Họ Trần, còn gọi là họ “Đông A”. Thuở ban đầu, khi họ Trần còn làm nghề đánh cá, trưởng môn phái võ lâm họ Trần là Trần Tự An chiết tự chữ Trần 陈 (chữ hán) thành hai chữ A 阿 (chỉ lấy chữ liễu leo phía trước)và chữ Đông 东 để đặt tên võ phái họ Trần là võ phái Đông A. Một họ Trần… nhiều lần phải đổi sang họ khác do có nhiều biến cố trong lịch sử, có khi một người, có khi cả họ, trong một làng, một vùng.
1- Theo Đại việt sử ký toàn thư (tập 1) trang 528 (Nhà xuất bản văn hóa thông tin năm 2004), Tháng 5 năm Kỷ Sửu, Trùng Hưng năm thứ năm (1289) đời vua Trần Nhân Tông, sau hai lần đánh thắng quân Nguyên Mông (1285 – 1288) triều đình thực hiện bình công luận tội không phân biệt dân thường hay người hoàng tộc: “Những kẻ nào trước đây đã đầu hàng giặc thì dù bản thân có ở trong triều đình của giặc cũng kết án vắng mặt, xử tội đi đày hoặc tử hình, tịch thu điền sản sung công, tước bỏ quốc tính (họ vua) như bọn Trần Kiện, con trai Tĩnh Quốc vương Trần Quốc Khang, bọn Trần Lộng (cháu nội Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ) phải đổi sang họ Mai, còn Ích Tắc vì là chỗ thân tình cốt nhục (em vua), tuy bị trị tội cũng như mọi người, nhưng không bắt đổi họ xóa tên, chỉ gọi là Ả Trần, cho là hèn nhát như đàn bà. Khi về già, ông có hối lại, để thời gian viết lịch sử và gia phả dòng họ, hiện nay còn lưu truyền.
2- Năm 1395, Hố Quý Ly giết hại tôn thất nhà Trần là Trần Nguyên Uyên, Trần Nguyên Dận… và theo lệ cũ của nhà Trần, cũng bắt đổi làm họ Mai. Như vậy là có hai họ Mai ở hai thời kỳ cách nhau 106 năm (1289 – 1395). Họ Mai lần trước là những người có sai lầm đầu hàng giặc, họ Mai lần sau là những người bảo vệ họ Trần, chống lại Hồ Quý Ly.
3- Năm 1429, thời vua Lê Thái Tổ, năm Thuận Thiên thứ hai, vì vụ Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn bị vua Lê Lợi bức hại, cả họ phải đổi sang họ khác:
– Chi trưởng (thánh phái) đổi làm họ Nguyễn.
– Chi thứ nối sau Trần Nguyên Hãn đổi làm họ Đào, họ Đặng.
– Các chi khác đổi làm họ Bùi, họ Hoàng.
Qua mỗi lần thay đổi họ cho thấy Tổ tiên họ Trần đều có cách làm riêng để con cháu đời sau dễ dàng nhận ra dòng dõi của mình. Còn vụ Trần Nguyên Hãn thì làm sao vừa che mắt được triều đình nhà Lê, vừa để con cháu đời sau tìm ra dòng dõi của mình một cách chính xác, có ý thức về cội nguồn và truyền thống.
Có người bàn rằng: Cứ suy ngẫm cách quy định của phái thánh đổi làm họ Nguyễn, lấy liễu leo đứng trước chữ Nguyên thành chữ Nguyễn 阮 là dòng trưởng, dòng anh, lại còn có ý nghĩa phải nhớ lấy niên hiệu Nguyên Phong của đời vua Trần Thái Tông.
– Họ Đào có 4 chữ Đào:
+ Đào có chữ liễu leo đứng trước 陶 là họ Đào, còn có nghĩa là nhớ nhung, ghi nhớ, thương nhớ gốc.
+ Đào 涛 là ba đào, sóng gió.
+ Đào 桃 là cây đào.
+ Đào 逃 là trốn tránh, đào tẩu.
Thông thường trong gia phả của họ Đào dùng chữ 陶 (nhớ nhung, ghi nhớ), có nơi dùng chữ 涛 (ba đào, sóng gió), còn hai chữ khác ít dùng.
– Họ Đặng 邓gồm chữ Đăng 登đứng trước chữ liễu leo là dòng thứ, dòng em, lại còn có ý nghĩa là ngọn đèn nhà Trần vẫn sáng, không bao giờ tắt.
– Họ Bùi 裴gồm hai chữ phi 非 và y 衤ghép thành. Phi y có nghĩa là không có áo, là cởi trần, tức là họ Trần.
– Họ Hoàng 皇 do hai chữ bạch
白 và vương王ghép thành, có nghĩa là vua áo trắng, vua không có kinh đô. Bác Hoàng Tùng, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên Giáo Trung ương là họ Trần, tên Trần Văn Khánh.
Có tài liệu còn nói họ Võ có người là họ gốc Trần.
(1)- Họ Đào Trần陶 陈 ở Phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ ngày nay, họ Đào Trần xã Hùng Đô, xã Quang Húc, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ, họ Đào Trần xã Yên Lập, huyện Vĩnh Tường tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay là gốc Trần. Tổ họ là Trần Đăng Huy, con trai thứ hai của phu nhân thứ hai Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn.
Năm 1429, khi được tin vua Lê Thái Tổ cho quân về bắt, Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn đã kịp cho bà vợ Hai đưa 3 người con trai của bà chạy đi lánh nạn. Sau nhiều năm bôn ba, thay họ đổi tên, lẩn tránh ở nhiều nơi, như kẻ tha phương cầu thực, bà và các con đến làng Kẻ Nú, huyện Phù Khang, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây nay là phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Nơi đây có đường bộ, đường thủy thuận tiện đi các nơi. Bà phân chia 3 người con đi 3 hướng tìm đường ẩn cư. Người con cả bà đưa lên vùng Tuyên Quang, sau đó sang vùng Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình ngày nay, từ đó mất tin tức chưa tìm lại được.
Người con trai thứ hai là Trần Đăng Huy, bà để lại ở Minh Nông. Vùng kẻ Nú có ba họ lớn mang tên họ Đào không cùng nguồn gốc. Nhờ được một chức sắc họ Đào có uy tín trong làng, che chở giúp đỡ, cho ngụ cư ở ven sông Hồng để mưu sinh và đổi thành họ Đào. Khi có con, ông cho người con lớn lên vùng Tam Nông, nay phát triển thành 3 chi nhánh họ Đào ở Hùng Đô, Quang Húc huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ và ở Yên Lập, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc là những nơi gần sông, tiện đường về Sơn Đông. Người con nhỏ ở lại Minh Nông một thời gian, gia đình lại rời đi lên vùng Yên Bái, sau đó sang vùng Bắc Sơn Tây, rồi phân chia, một nhánh sang Lào, một nhánh trở về vùng Thạch Thất, tỉnh Sơn Tây cũ. Mỗi lần di chuyển là một lần thay họ, đổi tên. Cuối thế kỷ 18, chi trưởng về lại xóm Giải làng ven sông Hồng thuộc làng Minh Nông, tổng Minh Nông, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ định cư đến ngày nay.
Từ thời phong kiến, hàng năm họ Đào Trần Minh Nông đều có người về liên hệ với họ Trần làng Quan Tử, xã Sơn Đông để lên đền cúng lễ Tả tướng quốc, nhưng tuyệt đối giữ kín không để lộ có con cháu Trần Nguyên Hãn từ xa trở về.
Người con thứ ba là Trần Trung Khoản, lúc đầu vào châu Ái (Thanh Hóa) đổi là họ Quách, sau thấy không yên lại vào châu Hoan (Nghệ An) đổi thành họ Mai, sau nữa chạy lên vùng Quàn Triều, Thái Nguyên đổi thành họ Nguyễn, tiếp đó chạy lên Cao Bằng. Sau khi được tin vua Lê Thánh Tông đã minh oan cho Nguyễn Trãi, con cháu trở về vùng Quảng Xương, tỉnh Thanh Hóa (nay là xã Quảng Đông, thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sinh cơ lập nghiệp đổi về lại họ Trần.
(2)- Họ Đặng ở Lương Xá, Chương Mỹ, Hà Tây cũ là gốc Trần.
Năm 1511 đời vua Lê Tương Dực có Trần Tuân… là hậu duệ của Hưng Đạo vương Trần Quốc Tuấn, khởi bimh chống lại triều đình, đã chiếm vùng Sơn Tây, Từ Liêm rồi tiến về Thăng Long, do chủ quan nên bị Trịnh Duy Sản đánh bại, phải đổi ra họ Đặng, lấy danh hiệu của cụ Tổ là Trần Văn Trừng (tức Huy) đỗ tiến sĩ năm Nhâm Tuất (năm 1442) triều vua Lê Thánh Tông làm quan đến Hình bộ Thượng thư Đặc Tiến Kim Tử Vĩnh Lộc Đại Phu Dương Khê Hậu, danh hiệu Đặng Hiên tiên sinh. Họ Đặng này gốc ở Lương Xá – Mỹ Đức – Phú Xuyên – Hà Tây cũ, một chi sau này chuyển về Xuân Trường – Nam Định, một số chi ở vùng Phù Đổng – Bắc Ninh, Hưng Yên, Tam Nông – Phú Thọ vv… Dòng họ này lúc đầu có tên là Đặng Trần, các đời sau mở rộng mới đổi khác đi như Đặng Tiến, Đặng Xuân, Đặng Quốc, Đặng Đình…
(3)- Ở vùng huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định có họ Cao Trần là dòng dõi Trần Nguyên Hãn thuộc dòng Phúc Quảng Nghệ An, cháu bốn đời Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn. Do biến cố lịch sử, năm 1573, Trịnh Tùng (con Trịnh Kiểm) giết vua Lê Anh Tông, bức hại quần thần của vua nên phải lánh chạy về ấp Hòe Nha, trấn Sơn Nam Hạ (nay là xã Giao Tiến, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) đổi thành họ Cao Trần (họ Cao mang gốc họ Trần).
(4)- Ở thành phố Nam Định còn có họ Đỗ thuộc dòng dõi Trần Khát Chân.
(5)- Họ Trình.- đời vua Lê Thánh Tông (1431 – 1442) nhà Lê bắt họ Trần phải đổi thành họ Trình với lý do kiêng húy của Cung Từ Quốc Thái Hậu là mẹ vua Lê Thái Tông tên là Phạm Thị Ngọc Trần. Đây là sự bắt buộc vô lý nên chỉ có ít người theo, một thời gian sau lại đổi về họ Trần.
(6)- Họ Dương… theo Trần gia thế phả của dòng họ Trần Quốc Tảng thì họ Trần còn có tên là họ Dương, chữ Dương có bộ liễu leo của chữ Trần 陈đứng trước chữ dịch 易 có nghĩa là mặt trời đã thay đổi.
Qua nhiều lần biến thiên về chính trị xã hội, nhiều lần phải thay đổi họ tên nhưng tổ tiên họ Trần xưa đã ý thức được về cội nguồn để nhắc nhở con cháu dễ nhận ra nhau và phải nhớ lấy dòng máu anh hùng bất khuất của “Hào Khí Đông A”.
Một số chi họ trải qua những thời gian dài ẩn tích, thay tên đổi họ nhiều lần để tồn tại, đến thời kỳ lịch sử đổi ngôi họ khác lên làm vua, đã tìm cách lấy lại họTrần.
Tuy nhiên cũng có một số họ ở một vài địa phương mang họ Trần nhưng gốc là họ khác như họ Trần gốc họ Nguyễn, họ Trần gốc họ Chế vv…
Tài liệu địa chí Thái Bình tập II năm 2007 trang 259 có đăng bài giới thiệu “Thế phả dòng họ Trần Hữu” nguyên gốc là họ Chế người Chiêm Thành.
Bản dịch nguyên gốc chữ Hán cổ viết: Triều Lê, đời vua Lê Thánh Tông, Thuần Hoàng Đế (1460 – 1497) niên hiệu Hồng Đức thứ 5 (1474), vua thân chinh đi đánh Chiêm Thành, bắt được tù binh của nước ấy đem về, cấp cho xứ Đống Cương ở xã Ngự Thiên, huyện Ngự Thiên, phủ Tiên Hưng (nay thuộc xã Hồng An, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) để sinh sống. Đến thời vua Lê Thế Tông (1573-1600) niên hiệu Quang Hưng thứ 19 (1596), vua tính thích nhạc vũ, xuống chiếu cho cả nước ai là người múa giỏi khúc Tây Thiên của nước Chiêm Thành đến múa để vua xem. Bấy giờ ở Đống Cương có ông Chế Ích Hoàn múa giỏi khúc này, vua rất ưa thích. Trong một bữa tiệc, vua sai ông múa chầu ở hai bên tả hữu – nay gọi là “múa bỗng”, vua phong cho ông Hoàn chức Tả Thị Lang và ban cho bỏ họ Chế thay bằng họ Trần Hữu.
Thế phả dòng họ Trần Hữu hiện nay do ông Trần Hữu Huỳnh, trưởng Hội đồng gia tộc Trần Hữu thôn Việt Thắng, xã Hồng An giữ. Theo ông Huỳnh cho biết cách nay 7 – 8 đời, dòng họ có một số người bỏ làng ra đi sinh sống ở các làng xung quanh, con cháu đặt tên vẫn mang họ Trần nhưng có thay chữ đệm “Hữu” bằng các chữ khác.
Nhiều người trong thời kỳ hoạt động cách mạng cũng đổi họ, đổi tên để che mắt địch, đã lấy họ Trần.
1/ Bác Hồ có lần Bác viết báo lấy tên là Trần Lực.
2/ Phó Thủ tướng Trần Phương họ Vũ.
3/ Ông Trần Đăng Ninh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng Sản Việt Nam, Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam tên thật là Nguyễn Tuấn Đăng.
4/ Ông Trần Vỹ, nguyên Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội là họ Nguyễn.
5/ Ông Trần Văn Tạo, nguyên Bộ trưởng, Ban Thi đua Khen thưởng Nhà nước họ Lê.
6/ Trung tướng Trần Độ tên thật là Tạ Văn Phách.
Và còn nhiều người khác…
Ngày nay, số người mang họ Trần có con số rất lớn, tới hơn 9 triệu người (chưa kể những người còn mang họ khác chưa đổi về họ Trần), chỉ đứng sau họ Nguyễn.
Dù vẫn mang họ Trần hay đang mang họ khác gốc Trần, con cháu họ Trần vẫn nhớ về cội nguồn, giữ gìn và phát huy “Hào Khí Đông A” nên có rất nhiều người thành đạt, là những tướng giỏi tôi hiền, danh nhân, danh tướng, danh khoa, con ngoan, trò giỏi, một lòng trung thành với Tổ Quốc, phục vụ nhân dân.
Đào Trần Quang Cát Sưu tầm và tổng hợp.
Nguồn: Trang Dòng họ Trần Nguyên Hãn