spot_img

Lê Dụ: Khâm sai đại thần quyền Tổng đốc An Tĩnh

 

Cuộc đời làm quan của ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Ông được xem là một tấm gương son sắt với đất nước, nghĩa tình với quê hương.

Cuộc đời làm quan của ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Ông được xem là một tấm gương son sắt với đất nước, nghĩa tình với quê hương.
Lê Dụ (1820-1875), tự là Hiếu Văn, là con trai cả trong một gia đình làm ruộng ở làng Trung Lễ, xã Cổ Ngu, tổng Văn Lâm, huyện La Sơn, phủ Đức Quang (nay là xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh). Từ nhỏ Lê Dụ đã tỏ ra là người có tư chất thông minh, học giỏi. Năm Minh Mệnh thứ 21 (1840), ông thi Hương đỗ cử nhân. Cuộc đời làm quan của ông đã có nhiều đóng góp cho quê hương đất nước. Ông được xem là một tấm gương son sắt với đất nước, nghĩa tình với quê hương.

Một vị quan thanh liêm, trung thành và hết mực yêu dân

Sau một thời gian giữ chức Hậu bổ ở Quốc sử quán tại Huế, ông được bổ làm tri huyện ở Kim Động (Hưng Yên). Hết sức cảm thông với tình cảnh của dân nghèo của vùng Kim Động. Ông đã tổ chức cho nhân dân đào kênh Ba Động (huyện Phủ Cừ) thông vào sông Cửu Ngang lấy nước tưới cho hàng vạn mẫu lúa và màu của ba huyện: Kim Động, Tiên Lữ, Phủ Cừ (từ năm 1955 là hệ thống tưới tiêu Bắc Hưng Hải) làm cho vùng này thành một vựa lúa lớn của tỉnh Hải Hưng.

Với thành tích nhậm trị xuất sắc, năm Thiệu trị thứ 7, ông được thăng chức làm Tri phủ Hoà An tỉnh Cao Bằng (ngày 20 tháng 7 năm 1847). Sau đó được bổ làm Bố chánh sứ Thanh Hoá, Tuyên Quang, Án sát sứ Quảng Ngãi, Biện lí Bộ công. Năm Tự Đức thứ 11 (1858), Pháp nổ súng xâm lược nước ta, đầu tiên là đánh chiếm Đà Nẵng, ông phụ trách quân lương cùng với quân vụ Đại thần Nguyễn Tri Phương chống trả thành công cuộc xâm lược đầu tiên của Pháp. Ông được cử ra tỉnh Sơn Tây, giữ chức Bố chánh (tỉnh này không có cấp cao hơn). Đứng đầu tỉnh Sơn Tây – một thương khẩu lớn nhất miền Bắc (trung tâm giao dịch mua bán nông sản, tơ lụa, vật dụng, sành sứ… trong nước và quốc tế), ông vẫn giữ đúng mực liêm khiết. Có câu “Ai làm bố chánh tỉnh Sơn Tây một năm thì con cháu đời đời giàu có”, ấy vậy mà cảnh nhà của vị thủ hiến tỉnh Sơn Tây Lê Dụ vẫn khốn khó. Mẹ già, con mọn quanh năm chỉ trông chờ vào mảnh vườn xơ xác, mấy mẫu ruộng cằn và nghề dệt vải vất vả; tổ nghiệp xưa để lại trước sau vẫn không thêm được ngôi nhà mới; bản thân ông vẫn giữ cuộc sống thanh đạm. Lê Dụ là vị quan liêm khiết nổi tiếng trong ngoài.

Năm Tự Đức 15 có loạn, Lê Dụ đã đem quân bản bộ Sơn Tây phối hợp với quân mã triều đình và lãnh binh Hưng Yên Vũ Tảo đánh dẹp phỉ và liên tiếp giành thắng lợi. Công lao này của cụ đã được ghi nhận trong bản tấu của Tổng đốc Hà Ninh Hoàng Thu mà hiện nay Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I còn lưu giữ là những bằng chứng xác đáng. Trong bản tấu Tổng đốc Hoàng Thu trình bày: “Vâng chiếu ngày 15 tháng này 2 đạo quan binh của Hưng Yên, Sơn Tây chuyển từ huyện Văn Giang hội cùng đạo quân của thự phó lãnh binh tỉnh Hưng Yên Vũ Tảo dẫn quân đi đường tắt đến dẹp giặc. Giờ mùi hôm nay tiếp đến công văn của các quan tỉnh Bắc Ninh trình rằng: Ngày 4 tháng này bọn giặc gây nhiễu loạn, ngày 19 chúng bức vây tỉnh thành. Tỉnh đó đã dốc sức các thân biền binh hiện có phòng thủ.Tỉnh thành may mà vẫn được bảo toàn. Đến ngày 20 đại đội biền binh 3 tỉnh do lãnh bố chánh tỉnh thần Nguyễn Khắc Thuật, Lãnh bố chánh sứ Sơn Tây Lê Dụ, phó lãnh binh tỉnh Hưng Yên Vũ Tảo tiến đến xã Đại Đồng huyện Siêu Loại đánh nhau với giặc thu được thắng lợi liên tiếp. Bắt sống được phỉ mục cùng đồng bọn phỉ và bắn, chém giết được nhiều tên giặc đồng thời thu được nhiều pháo giới và các khí cụ công thành” (tập 137, Châu bản triều Nguyễn). Sau đó, cụ cùng với phó lãnh binh Vũ Tảo tiếp tục giải vây cho thành Hải Dương, truy quét giặc Phụng ở Đông Triều (Quảng Ninh).

Cuối 1964, khi giặc giã tạm yên, ông được cử về làm tuần phủ Nam Ngãi. Với ý đồ xây dựng hai tỉnh ngoại vi phía nam Kinh đô trở thành vùng căn cứ bảo vệ vững chắc kinh thành Huế, ông không chỉ chăm lo cho đời sống của nhân dân, khai hoang phục hoá, lập các kho nghĩa thương cứu đói, dâng sớ xin triều đình miễn giảm thuế, lệ cho dân lúc khốn khó; mà còn mở mang việc học hành, thi cử. Trong thời gian này, ông còn được triều đình cử làm chánh chủ khảo hai kỳ thi Hương của trường Bình Định – Thừa Thiên (khi làm Bố chánh Sơn Tây ông là phó chủ khảo hai kỳ thi Hương của trường thi Hà Nội), lựa chọn nhân tài cho đất nước. Mấy năm sau, ông về triều sung chức thị lang bộ hộ.

Năm Tự Đức 23 (1870), vùng Quảng Nam liên tiếp gặp hạn hán rồi lại thiên tai lũ lụt. Trước tình cảnh khốn khổ, thảm thương của dân, Lê Dụ vô cùng đau xót và đã liên tiếp dâng tấu xin triều đình miễn giảm thuế lệ và cứu tế. Trong tài liệu “Châu bản triều Nguyễn” đang lưu tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I vẫn còn những bản tấu của cụ trình bày về nạn đói năm đó. Trong đó có đoạn: “Ngày mùng 4 tháng này, tiếp nhận tập tâu của tỉnh thần Quảng Nam là Lê Dụ trình về việc xem xét tình hình thiên tai lũ lụt và xin đề nghị trợ giúp. Phụng xét tập trình bày : ngày mùng 20 tháng 8 năm nay, hạt đó bị nước lụt lớn, dân bị chết đuối là 122 tên, binh dân mất tích là 12 tên, 71 đình miếu bị trôi và hư hại, 212 nóc nhà bị trôi mất và 1074 nóc bị đổ. Ngày 22 tháng 9 lại bị nước lụt làm chết thêm 6 người, 5 đình miếu bị đổ, 50 nóc nhà bị đổ và hư hại ” (Tập 228, Châu bản triều Nguyễn)

 

Năm 1874, vùng Nghệ Tĩnh mất mùa nặng, trong khi nam kỳ lục tỉnh mất vào tay Pháp, sĩ tử bất an, long dân nổi dậy. Cuộc khởi nghĩa dân chúng vùng Thanh Chương (Nghệ An) cùng với các sĩ tử Hoan Châu bị quân triều đình đàn áp thảm hại. Lê Dụ lúc bấy giờ đang giữ chức tham tri bộ hình đã dâng sớ, xin thay đổi chính sách đối với vùng Nghệ Tĩnh. Vua Tự Đức chuẩn tấu cử Lê Dụ làm Khâm sai hộ đốc An Tĩnh (Quyền tổng đốc thay mặt triêu đình). Thực hiện chính sách chiêu an, giúp đỡ dân nghèo, thả các tù nhân, nhất là sĩ tử (trong số sĩ tử mà ông thả có đồng hương Lê Ninh, sau này là một lãnh tụ Cần Vương đứng đầu quân thứ Trung Lễ), ông đã vỗ yên lòng dân. Nhưng ngay sau đó, do có dư đảng của cuộc khởi nghĩa Giáp Tuất gây rối, Lê Dụ liền bị giáng chức rút về kinh.

Người khai khoa trên một vùng đất

Không chỉ nhớ tới ông như một bậc hiền nho yêu nước, thương dân, quê hương Trung Lễ còn nhớ tới ông như một người có công khai khoa trên một vùng đất. Kể từ năm Hồng Đức nguyên niên (1425), sau khi cụ Tuần Tước đỗ tiến sĩ, làng Trung Lễ suốt 5 thế kỷ không có người nào đỗ đạt. Đến thế kỷ XIX, mới có người đậu cử nhân, đó chính là Lê Dụ. Bà con trên quê hương Trung Lễ vui mừng không xiết, tổ chức đón rước linh đình. Cũng từ đó, con cháu các dòng họ ở Trung Lễ liên tiếp đỗ đạt, từ tú tài, giải nguyên, cử nhân, cho tới tiến sĩ và thành danh. Quê hương Trung Lễ vì thế mà ngày một canh tân, đổi mới đặc biệt trở thành vùng đất phát văn, thịnh võ. Cứ thế đời này truyền đời khác, làng Trung Lễ cũng từ đó mà được xếp vào “đất văn học”. Dù sau này trên quê hương Trung Lễ có nhiều người đỗ đạt cao, nhưng Lê Dụ vẫn luôn được người ta nhắc đến với tấm lòng tôn kính và biết ơn đối với một vị hiền nho nổi tiếng, người đã khai thông lại mạch thi thư cho cả một vùng.

Đến nay, quê hương Trung Lễ vẫn còn nhắc chuyện ông gửi bạc về giúp dân đào hói Trúc, thông kênh dẫn nước cho mùa khô, tiêu úng cho mùa mưa. Hàng năm ông vẫn dè sẻn chi tiêu giúp quê hương bắc cầu (cầu Nậy), lập quỹ tình thương, lập chợ mở mang kinh tế, thảo hương ước của làng, giữ gìn thuần phong mĩ tục, để cao việc học phát triển văn hoá…

Năm 1975, Lê Dụ bị bệnh rồi mất tại Huế. Vua Tự Đức xuống chiếu phục hồi chức Thị lang bộ Hình và cho rước linh cữu ông từ Huế về an táng tại quê nhà. Linh cữu đi qua các tỉnh, quan chức, nhân dân phúng điếu tiếc thương bậc hiền nho một lòng trung với nước, làm được nhiều điều có ích cho nhân dân ở các địa phương mà ông nhậm trị. Sau một tháng linh cữu về đến quê hương Trung Lễ. Linh cữu ông được an tang tại Dặm Rồng gần Hói Trúc.

Với những tài liệu còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, tài liệu lịch sử của tỉnh, gia đình và một số tài liệu chứng thực cùng với nhiều chứng tích còn lưu, tháng 6 năm 2009, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định công nhận Nhà thờ cụ Lê Dụ đặt tại làng Trung Lễ là di tích lịch sử cấp tỉnh, ngày 30/4/2010 con cháu cụ Lê Dụ và quê hương Trung Lễ chính thức tổ chức đón nhận danh hiệu này. Trên con đường quan lộ của cụ Lê Dụ có không ít thăng trầm nhưng tình cảm của cụ đối với dân, với quê hương, với đất nước cũng như những đóng góp của cụ cho quê hương và đạo đức của cụ là không thể phủ nhận. Với nguồn tài liệu trong Châu bản Triều Nguyễn đang lưu trữ ở Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I là sử liệu đáng tin cậy cho chúng ta hiểu hơn về cụ Lê Dụ – người khai khoa “đất văn học”. Ngày nay con cháu dòng họ Lê Công và dân làng Trung Lễ có quyền tự hào về một tấm gương như cụ.

Đỗ Hằng – Thu Hường (Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I)

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
21,900Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles