Mọi việc diễn ra nhẹ nhàng chớp nhoáng, hiện trường hoàn toàn phi tang. Các cậu trong lòng nhẹ nhõm cảm ơn trăng sao rồi lặng lẽ lên giường như không có chuyện gì xẩy ra kéo một giấc ngon lành đến sáng. Sau này vẫn Cậu lại tiếp tục ra tỉnh Nghệ, vào nam khám xét tình hình quân sự và bắt liên lạc với Đảng Cần Vương, cấp tốc lại trở về Trung Lễ lo lắng phân công, chú thì đi mua voi sắm ngựa, mở xưởng đúc rèn vũ khí ở Phát Lát kề cầu kênh 19 và mộ binh tuyển tướng ở hai làng Phù Long, Yên Tràng. Chú đảm nhiệm hô hào vận động trai tráng khắp miền rừng xa xứ biển nhập ngũ nghĩa quân kiêm đôn đốc xây dựng kho tàng, doanh trại, thu mua dự trữ lương thực, tập trung hoa lợi ruộng đất vào kho quân lương đầy đủ, chu đáo. Chú phụ trách tu trúc đường sá cầu cống, đắp cao rộng bải tập trận Đầu Làng (khu vực nhà truyền thống bây giờ). Được tin đặc biệt quan trọng, Cậu cùng chú em hộ tống cụ Phan tốc hành tới Hương Khê chờ vua Hàm Nghi ở Tân Sở (Quảng Trị) ra ban bố Hịch Cần Vương. Cuộc gặp gỡ dự định vài hôm, nhưng vì tình hình căng thẳng bất lợi phải giải tán ngay, không kịp trao cho cụ Phan gói ấn kiếm, vàng bạc làm của quý quốc gia, liền đó một cụ yêu nước trong thôn cho biết đích xác là tài sản đó đã bị tên Lê Triết, Lê Yêm, Lưu Duyên lấy trộm đưa sang Lào đổi bò, bị bò đâm chết, đứa khác về nhà vứt thằng con đẻ vào bung nước đang sôi luộc chín. Bọn cướp của linh thiêng ấy đã bị trừng trị đích đáng, dù có cầu nguyện đến đâu cũng không thoát khỏi tội lỗi. Nhận được mệnh lệnh ba người trở về quê, cụ Phan về đại đồn, hai anh em cậu Ninh về làng đồn thủ gặp các chú báo cáo nghe vui lòng hả dạ. Trăm công ngàn việc đã kết thúc, thì vào một ngày tháng 2/1884 ấm áp, từ tứ phương đổ về làng Trung Lễ nào voi ngựa bành cương, nào quan gia lính tráng khăn ngại áo thâm, lấp lánh gươm dài dáo lớn nào xe cộ chở đầy chiến cụ, trong đó có một khẩu súng thần công nặng lún đường ỳ ạch đi tới nơi thì mặt trời ngã bóng, nào đội kèn trống vừa đi vừa lên tiếng vang vang, nào là đội quân kỳ đang giương cao ngọn cờ đỏ chói thêu hai chữ Mạnh Khang, sắc sảo bay phần phật trên nền trời kiêu hãnh. Trên diễn đàn, khi năm vị tướng tá ra mắt tuyên bố khai mạc lễ tế cờ tại Nền Đình (nền tế của làng Trung Lễ xa xưa) thì họng súng thần công gầm lên bắn về phía đông bắc tượng trưng cho tinh thần anh dũng bất khuất của người Hồng sơn Lam thủy. Trăm họ nín thở im phăng phắc, lắng nghe lời hiệu triệu của chủ tướng Lê Ninh và khi hết lời họ đáp lại chuyển đất: Hoan hô Lê Ninh! Lê Ninh bách chiến bách thắng! chen lẫn tiếng súng hoả mai và âm thanh nhạc binh hùng hồn. Đêm hôm ấy, trên không phận bãi tập Đầu làng hình như mặt trời không lặn. Trăng sao vằng vặc giúp cho đèn đuốc thêm sáng choang soi rõ mồn một nét mặt rạng rỡ của những người cả quen lẫn lạ. Từ sáng hôm sau, suốt ngày đêm không bao giờ không có cảnh tượng đông đúc, ầm ầm binh mã luyện tập, chuẩn bị sẵn sàng tư thế chiến đấu. Trưa hôm nọ, trên bãi tập Đầu Làng, trống ngũ liên đánh vang lừng, tiếng quân hô rung chuyển, tiếng voi gầm ngựa hí làm cho vùng địa linh này náo động lạ thường. Bỗng loa vang vang, rồi xuất hiện vị tổng chỉ huy Lê Trực oai phong cưỡi lên ngựa chiến phất cờ ra lệnh xuất trận. Thế là đoàn tác tiền do Trần Cát dẫn đầu cất bước sầm sập lấp lánh ánh khí giới và lung linh màu cờ đỏ chói Mạnh Khang. Sau bảy tiếng hành quân cấp tốc, đúng mười một giờ đêm nghĩa quân ồ ạt tấn công hạ thành Hà Tĩnh. Thành bị vây chặt, quân ta phá cổng vượt tường đột kích cơ quan đầu não Pháp và Nam triều tan rã. Tuy thế ta cũng bị thương vong được chở về hậu tuyến ngay. Tên bố chính Lê Đại bị bắt ra lãnh án tử hình. Trong thành, phía bên phải là trại lính Pháp thiện chiến, tàn ác trở tay không kịp cũng bị hai đại đội cảm tử đại đao tiêu diệt gọn do lãnh binh Hiệp Hoạt và Tán Năng chỉ đạo. Quan quân Cần Vương thắng lớn gấp rút thu dọn chiến trường rồi được lệnh hồi binh mang theo vô số quân trang nhẹ. Tiếp tác hậu Trần Cấp lãnh đạo đoàn xe cộ ngựa voi, chở binh khí hạng nặng và áp giải tù binh về trại giam. Dọc đường nhân dân hân hoan chào đón và tiếp tế cơm nước rất ngon lành vui vẻ. Trưa hôm sau tất cả quan quân trở về đông đủ, cùng ngựa voi lên tiếng chấn
động trời đất . Chủ tướng của ta tươi đẹp vô cùng vẫy chào đoàn quân thắng trận trở về tung hô Lê Ninh bách thắng! Lê Ninh vạn tuế ! Đại quân là người góp, rất mến mộ làng Trung Lễ, ở đây họ được chỉnh huấn năm ngày lại thần tốc ra Nghệ An giáng cho đồn Dương Liễu (nay thuộc xã Hưng xá, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) những đòn sấm sét. Đêm ấy cả làng ta không ngủ, mừng đón nghĩa quân đi về sầm sập, rầm rộ, hối hả. Vị chủ tướng của ta qua một đêm thức trắng theo dõi tình hình chiến sự, bàn bạc với quan Đề Phác về chiến mưu, sáng ra Ngài vẫn tĩnh táo vui vẻ lạ thường. Ngài lấy làm ngạc nhiên khi thấy trong kho vũ khí có bày thêm một trăm khẩu súng Ca-la-đin sáng choang bên cạnh những bao đạn đồng vàng óng ánh. Được tin thắng trận trăm họ nô nức mang trâu bò gà lợn, nếp gạo, của ngon vật lạ đến kính biếu. Đại quân tập hợp về đại đồn tham dự lễ khao quân rầm rộ. Tan cuộc, anh em nhà cụ Ninh về hội ý riêng, chẳng hiểu thế nào, quan đề Phác cầm gươm nhảy phôốc lên yên, vút ngựa chạy mấy vòng rồi phót xuống toan chém đầu bà Đề. Các tướng tá vụt đến cản lại, can: Quan Đề ! Hạ gươm xuống đất !
“ Giết vợ là hèn nhát….
Không được làm như thế ! ”
Còn quan trên nhìn xuống, người ta trông vào nữa. Quan Đề Phác cúi đầu chắp tay lạy tạ. Thì ra có việc gì to tát lắm đâu. Bà Đề hay uống rượu, đôi khi cãi lại ông, tính luộm thuộm, mặc quần áo trắng lem nhem nhọ nồi, đi lại trước mặt các quan. Chỉ thế thôi, làm gì nên tội. Trái lại bà là người từ thiện nhất làng. Năm xưa lụt lội rất to, nước ngàn tràn về ngập băng làng xóm mang xác người về dạt vào bờ bụi. Bà Đề bất chấp sáng tối chèo chiếc thuyền hể gặp vật hôi thối lấy sào gạt cho trôi, có ai kêu cứu hoặc vớt xác người chết, bà giúp đỡ nhiệt tình vô tư. Hầu hết trong hỏa hoạn bà thường có mặt, vào kéo người ra, giành giật với lửa lấy ra thúng gạo mớ khoai, tỏ ra rất dũng cảm. Bà luôn luôn mang bên hông cái bị lác đựng cơm khoai thuốc vặt, khi cần lấy ra ngay dùng vào việc từ thiện … Những câu chuyện về Bà như là những giai thoại vẫn còn lưu truyền trong dân đến tận ngày nay. Chúng ta trở lại câu chuyện cậu ấm Ninh. Là một đấng văn thân sục sôi lòng yêu nước cậu là người đầu tiên hưởng ứng phong trào Cần Vương phá gia vi quốc, hi sinh tất cả vô điều kiện để mưu đồ việc lớn, đồng cam cộng khổ với nghĩa quân, xông pha trên chiến trường ác liệt năm này sang năm khác không phút nghỉ ngơi và dựa vào dân Trung Lễ san sẻ cho từng bát gạo, mớ khoai, tấm áo nuôi quân ra chiến địa. Dân ta xưa rất kính trọng thương yêu Cậu, vì Cậu là con quan mới đến tuổi trưởng thành, chưa gặp vất vả gian nan. Tổ quốc mới lâm nguy, Cậu chưa qua một ngày làm lính, chưa được đào tạo qua binh nghiệp, nên chưa có kinh nghiệm, phải vừa làm vừa học quân sự, chính trị, kinh tế, trong khi quân Pháp đánh ta bằng súng đạn, xe cộ, tàu thuỷ, bằng lợi dụng các nhà tryền đạo Gia-tô và kinh nghiệm dồi dào trong việc chinh phục các thuộc địa Phi – Á. Vì thế, có người lúc bấy giờ chưa tin tưởng thưa lạy Cậu đừng khởi mộ, điều đó Cậu rất biết, nhưng dẫu sao chăng nữa, vẫn để lại tiếng thơm muôn đời, vẫn để lại tấm gương ái quốc ái dân, sau này hậu thế của ta lại tiếp tục sự nghiệp cứu nước. Dựa vào bọn phản động, bọn ngoan dại, Tây đóng đồn Cơn Khế triệt hạ xóm làng, giết hại thường dân, cụ Lê Ninh liền sai Đốc Chanh, Đốc Trạch cầm quân đột nhập tiêu diệt toàn bộ binh lính. Ngoài ta, tại Đồng Trằng lúc nhúc một bọn được giáo hóa cầm súng bị bắn chết rất nhiều do Pháp chỉ huy. Ông Lê Trực thúc quân đuổi theo giết nốt bọn chạy trốn bằng súng chiến lợi, súng hoả mai, gươm dáo, chẳng may bị chúng quay lại bắn trúng ông, ông về tới nhà thì mất. Đau thương chưa nguôi, thám báo về bẩm với chủ tướng “ quân giặc rất đông sẻ tấn công ta từ phía tây bắc ” ông Lê Diên được lệnh cầm một đạo quân mạnh nhất trang bị rất tốt bằng các loại vũ khí mai phục ở vùng Môn Rấy (gần nghĩa trang Cồn Độ bây giờ) nơi lắm cây cối, cồn gò. Từ phía bắc, chạy xông tới một bọn rất đông mặc áo thường dân, đai nịt súng ống nghênh ngang đi đầu tiến vào trận địa. Lãnh binh Tác Tiền hô quân bắn xối xã vào đám tiền quân địch. Bọn Pháp đi sau nã súng tới tấp vào trận địa ta. Toán viện binh do Tác Hậu chỉ huy lập tức đánh thọc sườn đẩy bọn chúng xuống đầm lầy. Nghĩa quân nhảy xuống áp sát chém mạnh tay, đâm quyết liệt. Thế là, ta với địch quần nhau túi bụi, dai dẳng ào ào trong rừng Môn Rấy. Thất thế, lính cố đạo quăng súng van lạy xin hàng, bọn Tây trắng chết nằm ngổn ngang trong đầm lầy. Bỗng về phía tây bắc nổi lên tiếng kèn binh inh ỏi, tiếng súng rì rào, tiếp theo một hồi chuông rền rỉ, đó là tiếng chuông thu quân bại trận của địch. Ta rút kinh nghiệm cho đội quân ứng chiến, còn lại cùng với dân chúng ùa lên đưa tử sỹ và thương binh về trạm đồn thủ, giải hàng binh về trại, những người khỏe mạnh khuân vác chiến lợi phẩm về kho vũ khí. Lúc ấy thật là vui, rầm rộ, cấp bách, nhưng cũng vừa thương tiếc các đồng chí ngã xuống trong đó có cả chỉ huy chiến trận Lê
Diên. Đồng Môn Rấy, Cồn Độ, Nhà Tạnh (3 nơi nay ở liền kề nhau) lênh láng máu hai bên. Từ đó, cái xóm nhỏ này không còn một nhà, không còn một bóng người. Về sau, vùng ấy gọi là mồ Nhà Tạnh. Đêm ấy cụ ấm Ninh tổ chức lễ truy điệu cho em và các chiến sỹ tử trận tại nhà riêng. Hôm sau, ở Đầu Làng, Cụ triệu tập các tướng tá báo cáo và nhận huấn lệnh.
Đến trước hết là hai phò tá Đốc Chanh, Đốc Trạch lần lượt lên bẩm :
– Bẩm chủ tướng: Theo mệnh lệnh, chúng tôi đã triệt hạ được đồn Tây, thu toàn vũ khí đạn dược, dân sự tin tưởng. Các nhà giàu cũng tự nguyện giúp nghĩa quân tiền gạo. Thế mà bọn địch nội địa lại tung tin vu khống ta rằng: Cho Lê Nghệ và Lê Ấn đến cướp nhà giàu ở Nam Huân, Gia Hanh, Chợ Nhe. Nhân dân còn đó, đương sự, chứng từ còn đây, ông Nghệ và ông Ấn chẳng phải là con của ngài và người họ gần đó sao ?
– Đúng! Có giấy ủy nhiệm của cấp trên, và có biên lai nạp lúa tiền đây.
Chủ tướng rất vui lòng. Tiếp, lãnh binh Tác Hậu và Tác Tiền phát biểu:
– Bẩm trong các trận vừa qua, chúng tôi đã mưu trí dũng cảm giết được nhiều địch, thu được nhiều vũ khí đạn dược dồi dào, lương thực tương đối đầy đủ, nhân dân phấn khởi hơn trước. Chủ tướng gật đầu nở một nụ cười sảng khoái. Rất tốt! Tôi có lời khen ngợi các quan và sẽ trình lên vua Hàm Nghi phong quân hàm sau lễ tuyên dương long trọng.
Chúng tôi xin hỏi: Có cách gì đánh bại giặc Pháp mà lương, giáo không chém giết lẫn nhau không ?
– Khó lắm đó! chỉ tại họ ngu dại lú lẫn đi đầu, đến khi thua chạy lẻo đẻo theo sau. Như thế thì dẫu tài trời cũng không tránh khỏi cái chết thương tâm cho họ. Chỉ có cách, nếu lên được trời, gặp chúa nhờ can thiệp cấm cha cố không được bắt con chiên làm bia đỡ đạn, làm vật độn đàng cho giặc Pháp, thì không bao giờ có chuyện huynh đệ tương tàn. Đấy, nhân đạo của các Cố thật là khủng khiếp! Vua Hàm Nghi đã chứng minh điều đó như sau: Sau khi kinh thành Huế thất thủ, tôi cầm một đạo quân bao vây một làng duyên hải, trong đó có sáu mục sư lẩn trốn. Tên sỹ quan thuỷ quân Phờrăngxi- Gacniê biết, tới một xứ đồ gần đó mượn ghe thuyền chở quân đến giải vây. Sứ đố ấy không cho.
– Sao lại không cho? Phờrăngxi- Gácniê trừng mắt dọa:
– Nếu chậm trể tao sẽ bắn chết mày !
Với giọng trơ tráo sứ đồ ấp úng: Ghe thuyền bận cả, nếu sáu vị có chết đi thì có thêm sáu người nữa để phong thánh. Cùng sứ đồ với nhau cả, mà còn độc bạc đến thế, huống chi là đối với giáo dân, hoặc lương dân. Mấy năm qua, chúng ta mất cảnh giác để bọn thám báo cha cố lộng hành vào làm ăn buôn bán thuốc thang vó lưới, nên bất kỳ việc gì, dù bí mật chúng cũng biết tường tận, chúng biết đến cả vị trí đặc biệt của làng ta, biết rõ truyền thống đấu tranh anh dũng không những chống Pháp bây giờ mà hồi nhà Minh sang chiếm đóng, dân ta đã đánh đuổi bọn tàu Trương Phụ ra khỏi xứ Đồng Trưa (vùng phía trước trường cấp 2 Lê văn Thiêm đến trường cấp 3 Trần Phú bây giờ, ở đó nếu đào xuống vài mét thấy nhan nhản những mẻ sành sứ của Trung Quốc cổ đại và dấu vết nhà cửa của người Tàu xưa). Phía tây gần rừng rậm thông với đại ngàn Trường Sơn rất dễ tiến thoái, phía nam gần rú Xanh có thể che chở quân Cần Vương liên lạc với người hưởng ứng khởi nghĩa. Phía bắc ra Hưng Nguyên cũng gần, nơi cùng ta một chí hướng. Cho nên, đã đến lúc bọn giặc khởi sự tiêu diệt làng ta. Thế rồi, một đêm đông, khi làng xóm còn mây mù dày đặc, thì một cố đạo quân sự hoá dẫn một đạo giáo dân, súng ống do Tây trang bị đi trước, theo sau là Tây lính từ Vinh lên, từ Can Lộc ra, Linh Cảm xuống bao vây bốn phía làng ta. Gặp sức chiến đấu mãnh liệt của quân tiên phong Đầu Làng và các đồn lân cận, bọn giặc tập trung hỏa lực vào cơ quan đầu não kháng chiến của ta. Nhờ bọn tay sai chỉ điểm, cộng tác, chúng bắn phá luôn kho vũ khí và các xưởng công binh. Biết không địch nổi, ông Đề Phác hô quân đánh quyết tử mở đường cho quân hộ tống đưa cụ Lê Ninh theo đường hiểm hướng chợ Bàu luồn lách rừng rậm tới Hương Khê bên cạnh Vũ Quang cùng cụ Phan lập lại căn cứ quân sự mới. Cụ Ninh đi thoát rồi, xót thương người em hi sinh cùng đồng đội trong giờ phút đầu tiên, càng cảm cảnh làng mạc chìm trong máu lửa. Mấy phụ tá chỉ điểm cho Pháp bắn người này, đốt phá nhà kia vì nghi có người làm chỉ huy, có người đi lính Cần Vương hay nhiệt tình với Cần Vương và bắn tất cả trai tráng khỏe mạnh .
Tại một nhà khá kiên cố xung quanh có tay sai canh gác cẩn mật, một cố đạo ra lệnh cho bọn chúng theo bản đồ thám báo này mà cán quét cho kỳ hết. Nhà có vàng bị súng dí tai đưa ra hết, kẻ có bạc bị dao kề cổ nạp mau, kẻ có trâu bò bắt nạp nhanh để buộc vào bịn gỗ quý, ai có lúa khoai lợn gà, chúng bòn vét chất vào xe, thanh gỗ làm nhà, cày bừa cuốc xuổng bị buộc vào xe cút kít, viên gạch gồ, nồi niêu to nhỏ bằng đồng chất vào gồng gánh.

Theo lệnh của Đức cha, tất cả tài sản cướp được ùn ùn cấp tốc chở về các nhà thờ, trong tiếng reo hò man rợ của quân vô loại. Chúng không biết rằng phía sau lưng, dân chúng ta không còn hơi mà la van nữa, không còn giọt nước mắt để khóc nữa. Tưởng thế đã yên thân, sứ đồ lại ra lệnh cho tay sai đốt một khi bảy xóm cháy sạch sành sanh, đào bới lại ba xưởng công binh : Mụ khởi, Phát lát, Đầu làng. dân làng hoảng hốt chạy ra đồng. Đàn bà có người tay bồng tay dắt, khóc nức nở chạy lánh nạn líu chân. Rất đông người chạy sang làng khác, ngoảnh cổ lại đằng sau thấy lửa đỏ rực trời, cột khói đen ngòm dựng lên cao vút, tàn lửa rơi đuổi theo càng làm họ thêm cháy ruột, bỏng gan. Về đêm dưới ánh trăng lờ mờ, họ về khâm lượm những người bất hạnh trong vài chiếc lá tro héo vàng rồi đem chôn dày đặc vào những bãi tha ma gần. Im lặng đến ghê rợn! Họ về bới trong đống tro tàn lấy ra những cục lúa cháy giống than đá đem về nấu cháo húp cho đỡ lòng. Hôm sau, cố đạo sai người sang quản lý bãi “sa mạc” rất chặt chẽ, hễ thấy lán dựng lên là thiêu ngay, người thì bị đánh đập tàn nhẫn, bị tống đi không thương xót. Dân làng ta đói rét quá rủ nhau ra bãi tha ma ở trong những chiếc lều xiêu vẹo, dột nát tiêu điều. Đêm nằm thao thức, người ta chỉ nghe tiếng giun dế, ếch nhái inh ỏi, tiếng quốc sầu khắc khoải thay cho tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng gọi nhau ơi ới thân thương. Tàn tệ nhất là tiếng chuông nhà thờ đạo sáng sáng chiều chiều vọng lại mang đến cho họ nỗi buồn tê tái thê lương, nỗi đau thương xé ruột đứt gan trong cảnh nước mất nhà tan, người thân trong phút chốc bị chết giết, chết cháy oan uổng. Nước mắt chưa ráo, thì hôm sau chúng nó lại ùa sang đuổi đi, vài cái tranh che tạm cũng đốt, dẫm nát. Những cột tre, gỗ cháy đen chỉ thiên như thay nhà thờ báo công lên chúa những hành vi “thánh thiện”. Bà nội tôi, chồng làm quan văn giúp cụ Ninh khởi nghĩa, có ba em chồng bị bắn cũng như những người khác trong làng có hoàn cảnh tương tự đều coi là kẻ thù bị truy lùng phải chạy sang các làng khác làm ăn sinh sống, sau mười năm mới dám về nhưng phải lén lút nơm nớp. Trong cảnh hỗn loạn, vợ con ông Tác Cát chạy về đâu? chẳng ai biết, chỉ biết ông Tác Cát ẩn náu miền Hồng Lĩnh, thủa ấy là đại ngàn làm nghề than củi, đầu cạo bóng bị giặc đuổi nấp dưới cầu rồi bị bắt lên bắn giữa đường phía trong cầu Bãi Vọt. Cụ là cố chú ông Trần Soạn bố ( Trần Sỹ ) thuộc phái ( họ Trần Lê đại tôn ). Vợ con ông Tác Cấp về đâu chẳng ai rõ ? chỉ biết rằng thời hậu chiến, ông ẩn náu miền tây Đức Lập. Một đêm trời lụt lội, ông về tìm vợ chẵng thấy, nấn ná ở lại một ngày dè dặt chẵng may bị bắt giam tại nhà lao Hà Tĩnh, ông thắt cổ tự tử. (ông là ông nội của ông Nuôi Bình, họ Trần Kính). Những trợ thủ đắc lực như: Kiểm Phất, Hiệp Hoạt, Tán Năng, Lê Ấn cũng lần lượt bị giết chết cuối cùng Trần Đôn Hoan bị Pháp kết án tử hình vắng mặt rồi thoát vào Huế dạy học mười năm sau mới về. Lúc ấy Tây cũng định dựng lên tại Trung Lễ một nhà thờ nhỏ nhưng không thành vì chẵng có ai đi và về sau năm 1945 chỉ có một người công giáo tên là Bảy Trự họ Trần Doãn, sau ra ở bờ sông rồi đi đâu mất.
Cụ Lê Ninh có bốn em trai: Lê Diên, Lê Phác, Lê Trực và Lê Võ. Sau cùng chỉ còn ông Lê Võ chạy thoát, lại về hoạt động hội Phục- Việt bị Tây bắt đày đi Côn Đảo. Xa đồng chí nhớ quê hương ông vượt ngục, đóng bè sậy vượt biển, chẳng may bị bắt giam lại năm năm nữa mới được thả về quê hương.
Trở lại một lần nữa câu chuyện cụ Lê Ninh. Cụ vào chốn thâm sơn tưởng đã yên thân, nào ngờ giặc Pháp, Nam triều quan lại, Cha cố cấu kết chặt chẽ với nhau lên bao vây núi Vũ Quang và Hương Khê kín mít cắt đứt đường liên lạc, tiếp tế lương thực thuốc men, nhu yếu phẩm. Việc nội bất đắc xuất, ngoại bất đắc nhập làm nghĩa quân đói lả phải ăn củ rừng, lá rừng, chim chuột trong rừng. Đến cùng, quan quân Cần Vương phải chết mòn mỏi vì bệnh tật. Thế mà Cụ vẫn hồn nhiên, yêu đời, làm thơ tự vịnh khảng khái, hi vọng tương lai sẻ về làng cũ tu binh, luyện mã để phục thù. Trước bộn bề lo toan về đại sự. Cụ lâm bệnh đói cơm, khát thuốc được quan quân người Trung Lễ theo đường rừng hiểm trở võng đến đò Vạn Rú kiếm bát cháo nghỉ ngơi rồi tối mai mới xuống thuyền về Phù Long quê vợ sống trong sự che chở bí mật của ngoại gia giữa tình thương của cô Võ Thị Đoàn – người vợ thảo hiền chung thuỷ đã bao nhiêu năm gắn bó đời mình vào sự hoạt động của chồng (Võ Thị Mòi, Võ Thị Hèo ông Võ Trọng Ân, người cùng họ Võ ở Phù Long) giữa lòng hiếu thảo của các con hai gái, một trai (Lê Nghệ). Bà Đề Phác đi Phù Long về kể lại: Đêm 15/12/1887 cụ Ninh mất trên vòng tay thân thương của người bạn đời. Bà lấy ra trong túi áo của Người một bài thơ, phần trên cháo và thuốc quyện lại bị nhòe, phía dưới một hàng còn rõ đọc được: Lam thủy, Hồng sơn thệ tử sinh (người Sông Lam, Núi Hồng thề chết sống với non sông). Tin về, cả làng Trung Lễ vô cùng thương tiếc khóc cụ. Cụ đi, mất cả đất trời bao la.
Sau ngày cách mạng tháng 8/ 1945 thành công, ông cháu Thường (bố ông Trần Trúc Ngân) và ông Thái Liên (người họ Thái Ngọc lâm) vẫn đưa lễ ra cúng cố can đằng ngoại (các vị tiền bối Cần Vương) tại nhà ông Lê Ngọc. Trên bàn thờ có di ảnh cụ Ninh tăng tướng, phi thường, tai to mặt lớn do Pháp chụp năm 1874 khi ở tù Hà Tĩnh. Bên cạnh bàn thờ, có treo bốn câu đối của cụ Phan kính điếu: “Tuy thành bại do thiên, xướng nghĩa tiên thanh tồn Nghệ Tĩnh, kham thán anh hùng vô địa, phù quân đại tiết hữu Hồng Lam” Dịch: “Tuy thành bại tại trời, xướng nghĩa trước tiên là Nghệ Tĩnh, than ôi! anh hùng không đất, giúp vua nghĩa lớn có Hồng Lam”.
Mười năm sau chị cả lấy ông Trần Trọng Sà (cụ Bang) sinh ra ông Trần Mạnh Bính. Bây giờ chắt ngoại của cụ Lê Ninh là Trần Lê Hanh, Trần Lê Thái và các cháu gái. Cậu em lớn lên hoạt động phong trào Phục Việt bị Pháp bắn tại Nghệ an .  Khi hoàn thành nhà lưu niệm, các cháu có hỏi cụ Lê Ninh có phải là người bất tử không ?

– Vâng Cụ là người bất tử ! Cụ vẫn đời đời hiển hiện diệu kỳ, phơi phới trên dáng đi lên đường hoàng, nhanh nhẹn văn minh của dân ta: Xem đồng hai vụ đầy ắp lúa vàng, đường làng ngõ xóm rộng rãi thênh thang, dòng điện sáng đã làm bừng lên bao điều văn minh, trường trạm nhà dân mọc lên đẹp đẽ khang trang, ngã ba Lạc Thiện, Chợ Chiều ngày càng phồn thịnh với nhịp sống thật sôi động hơn hẳn chợ Nghệ hồi Cụ ra khám phá tình hình quân sự. Sở dĩ nhân dân chúng con đạt được những thành tựu to lớn như vậy, cũng là nhờ truyền thống yêu Tổ Quốc, yêu Quê Hương, trọng nghĩa tình của các thế hệ anh hùng tiền bối để lại luôn luôn dạy dỗ, thôi thúc hậu sinh phải bền gan chiến đấu anh dũng để tiêu diệt bằng được, vĩnh viễn mọi thù trong giặc ngoài .
– Một sứ mệnh quan trọng bậc nhất mà ông cha tuy đã nỗ lực phi thường nhưng vẫn chưa hoàn thành. Hòa bình lập lại, ông Lê Ngọc là người quan tâm đến mồ mả cha ông, bèn vào Sài Gòn bàn với Lê Huệ đưa phần mộ các Cụ quy tập lại nghĩa trang. Lê Huệ từ chối, còn nặng lời “Các Cụ đã hi sinh vì tổ quốc, thì cứ để tổ quốc lo cho chứ việc gì mà bận tâm” Lê Huệ là con thứ hai cụ Lê Võ. ông Ngọc vẫn quyết tâm làm, có nội thân giúp sức đã làm tròn nghĩa vụ người cháu quý hóa đối với tổ tiên.
Làng ta từ xưa đã biết tôn trọng luân thường đạo lý, đền ơn đáp nghĩa, uống nước nhớ nguồn, gắn bó sâu nặng tình quân dân cá nước. Bây giờ tại Đầu Làng đã xây dựng nên khu lưu niệm, hôm khánh thành có đông đủ trẻ già trai gái tập trung lại làm lễ rất long trọng và có đại biểu của tỉnh, huyện tới dự lễ rước hai cụ về ở chung ngôi nhà “ tình nghĩa” khang trang giữa lòng dân, thêm năm tân trang càng đẹp .
Đã hơn một thế kỷ, tuy nhà cửa trong vườn cũ có nhiều thay đổi, nhưng quang cảnh, sân chơi, đường ra ngõ vào đến bụi cây lá cỏ, cái gì cũng như đang mới ngày nào đó còn ấm hơi Người. Bãi tập trận xưa kia còn đây, cỏ non một màu bao phủ, vẫn phía bắc cây cối xum xuê xanh tươi bao bọc và xen lẫn làng xóm, đằng nam thông thoáng tới xa xa, phương tây vẫn xanh đậm lũy tre làng, cảnh vật xung quanh vụt bừng dậy đón chào người thân quen trở về nơi chôn rau cắt rốn sau hơn một trăm năm ly biệt. Nơi nhà cụ ra quốc lộ tám rất gần, có thể từ đây vô Quảng Bình viếng lại cảnh xưa người cũ, lên Vũ Quang, Hương Khê hình dung lại đây là những bãi chiến trường ác liệt năm nào, ra Nghệ an thăm thú nhà bên ngoại luôn tiện cũng có thể dạo một vòng thích thú rồi ngắm nghía miền quê trù phú, đâu đâu cũng cất lên điệu hò câu hát ngợi ca non sông đất nước đang đổi mới. Quê hương ta đang ngày càng khởi sắc, thấy đàn trẻ nô đùa náo nhiệt trên sân vận động Đầu Làng, ta có cảm nhận
các tướng tá oai phong cưỡi trên lưng ngựa, voi đang bay trên đầu, khi ẩn khi hiện, duyệt những đoàn quân danh dự dưới bóng cờ Đại nghĩa Mạnh Khang và văng vẳng đâu đây tiếng quân reo ngựa hí, voi gầm chen lẫn tiếng gươm dáo va chạm vào nhau lách cách .

Nay, các cụ đã thanh thản hóa thân vào mây trời, đang tiếp tục điểm trang phong cảnh cho quê hương xứ sở. Nhưng khi có lời mời thiết tha, trân trọng thì xin các Cụ nhớ về nhà truyền thống để toàn thể nhân dân tưng bừng nghênh tiếp và dâng lên những tặng phẩm thơm thảo .
Kính thưa vị Thủ lĩnh Cần Vương Lê Ninh anh hùng bất tử cùng các vị Tướng tá, các anh hùng liệt sỹ đã hi sinh vì nghĩa lớn!
Kính thưa vị quan văn ưu tú trong cuộc khởi nghĩa Cần Vương .
Xin kính cẩn nghiêng mình trước các Đấng anh linh chứng giám tấm lòng vô cùng tôn kính và lòng biết ơn vô hạn của toàn thể nhân dân Trung Lễ chúng con đối với công lao trời biển ấy …………

Viết tại Trung Lễ, ngày 01- 01- 1985
Viết lại: Tp Vinh, ngày 20 tháng 3 năm 2009
Tác giả: TRẦN TRÚC NGÂN ( Đời 13 – Phái Giáp Tam – Phái Trần Đôn Loại )

TÓM TẮT VÀ LỜI TỰA CỦA TRẦN ĐIỆN NĂNG

Từ thời Phong kiến đến nay xã Trung Lễ nhiều lần đổi tên trong đó Ngu Lâm rồi Cổ Ngu là tên chung cho cả 3 xã Đức Lâm, Trung Lễ, Đức Thủy; năm 1930 Chính quyền tách 3 xã ra, khi Pháp đến cai trị vẫn giữ danh xưng xã ta là Trung Lễ và chia thành 2 làng Lạc Thiện – Quy Nhân (đường đi dọc phía trước nhà thờ họ Lê, nửa phía bắc gọi là làng Quy Nhân, phía nam là Lạc Thiện); hòa bình đổi là Đức Trung, rồi sau lại Trung Lễ, đến ngày 01/01/ 2020 sáp nhập 3 xã trở lại đặt tên mới là Lâm Trung Thủy. Trong bài này khi viết tên xã Lâm Trung Thủy cũng chỉ nói về xã Trung Lễ xưa (và ngược lại).
Dân xã Trung Lễ phần lớn làm nhà sát bên phía bắc quốc lộ 8A điểm đầu đối diện Trường THPT Trần Phú, điểm cuối là ngã 3 Lạc Thiện…
… Cụ Lê Khanh làm quan Bố chánh tỉnh Bình Định dưới triều Nguyễn, cụ có 2 vợ, vợ đầu là em gái Phan Đình Phùng sinh ra Lê Ninh, vợ 2 sinh ra Lê Võ (cố nội Lê Hiền) và những người khác, trung tâm dinh thự bề thế xưa của cụ Khanh là khu vực nhà Lê Hiền bây giờ.
Cụ Lê Ninh, sinh năm 1857 mất năm 1887 hưởng dương 30 tuổi, là nhân sĩ yêu nước, người anh hùng xướng nghĩa Cần Vương. Cụ Ninh được dân làng gọi tên thân mật là cậu Ấm Ninh. Cụ cùng với 4 em trai không đi theo con đường khoa cử mà đã cùng nhau học binh thư, võ nghệ, luyện tập chiến trận. Những việc làm của 5 anh em Cụ ban đầu bố mẹ quá lo lắng vì sợ các con phải đối mặt với gian khổ hy sinh, nhưng rồi cũng hiểu nên ủng hộ đã xuất ra 12 hũ vàng và nhiều chum bạc (trước kia không có ngân hàng và không két sắt nên vàng bạc chủ yếu chôn cất dưới đất, nay không biết nơi nào; một số người quanh nhà Lê Hiền nhiều lần đào đất làm nhà có nhặt được…) để cho Cụ mua súng đạn, thành lập đại đồn Trung Lễ có xưởng đúc rèn vũ khí trong khu vực đình làng và đền Phát Lát (tức là đền Quy Nhân) từ chợ đến bờ sông, xây dựng chiến lũy, tích trữ lương thực, chiêu mộ các hào kiệt và binh sĩ trong vùng dựng cờ dấy nghĩa. Việc cụ Khanh cất trữ vàng bạc chủ yếu vì mục đích yêu nước thương dân, phục vụ Cách mạng.
