spot_img

NƠI QUÊ HƯƠNG, GỐC TỔ

Vui ngày giỗ Tổ
Cháu con muôn nơi về tại từ đường (1)
Đây chốn linh thiêng… gợi niềm hoài cổ
Tiếng vọng thời gian thoảng trong hương thơm
Được biết tiên linh xưa !
Sinh ra giữa nơi trời đất
Thời Lê trung hưng thế sự bất thường
Dẫu Yên Thành là đất cố hương
Đi dựng nghiệp, mai danh ẩn tích
Một khoảng trống dài gãy đứt lý lịch
Gần 400 năm mới biết cội nguồn… (2)
Các bậc Tổ tiên hào kiệt, lẫy lừng
Nên biết phát huy con nòi, của giống
Đất Cổ Ngu gieo mầm cuộc sống (3)
Lập làng, xây nên dòng tộc họ Trần…
Tiền bối xưa là Pháp Độ công, danh hiệu thượng đẳng thần (4)
Đến đời cụ Như giúp dân: bằng nghề dạy học, cắt thuốc (5)
Hai con của cụ theo nghề thao lược (6)
Phẩm tước Đồng tri, một chức quan quyền…
Hôm nay đây:
Cốt cách lúc sinh thời hóa huyền diệu bay lên
Để phù hộ cháu con: giải hạn xui, còn vận may đem đến
Hậu duệ sống khắp nơi từ đồng bằng, núi, biển
Biết kế tục vinh quang truyền thống của cha ông
Đức cao vọng trọng… bởi năng lực, quyết tâm
Nên đã có: quan đại thần, giáo sư, tiến sĩ
Có chức vụ cao trong quân đội, công an và nhà quản lý
Có anh hùng và tiêu biểu thường dân…
Học sinh đậu thủ khoa cũng đã góp phần
Cho hào khí Đông A càng thêm vang dội…
Làng xưa nghèo, nay trên đà đổi mới
Văn hóa cao, nhiều hộ đã sang giàu
Đoàn kết họ tộc, thân ái, giúp nhau
Biết trả nghĩa, đền ơn, sống nhân văn, cống hiến
Trách nhiệm công dân để góp phần phát triển
Cho dòng họ vẻ vang và Tổ quốc hùng cường…
Đạo lý nhắc ta “uống nước nhớ nguồn”
Càng hiểu sâu hơn về “cương thường” vạn cổ (7)
Tỏ niềm tri ân bởi “Nhân sinh do Tổ”
Xin chiêm bái lòng thành… tới các bậc tiên linh !

*** Ghi chú và giải thích: Phần này chỉ nêu ngắn gọi khái quát, muốn biết cụ thể hơn xin mời đọc bài “Dòng
họ hiển hách, Trần Đăng Như danh gia vọng tộc và người họ Trần trên đất Lâm Trung Thủy; Biên bản công
nhận dòng họ ngày 23/ 8/ 2002”… đăng trong các tài liệu và trên facebook họ Trần Lê đại tôn.
*1- Nhà thờ họ xây dựng cách nay hơn 150 năm trên đất hiện tại. Năm 1927 tu sửa nhà thờ và hợp tự 8 Phái
quy về một mối từ đường họ đại tôn không để Chi Phái xây nhà thờ riêng nhằm tập hợp sức mạnh giống như tổ
chức Giáo xứ. Tiếp tục sửa chữa tôn tạo nhà thờ trong các năm 1950, 1980, 2002; tháng 8/ 2019 đến cuối tháng
6/ 2020 dương lịch xây lại mới cổng tam quan, trùng tu tôn tạo thoáng đãng to đẹp hơn có: hạ điện (bái đường),
trung điện và thượng điện (nơi thờ bài vị Thủy tổ, Thế tổ); tháng 4/ 2021 xây lại tường rào xung quanh.
*2, 3- Năm 2001 ông Trần Lê Xuân (đời 13, phái 3) tìm được gốc tích thủy Tổ Trần Đăng Như (Trần Như), kết
hợp tài liệu khác biết được 3 bố con cụ Như từ Yên Thành ra Đông Sơn – Th Hóa vài năm rồi vào định cư tại
thôn Trung Nam (phía sau chợ chiều, đây là đất địa linh có đình làng, đền Phát Lát, đền Cửa Diệc…) xã Cổ
Ngu (xã Trung Lễ, nay là xã Lâm Trung Thủy) khoảng năm 1620, kết thúc gần 400 năm “không rõ nguồn gốc”.
Nhờ sự kiện này làm cơ sở cho việc lập Biên bản công nhận dòng họ ngày 23/ 8/ 2002 đã thống nhất một số nội
dung trong đó xác định “theo phả tộc Trần Việt Nam, cụ Trần Đăng Như là đời thứ 17” trực hệ sau: Đời thứ
nhất- Trần Kinh (Tr Quốc Kinh, Tr Tự Kinh), 2- Tr Hấp, 3- Tr Lý, 4- Tr Thừa (Trần Thái Tổ, là cụ Tổ các vua
nhà Trần), 5- Trần Cảnh (vua Tr Thái Tông), 6- Tr Quang Khải, 7- Tr Đạo Tái, 8- Tr Văn Bích, 9- Tr Nguyên
Đán, 10- Tr Nguyên Án, 11- Tr Nguyên Hãn, 12- Tr Pháp Độ, 13- Tr Thiện Tính (hiệu Chân Thường, húy Trần
Khương), 14- Tr Chân Tính (Huyền Thông), 15- Tr Yết Tâm (Tr Thiện Tâm), 16- Tr Minh Triết, 17- Tr Như (và
3 em: Tr Khắc Liễu, Tr Liễu Ngộ, Tr Thế Lộc). Gia phả họ ta thống kê cụ Trần Như đời thứ 21 (có thể đời 20).
*4- Cụ Trần Pháp Độ: sinh năm 1424 quy tiên năm 1509, thọ 85 tuổi; con thứ 3 (có sách viết con thứ 5) của Tả
tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Năm 1429 sau khi Tr Ng Hãn tự vẫn, ông và mẹ bị Lê Lợi (vua Lê Thái Tổ) bắt
về quản thúc tại Thăng Long. Năm 1454 (26 năm sau) vua Lê Nhân Tông (cháu Lê Lợi) đại xá minh oan cho Tr
Ng Hãn và tha cho vợ con ông. Tr Pháp Độ được Lê Nhân Tông mời vào triều làm quan giữ chức “Thiết chế lễ
Tướng công” gọi tắt là “Pháp Độ công” chuyên trông coi lễ nghi, kỷ cương trong triều. 
Năm 1470 dưới triều Lê Thánh Tông, Tr Pháp Độ xin hưu quan đưa vợ và 3 con về Tống Sơn (Hậu Lộc,
Thanh Hóa)… Ở Th Hóa được vài năm, cụ trở vào với con út Thiện Tính khai hoang, truyền bá việc học… lập
xứ Nương Mao gồm các xã Vĩnh Thành, Nhân Thành, Hợp Thành thuộc huyện Yên Thành và một số xã của
Diễn Châu… Cụ mất, đến thời vua Lê Hy Tông (tại vị 1675- 1705) cho xây đền thờ, các Triều đại sau ban tặng
cụ “Thượng Thượng đẳng thần”, là Thành Hoàng bản xứ. Đền thờ Tr Pháp Độ tại xã Diễn Thắng, Diễn Châu
được nhà nước cấp bằng Di tích lịch sử; nhưng mộ cụ lại ở xã Nhân Thành và tại xã này cũng có nhà thờ cụ. Tr
Pháp Độ là Thủy tổ họ Trần vùng Thanh Nghệ Tĩnh và Quảng Ngãi… Cụ có những hậu duệ ưu tú như: Tổng bí
thư Trần Phú (quê Đức Thọ, Hà Tĩnh), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (quê Đức Phổ, Quảng Ngãi)…
Tr Pháp Độ có 3 người con trai (có tài liệu viết 4 trai) đó là: Trần Công Sủng, Tr Đạo Tín, Tr Thiện Tính
(hiệu Chân Thường, húy Trần Khương). Tr Thiện Tính sinh ra 3 trai: Tr Chân Tịch (hiệu là Huyền Nghiêm, húy
Phúc Quảng), Tr Chân Tính (hiệu Huyền Thông, lấy 2 vợ sinh 11 người con trai, mộ cụ tại Diễn Lâm), Tr Chân
Thiên (hiệu Huyền Linh, húy Sinh Thiên, giỏi địa lý phong thủy); đời sau một số chuyển vào Thanh Chương
(Nghệ An), Can Lộc, Đức Thọ (Hà tĩnh) và các tỉnh phía Nam.
*5, 6- Thủy Tổ Trần Đăng Như (Tr Như) có 2 con trai đều không rõ tên, tham gia quân triều đình Lê trung
hưng và đều có phẩm tước (chức vụ) chữ “Đồng tri”; người anh giữ chức Đô chỉ huy sứ Đồng tri thiêm sự
(giống Tư lệnh trưởng bây giờ), không có con; người em giữ chức Chánh đội trưởng Đồng tri thiêm sự (lãnh
binh Hoàng gia), sinh con cháu nối tiếp lập nên họ Trần Lê đại tôn có 8 Phái, đứng đầu là 8 vị thế Tổ: 1- Trần
Đôn Sỹ, 2- Trần Đá, 3- Trần Đôn Loại, 4- Trần Huy Quả, 5- Trần Khắc Nhuận, 6- Trần Đôn Cung, 7- Trần Đôn
Phác, 8- Trần Dị. Cuối năm 2017 sinh cháu đầu tiên đời thứ 18, đến năm 2021 có hơn 2.200 đinh ở quê và đi ra,
là một trong 2 họ lớn của xã. Cụ Như có trình độ học vấn cử nhân, thời đó làm quan thường giữ chức Tri huyện
nhưng cụ đã tránh xa chốn quan trường làm nghề dạy học, bốc thuốc giúp dân. Đến năm 2015 cả Họ có 3 anh
hùng, 6 giáo sư và phó giáo sư, 14 tiến sĩ; có 33 liệt sĩ và nhiều thương bệnh binh qua các cuộc kháng chiến
chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, chiến tranh Biên giới Tây nam với Khmer Đỏ do Trung Quốc hậu thuẫn
(tháng 12/ 1978 đến tháng 9/ 1979) và chiến tranh Biên giới phía Bắc chống Trung Quốc xâm lược (17/ 2 đến
16/ 3/ 1979)… Trong đó gia đình cụ Thước (đời 11, phái 6) có 3 giáo sư và 1 anh hùng, gia đình cụ Nguyện
(đời 12, phái 8) có 2 đại tá và 1 anh hùng… Tháng 01 năm 2008 nhà thờ Thủy tổ Trần Đăng Như vinh dự được
xếp hạng “di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh, tháng 11 năm 2020 Ban chấp hành Trung ương Hội khuyến học
Việt Nam vinh danh họ ta và tặng bằng khen về “phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập…”.

*7- Cương thường: là tam cương, ngũ thường. Tam cương là kỷ cương và mối quan hệ về vua tôi, cha
con, vợ chồng (phụ nữ tam tòng, tứ đức); ngũ thường là 5 đức tính thường ngày đó là: nhân, nghĩa, lễ, trí, tín.

Rằm tháng 7 năm 2021. Trần Điện Năng đời 14, phái Giáp tam (phái 3).

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles