Giờ đây, tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn không thôi những suy tư, trăn trở với ngành. Ông là Trần Văn Giao – Anh hùng Lao động, nguyên Vụ trưởng vụ Dầu khí, Văn phòng Chính phủ – cơ quan tham mưu giúp việc của Thủ tướng Chính phủ.
Anh hùng lao động tuổi 23
Tôi đến thăm ông vào một buổi chiều cuối tháng 6, trong căn nhà nhỏ trên phố Dương Quảng Hàm, Hà Nội. Khác hẳn với tưởng tượng của tôi, dù đã ở vào tuổi “xưa nay hiếm” nhưng trông ông vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn và một trí nhớ rất đặc biệt. Những chuyện đã xảy ra cách đây cả nửa thế kỷ, nhưng ông vẫn thuật lại chi tiết như mới hôm qua.
Một điều nữa mà tôi cảm nhận được ở ông ngay từ lần đầu gặp gỡ đó là sự trang trọng, cẩn thận, chu đáo trong công việc cũng như trong đời sống sinh hoạt. Giọng nói khúc chiết đậm chất Nghệ Tĩnh pha chút hóm hỉnh của ông đã khiến cuộc trò chuyện giữa chủ và khách sớm trở nên thân tình và cởi mở. Trong cái không khí đó, ông đã kể cho tôi nghe về hành trình hơn 40 năm công tác của mình. Ông sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân nghèo tại xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Ngày đó, quê ông nghèo lắm, ngay cả cái ăn cũng trong cảnh bữa đói bữa no. Trong kháng chiến chống Pháp, các anh của ông đều tình nguyện tham gia kháng chiến. Do tuổi còn nhỏ nên Trần Văn Giao được ưu tiên đi học.
Năm 1954, sau Chiến thắng Điện Biên lịch sử, miền Bắc bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế, hàn gắn vết thương chiến tranh lúc đó ông Giao cũng vừa học xong lớp 7 phổ thông. Ông rời quê ra Hà Nội tham gia học một lớp địa chất của trường đào tạo thuộc Bộ Công Thương ngày nay. Cùng học một trường “Chùa Láng” với ông còn có những người sau đều là cán bộ cao cấp của ngành. Ông Giao nhớ lại: “Khóa học chỉ 6 tháng nhưng đã trang bị cho chúng tôi những kiến thức vô cùng quý báu. Hết khóa học, nhà trường tổ chức một đội tình nguyện lên Lào Cai, làm nhiệm vụ thăm dò mỏ Apatit, tôi giơ tay và được chấm ngay”.
Nhấp chén trà, ông kể tiếp: “Lào Cai lúc đó bạt ngàn là rừng nguyên sinh. Cả đội như lặn vào cánh rừng bạt ngàn ấy. Công việc nặng nề, triền miên, ăn uống kham khổ, bệnh sốt rét da vàng hoành hành dữ dội. Hầu hết anh em trong đoàn địa chất mắc bệnh này. Thiếu thốn, gian khổ… dần cũng quen. Sau sáu, bảy tháng gì đó, lâu quá không còn nhớ chính xác nữa, tôi chuyển về công tác tại mỏ than Na Dương rồi sau đó là các mỏ than Quán Triều, Làng Cẩm (Thái Nguyên)…”.
Năm 1959, tổ chức lại điều động ông về thăm dò các mỏ sắt thuộc các tỉnh Thái Nguyên, Tuyên Quang, Bắc Kạn, Cao Bằng, trong đó có mỏ sắt Trại Cau. Khi về công tác ở Đoàn Địa chất số 8, ông trở thành Đội trưởng Đội Khoan máy khi ông vừa tròn 20 tuổi. Đội Khoan của Trần Văn Giao có 12 máy khoan do Liên Xô trang bị. Đó có thể nói là khối thiết bị hiện đại nhất thời bấy giờ. Công trường xây dựng Khu Gang thép Thái Nguyên đang vào giai đoạn khởi động. Một yêu cầu đặt ra là phải nhanh chóng có báo cáo đánh giá về trữ lượng quặng sắt của Việt Nam để lập quy hoạch và kế hoạch khai thác, phục vụ chủ trương phát triển ngành công nghiệp luyện gang thép của đất nước. Cả đội lao vào làm việc không kể đêm ngày…
Và sau những cống hiến không mệt mỏi của mình, ngày 3/5/1962, ông được vinh dự đại diện cho hàng ngàn cán bộ, công nhân viên của ngành Địa chất tham gia Đại hội Anh hùng và Chiến sĩ thi đua toàn miền Bắc lần thứ ba. Tại Đại hội, ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (khi đó, ông mới vừa tròn 23 tuổi). Trong bằng chứng nhận Anh hùng Lao động do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký còn ghi rõ: “Phát huy được nhiều sáng kiến có giá trị sử dụng máy khoan, thực hiện phương pháp khoan liên tục, giảm mỗi kíp khoan từ 6 giờ xuống còn 4 giờ, cải tiến phương pháp khoan sâu đạt kỷ lục cao nhất toàn ngành Địa chất, luôn luôn nêu cao tinh thần dám nghĩ dám làm, hăng say lao động, xung phong gương mẫu, ham học hỏi, tiêu biểu cho thế hệ thanh niên mới”.
Năm 1963, khi mẻ gang đầu tiên tại Khu Gang thép Thái Nguyên ra đời, cũng là lúc Trần Văn Giao được điều về Đoàn Thăm dò Dầu lửa 36 thuộc Tổng cục Địa chất với nhiệm vụ tìm kiếm, thăm dò dầu khí ở đồng bằng Bắc Bộ. Tại đây, ông cùng với các đồng nghiệp thực hiện cuộc trường chinh tìm kiếm “vàng đen” cho đất nước. Mặc dù công việc bận mãi, nhưng ông cũng không quên học tập, nâng cao trình độ chuyên môn của mình. Trong thời gian công tác tại đây, ông đã tham gia khóa đào tạo dự bị đại học và trúng tuyển vào Trường đại học Bách khoa Hà Nội. Đặc biệt, ông còn tham gia khóa đào tạo quản lý kinh tế tại Liên Xô.
Tháng 9/1975, Tổng cục Dầu khí được thành lập. Ông Nguyễn Văn Biên làm Tổng cục trưởng, Trung tướng Đinh Đức Thiện được Chính phủ cử sang làm Bộ trưởng phụ trách Dầu khí. Ông Trần Văn Giao được điều động từ Đoàn 36 Y về làm chuyên viên ở bộ phận quản lý khoa học kỹ thuật thuộc Vụ Kế hoạch của Tổng cục Dầu khí. “Vừa sang phụ trách Dầu khí, anh Thiện đã yêu cầu chúng tôi phải nghiên cứu chế tạo cho được choòng khoan (mũi khoan). Tôi là người được giao trực tiếp điều phối công tác đó. Thực ra, công việc này tôi đã nghĩ đến từ hồi còn thực tập ở nước ngoài. Về nước, do trình độ công nghệ cơ khí chế tạo của nước ta chưa cao, nên đành gác lại. Nay được anh Thiện khuyến khích, giao nhiệm vụ, biết việc này rất khó khăn nhưng chúng tôi vẫn phải bắt tay vào làm”, ông Giao nhớ lại.
“Tôi lục tung đống tài liệu mang từ Rumani về. Trong số sách mang về ấy có một cuốn nói về công nghệ chế tạo choòng khoan, tôi và các đồng nghiệp lao vào nghiên cứu. Về cơ khí chế tạo, ở ta hồi ấy chỉ có các nhà máy quân đội là có nhiều thiết bị hiện đại hơn cả, tay nghề cũng cao hơn. Tôi nghĩ đến việc hợp tác với họ và đề xuất với cấp trên. Kết quả là sau một thời gian, những choòng khoan mang nhãn hiệu “Made in Việt Nam” đã ra đời, đưa về giếng khoan 104 ở Phù Cừ khoan thử ở độ sâu hơn 3.000m, được Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu chế tạo thử nghiệm choòng khoan đánh giá chất lượng tốt không kém gì choòng nhập từ Liên Xô. Thành công bước đầu này khiến mọi người rất phấn khởi. Anh Phan Tử Quang, Tổng cục phó đã về tận giếng khoan để chứng kiến sự kiện này”, ông Giao cho biết thêm.
Tham gia soạn thảo Bộ Luật Dầu khí đầu tiên…
Năm 1990, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) quyết định nhập Tổng cục Dầu khí vào Bộ Công nghiệp nặng và đồng thời thành lập Tổng Công ty Dầu khí Việt Nam. Tại Bộ Công nghiệp nặng, Thứ trưởng Trương Thiên được giao chuyên trách công tác dầu khí. Một số cán bộ của Tổng cục Dầu khí cũ lên Bộ làm công tác quản lý Nhà nước, số còn lại được tiếp tục làm việc ở Tổng Công ty Dầu khí. “Làm chuyên môn là nguyện vọng suốt đời của tôi. Muốn làm tốt, nâng cao về chuyên môn thì Tổng Công ty Dầu khí là nơi thích hợp nhất với tôi. Đó là nơi mình có điều kiện cọ sát với thực tế hàng ngày, hàng giờ. Tôi đề đạt nguyện vọng đó, nhưng cấp trên bảo trên Bộ cần tôi hơn. Thế là lại về Bộ”, ông Giao tâm sự.
Công cuộc Đổi mới của Việt Nam bước vào năm thứ năm, nền kinh tế nước ta đã có tiến bộ bước đầu. Nhưng do ảnh hưởng nặng nề của mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung bao cấp và cơ chế “xin cho” các doanh nghiệp lúc đó vẫn gặp rất nhiều khó khăn, thiếu đủ mọi thứ, nhưng cái thiếu nghiêm trọng nhất là, cơ chế, chính sách, ngành Dầu khí cũng chưa thoát khỏi tình trạng đó. Hội đồng Bộ trưởng quyết định một số việc quan trọng, cần tập trung lực lượng để tiến hành xây dựng khung pháp lý, thể chế hóa chủ trương chính sách lớn mà Bộ Chính trị đã nêu trong Nghị quyết 15 (7/7/1988) về phương hướng phát triển ngành Dầu khí đến năm 2000. Bộ Công nghiệp nặng được Hội đồng Bộ trưởng giao trách nhiệm làm đầu mối nghiên cứu soạn thảo Bộ Luật Dầu khí và xây dựng đề án tổ chức lại ngành Dầu khí.
Ngày 10/7/1990, Bộ trưởng Bộ Công nghiệp nặng Trần Lum đã ký quyết định thành lập Ban Soạn thảo Bộ Luật Dầu khí. Thứ trưởng Trương Thiên làm Trưởng ban, ông Đỗ Quang Toàn làm Phó ban. Ban Soạn thảo gồm 15 thành viên, chia làm 4 tiểu ban, ông Giao và các ông Nguyễn Văn Minh, Nguyễn Văn Đắc ở Tiểu ban Kỹ thuật, do ông Trần Ngọc Toản làm Trưởng tiểu ban; các ông Lương Đức Hảo, Đào Duy Chữ, Nguyễn Tiến Dũng, Lê Quang Vinh và bà Vũ Thị Bích Ngọc ở Tiểu ban Kinh tế; ông Đỗ Văn Hà, luật sư Nguyễn Hùng Lân, luật gia Bùi Quyết ở Tiểu ban Luật, thư ký; ông Vũ Văn Mạo trưởng Tiểu ban Dịch thuật và in ấn.
Nhớ lại những ngày tháng cùng tham gia soạn thảo Bộ Luật Dầu khí, ông Giao tâm sự: “Đây là lần đầu tiên soạn thảo Luật Dầu khí, vì vậy, khi bắt tay vào làm gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi trí tuệ và nhiều công sức, có người nói việc soạn thảo luật được ba cái nhất: Khó khăn nhất, khô khan nhất và khổ sở nhất, tôi nghĩ việc gì cũng vậy làm lần đầu chắc là gặp nhiều khó khăn, nhưng không phải không thể làm được, có làm thực sự mới trưởng thành. Bản thân tôi và một số anh em khác nữa không phải là luật gia, chỉ có kiến thức chuyên môn và một số kinh nghiệm thực tế có thể nói là khá khiêm tốn. Thời gian tham gia soạn thảo luật này tôi đã học được khá nhiều điều bổ ích cho công việc tham mưu giúp Thủ tướng chỉ đạo và quản lý ngành Dầu khí nước ta, điều ấn tượng nhất là học được phương pháp làm việc theo nhóm, một phương pháp làm việc rất khoa học và hiệu quả”.
Qua nhiều lần hội thảo, tham khảo ý kiến khác nhau của các chuyên gia có kinh nghiệm trong và ngoài nước, bản dự thảo Luật được sửa đi sửa lại, bổ sung thêm bớt hơn chục lần, cuối cùng Bộ Luật Dầu khí đã được thông qua tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa IX ngày 6/7/1993.
Năm 1992, trước tình hình phát triển nhanh ngành Dầu khí, được sự nhất trí cao của Bộ Chính trị, sau khi cân nhắc tất cả các phương án khác nhau Thủ tướng Chính phủ đã quyết định chọn phương án tách ngành Dầu khí khỏi Bộ Công nghiệp nặng để trực thuộc Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Tổ Dầu khí do ông Đỗ Quang Toàn làm Tổ trưởng, Tổ Dầu khí có 6 thành viên, ông Trần Văn Giao cũng ở trong tổ này. Về Văn phòng Chính Phủ, ngoài nhiệm vụ theo dõi mảng khoa học công nghệ dầu khí và môi trường, ông Giao vẫn tiếp tục tham gia trong Ban Soạn thảo Luật Dầu khí.
Để giúp Thủ tướng quản lý, nắm bắt nhanh chỉ đạo và giải quyết kịp thời có hiệu quả các vấn đề thuộc ngành Dầu khí, ngày 6/4/1994, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 159/TTg thành lập Vụ Dầu khí, ông Đỗ Quang Toàn làm Vụ trưởng, ông Toàn là người có nhiều kinh nghiệm trong công tác văn phòng, đã từng là Chánh văn phòng Cơ quan Tổng cục Dầu khí.
Năm 1995, ông Trần Văn Giao được bổ nhiệm làm Phó vụ trưởng phụ trách Vụ Dầu khí thay ông Toàn được điều động về Tổng Công ty Dầu khí. Khi đó, lực lượng của Vụ Dầu khí vỏn vẹn có 7 người, bên cạnh ông Giao là người lãnh đạo quán xuyến điều hành chung, có ông Ngô Văn Sáng (sau này là Vụ trưởng) phụ trách mảng xây dựng cơ bản; ông Bùi Quyết (sau này là Phó Vụ trưởng) phụ trách mảng pháp lý; ông Lê Quang Vinh theo dõi về hợp tác Quốc tế; ông Phan Ngọc Cừ quản lý về công nghệ khai thác Dầu khí; ông Nguyễn Quang Hinh theo dõi về thăm dò địa chất; bà Nguyễn Quỳnh Mai là chuyên viên, thư ký kiêm văn thư. Đến năm 1995, ngoài ông Toàn, còn có các ông: Trương Thiên, Trợ lý Thủ tướng; Hoàng Văn Hoan, Thư ký Thủ tướng; Đỗ Chí Hiếu, Phó vụ trưởng; Lương Trọng Đãng cũng về Tổng Công ty Dầu khí nhận công tác khác.
Công việc bộn bề, hàng năm Vụ phải xử lý trên 300 văn bản các loại trình Chính phủ và Thủ tướng. Ông Giao tâm sự: “Lúc tôi nhận trọng trách lãnh đạo Vụ Dầu khí, Luật Dầu khí đã được Quốc hội thông qua 2 năm, nhưng vì thiếu Nghị định quy định chi tiết thi hành nên trên thực tế luật này vẫn “đắp chiếu”. Ban Soạn thảo lại phải nỗ lực tiếp tục soạn thảo Nghị định. Đây là một công việc quan trọng với yêu cầu rất tỉ mỉ chi tiết từng điều, từng khoản, chỉ cần sơ hở một vài chữ là tạo ra kẽ hở pháp lý, dẫn đến sự thiệt hại khôn lường”.
Để thuận lợi cho công việc Vụ Dầu khí đề xuất và được cấp trên cho phép mời thêm một số chuyên gia giỏi của các bộ, ngành, cùng chuyên gia tư vấn của Liên Hiệp Quốc và Ngân hàng Thế giới (WB), chính những chuyên gia được bổ sung thêm này đã giúp Ban Soạn thảo kinh nghiệm soạn thảo những văn bản pháp luật quan trọng cấp Quốc gia. Ngày 17/12/1996, Nghị định số 84 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí đã được Thủ tướng Chính phủ Võ Văn Kiệt ký ban hành, lúc đó Bộ Luật Dầu khí đầu tiên của nước ta, mới thực sự đi vào cuộc sống.
Anh hùng Lao động Trần Văn Giao
Sinh năm: 1939 Quê quán: xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh Nơi ở hiện nay: 20/48 Dương Quảng Hàm, Cầu Giấy, Hà Nội Trình độ chuyên môn: Kỹ sư công nghệ khoan thăm dò địa chất, tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế Tài chính thành phố Leningrad Trình độ chính trị: Cao cấp Từng tham gia các chức vụ: – Tham gia công tác địa chất năm 1956. Năm 1963 chuyển về Đoàn 36. Đội trưởng Đội Khoan số 2 Phù Cừ, Hưng Yên. Đoàn trưởng Đoàn 36A (tiền thân Đoàn 36N), 36 Y. Đảng ủy viên Đảng bộ Cơ quan Tổng cục Dầu khí. – Thành viên Ban Soạn thảo Luật Dầu khí năm 1993. Tổng thư ký Ban Soạn thảo Luật Dầu khí sửa đổi kiêm Tổ trưởng Tổ Nghiên cứu và Biên tập liên ngành dự thảo Luật Dầu khí sửa đổi. – Tổng thư ký Hội đồng Khoa học cấp Nhà nước xét duyệt sơ đồ công nghệ phát triển và khai thác mỏ dầu Bạch Hổ, Ủy viên Hội đồng Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro. – Phó vụ trưởng phụ trách, quyền Vụ trưởng, Vụ trưởng vụ Dầu khí Văn phòng Chính phủ. – Chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ “nghiên cứu đổi mới và hoàn thiện cơ chế tổ chức quản lý Nhà nước ngành Dầu khí Việt Nam”. – Trưởng ban Điều hành dự án “Nghiên cứu Chính sách dầu khí” (do ADB tài trợ) – Tham gia nghiên cứu biên soạn “Lịch sử ngành Dầu khí Việt Nam”. Hiện đã nghỉ hưu. Khen thưởng: – Anh hùng Lao động. – Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Ba. – Huân chương Kháng chiến hạng Ba. – Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng. – Huy chương Vì sự nghiệp địa chất, Vì sự nghiệp Dầu khí, Vì sự nghiệp Văn phòng Chính phủ. – Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều bằng khen khác của các cấp. |
(Theo Petrotimes)