Ông Lê Trần Sửu (bút danh Lê Hoài Nam) sinh ngày 15 tháng 10 năm Ất Sửu (1925) tại làng Lạc Thiện (nay là xã Lâm Trung Thủy, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Cha mất sớm, mẹ bồng bế ông về quê ngoại ở làng Yên Phúc (nay là xã Yên Hồ), huyện Đức Thọ sinh sống. Những năm 30 của thế kỷ trước, ông là cựu học sinh Trường Quốc học Vinh, tốt nghiệp Thành Chung (cao đẳng tiểu học). Sau đó, ông vào học Trường Bảo hộ (nay là Trường Chu Văn An) – Hà Nội.
Nhà nghiên cứu Lê Trần Sửu và những trăn trở lúc sinh thời.
Năm 1945, ông tham gia Việt Minh, khởi nghĩa giành chính quyền tại làng Yên Phúc, Đức Thọ. Năm 1946, ông theo học Trường Trung học Chuyên khoa Huỳnh Thúc Kháng tại xã Thái Yên (nay là xã Thanh Bình Thịnh), huyện Đức Thọ. Năm 1947, Sở Giáo dục Liên khu 4 bổ nhiệm ông dạy Trường Trung học Kháng chiến Bình Trị Thiên. Năm 1955, ông công tác tại Ty Giáo dục Hà Tĩnh, sau đó về dạy ở Trường cấp ba Phan Đình Phùng. Trong kháng chiến chống Mỹ, ông được biệt phái sang giúp Liên hiệp Công đoàn Hà Tĩnh phụ trách công tác tuyên truyền. Một thời gian sau khi ở Công đoàn Hà Tĩnh, ông trở lại dạy học ở Trường Phan Đình Phùng mãi đến ngày nghỉ hưu.
Ông là một trong ít người thành lập Hội Văn nghệ Hà Tĩnh vào năm 1959, để rồi từ đó, ngoài dạy học, ông đắm đuối với văn chương. Dạy học giúp ông chỉn chu, nghiêm cẩn trong sáng tạo văn chương, văn chương giúp ông sâu lắng, tinh tế trong dạy học.
Ông là tác giả của 5 tập truyện ngắn và bút ký đề cập tới nhiều vấn đề của hiện thực trong thời đại ông đang sống với giọng điệu riêng, đậm đà bản sắc xứ Nghệ.
Ông là người yêu tha thiết cuộc đời, con người, sống có trách nhiệm với quê hương, đất nước. Cuộc đời ông không bao giờ dừng, không bao giờ ngưng nghỉ lao động sáng tạo. Ông đã đi nhiều, viết nên những tác phẩm văn học có giá trị. Là tác giả của 5 tập truyện ngắn và bút ký đề cập tới nhiều vấn đề của hiện thực trong thời đại ông đang sống với giọng điệu riêng, đậm đà bản sắc xứ Nghệ: Trầm lắng và thiết tha, tinh tế và sâu sắc, ông đã góp phần vào sự phong phú, đa dạng của văn xuôi đương đại Hà Tĩnh.
Với sự trải biết đời sống và vốn tri thức thâm hậu, sau ngày tái lập tỉnh năm 1991, ông trở thành hội viên Hội Văn nghệ dân gian, thành viên nhóm địa phương học Hà Tĩnh. Ông đã cùng các nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh, Nguyễn Bân, Hồ Hữu Phước, Lê Văn Tùng… với những đôi chân trần rớm máu có mặt ở nhiều miền quê để khảo cứu, giới thiệu di sản văn hóa truyền thống Hà Tĩnh. Bạn đọc được đón nhận những tác phẩm về những sự kiện, nhân vật lịch sử, về những di tích, danh thắng nổi tiếng của quê hương, về những giá trị của một số tác phẩm văn học cổ điển theo cách nhìn riêng, sâu sắc, độc đáo và sinh động của ông…
Bệnh tật đã lấy đi nhà giáo nhiệt huyết, nhà văn tài hoa với những trang văn nồng đượm tình yêu thương cuộc đời, con người.
Gần một thế kỷ cầm phấn và cầm bút, cuộc đời vắt qua hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, qua bao thăng trầm của thời cuộc, nhà giáo, nhà văn Lê Trần Sửu đã vững vàng đi trên con đường sáng tạo gập ghềnh, khúc khuỷu cho đến ngày hôm nay. Sau khi gấp sách, gác bút 5 ngày, ông chống đỡ với căn bệnh hiểm nghèo và không còn đủ sức lực để tiếp tục đi trên con đường phụng sự cái đẹp mà ông xác lập từ thời trai trẻ. Bệnh tật đã lấy đi nhà giáo nhiệt huyết, nhà văn tài hoa với những trang văn nồng đượm tình yêu thương cuộc đời, con người.
Xin cầu chúc cho linh hồn ông được siêu thoát và an nghỉ trong cõi vĩnh hằng.
Nguồn: Báo Hà Tĩnh