spot_img

Tự hào là hậu duệ của Thủy Tổ Trần Đăng Như

Cụ Trần Đăng Như (Trần Như) là hậu duệ đời thứ 20 của Trần Kinh (Tr Quốc Kinh, Tr Tự Kinh), đời thứ 16 của vua Trần Thái Tông, đời thứ 10 của Tả tướng quốc Trần Nguyên Hãn … Tại xã Lâm Trung Thủy (Trung Lễ xưa), cụ Trần Đăng Như là đời thứ nhất, là thủy tổ của dòng họ Trần Lê. Cuối năm 2017 họ Trần Lê có cháu mới sinh đầu tiên đời 18, đến đầu năm 2023 dân số cả họ ta có gần 5 ngàn người, trong đó gần 2.300 đinh bao gồm đang sống và đã mất (thống kê số người lấy trong “Lời giới thiệu gia phả 2023” trên web của họ Trần ta).
Cụ Trần Như có trình độ học vấn cử nhân, thời đó nếu làm quan thường giữ chức Tri huyện nhưng cụ tránh xa chốn quan trường làm nghề dạy học, cắt thuốc giúp dân 3 xã Trung Lễ, Đức Bùi, Đức Xá (Bùi, Xá nay là Bùi La Nhân), thời trước thầy thuốc và thầy giáo là 2 nghề nhân đức được xã hội kính trọng. Hai con trai (đời thứ 2) của cụ Như; người anh giữ chức “Đô chỉ huy sứ đồng tri thiêm sự” (giống Tư lệnh trưởng bây giờ) có vợ nhưng không rõ về con, người em “Chánh đội trưởng đồng tri thiêm sự” (lãnh binh Hoàng gia) sinh 2 con Trần Triều và Trần Đình (đời 3). Tr Triều sinh 1 trai 3 gái và không viết rõ con cháu; Tr Đình sinh ra 6 trai 1 gái (đời 4) trong đó 5 trai đều không viết rõ con cháu, chỉ có Tr Khôi sinh được 4 trai 3 gái (đời 5), 3/ 4 con trai của Tr Khôi có con cháu nối dài lập nên dòng họ Trần Lê.

Trải qua nhiều thăng trầm và biến cố lịch sử, các lớp hậu duệ của cụ Trần Như đã phát huy hào khí Đông A không ngừng phấn đấu thành người tử tế, tâm sáng chí bền có ích cho quê hương đất nước, làm vẻ vang tự hào dòng họ: Đời thứ 4- Trần Khôi làm quan Bộ lại (giống bộ nội vụ, sắp xếp bố trí cán bộ) dưới thời Trịnh Sâm. Đời thứ 7- Trần Chính Nghị làm quan Tri huyện Từ Liêm, Hà Nội. Đời thứ 8- Lê Công Phó (xem mục Chi họ Lê Công) phẩm hàm “Quang lộc tự khanh”. Đời thứ 9- Lê Dụ là khâm sai đại thần triều đình Huế, được vua Tự Đức ban nhiều sắc phong. Đời thứ 10- Trần Đôn Tán là võ tướng trong mặt trận Đông Sơn đánh giặc Minh, bị tử trận được vua tặng 2 chữ Phúc Thần (giống như Liệt sĩ – Anh hùng LLVT). Đời thứ 10- Lê Trọng Liệu (con cụ Lê Dụ) học vị cao nhưng không làm quan, giỏi chữ Hán và tiếng Pháp có công đấu tranh với quan lính Pháp ở đồn Lạc Thiện bảo vệ dân làng và có công hợp tự họ Trần thành 8 Phái. Đời thứ 11- Trần Văn Trinh là Lý trưởng làng Lạc Thiện, đã cung cấp thông tin và hoạt động cho phong trào Cần Vương bị giặc Pháp bắt vài lần rồi thả. Đời thứ 11- Lê Thước (con Lê Trọng Liệu) là nhà Hán học, người hiệu đính kiệt tác thơ truyện Kiều và nhân sĩ yêu nước. Đời thứ 12- Lê Thiệu Huy (con Lê Thước), Tham mưu trưởng Liên quân Việt- Lào, liệt sỹ – anh hùng LLVTND. Đời thứ 13- Trần Văn Giao, anh hùng lao động về ngành địa chất lúc mới 23 tuổi. Đời thứ 14- Trần Lê Đông, Tiến sĩ khoa học, Tổng giám đốc dầu khí Việt Xô, anh hùng LĐ thời kỳ đổi mới…

Họ Trần Lê tuy chưa có ai thiên tài xuất chúng, nhà chính trị lỗi lạc kinh bang tế thế, nhà quân sự kiệt xuất, nhà khoa học lừng danh, ủy viên Bộ chính trị, Chính khách, thương gia cự phách hay doanh nhân siêu hạng… nhưng đã có Khâm sai Đại thần, quan tướng văn võ, đấng chí tôn học rộng tài cao… Tính đến năm 2022 cả Họ có 3 anh hùng, 6 giáo sư và phó giáo sư, 17 tiến sĩ, 5 Tú tài từ thời Pháp, 13 đại tá, nhiều doanh nhân thành đạt, hộ dân và cá nhân xuất sắc (số liệu chưa cập nhật hết)… Có 36 liệt sĩ, gần 50 thương bệnh binh qua các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ, chiến tranh Biên giới Tây Nam (1978 – 1989) với Khmer Đỏ và cuộc chiến Biên giới phía Bắc 1979 chống Trung Quốc xâm lược; trong đó tiêu biểu là gia đình cụ Lê Thước (đời 11) có 3 giáo sư: Lê Thước, Lê Triều Phong, Lê Xuân Diệm và 1 anh hùng – liệt sĩ Lê Thiệu Huy. Gia đình cụ Nguyện đời 12 phái 8 có 2 đại tá và 1 anh hùng lao động.
       Thời phong kiến và Pháp thuộc các hậu duệ của cụ Trần Như đã góp phần vào truyền thống “xã Cách mạng, xã có nhiều Khoa bảng – Tiến sĩ”; giai đoạn chống Mỹ được Nhà nước tặng “xã anh hùng”, thời kỳ đổi mới là “xã văn hóa”… Từ những thành tích cao và bề dày lịch sử vẻ vang như vậy cho nên tháng 01/ 2008 nhà thờ Thủy tổ Trần Đăng Như vinh dự được xếp hạng “di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh, tháng 11/ 2020 Ban chấp hành Trung ương Hội Khuyến học VN tặng bằng khen về “phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập…” từ đó lan tỏa những giá trị tốt đẹp; nhiều năm có học sinh, sinh viên thi đầu vào và tốt nghiệp đại học đạt điểm thủ khoa; có cháu được vinh danh Nhân tài Đất Việt, thi quốc tế được huy chương vàng, bạc…
       Hiện nay hậu duệ các đời của cụ Trần Đăng Như làm ăn sinh sống nhiều nơi trong nước và nước ngoài; người họ Trần Lê luôn rèn đức luyện tài, tự hào về dòng họ trên mọi lĩnh vực; phấn đấu trở thành công dân tốt góp phần mình cho sự đoàn kết, tiến bộ để thực hiện khát vọng “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.  (Chuyên mục có nhiều bài, kỳ sau sẽ đăng tiếp bài: Thôn Trung Nam- xã Lâm Trung Thủy, nơi cội nguồn của dòng họ Trần Lê. Mời đón xem)..
TP Vinh, ngày 30  tháng 7 năm 2023
               Biên soạn:  Trần Điện Năng – Đời thứ 14 – Phái Trần Đôn Loại

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles