Hơn 50 năm lao động và cống hiến không biết mệt mỏi, thế nhưng khi nhắc đến công việc nào, ông cũng bảo: “Đó là công của tập thể”. Hỏi về bí quyết của sự thành công, ông tâm sự: “Dù ở vị chí nào tôi cũng nỗ lực cố gắng làm tốt nhất công việc đó.”
…Góp phần để ngành Dầu khí phát triển bền vững
Luật Dầu khí đi vào thực thi đã tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan quản lý giám sát các hoạt động Dầu khí và đồng thời cũng tạo điều kiện để các bên tham gia đàm phán ký kết hợp đồng và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình trong quá trình hoạt động Dầu khí tại Việt Nam.
Tuy nhiên, trong các năm từ 1996 đến 1998 lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã cho phép thành lập và triển khai Dự án “nghiên cứu chính sách ngành Dầu khí” với sự trợ giúp kỹ thuật của Ngân hàng Phát triển châu Á.
Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Lê Xuân Trinh giao cho ông Trần Văn Giao làm Trưởng ban điều hành dự án, ông Lê Quang Vinh là điều phối viên, những người khác như: Ngô Văn Sáng và Nguyễn Quang Hinh là thành viên của Ban này, kết quả nghiên cứu cho thấy, tiềm năng Dầu khí của nước ta tại các lô còn mở phần lớn ở vùng nước sâu, xa bờ, có điều kiện địa chất phức tạp, khả năng tìm thấy mỏ khí nhiều hơn, chi phí tìm kiếm, thăm dò và khai thác tăng cao, tính hấp dẫn không như các lô gần bờ nước nông, đầu tư nước ngoài vào Dầu khí nước ta giảm rõ rệt, kể từ năm 1988 có 32 hợp đồng Dầu khí đã được ký kết nhưng đến cuối năm 1997 chỉ còn 15 hợp đồng đang hoạt động.
Trữ lượng Dầu khí để khai thác lâu dài, tới thời điểm này của ngành Dầu khí nước ta còn ở con số khiêm tốn, xét về lâu dài, nếu không đẩy mạnh tìm kiếm, thăm dò, với tốc độ khai thác Dầu quá nhanh có thể dẫn tới cạn kiệt nguồn tài nguyên, đẩy ngành Dầu khí nước ta đến tình trạng phát triển thiếu bền vững. Nhiều chuyên gia tâm huyết của ngành đặt câu hỏi: Mọi việc hôm nay đang tiến triển tốt nhưng liệu trữ lượng Dầu khí có tiếp tục, bổ sung và duy trì bền vững trong tương lai?
Trước tình hình đó Bộ luật Dầu khí 1993 đã bộc lộ một số thiếu xót, bất cập cần phải sửa đổi bổ sung cho phù hợp. Là người có kinh nghiệm thực tế trong ngành, ông Giao cũng có chung suy nghĩ, trăn trở như các đồng nghiệp, các nhà khoa học đã gắn bó cả cuộc đời với ngành Dầu khí, ông đã đề đạt vấn đề cấp bách và cần thiết phải tiến hành sửa đổi bổ sung Luật Dầu khí 1993 lên Thủ tướng Phan Văn Khải và Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc, Thủ tướng đồng ý với đề xuất của Vụ Dầu khí và chỉ đạo: Việc sửa đổi luật là một việc làm rất công phu và cần nhiều thời gian chuẩn bị.
Vì vậy, trước mắt Văn phòng Chính phủ phối hợp với các bộ, ngành và Tổng Công ty Dầu khí triển khai ngay hai việc, đó là: Tổ chức cuộc họp để Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành nghe ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực Dầu khí. Việc thứ hai, giao Vụ Dầu khí Văn phòng Chính phủ làm đầu mối tổ chức triển khai soạn thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách mới, khuyến khích thu hút đầu tư trong lĩnh vực Dầu khí.
Nhiệm vụ thứ nhất đã được triển khai khá thuận lợi và rất thành công. Chủ trì cuộc gặp làm việc và phát biểu ý kiến về phía Việt Nam có Thủ tướng Phan Văn Khải, Phó thủ tướng Ngô Xuân Lộc, Bộ trưởng Trần Xuân Giá, Tổng giám đốc Tổng Công ty Dầu khí GS.TS Hồ Sỹ Thoảng dự họp. Về phía khách nước ngoài có 14 vị Đại sứ và Tham tán của các nước có Công ty Dầu khí tại Việt Nam, đại diện của 40 công ty Dầu khí đến từ các châu lục trên thế giới.
Ngay sau khi tổ chức thành công cuộc họp nói trên Vụ Dầu khí đã triển khai quyết liệt nhiệm vụ thứ hai, cùng các bộ, ngành và Tổng Công ty Dầu khí khẩn trương chuẩn bị văn bản và trình lên Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách đặc biệt khuyến khích, ưu đãi, đầu tư các dự án thăm dò và khai thác Dầu khí ở ngoài khơi của nước ta thuộc các lô, nước sâu, xa bờ và vùng có điều kiện đặc biệt khó khăn. Thủ tướng Phan Văn Khải đã ký ban hành Quyết định này, ngày 7/11/1998 (Quyết định 216/1998/QĐ-TTg). Sau khi ban hành Quyết định này năm 1999, Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập Ban Soạn thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Dầu khí (Luật Dầu khí sửa đổi).
Vào thời kỳ từ năm 1995 đến 2001, có rất nhiều chủ trương, dự án lớn cấp Quốc gia lần đầu tiên triển khai ở nước ta như: Thẩm định và xét duyệt sơ đồ công nghệ phát triển mỏ dầu Bạch Hổ, xây dựng khu liên hợp lọc hóa dầu số một tại Dung Quất, Quảng Ngãi; Chương trình Khí – Điện – Đạm (quy hoạch khí tổng thể, chính sách phát triển ngành Khí), chủ trương đàm phán giá khí tạo lập thị trường tiêu thụ khí, lựa chọn hình thức và đối tác đầu tư; cơ chế tài chính, kinh phí để tái đầu tư, đề án chiến lược phát triển ngành Dầu khí Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020, thành lập các công ty Dầu khí mới.
Ông Trân Văn Giao kể: “Việc nhiều, người làm thì ít, Vụ phải phân công mỗi người làm một việc chính và kiêm nhiệm một vài việc khác. Mặt khác tạo thuận lợi để mời thêm các chuyên gia, của các vụ, trong Văn phòng Chính phủ, các bộ, ngành và Tổng Công ty Dầu khí tham gia soạn thảo. Việc đầu tiên là phải thành lập Ban Soạn thảo và tổ chuyên gia liên ngành giúp việc cho Ban Soạn thảo, tôi được Thủ tướng cử làm thành viên, Tổng thư ký kiêm Tổ trưởng tổ Nghiên cứu liên ngành của Thủ tướng Chính phủ, anh Ngô Văn Sáng làm Tổ phó, anh Bùi Quyết và cô Nguyễn Quỳnh Mai làm thư ký”.
Nhờ tập trung được trí tuệ tập thể, của các bộ, ngành và Tổng Công ty Dầu khí cùng sự hỗ trợ của các chuyên gia cố vấn quốc tế, cuối cùng đến đầu năm 2000, dự luật cơ bản đã hoàn thành. Ông Nguyễn Tôn, Phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Trưởng ban Soạn thảo Luật sửa đổi cùng ông Trần Giao lên báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Phan Văn Khải, Thủ tướng và Phó thủ tướng rất hoan nghênh cố gắng của Ban Soạn thảo và chỉ đạo Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tờ trình lên Chính phủ, Bộ Chính trị và Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ngày 9/2/2000 với số phiếu đồng ý khá cao Quốc hội đã thông qua Dự luật Dầu khí sửa đổi, tiếp đó ngày 12/9/2000 Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Dầu khí sửa đổi (số 48/2000/ NĐ – CP).
So với Luật Dầu khí 1993, Luật Dầu khí lần này có nhiều điều mới được bổ sung sửa đổi. Chính phủ đã đề nghị Quốc hội sửa đổi Luật Dầu khí để thích hợp với các hoạt động dầu khí tại vùng biển nước sâu hơn 200m, khu vực biển xa bờ thuộc chủ quyền của Việt Nam và khu vực có điều kiện đặc biệt khó khăn, đối tượng được hưởng chính sách mới này là các nhà đầu tư Dầu khí không phân biệt trong nước hay nước ngoài hoạt động Dầu khí tại các lô có một trong 3 điều kiện nói trên sẽ được ưu tiên, áp dụng những quy định mới tại luật này.
Luật Dầu khí sửa đổi đi vào cuộc sống đã được các nhà đầu tư rất hoan nghênh, đến nay nhiều hợp đồng Dầu khí đã được ký kết và đang triển khai trên cơ sở các điều khoản quy định tại luật này. Luật Dầu khí sửa đổi tạo điều kiện thuận lợi để ngành Dầu khí nước ta đẩy mạnh công tác tìm kiếm, thăm dò gia tăng trữ lượng Dầu khí và góp phần bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam trên các vùng biển và hải đảo của nước ta.
Những điều khắc cốt ghi tâm
Hơn 50 năm lao động và cống hiến không biết mệt mỏi, thế nhưng khi nhắc đến công việc nào, ông cũng bảo: “Đó là công của tập thể”. Hỏi về bí quyết của sự thành công, ông tâm sự: “Dù ở vị chí nào tôi cũng nỗ lực cố gắng làm tốt nhất công việc đó. Đôi với lĩnh vực tham mưu giúp việc, cần phải nghiên cứu tìm hiểu sâu sát lĩnh vực mà mình được giao, từ đó mới có những tham mưu chính xác kịp thời, mới được cấp trên tin tưởng. Trong công việc, đặc biệt là công việc hoạt động theo nhóm, cần tôn trọng và biết lắng nghe những ý kiến của những thành viên trong nhóm, để sản phẩm tạo ra là kết tinh của trí tuệ tập thể”.
Trong cuộc đời ông, ngoài cha mẹ, người thân trong gia đình, thầy cô và bạn hữu có hai tấm gương mẫu mực mà ông tôn kính nhất và đã tác động trực tiếp đến những thành công của ông đó là: Bác Hồ kính yêu và cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Ông đã may mắn hai lần được gặp Bác Hồ. Lần đầu vào năm 1962, trong lần đoàn đại biểu Anh hùng Lao động dự Đại hội thi đua yêu nước đến thăm Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch, lần đó vì quá hồi hộp xúc động nên ông đã bỏ lỡ cơ hội được bày tỏ với bác. Lần thứ hai, ông vinh dự đại diện cho thanh niên phát biểu tham luận tại Hội nghị Chính trị đặc biệt. Khi mới đứng dậy, ông đã hồi hộp bối rối, nhưng sau khi được Bác Hồ động viên, hỏi thăm, ông đã bình tĩnh và diễn đạt thành công bài tham luận.
Ông Giao tâm sự: “Suốt những năm tháng tuổi trẻ và cho đến tận bây giờ, tôi luôn tự rèn rũa mình, học tập và làm theo gương Bác”. Ông đọc cho tôi nghe lời dạy của Bác Hồ về công tác thi đua: “Chừng nào con người còn phải tiến hành nuôi sống bản thân mình, tạo ra phương tiện để thỏa mãn nhu cầu vật chất và tinh thần cho mình và cho xã hội, thì chừng đó thi đua vẫn tồn tại và phát huy tác dụng. Công việc hàng ngày là nền tảng, là gốc rễ của thi đua. Từ công việc hàng ngày mà nảy sinh thi đua. Thi đua gắn với công việc hàng ngày làm cho công việc hàng ngày tốt hơn. Sự tồn tại thi đua, nền tảng của thi đua không xa xôi, khó tìm, khó thấy, mà ở ngay công việc hàng ngày”, rồi ông giải thích: “Thấm nhuần tư tưởng đó, đến nay dù nghỉ hưu, nhưng hàng ngày tôi vẫn học tập và làm theo lời dạy của Bác và tôi cảm nhận thấy cuộc sống của tôi đã tốt hơn rất nhiều”.
Người thứ hai, mà ông kính trọng là cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt. Nói về cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt, ông chia sẻ: “Mặc dù trong điều kiện của 2 cuộc kháng chiến cực kỳ gian khổ, ông cũng như biết bao chiến sĩ cách mạng khác, đâu có thời gian để được học hành, đào tạo bài bản ở các trường đại học chính quy, nhưng điều đó cũng không thể nào ngăn cản ông vươn tới tầm cao của sự nghiệp chính trị. Ông được nhân dân quý trọng bởi cuộc đời chinh chiến của ông trong những năm dài chống giặc ngoại xâm, tài năng đức độ và những cống hiến to lớn của ông cho đất nước trong giai đoạn đầu, Đảng ta chủ trương đổi mới, mở cửa và hội nhập.
Ông là một nhà chính trị, nhà kinh tế, một lãnh tụ quyết đoán với những chủ trương táo bạo, khôn khéo và hiệu quả với tầm nhìn rộng và xa. Ông luôn sâu sát và hiểu thấu nhu cầu của nhân dân và luôn trăn trở, suy ngẫm xem Chính phủ phải làm gì để dân ta đỡ khổ. Ở Văn phòng Chính phủ, chúng tôi gọi ông bằng cái tên thân thiết “anh Sáu”. Đối với những người công tác trong ngành Dầu khí, ông đóng một vị trí to lớn. Chúng tôi coi ông như người làm vườn ươm mần để có Tập đoàn Dầu khí vững mạnh như ngày hôm nay. Bằng chứng, năm 1992, sau khi lên làm Thủ tướng, ông liền dốc hết sức xúc tiến công cuộc tổ chức lại ngành Dầu khí, để tiến tới hình thành Tập đoàn kinh tế vững mạnh số 1 Việt Nam, góp phần tạo nên sự thành công của thời kỳ hội nhập, phát triển”.
“Năm nay, ngành Dầu khí nước ta tròn 50 năm xây dựng và phát triển (1961-2011), tôi nhớ lại và thật sự hạnh phúc vì đã được cùng làm việc với nhiều anh chị em trong ngành, ngay từ những năm đầu của thập niên 60 của thế kỷ trước khi đoàn Dầu lửa 36 mới được thành lập. Dù làm gì, ở đâu tôi cũng hết lòng đóng góp một chút gì đó cho ngành và cho đất nước, đồng thời nhiều phần thưởng cao quý giành cho tôi và đồng đội của tôi, trong đó hạnh phúc nhất đối với tôi là sự tin cậy, sự tín nhiệm của lãnh đạo và tình thân ái giúp đỡ động viên tôi hoàn thành nhiệm vụ của các anh chị em đồng nghiệp. Tôi chân thành biết ơn và mãi mãi giữ gìn phần thưởng quý giá đó”, ông Trần Văn Giao tâm sự.
(Theo Petrotimes)