spot_img

Giáo sư Lê Thước – Tài năng và nhân cách một người thầy

Suốt trong thời gian giảng dạy tại các trường Quốc học, Giáo sư Lê Thước đã tranh thủ những tiết học Việt văn ít ỏi để truyền bá và nhen nhóm trong học sinh có ý thức “làm người phải yêu nước, yêu nước phải yêu quốc văn”.

Khoa thi năm 1918 (Mậu Ngọ-niên hiệu Khải Định thứ 3), là khoa thi Hương cuối cùng tại trường Nghệ của chế độ khoa cử nhà Nguyễn. Tại kỳ thi đó, tỉnh Hà Tĩnh có 7 nho sỹ đỗ Cử nhân, trong đó Lê Thước giành vị trí Giải nguyên.

Lê Thước (1891-1976) hiệu Tĩnh Lạc xuất thân trong một gia đình có truyền thống Nho học ở làng Trung Lễ tổng Văn Lâm huyện La Sơn, nay là xã Trung Lễ huyện Đức Thọ tỉnh Hà Tĩnh. Thân phụ là Tú tài Lê Trọng Liễu vốn gốc họ Trần từ Đông Sơn- Thanh Hoá vào làm rể họ Lê rồi định cư ở quê vợ. Thân mẫu là bà Lê Thị Ba, con Cử nhân Lê Văn Thống, được triều đình ban tặng hàm Hàn Lâm thị độc. Với gia cảnh đó, Lê Thước vừa học chữ Nho lại học cả chữ Quốc ngữ và tiếng Pháp. Sau khi đỗ Thành chung Quốc học Huế, làm giáo học ở Thị xã Vinh, Lê Thước lại đỗ Giải nguyên Nho học nhưng không làm quan mà ra Hà Nội học trường Cao đẳng Sư phạm Đông Dương. Ra trường được bổ dụng Giáo sư Văn học, giảng dạy ở Quốc học Vinh, Bắc Ninh, Albert Sarraut- Hà Nội…

Suốt trong thời gian giảng dạy tại các trường Quốc học, Giáo sư Lê Thước đã tranh thủ những tiết học Việt văn ít ỏi để truyền bá và nhen nhóm trong học sinh có ý thức “làm người phải yêu nước, yêu nước phải yêu quốc văn”. Những câu ca dao chan chứa tình đời, những áng văn chương đầy hào khí thời Lý Trần Lê… cho đến dòng văn thơ yêu nước của phong trào Cần Vương, Đông Kinh nghĩa thục… đều được ông truyền cảm hứng tiếp nhận cho học sinh một cách hấp dẫn giúp các em biết trân trọng giá trị lịch sử và văn hoá dân tộc, biết quý trọng tiếng mẹ đẻ để bồi dưỡng cho tuổi trẻ học đường lòng yêu nước chí can trường, nguyện xả thân vì nghĩa lớn. Ngoài những giờ lên lớp, ông giành thời gian cho sưu tầm văn học và lịch sử. Hội Hàn lâm Nghệ An do Giáo sư Hipolite le Breton -Hiệu trưởng Quốc học Vinh thành lập mà Lê Thước là thành viên đã tổ chức nhiều cuộc điền dã khảo sát thực tế. Ông còn là soạn giả đầu tiên bộ sách giáo khoa môn Văn dùng cho học sinh Quốc học Vinh. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, Giáo sư Lê Thước đảm nhiệm nhiều công việc như Chủ tịch Ủy ban tản cư tỉnh Thanh Hoá, Ủy viên Liên Việt toàn quốc…Năm 1954, Lê Thước về nhận công tác tại Ban Tu thư (Bộ Giáo dục) sau đó lại chuyển sang Vụ Bảo tồn Bảo tàng (Bộ Văn hoá) Suốt trong thời gian này, ông đã cùng các học giả tên tuổi như Đỗ Đức Hiểu, Trương Chính, Hoàng Ngọc Phách, Vũ Đình Liên… soạn thảo bộ giáo trình đầu tiên giảng dạy môn Văn bậc Đại học. Lê Thước cũng là một trong những nhà giáo đầu tiên được phong hàm Giáo sư dưới chính thể Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Giáo sư Lê Thước là nhà dịch thuật, nghiên cứu văn học, nghiên cứu lịch sử xuất sắc được nhiều thế hệ trí thức nước ta tôn vinh làm bậc thầy. Tác phẩm chính của ông gồm: “ Truyện cụ Nguyễn Du” (viết cùng Phan Sỹ Bằng), “Sự nghiệp và thơ văn Nguyễn Công Trứ”,”Văn thơ Trần Tế Xương” (cùng Hoàng Ngọc Phách và Đỗ Đức Hiểu), “Cung oán ngâm khúc”, “Thơ văn Nguyễn Thượng Hiền” (viết cùng Hà Văn Đại) “Phượng Hoàng Trung đô”, “Chính khí ca Việt Nam”, “Thơ chữ Hán của Nguyễn Du” (dịch  và viết cùng Phạm Khắc Khoan),… “Làng Trung Lễ trong phong trào chống Pháp”…vv…

“Làng Trung Lễ trong phong trào chống Pháp” là tập truyện ký chân thật và sinh động về mảnh đất và con người Kẻ Ngù-Trung Lễ. Tác phẩm không chỉ đề cập sự mất mát điêu linh ở một vùng quê giàu truyền thống học hành khoa bảng bị thực dân Pháp và bọn tay sai đàn áp dã man sau thất bại của cuộc Khởi nghĩa Cần Vương và phong trào Duy Tân-Đông Du đi vào thoái trào mà qua đó ca ngợi tính cách và phẩm giá cao đẹp của người Trung Lễ, tiêu biểu như Giải nguyên Lê Khanh có 3 người con là Lê Ninh, Lê Trực và Lê Võ và nhiều người cháu cùng tham gia phong trào yêu nước và kháng chiến chống Pháp. Hai người phụ nữ họ Phan làng Đông Thái về làm dâu họ Lê-Trung Lễ là bà Phan Thị Đại (chị Phan Đình Phùng) và bà Phan Thị Hét (vợ Giải nguyên Lê Văn Huân) vừa giỏi ‘công dung ngôn hạnh’ lại dám thân gái dặm trường cùng chồng con lo việc cứu nước, xứng đáng được người đương thời tôn vinh là “Liệt nữ” đất Hồng Lam……..

Tự mình, Giáo sư Lê Thước đã nêu tấm gương lao động cần mẫn say mê và sáng tạo. Những dòng ký ức và cảm tưởng chân thành của nhiều học giả, nhân sỹ trí thức và học sinh không chỉ biểu lộ lòng biết ơn mà còn là sự ngưỡng mộ và trân trọng một người “Thầy” của những người “Thầy”.

***

Giáo sư Lê Thước không chỉ là một nhà khoa bảng uyên thâm Hán học, nhà trí thức mới tinh thông Tây học, nhà sư phạm mẫu mực tài năng mà còn là một nhà nông thực thụ, giỏi việc cày bừa cấy hái lại nắm vững thời vụ và kỹ thuật canh tác. Từ khi còn đi học cho đến khi đã trở thành ‘Cậu Giải nguyên’, ‘Quan Đốc học’, ‘Ông Giáo sư’… nhưng mỗi lần về quê ông đều tham gia công việc đồng áng. Nhiều người cao tuổi ở xã Trung Lễ còn nhớ: Thời kỳ giảm tô 1951-1952, Giáo sư Lê Thước về dưỡng bệnh tại quê nhà, ông đã tự mình cày bừa, gieo mạ, bón phân gặt hái hơn một mẫu ruộng. Lúa nhà ông tốt đến mức các bậc ‘lão nông tri điền’ trong làng cũng phải nể phục. Có lẽ lúc tuổi còn nhỏ, cả làng Trung Lễ sau thất bại của phong trào Cần Vương, gia đình Lê Thước sống cực khổ, ông đã phải cáng đáng công việc đồng áng giúp cha mẹ nuôi em vừa phải lo học hành để lập thân. Tham gia kháng chiến lại phụ trách tăng gia sản xuất đã giúp ông hiểu biết thêm về nghề nông và người nông dân.

Cũng như nhiều trí thức yêu nước, thẩm thía cái nhục mất nước, cái nhục của kẻ nô lệ nên Giáo sư Lê Thước luôn luôn gắn bó với cách mạng, với sự nghiệp giải phóng dân tộc và tiến bộ xã hội. Ngay cả khi gia đình ông bị nghi ngờ phải chịu sự bao vây và xa lánh, ông vẫn đặt niềm tin vào đường lối của Đảng. Thường ngày ông vừa chăm lo việc đồng áng vừa giành thời gian đọc sách nghiên cứu… Rất nhiều người dân Trung Lễ không quên hình ảnh ông giáo đi làm ngoài đồng về, thỉnh thoảng ngả lưng trên bộ ván gỗ nhà ngoài, cất giọng ngâm câu Kiều mà ông tâm đắc:

… Dẫu rằng sông cạn đá mòn

Con tằm đến thác vẫn còn vương tơ…

Và cũng chính trong lúc khó khăn hoạn nạn khi chưa phân biệt trắng đen này, ông nhắc nhở dặn dò người nhà đang tham gia việc nước:- Làm cán bộ phải có tầm cao trí tuệ nhưng vẫn từ cái nền làm người. Đổ vỡ tư cách làm người là đổ vỡ tất cả…’

Noi gương ông, những người em và các con ông không ngừng học tập rèn luyện và cống hiến, trở thành những trí thức chân chính. Người con trai cả Lê Thiệu Huy, ngay từ nhỏ đã học rất giỏi vượt xa bạn bè cùng trang lứa. Sau khi đỗ Tú tài, anh tiếp tục học tập tại Hà Nội trong 3 năm đạt 3 chứng chỉ Toán-Lý-Hoá đại cương cao cấp để giành tấm bằng Cử nhân khoa học loại ưu do Bộ Giáo dục Cộng hoà Pháp cấp. Sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, Lê Thiệu Huy được Chủ tịch Hồ Chí Minh cử sang Lào giúp nước bạn xây dựng quân đội và trở thành Tham mưu trưởng Liên quân Việt-Lào khi mới 26 tuổi. Đầu năm 1946, trong một chuyến cùng Hoàng thân Xuphanuvong và một số cán bộ Chính phủ kháng chiến Lào vượt sông Khóng để qua Thái Lan, đoàn bị quân Pháp bắn đuổi theo. Lê Thiệu Huy đã anh dũng hy sinh khi chặn hậu để bảo toàn lực lượng. Do điều kiện liên lạc khó khăn cách trở nên tháng 11-1946, các cơ quan chức năng của hai nước mới báo tử Liệt sỹ Lê Thiệu Huy. Trong nỗi đau mất mát lớn lao đó, Giáo sư Lê Thước đã nén lòng làm bài thơ “Khóc con “

        Đau lòng xiết kể hỡi con ơi !

        Hăm sáu xuân xanh đã một đời

Thấy cảnh chỉn e tằm đứt ruột

        Nghe tin nào khác sét bên tai

        Treo gương nghĩa liệt chung ba nước

        Uổng kiếp tài hoa mới nửa thời

        Lai láng trời Tây hồn cố quốc

        Quân thù chưa diệt hận chưa nguôi.

   Năm 1957, Hoàng thân Xuphanuvong đã viết một bức thư dài gửi Giáo sư Lê Thước kể lại cái chết anh dũng của Lê Thiệu Huy và truy tặng Huân chương Độc Lâp hạng Nhất-Huân chương cao quý nhất của Nhà nước Lào. Nhà nước ta đã truy tặng Huân chương Quân công hạng Nhì (11-1946) và truy phong danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang cho Liệt sỹ Lê Thiệu Huy.

Người con thứ là Lê Minh Đăng, học trường Đại học Y khoa Hà Nội. Tốt nghiệp đúng vào giai đoạn quyết liệt của cuộc Kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Bác sỹ Lê Minh Đăng đã tình nguyện lên đường ra mặt trận. Trong một trận đánh ác liệt, trong khi cấp cứu đồng đội bị thương, Bác sỹ Lê Minh Đăng bị bom na pan làm mất hẳn thị lực.

Truyền thống yêu nước và nề nếp gia phong , tư chất và cốt cách của một Nho sỹ phương Đông cộng với vốn học vấn phương Tây, lại từng trải cuộc đời qua nhiều cảnh ngộ, nhiều cương vị… đã tích lũy và hoà quyện, đã tạo nên một tài năng lớn, một nhân cách cao thượng, một tâm hồn trong sáng, tận tâm tận lực với đời để Giải nguyên – Giáo sư Lê Thước luôn sống trong lòng dân và làm gương cho hậu thế.

Nguồn: Văn hóa và phát triển

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles