spot_img

Tiếng vọng cội nguồn

Kính mến tặng bác chú, anh em, con cháu các đời họ Trần Lê

Có lần trong giấc mơ bay,
Thực – hư, Tôi biết chuyện hay nhà trời:
Thiên đình mở hội vui nồng hậu
Tại vườn đào Vương Mẫu Tây phương,
Kỳ hoa, dị thảo ngát hương,
Bồng lai tiên cảnh mê hồn là đây;
Quả nhiều màu muôn cây ấn tượng
Và linh đan Thái Thượng Lão Quân.
Thiên vương, tiên nữ, quân thần…
Ở miền cực lạc không phân giàu nghèo.
Bên ghềnh đá thông reo, suối hát,
Nhiều tiên ông râu bạc, tóc mây;
Vĩnh hằng cả những Thiên thai
Vô thường trong cõi bồng lai luân hồi.
Chốn tịnh độ nhớ thời dương thế,
Bụi hồng trần dâu bể ngày xa,
Các ngài Tổ tộc họ ta
Chúng sinh gần gũi, người nhà tâm giao;
Đều là bậc tài cao, đức trọng
Cụ Trần Như (1) nghĩa rộng giúp dân,
Hai con (2) theo nghiệp võ quân,
Đó là những vị trung thần, thanh liêm…
Các Tổ phái – anh em thúc bá
Cụ Sỹ, Đá, Loại, Quả, Nhuận, Cung
Cụ Phác, cụ Dị (3) và cùng
Nhiều tiên tổ (4) tạo phúc cho muôn đời…
Nhưng không quên cuối phương trời cũ
Nơi đất – trời hội tụ khí thiêng,
Từ đường (5), bài vị ghi tên
Tâm linh huyền bí, tiên hiền về đây ?
Có người nói: “Tổ hay phù hộ,
Phép màu giúp thượng lộ bình an,
Hanh thông trong các việc làm
Hóa giải xui, họa… xóa tan bất bình”.
Ơn công đức “Nhân sinh do Tổ”,
Đạo lý kia nhắc nhở làm người.
“… Nhớ nguồn” nghĩa cử thay lời,
Viếng thăm mộ Tổ, trọng nơi nhà thờ…
Nén hương thơm ảo mờ tiên giới
Bên án thờ đến với tôn nghiêm,
Lòng thành, lễ bạc dâng lên
Phút giây lắng đọng tỏ niềm tri ân…
Trước hết phải tự thân… năng động;
Sau gặp thời, biết sống, vận may ?
Những điều ứng xử xưa nay
Đất quê, lề thói thắm đầy nghĩa nhân…
Về lễ Tổ thêm gần họ tộc
Biết tôn tri, thứ bậc… gần xa,
“Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ tâm (tấm lòng, lương tâm, đạo đức…) kia mới bằng ba chữ tài” (truyện Kiều).
Mong con cháu công thành, danh toại
Nhiều hiền tài bái Tổ, vinh quy.
Họ Trần truyền thống phát huy
Hiếu học, đoàn kết, cần cù, trung kiên…
Xưa khoa bảng, giải nguyên cao quý
Nay giáo sư, tiến sĩ… có nhiều,
Xưa quan – công bộc kính yêu
Nay hàm tướng tá cũng đều vì dân,
Công chức với doanh nhân thành đạt
Và nông thôn khởi sắc đổi đời,
Tuy nhiên còn một số người
Bước đầu dựng nghiệp tạm thời khó khăn.
Hiểu đời thực, làm ăn biết luật…
Để thành công cao nhất, bền lâu.

Họ Trần Lê, nguyện cùng nhau
Làm cho nước mạnh, dân giàu, yên vui !

Ghi chú: căn cứ Gia phả họ Trần Lê kết hợp Biên bản 23/8/2002, tài liệu khác, Tôi tổng hợp lại và giải thích…
1- Cụ Trần Đăng Như (Trần Như): quê gốc (quê bố) ở Thọ Thành, Yên Thành. Dưới thời Lê trung hưng (1533 – 1789) triều đình biến loạn, nạn binh đao nổi lên khắp nơi cho nên trong cơn loạn lạc cụ Như và 2 con đã mai danh ẩn tích rời khỏi Yên Thành ra Đông Sơn- Thanh Hóa vài năm, sau vào định cư tại thôn Trung Nam xã Trung Lễ (nay là xã Lâm Trung Thủy) thế kỷ 17 (năm 1620 do Tôi dự đoán). Cụ Như có trình độ học vấn cử nhân, nếu ra làm quan có thể giữ chức Tri huyện nhưng cụ tránh chốn quan trường làm nghề nhân đức dạy học, cắt thuốc giúp dân 3 xã Trung Lễ, Đức Bùi, Đức Xá. Cụ Như là thủy Tổ của họ Trần Lê. Trong dãy trực hệ của cụ Như có những người tiêu biểu: Tr Thái Tông (vua nhà Trần đời thứ nhất), Tr Quang Khải, Tr Nguyên Hãn, Tr Pháp Độ…
2- Cụ Trần Như (đời thứ nhất) có 2 con trai (đời 2) không rõ tên đều làm quan võ, anh giữ chức “Đô chỉ huy sứ đồng tri thiêm sự” (giống Tư lệnh trưởng bây giờ) có vợ nhưng không viết có con hay không, em “Chánh đội trưởng đồng tri thiêm sự” (lãnh binh Hoàng gia) sinh 2 con là Trần Triều và Trần Đình (đời 3). Tr Triều sinh 1 trai 3 gái và không rõ con cháu, Tr Đình con cháu nối dài lập nên dòng họ Trần Lê; đến tháng 8/ 2023 họ Trần Lê có 18 đời, hơn 2.300 đinh cả đang sống và đã mất.
3- Thế tổ 8 Phái: năm 1927 Hội đồng gia tộc dưới sự chỉ đạo của cụ Lê Trọng Liệu đời thứ 10, dòng dõi khoa bảng (gọi Lê Thước là con, Trần Đôn Cung là can nội) giỏi chữ Nho (chữ Hán), tiếng Pháp, uy tín cao đã đặt tên họ đại tôn ta là Trần Lê để phân biệt với họ Trần Doãn, Trần Xuân, Trần Kính, Trần Ký trong xã. Sửa chữa lại nhà thờ, hợp tự cả họ lại thành 8 Phái nhằm tập hợp sức mạnh đại đoàn kết và suy tôn thế tổ của 8 Phái, đó là: 1- Trần Đôn Sỹ, 2- Trần Đá, 3- Trần Đôn Loại, 4- Trần Huy Quả, 5- Trần Khắc Nhuận, 6- Trần Đôn Cung, 7- Trần Đôn Phác, 8- Trần Dị.
4- Tiên tổ: theo sách “Thọ mai gia lễ” đoạn viết về “Ngũ đại mai thần chủ” đại ý là: mỗi gia đình và nội tộc thờ cúng tại nhà riêng cụ 5 đời (đời Can) trở lại, đời 6 trở lên gọi là Tiên tổ về nhà thờ họ…
5- Từ đường: Người Việt phần lớn theo phong tục tín ngưỡng dân gian thờ cúng Tổ tiên… Nhà thờ họ (từ đường) mang tính tâm linh dành riêng cho thờ cúng và hội họp của một dòng họ hay Chi họ; đó là nét đẹp văn hóa thể hiện “uống nước, nhớ nguồn”, giáo dục mọi người sống lương thiện, tử tế, tình đoàn kết giúp nhau cùng tiến bộ chứ không phải mê tín dị đoan và không liên quan gì đến Tôn giáo (đạo Thiên chúa, đạo Phật…). Nhà thờ họ Trần Lê đại tôn chỉ thờ cúng thủy tổ Trần Đăng Như và 8 vị thế tổ, nhưng ngày lễ tết tiên tổ các gia đình và linh hồn không ai thờ cũng về nhà thờ họ đại tôn để hưởng vật phẩm con cháu dâng cúng. Nhà thờ họ Trần Lê đại tôn đến nay đã hơn 150 năm qua nhiều lần sửa chữa, đợt trùng tu tôn tạo gần đây từ tháng 8/ 2019 đến cuối tháng 6/ 2020.

Lâm Trung Thủy, ngày 30 tháng 8 (rằm tháng 7) năm 2023
Trần Điện Năng – đời 14, Phái 3.

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles