spot_img

Tết Nguyên Đán và những ngày trước Tết

“Sen tàn, cúc lại nở hoa/ Sầu dài ngày ngắn đông đà sang xuân”, vòng quay của tạo hóa thật là nhanh một cái tết nữa lại đến với muôn nhà. Từ ngày 23 tháng 12 âm (tháng 12 âm gọi là tháng chạp) đến đêm giao thừa có những lễ hội gì và tổ chức ra sao mọi người đã biết… Tuy nhiên mỗi địa phương và mỗi gia đình có cách tổ chức và tiến hành khác nhau, nay tôi tóm tắt và thêm vài chi tiết như sau:

Theo tục truyền, ngày 23/ 12 âm có lễ cúng đưa tiễn ông Công, ông Táo về trời (đó là Táo quân, Táo công, vua bếp hay Đông thần, 2 ông lấy một bà) họp tổng kết cuối năm để tấu trình Ngọc hoàng Thượng đế về mọi công việc của gia chủ trong năm qua; thời gian cúng từ 9 đến 11 giờ trưa, cúng xong đốt vàng mã ngay để các Ngài lên đường kẻo đúng 12 giờ trưa Ngọc hoàng đóng cửa Thiên đình; ngày 30 tháng 12 âm, nếu tháng thiếu thì 29/ 12 ông Táo  trở lại với từng gia đình.

Vì ngày 23/ 12 ông Táo đi rồi không ai quản lý bảo vệ nên nhiều thôn xóm trồng (dựng) cây nêu trước sân đình, trước đường vào thôn xóm, hoặc trước cổng mỗi nhà với ý nghĩa xua đi những gì u ám, ám khí, tối tăm và coi như bùa phép trấn yểm xua đuổi tà ma để mang lại những điều yên vui, may mắn, tốt lành; đồng thời cây nêu cũng là phương tiện để nối đất với trời, chỉ lối cho những linh hồn của từng gia đình về quê ăn tết, đến ngày 7 tháng 1 âm (tháng 1 âm gọi là tháng giêng) thì hạ cây nêu. Không khí tết Nguyên đán bắt đầu về từ ngày 23, chiều tối hôm đó vài nhà trong lối xóm tổ chức cuộc vui nhỏ; năm qua nếu gia chủ trúng mánh lớn, có người lên chức quyền cao hoặc niềm vui lớn cũng mở tiệc khao chiêu đãi mời nhiều bạn hữu, người thân quen…

Dù lúc này các cán bộ nhân viên các doanh nghiệp vẫn đang làm; công việc đồng áng, mùa màng của nhà nông bận rộn nhưng việc sắm sửa tết với rất nhiều thứ như mua lá bánh, vàng hương… lau dọn bàn thờ, thay bát hương, sửa sang trang trí nhà cửa; chuẩn bị gói bánh chưng, bánh tét, mua hoa tươi, cây cảnh… làm cho tết đang đến rất gần.

Những ngày giáp tết công việc càng bận rộn hơn. Sáng 28, 29 âm, mặc dù trời lạnh tê tái mọi người vẫn dậy rất sớm để gói bánh chưng để còn kịp bắc bếp nổi lửa. Sáng 29 và 30 tết nhiều người rủ nhau đi chợ; rất nhiều cái chợ mới họp bên lề đường, ngã ba, ngã tư với rất nhiều loại hàng hóa; nhà giàu thì mua một cây đào thế hoặc một cây mai, cây quất rất đẹp quả chín vàng rực rỡ như nắng xuân, nhà nghèo cũng cố gắng mua hoặc xin một cành đào nhỏ về cắm trong nhà cho có hương vị tết. Trẻ con nông thôn được theo bố mẹ hoặc rủ chúng bạn đi chợ thật là náo nức vui vẻ. Trước những năm 1980 người ta mua hoa giấy, bóng bay, pháo nổ… mua những bức tranh dân gian Đông Hồ, Hàng Trống và vài cặp câu đối tết để treo trong nhà với mong ước về sự sinh sôi, nảy nở.

Ngày 26 đến 30 âm các nghĩa trang có nhiều người thăm viếng để tu sửa, quét dọn, thắp hương phần mộ và mời cha mẹ, ông bà, tổ tiên chiều tối 30 về các nhà con cháu ăn tết. Trong ngày 29, 30 ai cũng tranh thủ tắm giặt gội đầu với nước lá thơm trôi đi hôi bẩn năm cũ; tranh thủ trả nợ vay, tranh thủ đi tặng quà cho ông bà, người thân, đồng nghiệp.

Trưa hoặc chiều tối ngày 30 âm các gia đình sắm mâm lễ cúng mời thần linh bản thổ, chư vị tôn thần, tiên tổ, ông bà bố mẹ ăn tết; một số gia đình tổ chức thịnh soạn mời ăn tất niên mục đích để gặp mặt con cháu, anh em nội thân và bạn thân hữu đi xa về… Cả đêm 30 gọi là đêm giao thừa hay “đêm trừ tịch”, từ chiều tối đến 12 giờ đêm các tổ dân phố và làng xã tổ chức đón giao thừa tại đình làng, hội quán hay nhà văn hóa; đoàn sắc bùa và vài hội vui khác bắt đầu mở cuộc vui.

Đêm 30 gọi là đêm Trừ tịch (tức là đêm chuyển giao năm cũ sang năm mới), thời điểm Giao thừa gọi là “Giáp canh” chuyển giao từ năm cũ sang năm mới lúc đúng 12 giờ đêm; 12h 01 phút đêm gọi là “Sang canh”, từ thời điểm này trên bàn thờ hương thơm và đèn sáng liên tục như một chiếc cầu nối tâm linh giữa con cháu với những người đã khuất cho đến ngày “lễ hóa vàng” tiễn các cụ về trời. 12 giờ đêm chuông chùa đổ dài, pháo hoa rực trời… Đình, đền, chùa từ giờ phút đó có nhiều người lui tới làm lễ cầu nguyện.

Sau lễ cúng giao thừa “trẻ vui nhà, già vui chùa”; người già đến chùa thắp hương để cầu sức khoẻ, cầu an, cầu tài, cầu lộc cho bản thân mình và gia đình. Ngày nay tết ở thành phố một số thanh niên rủ nhau đi nhậu, vui chơi vãn cảnh hoặc đóng cửa đi du lịch xa hết tết mới về… Ngày xưa “Tháng giêng ăn nghiêng bồ lúa” ngày nay cảm giác tết trôi qua thật nhanh “Mảng vui rượu sớm cờ trưa / Đào đà phai thắm, sen vừa nẩy xanh…” và trời đất lại tràn ngập ánh nắng chan hòa; muôn người lại bận rộn, tấp nập trong cuộc mưu sinh !…

 

                                                   TP Vinh, ngày 19  tháng 01 năm 2021

                                                      Trần Điện Năng, đời 14 – Phái 3

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles