spot_img

Trần Lê Đông: Phác họa chân dung người anh hùng

Mỗi nhà văn, nhà báo, hay mỗi tác giả thể hiện theo cách riêng của mình khi viết về người thật việc thật nhưng tính trung thực rất được coi trọng, như một nguyên tắc.

Ký sự có tính hấp dẫn riêng của nó bởi điều này. Với mẫu số chung như thế, khi đọc tập ký sự Trần Lê Đông – từ làng quê Trung Lễ đến mỏ dầu Bạch Hổ (NXB VHVN 2020, ảnh) của nhà báo, nhà văn Phạm Quốc Toàn, tôi càng thấm rằng, nhận thức đúng là một quá trình.  Sự sáng tạo là yếu tố sống còn của nhiều lĩnh vực, trong đó đáng chú ý nhất đối với người cầm viết.

Tác phẩm dày gần 200 trang, bố cục thành 5 chương. Cấu trúc chương hồi, nhưng mạch văn của Phạm Quốc Toàn không mòn cũ theo dòng thời gian, kể chuyện mà đúng như tên tập sách, đậm tính ký sự báo chí. Trong Lời tác giả, Phạm Quốc Toàn đã nói rõ ý tưởng của mình: “Tập sách chỉ phác họa đôi nét về một nhân cách rất đáng nể trọng và ngưỡng mộ đối với doanh nhân, nhà khoa học địa chất dầu khí biển uy tín Trần Lê Đông – người con ưu tú của quê hương Trung Lễ – Hà Tĩnh”.

Tác phẩm có “thế mạnh” hiểu tường tận nhân vật và bối cảnh xảy ra liên quan đến nhân vật. Tác giả và nhân vật cùng thời, đều sinh ra trên đất Hà Tĩnh giàu truyền thống hiếu học và anh hùng. Trần Lê Đông là học sinh giỏi của trường cấp 3 Trần Phú (Đức Thọ) được đào tạo cơ bản ngành địa chất dầu khí ở Azerbaijan (Liên Xô cũ). Sau 10 năm miệt mài kinh sử, ông trở thành tiến sĩ. Về nước, Trần Lê Đông được phân công làm việc ở Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro tại Vũng Tàu. Từ Phó Giám đốc xí nghiệp, Trần Lê Đông lần lượt được giao các chức vụ: Phó Viện trưởng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dầu khí và Thiết kế công trình biển, Phó Tổng giám đốc, Tổng giám đốc Xí nghiệp Liên doanh Dầu khí Vietsovpetro. Từ thực tế công tác nghiên cứu, vận dụng thành quả nghiên cứu khoa học vào hoạt động thực tiễn tìm kiếm, khai thác mỏ dầu Bạch Hổ, Trần Lê Đông bảo vệ xuất sắc luận án tiến sĩ khoa học tại Liên bang Nga; được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động (thời kỳ đổi mới); được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học – công nghệ.

Điều đáng chú ý liên quan đến nhân vật chính của tập ký sự này, TSKH Trần Lê Đông và tác giả Phạm Quốc Toàn là đồng hương, người cùng thời với nhau. Vì thế, gần nửa thế kỷ nay, hai ông luôn gắn bó bên nhau, trên mảnh đất Vũng Tàu, nơi được coi là thủ phủ của ngành dầu khí Việt Nam. Cũng có lẽ thế, gặp lại nhau mới đây, trong quán cà phê bên bờ biển Vũng Tàu mênh mang sóng nước, những hồi ức, kỷ niệm giữa hai người con “sinh ra ở Hà Tĩnh, cống hiến ở Vũng Tàu” cứ ùa về như sóng biển trào dâng. Lối kể chuyện tài hoa, đọc đến trang cuối của tập sách, người ta vẫn cứ nghĩ là hai ông đang ngồi bên nhau trong quán cà phê ấy, trong tiếng sóng và tiếng gió và ta là người thứ ba chứng kiến câu chuyện của họ.

“Chỉ là vài nét phác thảo chân dung người Anh hùng” như nhà báo Phạm Quốc Toàn viết. Nhưng từ tình cảm đặc biệt, tài năng và tâm huyết với quê hương thứ hai Bà Rịa – Vũng Tàu; đặc biệt với người đồng hương thân thiết TSKH Trần Lê Đông, Phạm Quốc Toàn đã khắc họa chân dung người anh hùng – nhà khoa học địa chất dầu khí với những phẩm chất cao đẹp từ công việc đến đời thường; từ tình yêu quê hương, cha mẹ, vợ con đến cách ứng xử với bạn bè, đồng nghiệp.

Những phẩm chất ấy càng sáng rõ khi Phạm Quốc Toàn sử dụng bút pháp hồi tưởng đan xen hiện thực để làm nổi bật mối quan hệ giữa trọng trách và đời thường, giữa cái chung và cái riêng, giữa quyết đoán và uyển chuyển của nhân vật chính… Tác giả giành hẳn hai chương để nói về “Quê hương Trung Lễ”  và “Chuyện tình tự kể”. Đó là xã Trung Lễ đất học, đất văn, giàu võ khí, “làng tiến sĩ”. Trung Lễ là một xã nghèo khó về kinh tế nhưng lại là đơn vị anh hùng trong chiến tranh. Đây là nơi sinh ra 60 giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, 20 sĩ quan cao cấp của lực lượng vũ trang. Cũng chính nơi ấy sinh ra một trong những nhà khoa học địa chất dầu khí hàng đầu đất nước và khu vực, TSKH – AHLĐ Trần Lê Đông…

Tôi thích cách Phạm Quốc Toàn viết “Chuyện tình tự kể”. Tác giả “trao diễn đàn” cho nhân vật cặp vợ chồng TSKH Trần Lê Đông và Thạc sĩ văn chương – cô giáo Nguyễn Thị Kim Cúc. Nhà khoa học địa chất tưởng như suốt đời “khô khan” như những con số, công trình xây dựng cảng biển, lại là người có tâm hồn thật lãng mạn, da diết. Chúng ta hãy nghe cô giáo chuyên văn Nguyễn Thị Kim Cúc kể lại: “Một hôm tôi ngồi bên cạnh chàng, nhìn chàng chép thơ bằng tiếng Nga vào sổ tay tặng tôi. Chàng chỉ tay vào từng câu thơ và giải thích ý nghĩa của từng câu chữ. Thật là tuyệt. Tôi choáng ngợp với những ngôn từ, ý tứ chàng dành cho tôi…”. Khép lại bài viết này, tôi xin trích đoạn bài thơ mà TSKH Trần Lê Đông viết tặng vợ chưa cưới của mình cách đây hơn 40 năm: Với ta, em là cuộc sống/Em là hạnh phúc đời ta/Em nâng hồn ta bay bổng/Em khiến trí ta sáng lòa…

Như thế, có thể nói, bằng tác phẩm thứ 14 này, Phạm Quốc Toàn đã thành công trong việc phác thảo chân dung người anh hùng thời đại mới theo cách của riêng mình.

( Sưu tầm )

HỌ TÊN ĐỜI PHÁI GHI CHÚ
Trần Lê Đông 14 Trần Huy Quả

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,000Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles