spot_img

Trần Lê Đông: Anh hùng lao động ngành dầu khí

Buổi sáng cuối năm Mậu Tý, cận kề Tết Kỷ Sửu. Với những cử chỉ nhanh nhẹn, cái bắt tay thân mật và nụ cười trìu mến ông dành cho tôi, đã kéo gần khoảng cách của 2 thế hệ, trong cuộc trò chuyện thân tình. Đó là anh hùng Tiến sỹ khoa học Trần Lê Đông – Tổng Giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Vietsovpetro (XNLD) vừa được Đảng, Nhà nước phong tặng anh hùng lao động, người đã có nhiều đóng góp lớn cho ngành Dầu khí nói riêng và cho đất nước nói chung.

Tiếp xúc với ông, một con người giản dị, cởi mở thân tình, ông đã kể cho tôi nghe về ký ức tuổi thơ của mình. Sinh ra tại xã Đức Trung (nay là xã Trung Lễ), huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, một làng quê nghèo có truyền thống hiếu học. Quê ông vùng đất “địa linh nhân kiệt”, nơi sản sinh ra các nhà khoa học, với dân số khoảng 5 nghìn người, nhưng có tới 50 Tiến sỹ và Thạc sỹ khoa học. Từ trong gian khó, vùng quê ông đã nuôi dưỡng và hun đúc nên những con người với ý chí, nghị lực phi thường, không chỉ giỏi đánh giặc trong thời chiến, mà còn rất năng động trong thời bình dựng xây đất nước, quê hương.

Học giỏi xuất sắc, cộng với niềm đam mê được nghiên cứu, khám phá kho tàng tri thức, ông đã lựa chọn cho mình một hướng đi, nghiên cứu khoa học. Là một trong những người con ưu tú được cử đi học tại Liên Xô (trước đây) với chuyên ngành “Địa chất Dầu khí”, một lĩnh vực hoàn toàn mới, song ông đã phấn đấu học tập, rèn luyện, nghiên cứu, tìm tòi, sáng tạo.

Lại nói về những kỷ niệm khó quên nhất của ông trong những ngày ông ở Liên Xô, ở thành phố dầu Ba – Cu, nơi học tập, nghiên cứu. Ông kể: “Ngày ấy, trong một lần đi thực tế thăm công trình nổi được xây trên biển. Lần đầu tiên, đứng trên thành phố nổi, có các cầu nối trên biển, các dàn khoan… tôi thấy hết sức kinh ngạc và nể phục các bạn Liên Xô đã làm nên những điều thần kỳ. Đó là sự tiến bộ vượt bậc về khoa học kỹ thuật (sau này, tại Việt Nam, mỏ Bạch Hổ cũng được xây dựng như thế). Sau chuyến đi, tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định dốc sức vào những đề tài khoa học và càng nghiên cứu càng thấy thú vị. Ngay sau khi ra trường, tôi đã nhận bằng đỏ cùng với 2 đề tài nghiên cứu khoa học và tiếp tục được giữ lại trường làm nghiên cứu sinh”.

Chàng trai trẻ quê hương xứ Nghệ, khi trở về Việt Nam khát khao cống hiến cho đất nước trên cương vị là Phó Tiến sỹ (năm 29 tuổi). Chặng đường sự nghiệp của ông được tóm lược như sau: Từ tháng 8-1978 đến tháng 7-1987 làm việc tại Viện Dầu khí Việt Nam; từ tháng 8-1987 đến tháng 10-1989 là Phó giám đốc Xí nghiệp khai thác thuộc XNLD Vietsovpetro; từ tháng 10-1989 đến tháng 12-1990 là Phó giám đốc Trung tâm xử lý và phân tích số liệu dầu khí thuộc Viện Dầu khí; từ tháng12-1900 đến tháng 1-1996 là Viện phó thứ nhất; từ tháng 1-1996 đến tháng 5-1998 là Viện trưởng Viện nghiên cứu khoa học và thiết kế dầu khí biển thuộc XNLD Vietsovpetro; từ tháng 10-1996 đến 5-2002 là Phó Tổng giám đốc phụ trách địa chất XNLD Vietsovpetro; từ 6-2002 đến nay là Tổng giám đốc XNLD Vietsovpetro.

Với cương vị người lãnh đạo cao nhất của XNLD Vietsovpetro, Tiến sỹ Trần Lê Đông dám nghĩ, dám làm, năng động sáng tạo đạt được nhiều thành tích xuất sắc trong sự nghiệp phát triển của Tập đoàn Dầu khí. Không ngừng gia tăng những giếng dầu đưa vào khai thác, gặt hái được những thành công, duy trì mức nộp Ngân sách Nhà nước hàng năm từ 19% đến 22% tổng thu Ngân sách quốc gia. Ông kể về giai đoạn khó khăn tưởng chừng như khó có thể vượt qua của mình: “Giai đoạn năm 2003-2007, XNLD phải đối mặt với nhiều khó khăn khi mỏ dầu đã qua thời khai thác đỉnh năm 2002, sản lượng dầu khai thác ở các mỏ hiện tại suy giảm liên tục, độ ngập nước diễn biến phức tạp, trong khi gia tăng trữ lượng không bù đắp đủ sản lượng dầu khai thác do phạm vi hoạt động của của XNLD bị hạn chế. Đứng trước yêu cầu vừa phải bảo đảm hoàn thành kế hoạch sản xuất cấp trên giao, vừa phải bảo đảm khai thác mỏ an toàn, tôi đã luôn phải theo sát thực tế, tổ chức nghiên cứu và đề xuất những giải pháp hợp lý, tối ưu để khai thác dầu tầng móng mỏ Bạch Hổ và Rồng. Không chỉ có vậy, đứng trên cương vị người lãnh đạo, còn đề ra kế hoạch các biện pháp tổ chức kinh tế, kỹ thuật ngay từ đầu năm như: áp dụng giải pháp vận chuyển dầu an toàn từ mỏ Rồng về mỏ Bạch Hổ để duy trì khai thác liên tục mỏ Rồng trong thời gian sửa chữa tàu chứa Chí Linh. Ngoài ra, XNLD còn áp dụng thành công phương pháp khai thác gazlift vào các giếng ở RP-3 mỏ Rồng; sử dụng thiết bị công nghệ hiện đại vào sản xuất như khoan ngang, các chương trình phần mềm chuyên dụng, bơm ép nước để duy trì áp xuất vỉa…”

Ông kể về những nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, công trình khoa học có giá trị đặc biệt, đem lại hiệu quả cao về kinh tế, xã hội, trong đó, công trình khoa học “Giải pháp bơm ép nước” đã đăng ký độc quyền sáng chế khoa học. “Giải pháp bơm ép nước” là một trong những công nghệ quan trọng nhất để bảo tồn năng lượng vỉa, tăng cường khai thác dầu và nâng cao hệ số thu hồi dầu. Khi Vietsovpetro có chủ trương bơm ép nước vào móng, một số chuyên gia dầu khí của nước ngoài đã phản đối, cho rằng, nước bơm ép sẽ tràn ngập các giếng khai thác và sẽ không kiểm soát được quá trình này. Trên cơ sở kết quả nghiên cứu, Ông đã cùng Ban lãnh đạo XNLD không chấp nhận khai thác thân dầu quan trọng này theo chế độ tự nhiên, vì hiệu số thu hồi thấp (%), nhịp độ khai thác chậm, đồng nghĩa với hàng trăm tấn dầu sẽ nằm lại dưới lòng đất. Việc đưa ra giải pháp khoa học tối ưu bằng phương pháp bảo toàn áp suất vỉa bằng bơm ép nước (nếu bơm ép nước vào móng một lượng nước lớn, có thể kiểm soát và điều khiển được quá trình vận động của nước bơm ép trong thân dầu). Với đề xuất trên, một lần nữa chứng minh được năng lực và sự quyết đoán của Tổng Giám đốc Trần Lê Đông, người vừa làm quản lý, vừa làm khoa học. Không những thế, đây còn là đề tài khoa học lần đầu tiên được áp dụng đối với các vỉa dầu trong móng nứt nẻ và mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Không chỉ là người có những quyết định táo bạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, ông còn là người hết lòng vì tập thể, đã có đóng góp không nhỏ vào việc xây dựng khối đoàn kết, tạo không khí hòa hợp, dân chủ trong tập thể lao động Việt – Nga thuộc XNLD; thắt chặt truyền thống hữu nghị gắn bó lâu dài giữa hai nước Việt – Nga. Đã thành thông lệ những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, bao giờ ông cũng mời cả gia đình Ban lãnh đạo Việt – Nga đến ăn tất niên tại gia đình mình và tới chúc tết gia đình CB. CNV của XNLD Vietsovpetro.

Ông tâm sự: “Tôi đã có 4 sự kiện lớn diễn ra trong năm 2008 như: công bố 95 bài báo khoa học ở các tạp chí trong và ngoài nước; bảo vệ thành công luận án Tiến sỹ khoa học và được Liên Bang Nga phong học vị Tiến sỹ khoa học; vinh dự hơn nữa là được Đảng, Chính phủ đánh giá cao thành tích đạt được trong thời gian qua và phong tặng “Anh hùng Lao động”; niềm vui về mái ấm gia đình, về những đứa con thành đạt và trở thành ông nội”. Con trai lớn của ông Trần Lê Phương, nối nghiệp bố, học giỏi, đã trở thành tiến sĩ làm việc tại XNLD Vietsovpetro.

Với gương mặt đăm chiêu và mái tóc đã bạc, Tiến sỹ Trần Lê Đông vẫn trăn trở nhiều điều, về những dự định khoa học, những dự án muốn thực hiện, về những miền quê còn nghèo khó, những con người chân lấm, tay bùn quanh năm vất vả; những đứa trẻ sinh ra không được may mắn đang vật lộn với sự sống, những đứa trẻ không được cắp sách tới trường… Và ông đã kể cho tôi nghe về dự định của mình và các cộng sự về ngôi trường dạy lý thuyết cho trẻ em khuyết tật. Mong ước đó sắp trở thành hiện thực, khi mà chỉ sau Tết Kỷ sửu này thôi, trung tâm phục hồi chức năng cho người lao động sẽ được khánh thành tại Hà Tĩnh một vùng quê nghèo, luôn phải đối mặt với thiên tai, bão lũ. Đó chỉ là một trong hàng trăm địa chỉ, món quà mà ông và tập thể lao động XNLD Vietsovpetro đã, đang và sẽ dành tặng cho nhiều vùng quê đầy gian khó khắp trong nam ngoài bắc, với những con người không lùi bước trước khó khăn.

( Báo Bà Rịa – Vũng Tàu )

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles