NHỮNG NGÀY LỄ TẾT TRONG NĂM ÂM LỊCH
Việt Nam hiện nay sử dụng cả lịch dương (Tây lịch) và lịch âm. Căn cứ vào trái đất quay quanh mặt trời tính ra ngày tháng và năm dương lịch, trái đất quay được 1 vòng quanh mình nó hết 24 giờ (1 ngày đêm), đi được 1 vòng quanh mặt trời mất 365 ngày (1 năm = 12 tháng), chỉ mỗi tháng 2 có 28 ngày còn lại tháng này 30 thì tháng sau 31 ngày; cứ 4 năm có một năm nhuận dương, tháng 2 có 29 ngày chứ không phải 28 ngày.
Căn cứ vào chuyển động của mặt trăng quay quanh trái đất để tính ngày tháng và năm âm lịch, mặt trăng quay 1 vòng quanh trái đất là 1 tháng; một năm âm lịch có 12 tháng, vài tháng thiếu có 29 ngày còn lại tháng nào cũng 30 ngày; cứ 4 năm có thêm 1 tháng nhuận, năm đó có 13 tháng gọi là năm nhuận âm. Lịch âm có liên quan tới canh tác nông nghiệp, quan niệm về ngũ hành và lễ hội truyền thống mang màu sắc văn hóa Phương đông. Việt Nam có 54 dân tộc, nhiều dân tộc tổ chức ngày tết Nguyên đán cổ truyền cùng ngày với người Kinh; riêng dân tộc Chăm ở Ninh Thuận 1 năm có 2 tết lớn vào khoảng tháng 2 hay tháng 3 và tháng 9 dương lịch, dân tộc Khme một số vùng các tỉnh ở Nam bộ (Vĩnh Long, Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, An Giang…) tết cổ truyền tổ chức 3 ngày trong khoảng 12 đến 17 tháng 4 dương lịch; mỗi dân tộc có cách tổ chức lễ hội và phong tục khác nhau tạo nên bản sắc phong phú đa dạng.
Đối với dân tộc Kinh một năm âm lịch có nhiều cái tết, ngày mồng 1 tháng 1 gọi là tết Nguyên đán, ngày tết cổ truyền linh thiêng và lớn nhất; tết Nguyên đán diễn ra 3 ngày (mồng 1,2,3) nhưng lễ hội mùa xuân được tổ chức ở nhiều địa phương cả nước trong đó có lễ hội Chùa Hương, Yên Tử, chùa Bái Đính kéo dài 3 tháng. Dưới đây là phong tục tập quán lễ hội nói chung của dân tộc Kinh.
* 23/ 12 âm (tháng 12 âm gọi là tháng chạp): lễ cúng đưa tiễn ông Công ông Táo về trời (đó là Táo quân, Táo công, vua bếp hay Đông thần, 2 ông lấy một bà; nói ngắn gọn là cúng ông Táo) họp tổng kết cuối năm để tấu trình Ngọc hoàng Thượng về mọi công việc của gia chủ trong năm qua; thời gian cúng có thể ngày 22 vào giờ nào cũng được nhưng hơn 95% người dân tổ chức ngày 23 từ 9 đến 11 giờ trưa, cúng xong đốt hàng mã ngay để các Ngài lên đường kẻo muộn; không cúng sau 12 giờ trưa vì 12 giờ Thiên đình đóng cửa, chiều tối hôm đó một số ít gia đình hoặc một số tổ dân khối xóm cùng nhau tổ chức hội vui nhỏ ăn uống; ngày 30/ 12 âm, nếu tháng thiếu thì 29/ 12 ông Công ông Táo trở lại với từng gia đình.
Vì ngày 23/ 12 ông Táo đi rồi không ai quản lý bảo vệ nên nhiều thôn xóm trồng (dựng) cây nêu trước đường vào thôn xóm, giữa sân đình với ý nghĩa xua đi những gì u ám, ám khí, tối tăm và bùa phép trấn yểm xua đuổi tà ma để mang lại những điều yên vui, may mắn, tốt lành; đồng thời cây nêu cũng là phương tiện để nối đất với trời, chỉ lối cho những linh hồn của từng gia chủ về quê để ăn tết. Cây nêu làm bằng cây tre dài thẳng trên ngọn để một đoạn cành và lá, trên đó treo vài thứ chuông, khánh và 1 tờ giấy đỏ viết bùa chú với ý nghĩa khu vực này đã có chủ cấm bọn ma quỷ vào đây quấy rối; ngày nay đoạn phía trên ngọn tre người ta treo chuông gió kêu leng keng, dây vải ngũ sắc, đèn lồng, đèn ông sao, cờ Tổ quốc… quấn đèn điện nháy nhiều màu từ dưới gốc lên cao; nhiều xã động viên mỗi nhà trồng 1 cây trước cổng nhà mình cũng là cách có thêm không khí tết (ngày 7 /1 hạ cây nêu); không khí tết Nguyên đán bắt đầu về từ ngày 23, chiều tối hôm đó vài nhà trong lối xóm tổ chức cuộc vui nhỏ. Năm qua nếu gia chủ trúng mánh lớn, có người lên chức quyền cao hoặc niềm vui lớn cũng mở tiệc khao chiêu đãi (trong khoảng ngày 23 đến 28) mời nhiều bạn hữu, người thân quen… (các nước Phương tây thì từ ngày nô en 24/ 12 dương là bắt đầu tết cho đến hết ngày 01 tháng 01 dương).
Việc lau chùi, xếp đặt các thứ trên bàn thờ gia tiên để đón năm mới thực hiện kể từ thời điểm cúng ông Táo xong đến ngày 30/ 12 giờ ngày nào cũng được, cứ mỗi bát hương chỉ để lại ở chính giữa (để nguyên không rút ra) 3, 5 hoặc 7 gốc chân hương (cây đã cháy hết) còn lại rút (tỉa) hết đem đốt; sau đó lau chùi bát hương đồ thờ. Người ta quan niệm cây hương là cầu nối giữa người trần với gia tiên; trong năm khi bát hương đã yên vị yên ổn thì không nên di chuyển, cuối năm nếu không thay bát hương mới thì không nhấc lên mà cứ để nguyên vị trí như vậy mà lau chùi và rút chân hương; nếu thay bát hương cũ nào thì làm xong để đúng vị trí như cũ, những đồ thờ cúng nếu mua sắm trước ngày 23 không để lên bàn thờ mà rửa chùi sạch khi lau dọn bàn thờ mới đưa lên.
Ra nghĩa trang thăm mộ, ngày nay để thuận tiện và phù hợp với việc các tổ chức cơ quan cho nghỉ tết phần lớn từ ngày 26 đến 30 tháng 12 âm đi thăm mộ và coi như đi tảo mộ luôn để quét dọn nhổ cỏ, sửa sang, đắp lại nơi hư hỏng nhỏ phần mộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ, kết hợp mời các cụ về nhà con cháu ăn tết. Nếu mộ phải sửa chữa nhiều hoặc làm lễ tạ mộ để sang tháng 3 âm (tiết thanh minh) chọn ngày tốt và thuận tiện thực hiện.
Trưa hoặc chiều tối ngày 30/ 12 âm các gia đình sắm mâm lễ cúng tất niên mời các thần linh bản thổ, chư vị tôn thần, tiên tổ, ông bà bố mẹ ăn tết cùng con cháu (ăn gì cúng nấy tùy từng nhà); một số gia đình tổ chức mời ăn tất niên cuối năm mục đích để gặp mặt con cháu, anh em nội thân đi xa về. Cả đêm 30 gọi là đêm giao thừa hay “đêm trừ tịch” (trừ nghĩa là thay đổi, chuyển giao; tịch nghĩa là đêm), từ chiều tối đến 12 giờ đêm các tổ dân phố và Chính quyền tổ chức cuộc vui đón giao thừa tại hội quán hay nhà văn hóa.
Thời điểm Giao thừa gọi là Giáp canh chuyển giao từ năm cũ sang năm mới lúc đúng 12 giờ đêm; khi đồng hồ 12h 01 phút đêm gọi là sang canh, từ thời điểm này trên bàn thờ hương thơm và đèn sáng liên tục cho đến lúc “lễ hóa vàng” tiễn các cụ về trời, nói gọn là “cúng đưa” xong (hiện nay nhiều gia đình khi đi ngủ và ban ngày trời sáng tắt đèn, chỉ thắp hương để phòng tránh lửa cháy nhà). 12 giờ đêm chuông chùa đổ dài, pháo hoa rực trời… đình, đền, chùa từ giờ đó có nhiều người lui tới làm lễ cầu nguyện; ngày mồng 2 hội làng khai cuộc, mồng 6 trở lên mở hội du lịch chơi xuân…
Lễ cúng giao thừa (cúng sang canh) gia đình ít người có thể làm vài món đơn giản, nếu đông người thì thịnh soạn hơn ăn uống chúc nhau vui đến sáng; nhiều nhà từ sáng mồng 1 đến ngày cúng đưa chỉ làm 2 lần mâm cúng đó là sáng mồng 1 và lúc cúng đưa, các buổi khác thì không vì có các loại bánh, trái cây trên bàn thờ để các cụ ăn; một số nơi thủ tục cầu kỳ, tại nhà thờ họ đại tôn, nhà thờ Chi nhánh và bàn thờ gia tiên mỗi ngày 2 hoặc 3 lần xôi gà (hoặc thịt) và lễ cúng.
Thời điểm giao thừa, do múi giờ thủ đô Bắc Kinh (Tr Quốc) sớm hơn Hà Nội (VNam) nên giờ TQ nhanh trước VN 1 giờ; ví dụ nếu HN là 09 h 00 sáng thì BK 10h 00 sáng cùng ngày, HN là 12h 00 đêm ngày 30 thg 12 thì BK là 1h 00 sáng ngày 01 thg 01.
* Ngày 1/ 1 (ngày mồng một, tháng giêng): Tết nguyên đán còn gọi là tết Cả, ngoài Việt Nam có 4 nước tổ chức tết âm đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore.
Bước sang năm mới ai cũng mong muốn “tống cựu, nghinh tân” mong cho mọi cái cũ xui xẻo của năm cũ qua đi, quên đi, tha thứ cho nhau để con người cũng như vạn vật bước sang một trang mới vui vẻ, đoàn kết, phát triển. Mỗi người có thêm một tuổi với bao sự kiện mới đang chào đón phía trước; chúc nhau những điều tốt lành về: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên).
Sáng mồng một, dân Miền bắc (Hà Nội và một số vùng xung quanh) trước 12 giờ trưa chỉ ăn tết đoàn tụ nội bộ gia đình không ai đi ra khỏi nhà kể cả sang nhà bố mẹ đẻ bên cạnh vì cả buổi tối họ đã thức khuya soạn lễ cúng, vui chơi, đi lễ chùa… vì thế sáng ngủ bù nên dậy muộn; buổi chiều mới đi sang nhà bố mẹ, anh em họ hàng, bạn bè chúc tết và ăn tết; dân Miền trung (Nghệ Tĩnh) sáng ngủ dậy rồi ăn sáng sum vầy ấm cúng, nói năng nhẹ nhàng, chúc nhau những lời tốt đẹp thân tình, khoảng gần 9 giờ sáng mỗi người mới ra khỏi nhà theo sự phân công đi chúc tết, ăn tết bên nội thân (tại nhà tộc trưởng của Cánh), bên ngoại (nhà mẹ của bố và nhà mẹ của vợ) và đi thắp hương ở nhà thờ họ. Từ 30 đến mồng 3 nhiều gia đình tranh thủ họp mặt (bố mẹ với các con chưa và đã có gia đình riêng) ôn lại khó khăn, thuận lợi của từng người trong năm qua để có gì thông cảm và giúp nhau (đầu năm mới tránh xa nói những ý nặng nề, chỉ trích, xúc phạm). Ngày mồng 2 trở lên tiếp tục đi chúc tết cho hết anh em họ hàng và bạn bè thân hữu.
Lễ hóa vàng: tức là lễ cúng đưa tiễn ông bà cha mẹ về trời, nói gọn là “cúng đưa”; một số nhà dọn mâm cỗ xôi gà… xong rồi đốt (hóa) đồ vàng mã; lễ này làm ngày mồng 2 hoặc mồng 3 vào giờ gần trưa hoặc gần chiều tối tùy từng gia đình; lễ cúng đưa xong không thắp hương, không đỏ đèn nữa. Mục đích cúng đưa xong để cho con cháu đi làm việc và có thời gian đi thăm hỏi, đi lễ hội đường xa, mặt khác bánh chưng bánh tét trên bàn thờ để lâu dễ bị hôi thiu. Cúng xong bưng mâm xuống, lấy bánh chưng và đồ dễ hôi thiu khô héo xuống, lấy đồ vàng mã đem đi đốt (hóa), còn lại các thứ khác nếu đang còn tươi nguyên để đó một ít cho đẹp đến mồng 7 hoặc ngoài 15 âm mới dọn cất.
* 7/ 1 âm là ngày Khai hạ: khai nghĩa là khai mở, bắt đầu công việc sản xuất, kinh doanh, dịch vụ của đầu năm mới, thời trước ngày này vua xuống ruộng cày làm lễ “tịch điền” khai mở cho mọi công việc; hạ tức là hạ cây nêu, cây nêu dựng lên từ ngày 23/ 12 đến ngày 7/ 1 hạ xuống; ngày này vài nơi sắm mâm cỗ làm lễ hạ cây nêu kết thúc những ngày tết; hết tết nhưng lễ hội mùa xuân lại bắt đầu, các đình đền chùa khai hội…
* 10/ 1 là ngày vía Thần Tài, thờ cúng theo tích chuyện Trung Quốc có thể thờ tướng Quan Công (quan Vũ, quan Vân Trường) hoặc vị thần nào đó. Một số người buôn bán dịch vụ họ đặt cái giống như miếu nhỏ ở phía trước cửa nhà hoặc góc phòng cắm vài bông hoa, vài trái cây, thắp hương bóng điện nhỏ thờ Thần Tài chung với Thổ Địa để cầu mong đông khách hàng và mua may bán đắt. 10/ 01 là “sáng kiến” làm ăn của dân buôn bán vàng bạc, họ thống nhất với nhau đồng loạt đẩy giá lên cao, doanh thu của một ngày này bằng 2 hoặc 3 tháng bình thường.
* 15/ 1 Rằm tháng giêng tên khác là tết thượng nguyên hoặc tết nguyên tiêu. Ngày này thời xưa vua mở hội gặp mặt các Trạng nguyên để ngâm thơ thưởng ngoạn phong cảnh đẹp, ngày nay Tr Quốc treo đèn lồng khắp nơi họ gọi là ngày “Lễ hội hoa đăng”.
Rằm tháng giêng và rằm tháng 7 rất ít người tổ chức lớn tại nhà riêng vì đã tổ chức ngày tết nguyên đán nhưng vẫn thắp hương cúng gia tiên, chủ yếu là gặp mặt bên ngoài nơi đông người; những công việc tết nguyên đán đầu năm chưa thực hiện được thì sẽ làm trong ngày này, có nhiều gia đình và Nhánh họ nếu rằm tháng giêng không làm thì chuyển sang rằm tháng 7.
Rằm tháng giêng gặp mặt người thân, họ hàng, hội thơ: phong tục của dân tộc kinh ngày này các gia đình và dòng họ thường làm một vài việc trong 5 việc tùy vào điều kiện từng gia đình và phong tục từng địa phương, đó là: 1- tại nhà riêng có thể làm đơn giản hoặc chỉ thắp hương vì tết vừa mới làm xong. 2- gặp mặt những bạn bè người thân mà tết chưa có điều kiện, mấy ngày tết đầu năm thường là gặp mặt người trong nhà và nội thân, ngày rằm là thời gian để giao lưu gặp gỡ mở rộng ra bên ngoài hơn. 3- họp anh em nội thân để bàn chuyện gia tộc (nếu có), 4- có một số Chi, Phái họ tổ chức lễ giỗ cụ Tổ của Chi, Phái, 5- hội làng, hội thơ.
Rằm tháng giêng là lễ lớn tại các nhà chùa: có câu “Cả năm được rằm tháng 7, cả thảy có rằm tháng giêng” hoặc “Lễ Phật quanh năm, không bằng cúng rằm tháng giêng” vì rằm tháng giêng là ngày vía của Phật tổ A Di Đà (Ngày vía có thể là ngày mất hay ngày về Niết bàn thành đạo, là ngày tỏa sáng tâm hồn, tinh thần, khí phách). Theo truyền thuyết Phật tổ A Di Đà ngự ở Tây phương cực lạc, một năm Ngài phân thân về tất cả các chùa vài lần nhưng rằm tháng giêng bao giờ Ngài cũng đến, vì vậy có người đi chùa lễ Phật quanh năm không gặp Ngài nhưng đi vào rằm tháng giêng có thể gặp để Ngài nhìn thấy tận mặt và nghe được lời thỉnh cầu của mình với tất cả tấm lòng sùng bái.
Phật có tên gọi khác là Bụt, có 3 Phật tổ đó là: A Di Đà, Thích Ca Mâu Ni, Di Lặc; trong đó 2 vị giả (tâm linh) và 1 người thật là Thích Ca Mâu Ni (có tên gọi khác là Phật Như Lai); 3 vị này đại diện cho quá khứ, hiện tại, tương lai và thêm 1 vị đã có “bằng tốt nghiệp Phật tổ” nhưng chưa nhận tình nguyện đi cứu khổ cứu nạn khi nào trên hành tinh không còn ai khổ nạn mới đến nhận bằng, đó là Quán thế âm Bồ tát.
-Phật A Di Đà (tóc xoăn như nhiều con ốc bám trên đầu) cai quản Tây phương cực lạc, là cõi Niết bàn chốn bồng lai tiên cảnh; mọi người không cần ăn vẫn thọ ngang trời đất và được vui chơi đủ thứ tùy thích; không ai có của riêng, sang hèn đều như nhau, vô tư và bình đẳng, những ai sống tử tế nhân đức khi chết được Ngài đón về nơi đó.
– Phật Thích Ca Mâu Ni tên thật là Tất Đạt Đa Cồ Đàm thái tử con vua nước Ấn Độ cổ đại (nay thuộc nước Nê Pan) có công sáng lập ra Phật giáo. Ngài sinh ngày 15 tháng 4 âm lịch năm 624 trước công nguyên (TCN), mất ngày 15/ 2 âm năm 544 TCN do già yếu thọ 80 tuổi, Ngài viên tịch nhập niết bàn hóa Phật cách nay 544 TCN + 2020 = 2.564 năm. Sơ lược về ngài: 16 tuổi kết hôn với công chúa con vua nước bên cạnh; 29 tuổi rời bỏ vợ con, hoàng cung xuất gia đi tầm sư học đạo; 35 tuổi sau khi ngồi bên gốc cây bồ đề thiền định 49 ngày đêm, truyền thuyết Ngài đắc đạo đạt đến giác ngộ và sự thấu hiểu, nhìn thấy cõi âm dương các tầng không gian vũ trụ, luân hồi- đầu thai- kiếp trước, kiếp nạn của muôn loài… rồi từ đó Ngài đi nhiều nơi truyền bá đạo Phật thời gian là 45 năm.
-Phật Di Lặc ngồi hai chân xếp bằng, bụng to phệ do ăn uống sung sướng, miệng cười tươi vô tư, một tay cầm túi tiền vàng biểu hiện đầy đủ sung sướng, đó là ước vọng vươn tới bình yên no đủ của loài người.
-Quán Thế Âm Bồ Tát (chưa phải là Phật), luôn phân thân đi khắp nơi và luôn đứng trên đầu mọi người để cứu khổ cứu nạn giúp đỡ (tượng tròn đứng ngoài trời thường là người phụ nữ, một tay cầm bình ngọc đựng nước thánh để hóa giải mọi điều khó khăn xui xẻo, một tay cầm phất trần hoặc cành liễu để làm phép thuật).
Phật A Di Đà chỉ giác ngộ, cứu giúp, cho siêu thoát và che chở; còn Bồ Tát thì ra tay cứu độ giúp đỡ hóa giải xui xẻo, hoạn nạn và giải hạn. Cho nên nhiều người đến chùa ngày này để: cầu an, cầu siêu, cầu duyên, giải hạn… Phật không giải quyết các việc như: cầu tài, cầu lộc, thăng quan tiến chức… mà việc đó là của các Thánh Thần thuộc nhà Đền, tại Đền làm những việc đó và còn thêm giải hạn. Trong khuôn viên nhà chùa chủ yếu thờ Phật cũng có chùa dành một nơi riêng thờ Thần Thánh, do đó rằm tháng giêng là ngày của nhà Phật, là ngày hội của các Phật tử nhưng có người không phải là Phật tử cũng đến nhà chùa để làm lễ hoặc vãn cảnh và tận hưởng cuộc sống chậm.
Chùa chủ yếu để thờ Phật nhưng ngày nay một số chùa còn có khu vực riêng để thờ thần thánh; miếu, điện đền, phủ, đình đều thờ thần thánh theo quy mô nhỏ to khác nhau.
* 3 / 3 – Tết Hàn thực: (ngày ăn đồ nguội lạnh như: bánh trôi, bánh chay, chủ yếu là cúng thần phật, gia tiên), đồng thời tháng 3 âm có tiết thanh minh; truyện Kiều có câu: “Thanh minh trong tiết tháng 3 / Lễ là tảo mộ, hội đà đạp thanh”; thời gian này công việc ngoài đồng đã hết, nhân dân nô nức đi lễ hội. Một năm có 24 tiết khí: lập xuân, xuân phân, thanh minh, cốc vũ, lập hạ, lập thu, lập đông, đại hàn… mỗi tiết khí có 15 ngày.
Ngày thanh minh (bầu trời trong xanh, tươi sáng) bắt đầu từ khoảng cuối tháng 2 đến giữa tháng 3 âm tùy từng năm, muốn biết cụ thể thì tìm trong quyển lịch thường là ngày 4 hoặc ngày 5 tháng 4 dương lịch và dài thêm 14 ngày (một tiết) kết thúc vào ngày Cốc vũ (mưa rào), cả 15 ngày đó là một tiết đi tảo mộ ngày nào cũng được miễn là tiện lợi.
Tiết thanh minh đi tảo mộ (có thể thêm tạ mộ, yên vị); trước năm 1970 gần 100% mồ mả đắp đất dễ bị chuột đào, trâu bò phá, cỏ và cây dại mọc cao cho nên con cháu đi tảo mộ quét dọn, nhổ cỏ, sửa sang, đắp lại nơi hư hỏng và thắp hương, đặt bánh kẹo, hoa quả khấn lễ trước phần mộ tổ tiên, ông bà, cha mẹ; ngày nay mồ mả khác xưa nên lễ thanh minh ít gia đình thực hiện, những ngày cuối tháng 12 âm ra nghĩa trang mời các cụ về ăn tết kết hợp vệ sinh nhổ cỏ coi như tảo mộ luôn; lễ tạ mộ thì có thêm quần áo vàng mã… Lễ tạ mộ có thể kết hợp tảo mộ thanh minh hoặc chọn ngày tốt thuận tiện trong năm.
* 5/ 5 – Tết Đoan ngọ, tên gọi khác là tết đoan dương hoặc tết diệt sâu bọ: lễ cúng từ 11 đến 13 giờ, đồ cúng và thức ăn ngày này thường có cơm nếp rượu, rượu nếp cái hoặc rượu nếp cẩm, trái cây, thịt vịt và thức ăn đơn giản… vừa ngon vừa để tẩy giun sán, sâu bọ trong người… Xưa kia ngày này con rể đi tết bố mẹ vợ, trò đi tết thầy… nghe nói đúng 12 giờ trưa không bao giờ thấy con thạch sùng (thằn lằn) và rắn, đúng 12 giờ trưa một số vùng quê người dân ra vườn tìm cây thuốc mát (lá ngải cứu, bồ đề…) cắt mỗi thứ một ít treo khô trong nhà khi nào ai bị nóng sốt hoặc bị mẩn ngứa đem tắm sẽ khỏi, nhà nào có cây chè vối (chè trâm) thì vào ngày này ra hái lá lúc mặt trời chưa mọc để nấu uống hoặc ủ rồi phơi khô để nấu uống thì chất lượng tốt hơn…
* 7/ 7 Tết Ngâu: theo truyền thuyết, Ngưu lang (chàng chăn trâu), chức nữ (nàng tiên dệt vải) mỗi năm 2 vợ chồng được đi qua cầu Ô Thước để gặp nhau 1 lần vào ngày 7 tháng 7 âm, cầu này tạo thành do đầu của rất nhiều con quạ đen (gọi là con ác) chụm lại bắc qua sông Ngân Hà (vì quạ đen bị Ngọc Hoàng phạt phải làm như vậy), 2 người gặp nhau mừng tủi nước mắt rơi thành mưa nên gọi là mưa ngâu; đó là những cơn mưa không liên tục lúc mưa lúc tạnh, những hạt rơi xuống rời rạc như sợi tơ trời thả xuống, không xối xả như mưa rào mà là mưa rả rích, sụt sùi nghe buồn bã thê lương. Ở Trung quốc ngày nay, mồng 7 thg 7 âm gọi là ngày lễ tình nhân.
* 15/ 7 gọi là rằm tháng 7, Tết trung nguyên, Lễ Vu lan báo hiếu, Lễ xá tội vong nhân.
Vào ngày này đối người Việt tại nhà riêng đa số làm lễ cúng gia tiên và có thể đơn giản là chỉ đĩa bánh kẹo, thắp hương, phần lớn là để gặp gỡ giao lưu với bên ngoài; thường rằm tháng giêng làm lễ giỗ cụ Tổ của Chi, Phái; rằm tháng 7 giỗ tế cụ thủy Tổ (vài năm một lần).
+ Lễ Vu lan báo hiếu: tức là lễ báo hiếu đối với bố mẹ ông bà. Giới tăng ni phật tử coi ngày này là lễ lớn, nhà chùa thường tổ chức từ ngày 13 đến hết ngày 16 âm; vào ngày này, con cháu đến nhà bố mẹ đẻ thăm hỏi tặng quà để báo hiếu, lễ vật đơn giản hoặc chỉ tấm lòng thành kính và lời thăm hỏi chân tình (nếu ở xa thì gọi điện) cũng được; một số đến chùa làm lễ cầu cho cha mẹ đang sống thì sống lâu hơn, nếu cha mẹ đã chết thì cầu siêu cho cha mẹ, ông bà, tiên tổ nơi chốn Bồng lai tiên cảnh được vui vẻ tịnh độ, siêu thoát; nếu bố mẹ đã mất thì cài lên áo bông hoa hồng màu trắng, nếu đang sống thì cài hoa hồng màu đỏ.
Có một số người con, khi bố mẹ sống đối xử tệ bạc bất hiếu, khi bố mẹ chết thì giả vờ khóc ngất thì đến chùa chẳng có ý nghĩa gì? Ngày này một số đến chùa làm lễ cầu an, cầu siêu, cầu tài, cầu lộc, tình duyên và giải hạn.
Quy định của nhà chùa thường dâng cúng chay hoa quả, bánh kẹo, rượu, nếu có tiền thì nộp vào hòm công đức; người dự lễ hôm đó phải ăn chay (ăn không có thịt động vật) niệm phật, tụng kinh. Trong khuôn viên nhà chùa cũng có nơi dành riêng thờ các thần thánh giống như đền thờ cúng người âm và thần thánh cho nên không những dâng hương, hoa quả, bánh kẹo rượu mà có người còn sắm mâm lễ thức ăn là đồ ăn mặn thịt động vật nấu nướng… ở những nơi này. Tâm linh tùy từng người và điều kiện từng gia đình, nhiều khi lễ vật đơn sơ nhưng chỉ cần có thành tâm và ý thức vẫn tốt vì “Phật ở trong tâm”.
+ Lễ xá tội vong nhân (còn gọi là cúng thập loại chúng sinh): Tục truyền từ ngàn xưa, cả tháng 7 âm gọi là “tháng cô hồn” (những linh hồn cô đơn trong năm không ai cúng phải nhịn đói) cho nên cả tháng này nhiều ma đói quỷ sứ quấy nhiễu, tranh cướp lễ vật, tài sản của người trần do đó người ta kiêng không làm việc lớn, việc quan trọng như: làm nhà, cưới hỏi, mua sắm đồ đắt tiền như xe máy ô tô… tháng 7 âm người trần chủ yếu làm lễ để cúng cho người âm. Người phương Tây và hiện nay phần nhiều người Việt Nam họ không kiêng cự như vậy, vì giờ nào trên thế giới cũng có kẻ khóc người cười, người mới sinh và người vừa chết, người được của người mất… ai không đạt ý muốn thì cho là xui xẻo vận hạn, ai được như ý muốn thì gặp may… tất cả đều là quan niệm.
Lễ xá tội vong nhân hay còn gọi là cúng cô hồn hoặc cúng thập loại chúng sinh. Rằm tháng 7 tục truyền ngày này dưới âm phủ Diêm Vương mở cửa “Xá tội vong nhân” cho các linh hồn được về trần gian chơi, người âm được về thăm người dương từ ngày mồng 2 đến trước 12 giờ đêm ngày 14 âm; trong những ngày đó cúng ngày nào cũng được, nhưng thường là ngày 14 trong khoảng chiều tối đến trước 12 giờ đêm; gia đình làm 1 mâm cúng ngoài sân, ngoài vỉa hè giống như mời khách vãng lai cho những ma đói, linh hồn cô đơn; mâm này thường có quần áo bằng giấy màu, bánh kẹo, cháo trắng, rượu hoặc nước lã, đĩa gạo trộn muối (không cúng xôi, gà, thức ăn mặn) cúng xong đĩa này rải vứt ngoài cổng; nghe nói vào ngày này cô hồn, ma đói còn đến tại các am miếu của thôn làng để xin ăn. Việc cúng cô hồn nếu gia đình nào trước đây không cúng thì nay không nên cúng, phần lớn các gia đình không cúng ngày này vì nghĩ rằng nếu mời họ đến 1 lần quen ăn, lần sau không cúng sẽ bị quấy nhiễu làm hại, vì thế không biết coi như không có tội,
* 15/ 8 Tết Trung thu (mùa thu tháng 7,8,9; ngày 15/ 8 là giữa mùa thu) xuất phát từ Trung Quốc, là tết dành cho thiếu nhi và dịp để người lớn thể hiện tình thương yêu quan tâm tới con trẻ; đêm rằm trung thu cả nhà cùng vui bên nhau và thiếu nhi trong đêm này tổ chức ăn bánh kẹo, trái cây đặc sản mùa thu như: bưởi, hồng, na… Rước đèn ông sao, đèn kéo quân, múa sư tử cùng với tiếng trống ếch rộn ràng tại nhà văn hóa và đi khắp các nẻo đường thôn xóm.
* 10/ 10 (hoặc 15/ 10) Tết hạ nguyên hoặc tết song thập hoặc lễ cúng cơm mới để mời tổ tiên. Dân Việt Nam ngày xưa chủ yếu làm nghề nông, một năm có 2 vụ gặt lúa, đó là gặt vụ chiêm vào tháng 5 âm (giữa mùa hè) và vụ mùa tháng 10 âm (đầu mùa đông), gặt lúa xong có gạo mới cúng cơm mới để mời tổ tiên; ngày nay một năm 3, 4 vụ lúa bội thu có của ăn của để chứ không đói kém như thời trước cho nên lễ này đã bỏ. Xưa kia gặt lúa xong là chuẩn bị cày cấy lúa tiếp, cấy xong vụ Chiêm là bắt đầu sang mùa thu, cấy xong vụ mùa bắt đầu sang mùa xuân, vì cấy xong thì nông nhàn có điều kiện tổ chức vui chơi lễ hội cho nên mới có câu “xuân thu nhị kỳ” nghĩa là: mỗi năm có 2 kỳ lễ hội vào mùa xuân và mùa thu; ngày nay một số họp hành tổng kết năm nào cũng diễn ra thì hay dùng câu “xuân thu nhị kỳ” để ám chỉ.
* 23/ 12 ngày hai ba, tháng chạp: …(như đã nói ở trên, chuẩn bị cho một năm mới khác)
+ Những lễ, tết theo ngày dương lịch :
1 tháng 1 – tết dương lịch
1 th 6 – Quốc tế thiếu nhi, tết thiếu nhi (trong đó có Việt Nam)
2 th 9 – tết độc lập (còn gọi là ngày Quốc khánh, ngày 2/ 9/ 1945 tại quảng trường Ba Đình, Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập khai sinh ra nước Việt Nam).
Viết lại ngày 12 tháng 5 năm 2020 – Trần Điện Năng
( Còn nữa )