spot_img

TỔ TRẦN ÁN THÂN SINH TẢ TƯỚNG QUỐC TRẦN NGUYÊN HÃN LÀ AI ?

Hiện nay, trong dòng họ Trần Nguyên Hãn và trên các báo chí, truyền thông đang
tồn tại hai loại ý kiến khác nhau về nhân vật Trần Án, thân sinh ra Tả tướng quốc Trần
Nguyên Hãn. Một loại cho rằng ông Trần Án là ông Trần Thuần Đức, con trai An Viễn
tướng quân (thời Hồ Quý Ly) Trần Thúc Quỳnh đổi tên. Một loại nói ông Trần Án là em
ông Trần Thúc Quỳnh. Để làm rõ việc này, Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn đã tổ
chức nghiên cứu kỹ càng và giới thiệu với dòng họ như sau:
I- VỀ LẬP LUẬN "ÔNG TRẦN ÁN LÀ  ÔNG TRẦN THUẦN ĐỨC ĐỔI TÊN".
Năm 1988, trong cuộc hội thảo khoa học về danh nhân Trần Nguyên Hãn do Sở Văn
hóa – Thông tin tỉnh Vĩnh Phú phối hợp với Viện Sử học Việt Nam và Ủy ban Nhân dân
huyện Lập Thạch tổ chức, tác giả Lê Kim Thuyên có viết một bài tham luận về ngày sinh
và ngày mất của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn trong đó nói nhiều về nhân vật Trần Án
là Trần Thuần Đức, con trai ông Trần Thúc Quỳnh đổi tên. Phần này ông cũng in trong
sách "TRẦN NGUYÊN HÃN" xuất bản năm 1988.
Để chứng minh cho ý kiến của mình, ông Lê Kim Thuyên trích một câu trong sách
"Trần Gia ngọc phả" lưu trữ tại viện Hán Nôm số A 2046 viết về Trần Thúc Quỳnh: "Trần
Thúc Quỳnh (chua lưỡng cước) (do ông thêm vào, trong gia phả không có chữ lưỡng
cước) Tự viết Vĩnh, nãi Nguyên Đán quý tử, Bính Tý mệnh, vi An Viễn tướng quân trấn
thủ Ái châu, thời thống thuộc Minh biến (nguyên bản không có chữ biến), dữ nghiệp phân
cư (nguyên bản dữ diệp phân cư), công thủy tòng thân muội Trần Thị Ngọc Điền, hồi cư
Thượng Phúc, Nhị Khê xã, Hạ thôn. Tỷ Nguyễn Thị Uyển sinh nhất nam Thuần Đức".
Ông dịch là: "Ông Trần Thúc Quỳnh, tên chữ là Vĩnh, là con trai út của Trần
Nguyên Đán sinh năm Bính Tý (1336? LKT) giữ chức An Viễn tướng quân trấn thủ châu
Ái. Trong thời loạn quân Minh đô hộ, ông đem gia đình phân tán. Trước kia có theo em gái
là Trần Thị Ngọc Điền tức Trần Thị Thái – về ở thôn dưới, xã Nhị Khê – huyện Thượng
Phúc".
Từ câu trích dẫn trên, ông Lê Kim Thuyên đặt ra đề mục Công cuộc phân
cư: (Sách Trần Nguyên Hãn trang 24), rồi suy luận viết: Năm 1385, Trần Nguyên Đán về
nghỉ hưu, cũng năm này bà Trần Thị Thái (mẹ của Nguyễn Trãi) chết, lúc ấy Nguyễn Trãi
mới 5 tuổi, dẫn đến gia đình cụ Trần Nguyên Đán có sự phân hóa. Ông Nguyễn Ứng Long
(cha của Nguyễn Trãi) trở về Nhị Khê, cùng đàn con nhỏ. Cảnh "gà trống nuôi con" này
khiến ông Thúc Quỳnh trở nên khó xử. Ông phân cư gia đình cũng là tính đến thời cuộc và
nỗi nhà.
Ông đặt tiếp đề mục "* Ông Thuần Đức": (trang 25), ông nêu ra  câu hỏi: Ông
Thuần Đức ở Nhị Khê, sau công cuộc phân cư của cha thì đi đâu? Rồi ông lập luận:
Với con người "ngoại thích" Hồ Quý Ly, ông Thuần Đức chỉ có thể đi lánh vào miền quê
để bảo toàn dòng giống của cụ Băng Hồ. Sơn Đông là miền đầu mối giao thông cửa ngõ
miền Hà Tuyên  mà trước đó hơn một trăm năm, Đỗ Khắc Chung lên mở trường dạy học.

2
Tiếp đó là đề mục "* Ông Trần Án:". Trong bản tham luận, đề mục là: "+ Ông Trần
Thuần Đức lên Sơn Đông đổi tên là Trần Án"
Ông dẫn chứng ở địa phương có hai bản thần phả, bản A thờ tại đền Thượng xã Sơn
Đông, bản B thờ tại đình Đức Lễ, xã Sơn Bình, (nơi có Rừng thần xưa), nay là xã Văn
Quán. Ông viết: "Cả hai bản thần phả đều thừa nhận: bố của Trần Nguyên Hãn có tên là
Trần Án.  Mẹ là Lê Thị Hoàn (bản A) và Đặng Thị Hoàn (bản B) sinh ra Trần Nguyên
Hãn… Cả hai bản đều viết ông bà có nghề làm dầu dọc sinh sống", Vậy ông Trần Án là ai?
Truyền thuyết xã Sơn Đông cho hay: cha mẹ Trần Nguyên Hãn (tức ông Trần Án và bà
Hoàn) lên cư ngụ ở Sơn Đông từ thời còn son rỗi (chưa có con)… Khi bà Hoàn ra sông tắm
ở bến Đông Hồ, được "giao long phủ" rồi có thai sinh ra Trần Nguyên Hãn.
Sách Trần Nguyên Hãn, trang 27 viết: Truyền thuyết ở Sơn Đông cho hay: Vào cuối
đời Trần, ở trang Sơn Đông bỗng dưng xuất hiện một cặp vợ chồng trẻ lên trú ngụ. Hai
người tìm đến khu đất xưa còn là rừng rậm. vốn là mảnh đất cuối cùng của làng Phan Lãng
để khai phá lập trại và lấy tên (?) là "Sơn Đông địa đầu"…
Từ đó, dẫn đến kết luận: "trên những cơ sở ấy, chúng tôi giả thuyết rằng ông Thuần
Đức ở Nhị Khê, chính là ông Trần Án ở Sơn Đông đã phân cư theo sự sắp đặt của ông
Thúc Quỳnh, để bảo toàn dòng dõi cụ Trần Nguyên Đán". (bản tham luận tại hội thảo).
"Sự trùng lặp của hai bản thần phả về địa danh và con người, cùng với địa danh "Sơn
Đông địa đầu" của tài liệu "Trần Tả tướng công sự tích" khiến kết luận được rằng: Ông
Trần Án là ông Trần Thuần Đức  ra đi từ Thượng Phúc, lánh lên miền Sơn Đông theo kế
của cha là ông Thúc Quỳnh, đổi tên, lập nghiệp, ẩn mình nơi thôn dã". (Sách "Trần
Nguyên Hãn" trang 27)
Để bảo đảm cho sự đúng đắn của kết luận này, ông trích dẫn thêm: trong tập sách
"Băng Hồ di lục sự" của Nguyễn Trãi có chép như sau: "công… hữu nam nữ thập nhất
nhân, binh hậu tiển hữu tôn giả. Dư mẫu công đệ tam nữ giã". Dịch: Con ông cả nam lẫn
nữ có 11 người. "Sau khi loạn lạc không mấy người còn. Mẹ ta là con gái thứ ba của ông".
Theo ông Thuyên thì sự ghi chép của Nguyễn Trãi "… Tiến hữu tồn giả" (có ít người
còn) càng xác định giá trị "Trần gia ngọc phả" là chính xác, chỉ ghi rõ 5 người con của
Băng Hồ còn lại, vì vậy "Trần gia ngọc phả mới có câu "Sinh tam nam nhị nữ" sinh 3 con
trai, hai con gái (Trần Nguyên Hãn, trang 19)
Và "trong tất cả sách sử cũ chưa có tác giả nào viết đến ông Trần Án và bà Hoàn (?)
Bản "Trần gia ngọc phả" thì không có tên ông Trần Án (sách Trần Nguyên Hãn trang
26), (tham luận, "Trần Nguyên Hãn kỷ yếu" trang 41).
Tiếp đó tham luận viết: "Đến đây, tôi xin được phác họa phổ hệ gia đình cụ Trần
Nguyên Đán như sau:
Trần Nguyên Đán
Nguyên            Thúc Dao          Thị Thái            Thúc Quỳnh              Thị Thai
Mông
Nguyễn Trãi           Thuần Đức, Nhị Khê
(tức Trần Án, Sơn Đông)
Trần Nguyên Hãn

3

Như vậy, Trần Nguyên Hãn là cháu bảy đời dòng Trần Quang Khải.
Trần Nguyên Hãn là cháu nhà ông cậu, còn Nguyễn Trãi là con nhà bà cô".
Sau khi kỷ yếu hội thảo được công bố, các cơ quan truyền thông đưa tin "Trần
Nguyên Hãn là con Trần Thuần Đức".
SỰ THỰC LÀ NHƯ THẾ NÀO?
Với mục đích tìm rõ ngọn nguồn tổ tiên, Ban Liên lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn đã
tổ chức đi tìm hiểu:
Chúng tôi đến Viện Hán Nôm tìm đọc tập sách "Trần gia ngọc phả" số đăng ký A
2046 như ông Lê Kim Thuyên đã nói và được Viện Hán Nôm giúp đỡ, sao lục toàn văn
Trần gia ngọc phả. Tiến sĩ Hán Nôm Vương Thị Hường trực tiếp phiên âm và dịch toàn bộ
ra chữ quốc ngữ (tiếng Việt) để mọi người dễ dàng tham khảo. Đồng thời thường trực Ban
Liên lạc tổ chức một đoàn đại biểu đến làng Nhị Khê, huyện Thường Tín trực tiếp khảo sát
tại chỗ.
Qua đọc và nghiên cứu nhiều lần toàn bộ bản Trần gia ngọc phả, chúng tôi thấy có
nhiều điều khác hẳn với tham luận của ông Lê Kim Thuyên:
1- Nhị Khê là nơi cư trú lâu dài của dòng họ Trần Thúc Quỳnh.
Trần gia ngọc phả trang 9 viết về Trần Nguyên Đán: nghịch liệu cố Nguyên Đán lão
nhi tạ sự, Thánh Nguyên cải vương vĩnh lạc bình Hồ, Thúc Quỳnh thiên cư Nhị Khê, sinh
hạ tử tôn, bản chi phất thí, tư tưởng tích thâm tư công đức bất thiên.
Dịch là: “Tiên liệu trước mọi việc, cố lão Nguyên Đán lui về ở ẩn. Năm Thánh
Nguyên (1400 – 1401) nhà Hồ chiếm ngôi, Thúc Quỳnh chuyển về sống ở Nhị Khê, con
cháu sinh sôi (sinh hạ tử tôn), bản chi (chi họ) không bỏ, nay bút tích vẫn còn, công đức
sâu dày không thể thay đổi.
2- Không có "công cuộc phân cư" nào của Trần Thúc Quỳnh ở Nhị Khê, không có ở chung
nhà với ông Ứng Long, cha của Nguyễn Trãi.
Đọc đi đọc lại nhiều lần "Trần gia ngọc phả" không tìm thấy có từ ngữ nào nói đến
việc Trần Thúc Quỳnh ở chung nhà với ông Ứng Long cha của Nguyễn Trãi, cũng không
có từ ngữ nào nói đến có công cuộc phân cư của ông Trần Thúc Quỳnh.
Nếu theo Trần gia ngọc phả thì  tử khi cụ Trần Nguyên Đán còn sống, cụ đã cho
Trần Thúc Quỳnh theo em gái về thôn Hạ, xã Nhị Khê để chuẩn bị. Năm 1400 – 1401, Hồ
Quý Ly cướp ngôi nhà Trần, lúc này, cụ Trần Nguyên Đán và bà Trần Thị Thái đều đã quy
tiên, ông Trần Thúc Quỳnh tự đưa con về định cư ở Nhị Khê, không có ở nhờ nhà ông Ứng
Long.
Sách Trần Nguyên Hãn trang 19, ông Lê Kim Thuyên viết; Sự ghi chép của Nguyễn
Trãi “…Tiến hữu tồn giả” (có ít người còn) càng xác định giá trị "Trần gia ngọc phả là
chính xác”. Điều này là nhằm làm cho người đọc tin rằng gia đình cụ Băng Hồ chỉ còn lại
5 người, 3 trai, 2 gái rồi dẫn dắt đến việc nói Trần Thuần Đức chạy lên Sơn Đông.
Trần gia ngọc phả thực chất là quyển gia phả của một dòng họ Trần ở thôn Hạ, xã
Nhị Khê, Thượng Phúc, huyện Thường Tín ngày nay mà tổ họ chính là Trần Thuần Đức.
3- Về ông Trần Thúc Quỳnh, ông Lê Kim Thuyên trích đoạn không đủ. Trần gia
ngọc phả trang 25 viết: Trần Thúc Quỳnh tự viết Vĩnh, nãi Nguyên Đán Quý tử, Bính Tý

4
mệnh,vi An Viễn tướng quân trấn thủ Ái châu. Thời thống thuộc Minh, dịch diệp phân cư,
công thủy tòng thân muội Trần Thị Ngọc Điền hồi cư Thượng Phúc, Nhị Khê xã, Hạ thôn.
– Tỷ Nguyễn Thị Uyển, sinh nhất nam Thuần Đức . . . . .
Gia phả còn viết tiếp về ông Trần Thuần Đức (vẫn trang 25):
– Trần quý công tự Thuần Đức, hiệu Ôn Lương, nãi Nhật Vĩnh trưởng tử sinh Chính Trực.
– Trần quý công tự Chính Trực, hiệu Phúc Lai, nãi Thuần Đức trưởng tử, sinh Chính Đạo.
– Trần quý công tự Chính Đạo, hiệu Phúc Bồi, nãi Chính Trực trưởng tử, sinh Như Kiên.
–  Trần quý công . . .tiếp tục cho đến hết phần cuối của gia phả.
Dịch là: Trần Thúc Quỳnh tên tự là Vĩnh, là con trai út của cụ Nguyên Đán, sinh
năm Bính Tý, làm An Viễn tướng quân trấn thủ Ái Châu. Thời nhà Minh cai trị, con cháu
phân chia ở khắp nơi. Ông theo em gái là Trần Thị Ngọc Điền trở về (hồi cư) sống ở thôn
Hạ, xã Nhị Khê, huyện Thượng Phúc. Vợ là Nguyễn Thị Uyển sinh một con trai tên là
Thuần Đức. . .
Tiếp ở trang 25:
– Trần quý công tên tự là Thuần Đức, tên hiệu là Ôn Lương là con trai trưởng của Nhật
Vĩnh, sinh ra Chính Trực
– Trần quý công tên tự là Chính Trực, tên hiệu là Phúc Lai, là con trai trưởng của Thuần
Đức, sinh ra Chính Đạo.
– Trần quý công tên tự là Chính Đạo, tên hiệu là Phúc Bồi là con trai trưởng của Chính
Trực, sinh ra Như Kiên.
– Trần quý công . . . còn tiếp tục
Ông Lê Kim Thuyên đã không trích dẫn đoạn kế tiếp Trần Thuần Đức (trang 25
sinh con, sinh cháu, sinh chắt… đến cuối gia phả trong đoạn này.
Trang 89 viết phần kết thúc gia phả: Lược biên thê thứ chi Ất* họ Trần để tiện
theo dõi:
Trần Thúc Quỳnh, Nguyên  Đán quý tử, phu nhân Nguyễn thị sinh nhất nam Công
Thiên, cư Nhị Khê xã, thị vi thủy Thiên chi Tổ, sự tích tường kiến chính phả.
Thuần Đức công: Thúc Quỳnh chi tử, sinh nhất nam
Chính Đạo công: Thuần Đức chi tử, sinh nhất nam
Chính Trực công: Chính Đạo chi tử, sinh nhất nam
Chính Kiên công: Chính Trực chi tử, sinh nhất nam…..
Dịch là: Trần Thúc Quỳnh là con út của cụ Nguyên Đán, vợ người họ Nguyễn sinh
được một con trai là Công Thiên sống ở xã Nhị Khê, ở đây bắt đầu lấy Thiên làm
Tổ, sự tích   xem rõ trong chính phả.
– Ông Thuần Đức là con của Thúc Quỳnh, sinh được 1 con trai.
– Ông Chính Đạo là con của Thuần Đức, sinh được 1 con trai
– Ông Chính Trực là con của Chính Đạo, sinh được 1 con trai.
– Ông Chính Kiên là con của Chính Trực, sinh được 1 con trai….
– (liên tiếp 19 đời con cháu không có ai tên là Trần Nguyên Hãn).
Như vậy đã rõ. Ông Trần Thúc Quỳnh không có phân cư, ông Trần Thuần Đức không
đi đâu cả. Ông Trần Thuần Đức sống ở xã Nhị  Khê, không đi Sơn Đông, cũng
không đổi tên là Trần Án. Ông là Tổ của một dòng họ ở Nhị Khê cho đến ngày nay.

5
NHỮNG ĐIỀU KHÔNG HỢP LÝ TRONG CÁC TÁC PHẨM CỦA ÔNG LÊ KIM
THUYÊN
Thật khó hiểu khi trong "Trần gia ngọc phả" có rất nhiều nội dung có liên quan đến
Trần Thúc Quỳnh và Trần Thuần Đức nhưng ông Lê Kim Thuyên lại chỉ trích một câu
trong "Trần gia ngọc phả", về ông Trần Thúc Quỳnh rồi suy diễn, biện luận ra nhiều giả
thuyết để lý giải theo ý riêng mình. Ông Lê Kim Thuyên lấy 2 bản thần tích, thần phả của
xã Sơn Đông và thôn Đức Lễ để lý giải nói rằng: "Sự trùng lặp của hai bản thần phả về
địa danh và con người khiến kết luận được rằng: “Ông Án là ông Thuần Đức ra đi từ
Thượng Phúc, lánh nạn lên".  Thực tế Hai bản thần phả này chỉ nói một điều là người lên
ở Sơn Đông có tên là Trần Án. Ngoài ra không có một câu chữ nào khiến người đọc có thể
suy ra đó là ông Trần Thuần Đức đổi tên.