– Tháng 2/ 1884 lễ tuyên thề và tế cờ lấy hiệu Mạnh Khang tổ chức uy nghi tại Đình làng (cạnh đền Quy Nhân – Phát Lát; thôn Trung Nam có 1 đình, 2 đền), đình làng tọa lạc nơi khu đất rộng cách nhà Lê Hiên 70 mét ra tiếp giáp với quốc lộ 8. Năm 1960 Nghị quyết 3 “xóa bỏ tàn tích, tư tưởng phong kiến…” đến năm 1963 dân ta cơ bản đập phá hết còn một số để trơ trụi giữa trời mưa gió rồi đổ nát hoàn toàn. Cụ Lê Ninh là thủ lĩnh, là linh hồn của nghĩa quân và nhân dân xã Trung Lễ.
– Tháng 11/ 1885 hưởng ứng Phong trào Cần Vương, Cụ chỉ huy nghĩa quân đánh hạ thành HàTĩnh tiêu diệt tên bố chánh Lê Đại,giải phóng nhiều tù nhân.
– Cuối năm 1885 quân Pháp cùng với bọn tay sai, tà đạo chia làm nhiều mũi đánh phá thôn Trung Nam và vùng lân cận, nơi có xưởng rèn đúc súng đạn và khu căn cứ của nghĩa quân cụ Lê Ninh, quân của Cụ chiến đấu ngoan cường nhưng vì trận đánh bất ngờ và không cân sức nên nhiều người bị thương và hy sinh phải rút lên núi Vũ Quang kết hợp với quân của cụ Phan Đình Phùng.
– Năm 1886 Cụ chỉ huy đội quân của mình đánh vào đồn Dương Liễu (xã Hưng xá, Hưng Nguyên, Nghệ An) chiếm đồn và tiêu diệt nhiều quân giặc.

Ngoài ra, còn có nhiều trận đánh khác của nghĩa quân với quân Pháp diễn ra ngoài đồng, nơi tiếp giáp với các xã đã làm cho quân Pháp khiếp sợ.
– Vì xông pha chiến trận và sơn lam chướng khí nên cụ bị ốm nặng, đồng đội bí mật đưa Cụ về quê vợ Võ Thị Đoàn ở Phù Long (nay là xã Hưng Xá, huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và mất ngày 15/ 12/ 1887. Sau này, dân Trung Lễ đưa Cụ về an táng tại quê nhà; ngôi mộ đơn sơ bên cạnh nhà tưởng niệm tuy không cổ kính rêu phong, không tượng đài hoành tráng nhưng khí thiêng như còn đọng trên bầu trời và hình bóng ngọn cờ Mạnh Khang tung bay ngạo nghễ. Người nằm đó trên đất quê hương, nhưng khí phách anh hùng với những trận đánh vang dội, ý chí quật cường không sợ gian khổ hy sinh và một tấm lòng cao cả vì quê hương đất nước, vì nghĩa lớn mãi khắc sâu trong lòng nhiều thế hệ của người dân Trung Lễ.
Giai đoạn phong trào Cần Vương làng Trung Lễ bị giặc đốt cháy sạch 2 lần, làng quê xơ xác điêu tàn dân phải ra ngoài đồng (vùng Dăm Khánh, trước chợ chiều và Cồn Độ) dựng lều để ở sống những ngày gian khổ bi thương. Giặc Pháp tách xã Trung Lễ thành 2 làng Lạc Thiện – Quy Nhân và dựng đồn Lạc Thiện (cạnh nhà thờ họ Trần) gồm nhiều dãy nhà to lớn, ngay cả ngói cũng chở từ Pháp sang; sau ngày Cách mạng tháng 8/ 1945 thắng lợi, đồn Pháp làm trường học… Đồn bốt Lạc Thiện năm xưa, chứng tích một thời Thực dân Pháp cai trị nay thành dĩ vãng.
“Cụ Lê Ninh anh hùng bất tử”được ông Trần Trúc Ngân viết theo thể loại chuyện ngắn lịch sử. Câu chuyện ngắn gọn nhưng súc tích, kiên cường mà cảm động. Những địa danh mang tên xóm làng xưa, giờ đây như hãy còn vang vọng tiếng súng, tiếng hô vang của những trận quyết chiến. Tuy chỉ phác họa lại những sự kiện tiêu biểu nhưng đã tái hiện chân thực sống động cảnh sinh hoạt của gia đình, làng xóm, cũng như diễn biến các trận đánh với giặc Pháp… giống như chính cụ Lê Ninh và người trong cuộc thời đó kể cho lớp hậu sinh chúng ta nghe vậy.
Ông Ngân đã giành nhiều thời gian và tâm huyết viết lên câu chuyện này, xem như là một lời tri ân để tỏ lòng ngưỡng mộ, tôn kính cụ Lê Ninh và những nghĩa sĩ đã xả thân vì quê hương, đất nước, cũng như tinh thần chiến đấu kiên cường dũng cảm của nhân dân Trung Lễ anh hùng . Nếu như thời Phong kiến cụ Ninh có thể được Triều đình truy tặng danh hiệu lớn, có sắc phong “Thượng đẳng Phúc thần” và “Thần Thành Hoàng” bảo hộ chúng sinh; cho xây dựng đền lớn, giao dân xã Trung Lễ cùng các xã xung quanh muôn đời thờ phụng.

Ngày 20 tháng 8 năm 2020
Trần Điện Năng – Đời 14 – Phái Giáp Tam ( Phái Trân Đôn Loại )

Cụ Lê Ninh anh hùng, bất tử của tác giả Trần Trúc Ngân. Người đánh máy Trần Điện Năng, sao chép lại đúng như bản gốc nếu có đánh máy sai lỗi chính tả xin thông cảm.

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles