Dòng họ Trần Danh có mặt ở đất Thạch Hà từ thời Tiền Lê, là dân bản địa của vùng đất Thạch Hà có lịch sử tồn tại và phát triển trên 1000 năm
Ngày 16/9/2011, Ủy ban nhân tỉnh Hà Tĩnh có Quyết định số 3005/QĐ-UBND công nhận Nhà thờ họ Trần Danh là di tịch Lịch sử văn hóa cấp Tỉnh.
Theo phả hệ của dòng họ Trần Danh ở làng Ngọc Điền xưa, dựa vào bài văn tế của họ, giai thoại truyền miệng của các vị cao niên trong dòng họ: Tổ tiên của dòng họ Trần Danh quê ở Thanh Hóa đã vào sinh cơ lập nghiệp trên vùng đất Thạch Hà ngày nay. Dựa vào bài văn tế bằng chữ Nôm của dòng họ có đoạn viết: “Kính duy gia tiên liệt vị, đất Ngọc chung linh, cửa Trần tuấn tú, Khoa hoạn gia thanh, Trâm anh lĩnh túc, nền nhân móng nghĩa dấu Tổ tôn gây dựng kể ngàn xưa, lạch nước, dòng sông trải Lê, Lý, Trần , Lê, từ những thủa…” thì dòng họ Trần Danh có mặt ở đất Thạch Hà từ thời Tiền Lê, là dân bản địa của vùng đất Thạch Hà có lịch sử tồn tại và phát triển trên 1000 năm. Còn theo truyền miệng của các cụ cao niên trong dòng họ thì có một người là con cháu tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn vào lánh nạn ở Thanh Hóa làm nghề đóng cối xay, đêm nằm chiêm bao thấy có người bảo hãy đi về phía Nam nơi sông có nhiều đá nơi đó dễ làm ăn và sinh cơ lập nghiệp. Nghe vậy người đóng cối xay này quảy ghánh đi về phía nam, qua nhiều vùng quê và định cư tại làng Ngọc Lũy ( hai làng Ngọc Điền và Ngọc Lũy xen cư, xen canh với nhau) và sinh hạ ra Đức Thủy tổ Trần Tĩnh.
Tuy nhiên, căn cứ vào lịch sử, điểm tụ cư của vùng đất Ngọc Điền có từ cuối đời Trần đầu đời Lê, đến đầu thế kỷ XVI dân cư nơi đây mới bắt đầu đông đúc, làm ăn thịnh vượng nên nếu tính từ vị thủy tổ là ông Trần Tĩnh đến nay dòng họ Trần Danh đã tồn tại trên địa bàn thị trấn Thạch Hà ít nhất cũng gần 600 năm và đã góp một phần không nhỏ vào quá trình xây dựng, phát triển của mảnh đất này. Theo đánh giá của các nhà nghiên cứu lịch sử, ở vùng đất Thạch Hà xưa có 10 dòng họ chính, nhưng về văn hóa tõ xa nhân dân đã xếp thứ tự: Trần, Hoàng, Phan, Đậu, Nguyễn, Trương, Lê…Họ Trần Danh là dòng họ có nhiều Khoa bảng nhất(1). Trong đó tiêu biểu nhất phải kể đến: Đức thủy tổ Trần Tĩnh, tiến sĩ Trần Danh Tố, Trần Duy, Trần Hậu, Trần Danh Tuấn, Trần Danh Di, Trần Phương Bính…
Thủy tổ Trần Tĩnh, sinh năm 1431. Bản tính ông vốn là một người hiền lành, thông minh, đức độ, nghiêm minh. Khoa thi Mậu Tuất, năm Hồng Đức thứ 9 (1478) Trần Tĩnh , người xã Ngọc Lũy, huyện Thạch Hà, 48 tuổi đỗ Tam giáp đồng Tiến sĩ, làm quan đến chức Giám sát ngự sử. Có người cho rằng, sở dĩ ông Trần Tĩnh đi thi và đậu đạt khi tuổi đã khá cao như vậy là bởi vì những nguyên nhân sâu xa của lịch sử. Phải chăng vì ông là con cháu của Trần Nguyên Hãn nên phải đợi đến khi vua Lê Thánh Tông, một ông vua anh minh sau khi lên ngôi đã làm một việc mà sử sách và hậu thế hết sức ca ngợi đó chính là Vua đã chủ động xem xét lại các án trong các triều trước đối với các công thần, như minh oan cho Trần Nguyên Hãn và Nguyễn Trải và có chiếu trả tự do cho thân thích của những người này thì Trần Tĩnh mới dám đi thi? từ đây con đường khoa bảng của dòng họ Trần Danh được rộng mở, sau ông có nhiều người con của dòng họ tiếp tục được vinh danh trên bảng vàng khoa cử.
Khoa thi Mậu Tuất năm Hồng Đức thứ 9, cả nước có 62 người thi đỗ, trong đó Hà Tĩnh có 5 vị. Trần Tĩnh đỗ Tam giáp đồng Tiến sỹ, xếp thứ 28/50 người và được làm đến chức Giám sát ngự sử, đây là một trong những chức quan của Ngự sử đài. Dưới triều Lê Ngự sử đài có trách nhiệm can gián vua làm những việc sai trái, phát hiện việc làm sai trái của quan lại.
Tiến sỹ Trần Danh Tố: Ông sinh ngày 4 tháng 8 năm Quý Tỵ (1713), là con trai của Đức tổ Trần Duy, người 18 tuổi đỗ tú tài lần thứ nhất, đến lần thi thứ 2 cũng đậu tú tài nên thường được gọi là ông tú kép. Lúc bình sinh Trần Danh Tố là người bản tính cẩn thận, đôn hậu. Từ nhỏ đã bộc lộ tư chất thông minh, chăm lo học tập lại được thừa hưởng truyền thống học hành khoa cử của các tổ tiên năm 20 tuổi ông đậu tú tài khoa Nhâm Tý (1732); 26 tuổi đỗ Cử nhân khoa Mậu Ngọ (1738); đến năm 34 tuổi đổ đầu khoa thi Tiến sĩ khoa Bính Dần 1746. Khoa thi này sĩ tử đông nhưng chỉ lấy đậu có 4 người và ông là người đỗ đầu. Ông làm quan đến Cấp sự trung. Nhiều lần ông được mời làm chánh chủ khảo của các kỳ thi hội.Con cháu trong dòng họ đến giờ vẫn còn kể cho nhau nghe giai thoại sau: Có một lần Ngài được mới làm chánh chủ khảo khoa thi có Ngô Thì Nhậm tham dự. Bài thi của Ngô Thì Nhậm bị ngài đánh hỏng. Ngài nói với một quan giám khảo khác: “ ông ta còn trẻ chưa đậu khoa này, ông ta đậu khoa sau, để ông ta luyện thêm đức, thêm tài”. Sau đó ngài cho gọi Ngô Thì Nhậm đến gặp riêng, Ngài nói “trong bài của ông chưa thể hiện được chí nam nhi”. Khoa thi sau Ngô Thì Nhậm đậu cao, đóng góp nhiều công lao cho triều đại Tây Sơn. Chí nam nhi của Ngô Thì Nhậm cũng được thể hiện sâu sắc trong nhiều việc làm, nhiều suy nghĩ. Nhất là trong các vế đối đáp với Đặng Trần Thường sau này. Sau này các nhà nho họ Ngô (Ngô gia văn phái) cũng gọi Trần Danh Tố là thầy.
Trần Phương Bính Ông là con trai đầu Hội nguyên Tiến sĩ Trần Danh Tố, bản tính thông minh, học rộng, đỗ tú tài rồi không tiếp tục đi thi, về làng làm nghề đông y. Thời Tây Sơn mọi người phải làm sổ bạ, bắt mọi người phải đeo tín bài. Phương Bính không ®eo, bị bắt. Quan Tây Sơn bảo ông làm thơ, ông cầm bút viết ngay. Quan Tây Sơn lấy làm lạ,cởi trói cho ông, dọn cơm cho ông ăn. Ông cự tuyệt, đọc bài thơ thứ hai, quan Tây Sơn trọng tài tha cho ông về nhà.
Sách Hoàng Lê Nhất Thống Chí ghi lại chuyện này như sau:“Có người ở làng Ngọc Điền, huyện Thạch Hà, trấn Nghệ An tên là Trần Phương Bính nguyên là con viên Tiến sĩ đời Lê xưa là Trần Danh Tố, không chịu đeo thẻ, Trấn thủ Nguyễn Diệu khen và tha cho không trị tội”.Lại có sách chép rằng: “Thời cuối Lê ở xã Ngọc Điền, có Trần Phương Bính, không chịu mang tín bài của Nguyễn Nhạc. Giặc bắt giải tới đồn, bắt ông lạy, ông không chịu lạy và làm thơ trước mặt quân Tây Sơn:
Bể dâu thế sự rối như tơ,
Tiết tháo lo gìn, tránh mối lo.
Hà Hàn chưa từng dìm dìm cốt yếu
Núi mây tạm khóa vẻ sầu tư
Thế gian cay đắng, đời người khổ,
Đỉnh vạc ngọt ngào, chết tựa về
Công luận vẫn đây, trời vẫn đó,
Cảnh Thuần mệnh đẹp biết bao giờ.
Tây Sơn thấy không thể khuất phục được, rất kính trọng ông, đưa ông về nhà. Cũng như tâm sự của rất nhiều nhà Nho lúc bấy giờ mà điển hình là La sơn phu tử Nguyễn Thiếp, ông quan niệm “Trung thần bất sự nhị quân” (Tôi trung không thờ 2 vua). Vì cha ông ăn lộc của triều Lê nên ông quyết giữ lòng trung với triều Lê.
Năm Quý Sửu (1773) ông ra xã Nga Khê (Can Lộc) tụ tập dân chúng muốn tấn công thành Nghệ An, chống Tây Sơn. Quân của ông đến chân núi Bân Xá vừa gặp quân Tây Sơn thì tan vỡ liền. Không để rơi vào tay quân Tây Sơn thêm một lần nữa ông đã rút dao tự vẫn. Trước lúc chết ông để lại bài thơ rằng:
“Giúp nước không mưu giỏi
Giắt sườn một mũi dao
Ngẩng đầu ngắm Hồng Lĩnh
Chín mươi chín ngọn cao!”
Trần Phương Bính được người đời hết sức ca ngợi bởi ý chí và tấm lòng trung trinh của ông. Các bậc văn sĩ tiền bối thường gọi ông là “Ngọc Điền Trần liệt quân”. Đời vua Tự Đức nhà Nguyễn truy phong “ Chiêu văn thành tiết liệt quân ”, liệt ông vào tập nhân vật trung nghĩa và cho lập đền thờ coi như người tuẫn tiết đời Lê và sắc cho làng xã lập đền thờ ông tại quê nhà. Sắc phong của ông và các bậc tiền bối của dòng họ Trần Danh đều được lưu giữ tại Đền Cày.
