[dflip id=”20539″][/dflip]
Những việc này có từ xưa trong các dòng họ Việt Nam, Tôi tìm hiểu và biên tập lại thành 5 mục: 1- Tổng quan dòng họ Trần Lê đại tôn, 2- Các tên gọi trong tổ chức dòng họ, 3- Hội đồng gia tộc và trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên, 4- Hội đồng gia tộc trong việc quản lý thu chi tiền, tài sản, 5- Công việc chung, trách nhiệm và quyền lợi của mọi người trong họ.
Xin gửi đến Tộc trưởng họ, Hội đồng gia tộc và mọi người trong họ Trần Lê đại tôn để tham khảo xem thời gian qua chúng ta đã thực hiện thế nào? có nên thống nhất lại hoặc viết thành điều quy ước (Tộc ước) của họ ta hay không ?
- Tổng quan dòng họ Trần Lê đại tôn
Tổ tiên nhà Trần Việt Nam là Trần Tự Minh thuộc tộc Mân Việt, dòng Bách Việt sống ở đất Mân, quận Tần Châu, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc… Ông là võ tướng tước hiệu Phương Chính Hầu dưới thời Tần Thủy Hoàng, vì bất bình với tính cách cuồng bạo của Tần Thủy Hoàng cho nên năm 218 trước công nguyên (TCN) đã theo dòng người di cư xuống phía Nam làm tướng cho An Dương Vương… sau đó đến định cư ở Kinh Bắc (Từ Sơn, Bắc Ninh) rồi sinh ra nhiều đời nối tiếp và hiện nay các hậu duệ sống khắp nơi trong cả nước.
Đến đời Trần Kinh (tên khác là Tr Quốc Kinh, Tr Tự Kinh) sinh tại xã An Sinh, thị xã Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh khoảng năm 1103; lớn lên rồi trên đường đi làm ăn chuyển về sống và lấy vợ tại làng Tức Mặc, phủ Thiên Trường, Nam Định (nay là thôn Tức Mặc, phường Lộc Vượng, TP Nam Định). Sau này Trần Kinh từ Nam Định theo con chuyển sang Thái Bình.
Căn cứ vào các tài liệu biết được cụ Trần Đăng Như (Trần Như) xuất thân từ dòng họ hiển hách, danh gia vọng tộc và theo phả tộc Trần Việt Nam cụ Trần Đăng Như là đời thứ 17, còn theo Gia phả của họ Trần Lê đại tôn và các tài liệu khác có thể đời thứ 20.
Cụ Như quê Yên Thành, Nghệ An; là con đầu sau có 3 em trai… Cụ Như có trình độ học vấn cử nhân, thời đó nếu ra làm quan thường giữ chức Tri huyện nhưng cụ không ham danh vị nên đã tránh xa chốn quan quyền. Có giai đoạn cụ ra Đông Sơn – Thanh Hóa ở vài năm, sau 3 bố con vào định cư tại thôn Trung Nam, xã Lâm Trung Thủy (khoảng năm 1620, thế kỷ 17); cụ dạy học, cắt thuốc giúp dân 3 xã Trung Lễ (nay là xã Lâm Trung Thủy), Đức Bùi, Đức Xá (Bùi, Xá nay gọi là Bùi La Nhân).
Cụ có 2 con trai đều không rõ tên, làm quan võ dưới thời Lê Trung Hưng; người anh giữ chức “Đô chỉ huy sứ đồng tri thiêm sự” (giống Tư lệnh trưởng bây giờ), không có con; người em “Chánh đội trưởng đồng tri thiêm sự” (lãnh binh Hoàng gia) có vợ và con truyền tới bây giờ, đến nay là 18 đời có hơn 2.200 đinh gồm tất cả ở quê và đi ra.
Hậu duệ một số đời đã làm nên công trạng có: Khâm sai đại thần, quan tướng văn võ, đấng chí tôn học rộng tài cao. Cả Họ có 3 anh hùng, 6 giáo sư và phó giáo sư, 14 tiến sĩ; nhiều doanh nhân thành đạt, chức vụ cao trong Công an Quân đội và nhiều danh hiệu cao quý khác, nhiều hộ dân và cá nhân xuất sắc… Có 33 liệt sĩ trong đó 1 liệt sĩ – anh hùng LL VTND và nhiều thương bệnh binh qua các cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp, Đế quốc Mỹ và Khme Đỏ, Trung Quốc xâm lược Biên giới phía Bắc.
Nơi địa linh nhân kiệt người họ Trần Lê luôn tự hào và phát huy hào khí Đông A trên mọi lĩnh vực… Từ những thành tích cao và bề dày lịch sử vẻ vang như vậy cho nên tháng 01 năm 2008 nhà thờ Thủy tổ Trần Đăng Như vinh dự được xếp hạng “di tích lịch sử văn hóa” cấp tỉnh, tháng 11 năm 2020 Ban chấp hành Trung ương Hội khuyến học Việt Nam tặng bằng khen về “phong trào thi đua xây dựng các mô hình học tập…”.
II- Các tên gọi trong tổ chức dòng họ
Dòng họ: Là các thế hệ nối tiếp nhau có chung một nguồn gốc tổ tiên, tên gọi họ Trần cũng chính là dòng họ Trần. Năm 1927 Hội đồng gia tộc của ta đặt tên họ đại tôn là Trần Lê để phân biệt với họ Trần Doãn, Trần Xuân, Trần Kính, Trần Ký trong xã. Cụ Thủy tổ sinh ra các đời và ngày càng có thêm nhiều người rồi phân chia thành nhiều nhóm lớn, nhóm nhỏ. Tên gọi trong các dòng họ mỗi nơi mỗi kiểu, ngay các họ trong một xã cũng khác nhau; các dòng họ lớn Việt Nam những tên gọi đó thường là: CHI – PHÁI – CÀNH (Cánh) – NHÁNH; cũng có nơi không phân chia nhiều mà rút gọn coi dòng Họ là thân cây, rồi chia ra Chi – Nhánh (1, 2, 3…)…
1- Chi họ: Là con cháu các đời do cùng một cụ Thủy tổ sinh ra được phân chia lần đầu.
2- Phái: Là từ các Chi tiếp tục phân chia ra thành nhiều Phái.
3– Cành (hoặc Cánh): mỗi Phái lại phân chia ra nhiều Cành (1,2,3,…).
4– Nhánh: mỗi Cành được phân chia ra nhiều Nhánh
5– Chi nhánh: từ mỗi nhánh, tiếp tục phân chia ra (hiện nay chưa có).
Ghi chú: Cụ tổ các Chi hay các Phái đều gọi là Thế Tổ, chọn cụ nào ở đời thứ mấy làm Thế Tổ do Hội đồng gia tộc quyết định và có tính tương đối, nhưng từ dưới những cụ đó không bỏ sót người nào trong họ.
Theo tên gọi trong gia phả, thời xưa khi còn viết chữ Hán (chữ Nho) họ Trần Lê ta đã phân chia ra thành các Chi: Giáp, Ất, Bính, Đinh; trong mỗi Chi lại chia nhỏ hơn đó là Chi Giáp nhất, Chi Giáp nhị… Chi Bính nhất, Chi Bính nhị… Năm 1927 họ Trần Lê đại tôn đã Hợp tự lại thành 8 Phái để tập trung tài lực, lần phân chia này ở đời thứ 6 trở lên và Thế Tổ: Phái Giáp nhất- Trần Đôn Sỹ, Phái Giáp nhị- Trần Đá, Phái Giáp tam- Trần Đôn Loại, Phái 4- Trần Huy Quả, Phái 5-Trần Khắc Nhuận, Phái 6- Trần Đôn Cung, Phái 7- Trần Đôn Phác, Phái 8- Trần Dị.
Mỗi Phái có một Tộc trưởng, Tộc trưởng Phái một cũng là Trưởng họ; mỗi Phái có 2 hoặc nhiều Cánh (Cành), mỗi Cánh có một Tộc trưởng. Những người có chung Cố Can hoặc trong Cánh gọi là Nội thân, trong Phái gọi là Nội tộc, trong họ gọi là Dòng tộc …
Họ Trần Lê ta thời trước đã dùng tên gọi và thực hiện như vậy nhưng hiện nay có một số người, một số Cánh viết trong bài vị và khắc trên bia lăng mộ tên gọi khác nhau, nên chăng Hội đồng gia tộc cần xem xét quy ước thống nhất lại.
III- Hội đồng gia tộc và trách nhiệm, quyền hạn của các thành viên
1- Hội đồng gia tộc (HĐGT): Các dòng họ ở miền Bắc Việt Nam cơ cấu HĐGT thường có: Chủ tịch HĐGT, Trưởng họ (Tộc trưởng họ) vừa là Phó chủ tịch, Tộc trưởng các Chi Phái và một số người cao tuổi có hiểu biết việc họ, việc xã hội, đạo đức tốt, nhiệt tình cao.
+ Đặc điểm và trách nhiệm của HĐGT
– HĐGT là Tổ chức cao nhất đại diện cho cả dòng họ, làm việc theo nguyên tắc dân chủ và cá nhân phục tùng tập thể. Các thành viên hoạt động trên tinh thần tự nguyện và không có nhiệm kỳ hạn định, khi khuyết người nào thì cử người khác thay thế. HĐGT làm việc bằng lương tâm, trách nhiệm, làm việc không tiền công coi đó là đóng góp công đức, đôi khi chịu phiền hà thiệt thòi. Nhiều khi để thực hiện dân chủ thì cuộc họp HĐGT mở rộng (có mời thêm Tộc trưởng các Cánh và người hiểu biết việc họ, việc xã hội…). HĐGT mở rộng thống nhất các chủ trương, kế hoạch, đó là căn cứ để mọi người dân trong Họ kể cả ông Trưởng họ và Chủ tịch thực hiện.
– HĐGT định kỳ tổ chức kiểm tra sổ sách kế toán, kiểm kê quỹ và mọi tài sản của nhà thờ; nếu dân phản ảnh ai đó làm sai trái hoặc thiếu trách nhiệm cũng phải kiểm tra lại, chấn chỉnh, xử lý. Cá nhân nào làm mất, hư hỏng sẽ có tội với lương tâm, Tổ tiên và chịu trách nhiệm bồi thường.
– HĐGT cử người soạn thảo, sửa đổi và bổ sung quy ước (Tộc ước), sao chép lại và bổ sung Gia phả của Họ nếu cần. Gia phả nên từ 10 đến 15 năm bổ sung chỉnh lý một lần, bản chính (bản gốc) do Trưởng họ giữ, các bản sao do Trưởng các Phái, HĐGT và Trưởng ban biên soạn giữ; riêng Tộc ước (nếu có) in phát đến các Cánh để phổ biến và thực hiện. Gia phả và các tài liệu sổ sách, giấy tờ gốc phải bảo quản cẩn thận; nghiêm cấm việc tự ý tẩy xóa, gạch, đánh dấu, sửa chữa khi thấy trong bản gốc có sai sót, vô lý hay điều cần lưu ý; mà nên viết vào một tờ giấy ghi rõ ở dòng nào, câu nào, vì sao sai… và sửa chữa lại như thế nào rồi gửi cho Trưởng họ hay Chủ tịch; ngay cả Ban soạn thảo cũng không được sửa chữa lại bản gốc mà để khi tái bản sẽ viết lại nội dung mới khi đã thông qua tập thể hoặc viết lại như cũ rồi phần dưới cùng có ghi chú nội dung điều chỉnh bổ sung.
– Động viên con cháu tu rèn đạo đức, học tập, công tác tiến bộ góp phần xây dựng con người biết sống tử tế nhân văn và xây dựng dòng họ đoàn kết, phát triển, văn hóa…
2- Ban Cán sự (có Họ gọi là Ban trợ sự) khoảng 3, 4 người, trong đó Trưởng họ và Chủ tịch là 2 thành phần đương nhiên, chỉ bầu thêm 1, 2 người lấy trong Hội đồng (1 người để làm kế toán kiêm thủ quỹ, 1 người soạn và đọc bài cúng trong ngày tế lễ và việc khác…).
– Ban cán sự là thành phần chủ chốt trong HĐGT, là những người vừa tổ chức thực hiện vừa điều hành, có quyền triệu tập họp Hội đồng hoặc Hội đồng mở rộng.
– Ban cán sự thăm hỏi và tổ chức các ngày lễ tết: Trong họ có người đau ốm nặng, qua đời, gia đình khó khăn hoạn nạn, hiếu hỷ khi được các Cánh báo thì Ban cán sự cử người đến thăm hỏi, chia buồn hay chúc vui. Tết âm lịch, rằm tháng giêng, rằm tháng 7 hàng năm tổ chức một trong những việc: yết lão, mừng thọ, trao phần thưởng… Giỗ Tổ (tế Tổ) vài năm tổ chức một lần.
– Tham gia giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp trong họ (nếu có) trên tinh thần hòa giải.
3- Chủ tịch HĐGT: là người có hiểu biết công việc Họ và xã hội, đạo đức tốt, nhiệt tình cao do HĐGT mở rộng họp bầu ra. Người đó không phải là ông Trưởng họ mà là bất cứ ai trong thành phần mời họp miễn rằng đủ phẩm chất và điều kiện. Chủ tịch điều hành chung và có trách nhiệm lớn trước HĐGT, ký duyệt thu chi và liên quan đến tài chính, chức vị Chủ tịch làm mãi đến khi già yếu không làm được hoặc bị thay thế vì không đủ điều kiện mới bầu lại.
4- Trưởng họ (Tộc trưởng họ) và Tộc trưởng Phái (hay người đại diện của Phái) là thành phần đương nhiên không phải bầu, nhưng khi người đó già yếu hoặc tự thấy do điều kiện không thể làm được nữa hoặc mất uy tín, thiếu ý thức và lười biếng chăm lo việc họ, sai phạm đạo đức lối sống, vi phạm pháp luật Nhà nước thì mới bị Hội đồng bãi nhiệm thay thế.
Tộc trưởng là cha truyền con nối, nếu bị bãi nhiệm hoặc khi qua đời không có con trai hay cháu đích tôn nối dõi thì lấy em trai kế tiếp hoặc con cả hay cháu đích tôn của em trai đó; cuối cùng nếu không có ai thì chuyển sang Phái thứ 2 (Tộc trưởng các Phái và Cánh cũng như vậy), người thay sẽ chính thức sau khi làm lễ báo cáo Tổ tiên. Tộc trưởng Phái thứ nhất cũng là Trưởng họ và làm thay Chủ tịch khi cần thiết.
5- Vai trò, trách nhiệm của bác Trưởng họ:
– Trực tiếp trông coi nhà thờ, tham gia quản lý tiền mặt và mọi tài sản của Họ.
– Thường xuyên hương khói Tổ tiên, trông nom mộ Tổ.
– Quản lý Gia phả gốc và các tài liệu khác về lịch sử dòng họ.
– Cùng Ban cán sự tổ chức lễ tết hàng năm và ngày giỗ Tổ; nhiệm vụ chính là dâng lễ, chủ tế…
– Cùng Ban cán sự quan hệ với các Tổ chức địa phương và Nhà nước để giải quyết những việc liên quan của Họ; giải quyết các công việc nội bộ và giữ mối liên hệ đoàn kết trong toàn Họ.
– Cùng Ban cán sự hoặc Hội đồng đi thăm hỏi ốm đau, tang gia, hiếu hỷ.
– Chủ động đề xuất công việc của Họ để Hội đồng họp bàn và cùng Hội đồng thực hiện.
– Có quyền góp ý, đình chỉ, bác bỏ quyết định công việc đang hoặc chuẩn bị tiến hành và lệnh thu chi không hợp lý, chưa cần thiết của ông Chủ tịch và Ban cán sự để chờ HĐGT họp bàn lại.
6- Mối quan hệ giữa ông Trưởng họ với ông Chủ tịch HĐGT
Vị trí Trưởng họ là cha truyền con nối theo phong tục cho nên cũng có thể người đó có đủ hiểu biết, nhiệt tình, trách nhiệm cao với công việc của Họ; nếu không có thời gian và điều kiện thực hiện, hoặc có thể bị hạn chế do sức khỏe và một số mặt thì HĐGT mở rộng họp phân công nhiệm vụ cho Chủ tịch và các thành viên HĐGT để gánh bớt việc cho ông Trưởng họ.
IV- Hội đồng gia tộc trong việc quản lý thu chi tiền mặt, tài sản
1- Về các khoản thu chi: Hội đồng mở rộng họp bàn thống nhất những việc làm và dự kiến kinh phí xây dựng mua sắm, các danh mục thu chi thường xuyên hàng năm và giao cho ông Chủ tịch căn cứ vào đó để ra quyết định ký văn bản thu chi hợp lý, tiết kiệm; những khoản mới phát sinh ngoài nội dung phải họp lại và khi có đồng ý của Hội đồng mới thực hiện. Ông kế toán kiêm thủ quỹ mở sổ sách ghi chép thu chi cập nhật đầy đủ, rõ ràng theo nguyên tắc tay 3 và chi tiền khi có lệnh. Cuối năm hoặc định kỳ HĐGT (thường là Trưởng họ và 1 người trong Hội đồng) kiểm tra sổ kế toán, ký xác nhận số dư (hoặc Biên bản) và tiền mặt tồn quỹ tại thời điểm. Tiền mặt phải gửi hết vào ngân hàng, còn các giấy tờ có giá trị như tiền giao thủ quỹ cất giữ quản lý. Nguồn tiền là của chung vì vậy số liệu thu chi phải công khai, minh bạch, mọi người trong Họ được quyền giám sát chất vấn Ban cán sự.
2- Quản lý tài sản nhà thờ:
– Ông Trưởng họ có nhiệm vụ trực tiếp quản lý các tài sản như đất đai, nhà cửa, đồ thờ… không cho ai và không được bán, có trách nhiệm cất giữ bảo quản đầy đủ, nguyên vẹn, không được hư hỏng mục nát, gián mối cắn phá. Quyển gia phả, sổ trường sinh bản gốc và một số đồ thờ cổ quý hiếm là những bảo vật vô giá nếu để tại nhà thờ không an toàn thì ông Trưởng họ báo lại với ông Chủ tịch để đem về nhà hoặc tìm người tin cậy cất giữ, ngày giỗ Tổ nên đưa đến nhà thờ.
– Đồ thờ phải giữ nguyên vị trí đã xắp đặt; mọi sự thay đổi, bổ sung phải được sự đồng ý của Trưởng họ và Chủ tịch. Đồ thờ phải thống kê ghi rõ tên, số lượng chất lượng từng loại.
V- Công việc chung, trách nhiệm và quyền lợi của mọi người trong họ
Theo phong tục truyền thống người Việt, tại gia đình chỉ thờ cúng đến cụ 5 đời trở lại (người chủ tế gọi cụ 5 đời là Can), từ đời thứ 6 trở lên đều gọi là Tiên tổ về nhà thờ họ đại tôn. Nhà thờ là nơi linh thiêng chỉ giành riêng cho việc thờ cúng và là nơi hội họp của dòng Họ, không ai được dùng nhà thờ vào bất cứ mục đích nào khác. Tương truyền những ngày lễ tết không những thờ cúng cụ Thủy Tổ, Thế Tổ mà tiên Tổ các gia đình cũng về thượng hưởng hương hoa vật phẩm con cháu dâng cúng. Mọi người có quyền và trách nhiệm chăm lo quản lý việc Họ dưới sự điều hành của Trưởng họ (Tộc trưởng họ) và Chủ tịch Hội đồng gia tộc.
Quản lý mộ Tổ, quản lý nhà thờ là trách nhiệm của mọi người trong Họ nhưng trực tiếp, thường xuyên là Trưởng họ và Hội đồng gia tộc. Mọi người luôn ghi nhớ gốc tích của mình, ghi nhớ công đức của Tổ tiên “uống nước nhớ nguồn, nhân sinh do Tổ” thành kính trước anh linh liệt vị tiên Tổ, sống xứng đáng với truyền thống tốt đẹp của dòng Họ, luôn tự hào và phát huy hào khí Đông A trên mọi lĩnh vực góp phần xây dựng quê hương đất nước.
Mọi người có trách nhiệm và nghĩa vụ đóng góp quỹ Họ, thờ cúng Tổ tiên, cố gắng về dự lễ tết hàng năm. Mọi người khi sinh con trai hay gái hoặc cưới vợ, lấy chồng, công danh thành đạt… đều nên trình báo để ghi vào phả ký của Họ; trình báo nên đến tại nhà thờ làm lễ chỉ đơn giản là lễ bạc lòng thành cũng được, nếu ở xa hay không có điều kiện thì nhờ anh em ở quê làm hộ. Ông, bà, cha, mẹ sống mẫu mực, không làm điều gì mang tiếng xấu cho con cháu; con cháu phấn đấu nâng cao trình độ học vấn, giữ gìn nề nếp để thành người tử tế, có ích cho bản thân, gia đình, xã hội. Mọi người trong toàn dòng họ cần tìm hiểu nắm rõ thứ tự các Phái, Cánh các đời để giữ gia phong và xưng hô theo đúng trật tự trên dưới, thế thứ họ hàng, cùng nhau phát triển văn hóa dòng họ.
TP Vinh, ngày 30 tháng 12 năm 2020
Sưu tầm và biên soạn: Trần Điện Năng- đời 14.