Giáo sư Lê Thước (1891 – 1975) vừa là một bậc trí giả uyên bác cổ, kim, đông, tây, một trí thức lớn đầu thế kỷ 20, vừa là một bác thợ cày, một người làm việc nhà nông rất giỏi.
Giáo sư Lê Thước hiệu là Tĩnh Lạc sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 27 tuổi, ông đậu Giải nguyên Hán học trường Nghệ nhưng không ra làm quan mà xin học thêm.
Năm 30 tuổi, ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, ban văn học và được bổ nhiệm Giáo sư trường Quốc học Vinh. Hai năm sau, ong được bổ nhiệm Hiệu trưởng các trường tiểu học thành phố Vinh, kiêm Thanh tra các trường sơ học, tiểu học tỉnh Nghệ An. Tháng 7-1927, Nha học chính Đông Dương điều ông ra Hà Nội dạy tiếng Việt cho con Tây ở trường Trung học Xa- rô. Một thời gian sau, ông bị điều lên Lạng Sơn, rồi vào Thanh Hoá và bị nhà nước bảo hộ cách chức năm 1943.
Cách mạng tháng Tám thành công, ông tham gia Hội đồng cố vấn giáo dục. Tháng 12-1946 cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Hồ Chủ Tịch và Chính phủ giao cho ông giữ chức Chủ tịch Uỷ ban tăng gia sản xuất tỉnh Thanh Hoá. Ông đã trực tiếp tổ chức nhiều trại sản xuất, tiếp nhận và ổn định đời sống hàng vạn đồng bào từ Khu 3, từ Bình Trị Thiên tản cư đến, cùng với UBKC Thanh Hoá xây dựng hậu phương lớn mạnh. Năm 1950, ông được bầu vào UBTW Hội Liên hiệp quốc dân ViệtNam.
Hoà bình lập lại, ông nhận công việc ở ban thư Bộ Giáo dục, phiên dịch, hiệu đính, chú thích, giới thiệu các tác phẩm Hán Nôm chọn lọc ở bậc trung học và đại học. Một thời gian sau, ông sang công tác ở Viện Bảo tàng, Bộ Văn hoá, phát hiện, sưu tầm hiện vật, xây dựng thư viện Hán Nôm. Đến tháng 6/1963 ông được về nghỉ hưu ở tuổi 72.
Giáo sư Lê Thước mất ngày 01/10/1975 (Ất Mão), thọ 85 tuổi. Cả cuộc đời ông cống hiến hết mình cho dân tộc, một lòng một dạ gắn bó với Tổ quốc, nhân dân, với tư cách là một nhà nghiên cứu, một học giả, nhưng trước hết là một nhân cách cao thượng, một nhà sư phạm lỗi lạc.
( Sưu tầm )