Ngoài các vị nói trên dòng họ Trần Danh còn có:
Trần Danh Dy (1817 – 1882) đậu liền 5 khóa nên người đời thường gọi ông là “Tú Ngụ”. Đến đời vua Tự Đức ông được bổ làm tri phủ huyện Khoái Châu (tỉnh Hưng Yên ngày nay) vµ TrÇn Danh Phiªu 15 tuæi TrÇn Danh Y, 11 tuæi ®æ tó tµi ®ång khoa
Ngoài những người có thành tích cao trong học hành, khoa bảng dòng họ Trần Danh còn biết đến bởi những người con có tấm lòng yêu nước, thương dân anh dũng hy sinh để bảo vệ cho quê hương đất nước như: Trần Danh Tùng, Trần Danh Tài, Trần Danh Đang đều là cán bộ, Đảng viên năm 1930 -1931; Trần Thị Hường, người con gái tuổi 18, phất cao lá cờ đỏ sao vàng trong cuộc khởi nghĩa Nam Kỳ 1940, người treo cờ đỏ sao vàng trên cột điện ở đường phố Sài Gòn bị địch bắn chết tại chỗ. Tên tuổi cô đã từng được lấy làm tên đường, tên phố, ở thành phố Hồ Chí Minh và Thành phố Hà Tĩnh. Hay như ông Trần Danh Trí là con trai thứ 2 của cụ Trần Danh Tùng, hoạt động cách mạng từ năm 1936 trong đội thanh niên dân chủ, trong phong trào cách mạng dân chủ 1936 -1939, sau đó sang hoạt động trong đội Thanh niên Phan Anh, tập hợp thanh niên ở quê vừa bí mật luyện tập quân sự, vừa hoạt động đấu tranh ngăn cản những hành động sai trái của bọn cường hào địa phương. Dưới danh nghĩa đội thanh niên Phan Anh, đội thanh niên này trở thành đội nghĩa binh nổi dậy dành chính quyền ở quê nhà và ở phủ Thạch Hà tháng 6 năm 1945.
Trong cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ cứu nước họ Trần Danh có hơn 2/3 số gia đình có con em nhập ngũ là chiến sỹ quân đội nhân dân Việt Namchiến đấu trên các chiến trường. Có hơn 1/3 số gia đình là gia đình thương binh, gia đình thân nhân liệt sĩ.
Kế thừa và phát huy truyền thống của các bậc tiền bối, ngày nay con, cháu, dâu, rể nội, ngoại của họ Trần Danh và nhiều gia đình trên địa bàn thị trấn Thạch Hà cũng có nhiều người đậu đạt là Tiến sĩ, Thạc sĩ, Thứ trưởng, Vụ trưởng trong nhiều cơ quan Nhà nước.
Sau nhiều lần xây dựng và bị đập phá thì đến năm 1990 -1991 nhờ sự đồng lòng, quyết tâm của con cháu trong dòng họ nhà thờ được xây dựng lại.
Hiện nay, nhà thờ là một trong những công trình kiến trúc đẹp và hết sức linh thiêng. Giống như bao nhà thờ khác, Nhà thờ cũng cócổng vào. Hai bên cổng có xây 2 cột nanh. Trên cùng của 2 cột nanh có Nghê chầu; mặt trước 2 cột nanh có khắc câu đối bằng chữ Hán:
“Tổ đường bách thế hương hoa tại
Trần tộc thiên thu phúc lộc trường”
Nghĩa là:
” Nhà thờ của dòng họ trăm năm thờ tự hương hoa,
Gia tộc họ Trần nghìn đời phúc lộc vững bền”
Có Tắc môn, được làm theo kiểu tương đối hiện đại. Hai bên tắc môn đổ 2 cột trụ, trên cột trụ đặt Nghê chầu, mặt trước cột trụ khắc câu đối bằng chữ Hán:
“Đức thừa tiên tổ thiên niên vĩnh
Phúc ấm nhi tôn bách thế vinh.”
Nghĩa là:
” Đức tiên tổ để lại nghìn năm còn mãi
Phúc ấm con cháu muôn đời vinh hoa”
Phía sau Tắc môn là hình một con rùa, lưng đội một tấm bia ghi lại công lao của các bậc tiền bối của dòng họ Trần Danh đối với quê hương đất nước và thành tích trong học hành khoa bảng ở thời kỳ phong kiến.
Qua tắc môn, bên trái của nhà thờ có xây ban thờ ngoài trời để cúng trời đất được đặt trên một trụ hình chữ nhật mặt trước chân trụ khắc nổi dòng chữ Hán:
“Thiên địa nhân hòa”
Phía trong cùng là Nhà thờ, được làm theo kiểu chữ Nhất, mặt hướng về phía Bắc, gồm 3 gian, 4 mái. Mái nhà được lợp bằng ngói mũi hài, 4 góc mái uốn ngược đầu đao, trên đầu đao gắn hình hoa văn cách điệu; Chính giữa 2 mái nhà,đắp nổi hình “lưỡng Long chầu Nguyệt”. Trên cùng của mái hiên đắp nổi hình bức cuốn thư đang mở ra, chính giữa cuốn thư khắc chữ Hán: “Trần Danh tộc từ đường”. Ở trước hiên nhà đổ 4 cột trụ để đỡ lấy phần mái trước của gian nhà. Để tăng thêm phần linh thiêng của nhà thờ, người ta đắp nổi hình 2 con rồng quấn quanh thân cột từ trên xuông dưới. 4 chiếc cột đều được trên chân đế có hình con rùa, đây là một sự kết hợp hài hòa giữa công trình kiến trúc xây mới hiện đại với các con vật linh thiêng (Long, Ly, Quy, Phượng) thường gắn với các công trình kiến trúc xưa.
Mặt trước nhà thờ trổ 3 cửa để vào, ra. Trong nhà thờ được bài trí đẹp, gian giữa: Bàn thờ được bố trí theo chiều dọc
của ngôi nhà, chia thành 4 cấp. Treo ở chỗ cao và sâu nhất của gian thờ chính là bức đại tự Sơn son thiếp vàng, bằng gỗ khắc 3 chữ Hán: “Đức lưu quang”. Hai bên bức đại tự khắc nổi câu đối bằng chữ Hán:
“Nghĩa khí nhất xang hà hữu thạch
Phương danh thiên cổ đẩu chi nam”.
Phía ngoài cùng của gian thờ giữa xây một chiếc hương án bằng xi măng. Mặt trước chiếc hương án có đắp nổi mặt hổ phù. Trên bàn thờ và hương án đặt nhiều đồ thờ như: Long ngai, bài vị, đỉnh hương, Hạc đồng, lư hương, cùng một số đồ thờ tự khác. Gian thờ chính giữa là nơi thờ Đức thủy tổ Trần Tĩnh, Trần Danh Tố, Trần Phương Bính và các vị đức tổ khác.
Bàn thờ 2 bên trái và phải cũng được bố trí theo chiều dọc của ngôi nhà. Mỗi bên xây một bàn thờ chia làm 3 cấp. Ngoài cùng xây hương án. Trên bàn thờ và hương án ở 2 gian trái và phải đều sắp xếp đồ thờ giống như nhau, gồm: Lư hương, cọc nến, hạc đồng, Long ngai. Hai gian thờ này cũng là thờ các bậc tiền bối, những người con dòng họ Trần Danh đã có nhiều cống hiến cho quê hương, đất nước.
Dòng họ Trần Danh, một trong những dòng họ có mặt sớm nhất ở vùng đất Thạch Hà xưa và đóng góp một phần không nhỏ vào việc xây dựng nên vùng đất văn vật, có truyền thống hiếu học này.
Di tích nhà thờ họ Trần Danh là nơi lưu giữ các tài liệu, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhiều nhà khoa bảng, nhiều cán bộ đảng viên những năm 1930 – 1931, nhiều chiến sỹ cách mạng, anh hùng, liệt sĩ đã hi sinh để bảo vệ quê hương đất nước; Là nơi giáo dục cho con cháu trong dòng họ và nhân dân địa phương về truyền thống học hành khoa bảng của thế hệ cha ông đi trước. Giúp con cháu hướng về cội nguồn tiên tổ, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của người ViệtNam./.
Nguồn: Trang thông tin thị trấn Thạch Hà – Hà Tĩnh