Tại cuộc hội thảo về danh nhân Trần Nguyên Hãn do tỉnh Vĩnh Phú và huyện Lập
Thạch phối hợp với viện Sử học Việt Nam tổ chức năm 1988, ông có bài tham luận viết:
“Trên những cơ sở ấy, chúng tôi giả thuyết rằng ông Thuần Đức ở Nhị Khê chính là ông
Trần Án ở Sơn Đông đã phân cư theo sự sắp đặt của ông Thúc Quỳnh…” Thế nhưng trong
sách Trần Nguyên Hãn, ông lại khẳng định Trần Thuần Đức đổi tên là Trần Án và vẽ
ra hệ phả Trần Thuần Đức đẻ ra Trần Nguyên Hãn!
II- VỀ THÔNG TIN ÔNG TRẦN ÁN LÀ EM ÔNG TRẦN THÚC QUỲNH.
Giáo sư Bùi Văn Nguyên là nhà giáo và là người nghiên cứu rất sâu về Nguyễn Trãi đã
viết rõ ràng, mạch lạc  trong sách "Nguyễn Trãi và bản "Bình Ngô đại cáo" trang 120:
"Trần Nguyên Hãn (cũng gọi là Trần Hãn)  là con ông Trần  Án và bà Lê Thị Hoàn, Ông
Án là con trai thứ sáu Băng Hồ tướng công, con bà vợ thiếp và gọi bà Trần Thị Thái bằng
chị".
Đây là một tư liệu rất đáng quan tâm. "Băng Hồ tướng công di lục sự" của Nguyễn Trãi
viết "cụ Trần Nguyên Đán có 11 người con, sau cơn binh hỏa không mấy người còn". Ý
câu này không chỉ đóng khung trong 5 người còn lại là con bà vợ cả. Trần Án gọi bà Trần
Thị Thái bằng chị cũng tức gọi ông Trần Thúc Quỳnh bằng anh. Ông Trần Án đi ở ẩn
không ngoài sự sắp đặt theo dự liệu của cụ Trần Nguyên Đán (trang 9 Trần gia ngọc phả)
như đối với ông Trần Thúc Quỳnh và ông Trần Thúc Dao. Đối chiếu với hai bản thần phả
ở đền Thượng Sơn Đông và ở đình thở Đức Lễ đều phù hợp.
Nhiều nhà sử học có danh tiếng, có nhiều công trình nghiên cứu, có học hàm, học vị
cao Giáo sư, Tiến sĩ sử học như các vị: Văn Tân, Quỳnh Cư, Dã Lang, Hoài Việt, Hàn Thế
Dũng Nguyễn, Quang Thân, Đinh Công Vĩ, Trần Xuân Sinh, Nguyễn Gia Linh… và cả
Bách Khoa toàn thư mở (Wikipedia tiếng Việt)v.v… trong các tác phẩm của mình đều đã
nêu lên và xác định rõ: "Trần Án là con Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi và
Trần Nguyên Hãn là hai anh em con cô, con cậu hoặc con bá, con cậu, là cháu nội, cháu
ngoại cụ Trần Nguyên Đán".
Bản thân tác giả Lê Kim Thuyên, sau hội thảo và xuất bản sách Trần Nguyên Hãn đã
có một bài đăng trên tạp chí Nghiên cứu lịch sử trang 60 mục Tài liệu tham khảo với tiêu
đề "Chút ít tài liệu về Trần Nguyên Hãn" bút danh K.T. viết: "Trần Nguyên Hãn là con cụ
Trần Nguyên Án và cụ bà Lê Thị Hoàn… Trần Nguyên Án là con trai quan tư đồ Trần
Nguyên Đán. Trần Nguyên Đán là cháu Chiêu Minh đại vương Trần Quang Khải…." Phải

6
chăng đây là lời cải chính của ông Lê Kim Thuyên, nhưng đồng thời ông lại có một sự lầm
lẫn khác. Đó là ông nói Trần Nguyên Đán là cháu Chiêu Minh đại vương Trần Quang
Khải. Chiêu Minh Đại vương Trần Quang Khải có con là Văn Túc vương Trần Đạo Tái,
cháu là Uy Túc hầu Trần Văn Bích, chắt là Chương Túc hầu Đại Tư Đồ Trần Nguyên Đán.
Trần Án là con, Trần Nguyên Hãn là cháu Chương Túc quốc thượng hầu Đại Tư Đồ Trần
Nguyên Đán. Như vậy Trần Nguyên Hãn là cháu sáu đời Chiêu Minh Đại vương, Thượng
tướng Thái sư Trần Quang Khải, là cháu bảy đời Hoàng đế Trần Thái Tông.
KHẢO SÁT THỰC TẾ Ở XÃ NHỊ KHÊ, HUYỆN THƯỜNG TÍN
Ngày 30 tháng 8 năm 2015, Thường trực Ban Liên lạc đã cử một đoàn 4 người
gồm Trưởng, Phó ban và ủy viên thường trực về xã Nhị Khê   trực tiếp gặp gỡ trao đổi với
đại diện các dòng họ ở địa phương. Theo ông Trần Văn Bình, là chú và thay mặt Trưởng
họ đang bị ốm: họ Trần từ xưa đến nay vẫn ở thôn Hạ, Nhà thờ xưa cũ không còn, nay bà
Trần Thị Oanh (con gái trong họ) công đức xây lại nhà thờ mới. Xã Nhị Khê, nay đã phát
triển có thêm 2 nhà thờ nhánh cùng ở thôn Hạ. Nhà thờ cụ Nguyễn Trãi trước ở thôn
Thượng. Do biến chuyển xã hội, từ thời nhà Nguyễn, chuyển về xây dựng nhà thờ ở thôn
Trung, xã Nhị Khê. (Không cùng thôn với ông Thúc Quỳnh). Theo ông Nguyễn Thông, tộc
trưởng cho biết thì từ xưa đến nay, các ông cha đều nói với các con cháu rằng Cụ Nguyễn
Trãi và cụ Trần Nguyên Hãn là anh em con cô, con cậu, không thấy ai nói gì khác. Cũng từ
xưa đến nay, ở Nhị Khê chỉ có một họ Trần, không có người họ Trần nào khác đến cư trú ở
đây.
Như vậy chúng ta có thể tin chắc rằng ông Trần Nguyên Hãn là con ông Trần Án, là
cháu nội cụ Trần Nguyên Đán, là con cô, con cậu với ông Nguyễn Trãi, và là cháu sáu đời
Thượng tướng Thái sư Trần Quang Khải. Quan hệ giữa Trần Nguyên Hãn với Trần Thuần
Đức là anh em con chú, con bác. Không có chuyện ông Trần Nguyên Hãn là con ông Trần
Thuần Đức đổi tên.
Tìm hiểu cho đúng nguồn gốc của Tổ tiên là trách nhiệm thiêng liêng của con cháu
hậu duệ của Người. Dòng họ Trần Nguyên Hãn chúng ta cần kiểm tra, chỉnh sửa lại những
sai lệch trước đây nếu có cho đúng với thực tế lịch sử của cha ông chúng ta.
____________________________
*Chi Ất là sau chi Giáp. Trần gia  ngọc phả trang 25 viết: "Trần Thúc Giao tự viết
Biểu, nãi Nguyên Đán thứ tử, bôn cư Thượng Phúc, Trát kiều xã. Phu nhân nãi Lê Cư
Nhân chi nữ".
Dịch là: "Trần Thúc Dao: tên tự là Biểu, là con trai thứ của Nguyên Đán, chạy về
sống ở xã Trát kiều, huyện Thượng Phúc. Phu nhân là con gái của Lê Cư Nhân".
Như vậy, có thể chi Giáp là chi của con cháu Trần Thúc Dao.

Nguồn: Đăng trên cổng thông tin điện tử dòng họ Trần Nguyên Hãn

( Sưu tầm: Trần Điện Năng – Đời 14 Phái Giáp Tam )

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles