spot_img

Trung Lễ Anh hùng

Giờ đây: sung sướng thế này,

Cùng nhau ôn lại chuyện ngày xa xôi.

Xưa, trong tám chục năm trời,

Dân ta sống một cuộc đời lầm than.

Thực dân Pháp, vua quan địa chủ,

Thêm cường hào một lũ chó dê,

Hùa nhau áp bức mọi bề,

Dân tình xơ xác, làng quê bần hàn.

Ruộng, địa chủ gian tham chiếm đoạt,

Đất cường hào gian ác cướp không.

Đắng cay thay! cố bần nông,

Tô xong, phủi cót, một bông chẳng còn.

Bụng đói quặn thương con rau cháo,

Vay ai đây bát gạo cầm hơi.

Vợ chồng than ngắn thở dài,

Cùng đường, cắt ruột bán nơi quan quyền.

Cảnh rùng rợn! vay tiền nặng lãi,

Nợ đến kỳ, chạy mãi đâu ra,

Thế vườn, bán hết cửa nhà,
Vợ chồng, con đội nón ra đứng đường.

Kẻ thất nghiệp Lào – Mường lui tới,

Ốm héo hon bỏ cội rừng xanh.

Người chui lủi khắp thác ghềnh,

Bè bơi chẳng đủ một manh che người,

Sa cơ chết khuất nơi suối vắng,

Mẹ con nghèo, mưa nắng trông cha.

Bần cùng sưu thuế chẳng tha,

Lí hương kìm kẹp, quan nha cầm tù.

Túng đến nỗi đồng xu chẳng có,

Bị hành hình, thịt đổ, máu sa.

Giết người, cướp ruộng, giữ nhà.

Tội bay chồng chất, kể ra vô vàn.

Cùng chế độ tham tàn, khắc nghiệt,

Những thiên tai liên tiếp dập vùi,

Lại thêm văn hoá suy đồi,

Cũng không đè nổi lớp người quyết tâm.

Hỡi các bậc văn thân yêu nước,

Các sĩ – phu   hãy bước theo ta,

Giúp vua giành lại nước nhà,  (vua Thành Thái, Duy Tân, Hàm Nghi)

Quân thù xâm lược đuổi ra cõi ngoài.

Hàm Nghi gọi khắp nơi hưởng ứng,

Trống La – Sơn (huyện Đức Thọ) phát động ầm vang.

Phất cao cờ nghĩa Mạnh Khang,

Lê Ninh soi sáng giang san giống nòi.

Thủa oanh liệt mua voi, sắm ngựa,

Mộ tướng quân, thuê thợ đúc rèn.

Đại doanh trống điểm vang rền,

Quân từ lân cận, miền biên kéo về.

Giữa giang san thời kỳ trọng đại,

Trước ba quân khăn ngại áo thâm,

Cụ Truyền diệt giặc ngoại xâm,

Diệt trừ luôn bọn tay chân ngụy quyền.

Viên bố chính là tên Lê Đại,

Thằng ác ôn giết hại dân lành,

Khi quân khởi nghĩa chiếm thành,

Mở phiên tòa xử tử hình công khai.

Lệnh gấp rút về nơi về nơi đồn thủ,

Nào ngựa xe, quân ngũ, binh lương,

Hành quân vội vã đường trường,

Nhân dân mừng đón cần vương qua làng,

Rồi tiến đánh Định-Trường (Đức Yên), Dương-liễu, (nay là

xã Hưng xá, huyện Hưng nguyên, tỉnh Nghệ An)

Giặc non gan vội kéo quân đi.

Cụ về rạng rỡ binh uy,

Quân mừng công, có ca nhi hát đàn.

Uy thế Cụ ngày càng lớn mạnh,

Pháp càng lo quyết định tấn công.

Hàng ngày giặc vượt qua sông,

Có bầy phản phúc A Tòng đi sau.

Ta với giặc đánh nhau dữ dội,

Máu hy sinh đỏ chói ngọn cờ.

Đồng khuya lặng lẽ như tờ,

Dân về vui vẻ cày bừa làm ăn.

Vẫn nhường nhịn nuôi quân mạnh khoẻ,

Củ khoai lang san sẻ nhau cùng.

Tin đâu như sét đùng đùng,

Người tuôn dòng lệ non sông rũ buồn,

Cụ lâm bệnh hết phương cứu chữa.

Giờ đây, không còn nữa dân ơi !

Khăn tang trắng phủ đầu người,

Cụ đi, mất cả đất trời mênh mông.

Quân một số về đồng ruộng cũ,

Số lên ngàn tái ngũ Cần Vương.

Dân làng Trung Lễ mến thương,

Rồi đây chưa biết bước đường ra sao ?

Một đêm tối, giặc vào rầm rộ,

Đạn vút ngang, súng nổ vang rền,

Trong cơn khói lửa cuồng điên,

Con đi, mẹ ở, ruột liền cắt hai.

Vận chưa đạt, bao người đổ máu,

Dân lánh đi ẩn náu tha hương.

Đồng hoang, cỏ dại ngập đường,

Ra tro bảy xóm, nương vườn lặng tanh.

Văng vẳng gọi dân mình trở lại,

Về làng xưa cấy hái, tằm tang,

Đấu tranh dựng lại xóm làng,

Tuân theo tiền bối vẻ vang dạy lời.

Tên Trung Lễ than ôi! cướp mất,

“Lạc Thiên” nghe căm uất, xót xa !

Bang Khuê độc ác, gian tà, (Bang Khuê, bang Cẩn, bang Toại là 3 tên

                                                   người làng Trung Lễ  làm  tay sai cho Pháp).

Nặn ra làng phụ gọi là Qui Nhân.

Đã buồn lại muôn phần buồn tẻ,

Giặc xui dân xâu xé, tranh giành.

Bề ngoài, chúng tưởng lặng thinh,

Lòng dân đầy nỗi bất bình không nguôi.

Đất bất khuất sinh người thân sĩ,

Lê Văn Huân chí khí anh hùng.

Người làm đại biểu Miền Trung,

Chẳng thèm quỳ lụy, chẳng mong quan trường.

Cụ đòi hủy chủ trương sưu thuế,

Cho nhân dân nô lệ đứng lên.

Căm thù thay ! bọn cầm quyền,

Đã không đáp ứng, lại thêm truy lùng.

Cụ tranh đấu đến cùng chẳng được,

Trở về làm thầy thuốc cứu dân,

Đêm ngày hoạt động ngấm ngầm,

Vun trồng cho Đảng tiền thân vững vàng.

Pháp bắt Cụ tống giam ngục thất.

Sống nhục hình, thà mất vẻ vang.

Tự tay cắt lá gan vàng,

Chết trung cổ vũ muôn ngàn lớp sau.

Phan Thị Hét vợ đầu cụ Giải,          (Phan Thị Hét là cháu nội cụ

                                                                          Phan Đình Phùng)

Trong lúc chồng giam tại Côn Lôn,

Đảm đang gia sự vẹn tròn,

Qua Xiêm (Thái Lan bây giờ) lo việc nước non lâu dài.

Vượt gian khổ, hai vai dày dạn,

Gánh thuốc men, súng đạn về ta.

Bố Lư chiến luỹ bao la,

Viết lên một bản hùng ca tuyệt vời.

Bà bị bắt, không khai thà chết,

Chịu cực hình, tê liệt tấm thân,

Về nhà sống được một tuần,

Bà đi để lại cho dân đau buồn.

Người tổ chức hội buôn lim gỗ,

Mở quầy hàng, dựng phố nhiều nơi,

Thái Lan mù mịt phương trời,

Thân thương ôm ấp những người xa quê.

Cụ Cần (Lê Văn Cần) đó, không nề gian khổ,

Kín đáo nuôi cán bộ trong nhà,

Giúp ông Nguyễn (Nguyễn Ái Quốc) lúc bôn ba,

Đi về chẳng ngại chi là quan san.

Con cháu Cụ một đàn khí thế,

Luôn hướng về Trung Lễ làng xưa,

Quê người sớm nắng, chiều mưa,

Thoát lưu vong, đến bao giờ mà mong,

Lê Võ vốn con dòng hào kiệt,

Chiến đấu cho phục- việt sinh tồn,

Bị đày ra đảo Côn Lôn,

Không bao giờ chịu cúi luồn một ai,

Trong đêm lặng sao trời nhấp nháy,

Ông cưỡi lên bè sậy ra khơi,

Ba ngày vượt biển xa rồi,

Nào ngờ, chân lại xích nơi mạn tàu.

Nối chí lớn dựng mau sự nghiệp,

Dù gian nan nhất quyết vâng lời,

Dân mình căm phẫn sục sôi,

Chẳng ai chịu nổi suốt đời đau thương.

Truyền thống ấy biểu dương lên mãi,

Đảng ra đời tụ hội đàn con,

Quý trọng sao! những tâm hồn,

Kết tinh mưu lấy sống còn là đây.

Giữa đồng vắng xum vầy mở hội,

Đồng tâm bàn đường lối đấu tranh,

Ai quên Cồn Cá meeting,  (Cồn Cá, bãi tha ma gần thôn Văn Xá)

Lê Luân căn dặn rành rành từng câu:

Đảng ta phải đứng đầu sóng gió,

Cùng nhân dân đánh đổ cường – quyền,

Mọi người chí quyết gan bền,

Kết đoàn, nhất trí, tiến lên không ngừng,

Hãy chịu đựng xiềng gông mất mát,

Cội lúa già, ngàn hạt mọc lên.

Bí thư huyện ủy thân quen,

Truyền thêm khí thế tinh thần lên cao.

Đất lịch sử Đầu Bàu oanh liệt,

Kỷ niệm Nga – Xô Viết thành công,

Búa liềm chỉ đạo công nông

Về đây chuyển đất cánh đồng bao la.

Đường từng chặng quân ta đứng gác,

Tự vệ đây, dáo mác oai phong,

Tiếng còi Lê Trị tập trung,

Lê Châu ra lệnh đám đông lặng tờ,

Nông hội đỏ mang cờ đi tới,

Gậy tre là khí giới đầu tiên,

Đứng đầu lực lượng vô biên,

Ông Trần Đương đó, đảng viên trung thành.

Ông Lê Mạo thân hình dong dỏng,

Vầng trán cao, máu nóng sục sôi,

Trong chấp hành bốn tháng rồi,

Cũng về phát biểu như người anh em.

Tiếp đến tiếng quen quen, dễ hiểu,

Hoan hô! ông Phạm Chiểu làng ta,

Đẹp người, tính hạnh hiền hoà,

Cuộc đời dâng Đảng, cửa nhà hy sinh,

Say sưa việc chấp hành Đảng bộ,

Lại lo toan củng cố chính quyền.

Đây là đại diện thanh niên

Lời đanh thép, vẫn có duyên lạ đời.

Thanh Sương đó nói cười quyến rũ,

Đảng phân công nhiệm vụ vinh quang,

Luyện rèn thế hệ thép gang,

Cánh tay phải Đảng ngày càng mạnh thêm.

Ai bảo gái chân mềm, tay yếu?

Hãy trông đây, chị Tỉu làng mình,

Bạch Liên bông trắng lá xanh,         (Bạch Liên, biệt hiệu của Lê Thị Tỉu,

                                                                  con cụ Lê Văn Nhiệu)

Phất cờ xướng nghĩa xứng danh nữ hùng.

Bà Lu đói, nhưng lòng dũng cảm,

Tuổi trung niên dày dạn phong sương,

Quên mình chạy giấy tải lương,

Đêm khuya lặn lội chặng đường nguy nan.

Trước hào mục cả gan lý sự,

Cho biết tay phụ nữ quê ta,

Trong chuông vàng có các Bà,

Đánh hồi thức tỉnh vang ra ba miền.

Đời sớm được luyện rèn cách mạng,

Bước tiền phong theo Đảng quang vinh.

Hai anh em ruột Hồ – Ninh,

Đắng cay, bùi ngọt, nghĩa tình nào quên.

Ai đi tới Nội – Diên           (Đức Diên), Nhân – Thọ, (Đức Nhân                                                                            

Và những thôn quanh đó mới hay.

Những năm đen kịt đêm ngày,

Hồ Văn Ninh đến dựng xây phong trào.

Tuổi trẻ nhất, chí cao hiếm có,

Lê Tiến đây chú họ Lê Luân,          (Lê Tiến, tức là Lê Tiền Tiến)

Miệt mài mở lớp dạy dân, (lớp bình dân học vụ)

Mọi người sáng tỏ, tinh thần lên cao.

Các  đồng chí, đồng bào im lặng,

Hãy noi gương cách mạng Tháng Mười,

Đồng tâm thắt chặt muôn người,

Diệt quân đế quốc, diệt loài vua quan,

Bọn địa chủ tham tàn đánh hết,

Lập chính quyền Xô Viết công nông.

Từ nay của cải, ruộng đồng,

Của ta tất cả, no lòng dân ta.

Quyền dân chủ ban ra rộng rãi,

Quyền tự do mãi mãi thi hành.

Bạc đầu đến mái tóc xanh,

Bình dân tới lớp, học hành chăm lo,

Tiếng diễn thuyết vang to đanh thép,

Đượm văn chương, thêm đẹp dáng người,

Phú Thành vừa nói dứt lời,

Pháo tay lên tiếng một hồi hoan nghênh.

Trông nhịp bước quân hành rầm rộ,

Nhắm thẳng đường làng Trổ kéo ra,

Băng cờ đỏ tựa ráng pha,

Mái đình chợ Trổ đê La nhuộm màu.

Bọn phi phản rúc đầu danh lợi,

Lẻn lên đồn bảo với thằng Tây,

Lê Dương, khố đỏ từng bầy,

Hằm hằm súng ống bao vây xóm làng.

Giặc ập đến chiếm trường Trung Lễ,

Quen thói xưa ngạo nghễ hoành hành,

Quanh đồn dựng bốn chòi canh,

Chỉ huy khát máu hôi tanh – Đội Lùn.

Trước cố Phẩm, có cồn Chòm đất,

Cừa um tùm che khuất xung quanh,

Tội thay! làng xóm yên lành,

Bỗng dưng áp bức cực hình phu phen.

Đào gánh đất ngày đêm tối mặt,

Ăn cơm nhà chẳng đắt xu chinh,

Đội Lùn trừng mắt yêu tinh,

Đầu phu toạc máu, khắp mình bầm đen,

Tiếng quát mắng lẩn chen roi vút,

Hòa tiếng rên sùi sụt âm thầm,

Trong lòng sôi sôi sục hờn căm,

Thù này ghi tạc trăm năm ngàn đời.

Chúng ra lệnh nhà dời chỗ khác,

Của vét vơ, tiền bạc mang về,

Tang thương khóm chuối, bờ tre,

Bỗng thành đất trắng, xóm quê điêu tàn.

Xưa, tối đến, ăn làm vui thích,

Ồ cối xay, thình thịch cối đâm.

Nay mà nghe tiếng thì thầm,

Giày đinh vụt tới băm vằm dân ra.

Trong làng có lợn la, chó sủa,

Cũng lôi sang bóp cổ lấy tiền,

Lí gì, trẻ nhỏ khóc đêm,

Lính đồn đánh mắng, nhiễu phiền mẹ cha.

Bắt nạp hết lợn gà, nếp gạo,

Dân điêu  tàn  húp cháo đi phu.

Trong cơn giông tố mịt mù,

Đảng ta bám chặt quân thù từng giây.

Dao thêm sắc, gậy tày thêm cứng,

Tự vệ ta bước vững tuần hành,

Đêm ngày luyện tập, gác canh,

Nên cơ sở Đảng tốt lành như xưa.

Ông Phúc Cảnh bây giờ bận nhỉ,

Say mê in chỉ thị truyền đơn.

Phạm Bình bụng dạ ai hơn,

Chạn nhường cán bộ, sẻ cơm ăn cùng.

Truyền đơn rải khắp vùng giặc đóng,

Gọi lính về dân chúng hoan nghênh,

Người mình xin chớ hại mình,

Các anh quay súng bắn tin đầu thù.

Toàn Đảng Bộ bấy giờ hội lại,

Tên đội Lùn quyết phải thủ tiêu,

Sống thêm chỉ một buổi chiều,

Đội Lùn gây biết bao nhiêu thảm sầu.

Vợ hắn sắm vải màu sặc sỡ,

Đem ra may nhà thợ Phạm Khoan,

Thẳng mồm con vợ cũng ngoan,

Chồng tôi xin được phép quan về nhà,

May mau chóng, sớm ra tôi lấy,

Đi cùng chồng thêm mấy lính Nam.

Biết tin cấp báo rõ ràng,

Ngay trong đêm đó việc bàn xong xuôi.

Trời chưa sáng, ngàn người ra đón,

Ẩn dấu mình dưới ngọn lúa xanh,

Lấm bùn, đỉa cắn ngồi canh,

Săn mồi thắng lợi, chén anh, chén nàng.

Thằng Lùn tưởng cả làng mất vía,

Chẳng còn ai dám tỉa chân lông ,

Bước đi dữ tợn gian hùng,

Phu nhân lẻo đẻo, gánh gồng theo sau.

Ba thằng lính đi hầu cũng khổ,

Gánh è vai,  giập cổ, bầm xương.

Tới cầu dừng lại bên đường,

Hắn an tâm lắm bốn phương im lìm.

Bỗng vút tới gậy lim cào cuốc,

Dao mác vây kín trước, kín sau,

Ai ngờ ! hắn giỏi võ tàu,

Gạt phăng, vội vượt qua cầu chạy nhanh,

Hắn rất biết tình hình nguy khốn,

Chỉ có đường chạy trốn, may qua.

Đứng ngay lại ! mụ đàn bà !

Lính kia đứng lại, thì ta khoan  hồng.

Nghe quát lớn, chúng rung tái mét,

Các anh tha tội chết cho em,

Được rồi, mày cứ ngồi yên,

Biết thân tội lỗi, mấy tên cúi đầu.

Lùn ngoảnh lại đằng sau tức lắm,

Đòn càn tre hắn nắm một tay,

Tay kia lấp loáng dao phay,

Hướng đê, tháo chạy như bay trên đường.

Tất cả đã sẵn sàng chiến đấu,

Lùn ngang tầm, mác dáo xông lên.

Lê Châu thủ lĩnh trận tiền,

Hô Lê Trị chém, dao xiên ra ngoài.

Hắn vội nhảy vụt sang nơi ông Đấu,

Dao mới mài thu dấu sau lưng

Phóng nhanh, tưởng chết đã mừng,

Tiếc thay! dao trượt trông chừng xước vai.

Đã biết hắn rất tài võ nghệ,

Ta đông người chưa dễ lập công,

Thừa cơ Lê Trị xung phong,

Nhanh tay tới tấp, đất đồng ném vô.

Đào Du áp la xô sát mặt,       (áp la xô tức là áp lá cà, xung phong)

Tống con dao nhọn hoắt thâu sườn,

Gục đầu, nhắm mắt qụy luôn,

Cuốc cào bổ tiếp, thôi chuồn đời mi,

Cho hả giận chém đi, đâm lại,

Máu hôi tanh bầm vải nâu non.

Hạ xong thằng giặc Đội Lùn,

Tản quân bốn phía, đường mòn vắng tanh.

Nơi kín đáo, Đảng mình bàn bạc,

Đường vào canh dáo mác trang nghiêm.

Nhất tâm phát triển Đảng viên,

Dân quân củng cố, thanh niên tăng cường.

Thật quý báu! chủ trương của Đảng,

Cứu dân nghèo qua tháng cơ hàn,

Cường hào, địa chủ ác gian

Tịch thu tài sản, sẻ san dân cày,

Lúa vàng óng một ngày mùa hạ,

Dân bần cùng tất cả xuống đây,

Hái liềm xoàn xoạt nhanh tay,

Gặt về, nông hội, chia ngay dân nghèo,

Nhà Hường Luyện lúa nhiều vô kể,

Nạn tức tô kiệt quệ dân cày,

Chia nhau một ít thóc này,

Công ơn Đảng sánh trời mây muôn trùng.

Tối, đèn đuốc sáng trưng vui vẻ,

Soi đường cho già trẻ tới trường,

Dân nghèo được cấp ruộng nương,

Trâu bò, dụng cụ, vui mừng biết bao!

Các tệ nạn, trước sau trừ diệt,

Dân bắt đầu sống nếp văn minh,

Xưa kia, ở chốn Nền Đình,     (Nền Đình là nền tế của làng Trung Lễ xưa

                                                  cạnh quốc lộ 8,  cả khu vực chợ mới bây giờ)

Mạnh Khang đua với trời xanh sắc cờ.      (Mạnh Khang, tên lá cờ khởi

                                                                        nghĩa của cụ Ấm Ninh)

Cũng chỗ ấy, bây giờ tuyệt mỹ,

Cờ búa liềm yêu, quý tung bay,

Chính quyền Xô Viết ta đây,

Nhiều khi làm việc cả ngày lẫn đêm,

Bang cút xéo, Luyện lên tỉnh trốn,

Lý với Hương ngoan ngoãn xin theo,

Quanh đồn  dậy tiếng hò reo,

Thằng Tây nếm cảnh hiểm nghèo là đây.

Trưa ngày hạ, nào Tây, nào lính,

Quan An Nam huyện tỉnh một đàn

Về đồn Lạc Thiện họp bàn

Diệt cơ sở Đảng, phá tan phong trào.

Giặc càn quét gắt gao liên tiếp,

Hễ tình nghi  bắn giết không tha,

Chúng bày chước qủi, trò ma,

Cắt tình dân với Đảng ra đến cùng.

Bọn mật thám khom lưng xấu hổ,

Mà dám khuyên cán bộ ra hàng!

Đảng ta dạ sắt gan vàng,

Giặc này! qui thuận đừng bàn uổng công,

Dân sau trước một lòng tin tưởng,

Tạm xa nhau, còn vướng tơ lòng,

Việt gian phản quốc coi chừng,

Ngày mai, ngọn lửa cháy bùng càng to.

Thằng đồn Pháp thét hô lính lại,

Mắt trợn trừng miệng nói xi xô,

Giữa sân quanh cái cột cờ,

Súng trên vai lính, nhọn giơ lên trời .

Nghe từ bốn góc chòi chúng thét:

Rồi các quan tiêu diệt cả làng,

Dân bay Cộng Sản to gan,

Rủ nhau phá loạn trị an vùng này.

Từ đây, chúng thẳng tay khủng bố,

Nhận dân ta xuống hố bùn sâu,

Lũ gian gần đó ngóc đầu,

Rước voi giày mả, cáo tâu tỏ tường:
Có Lê Luân, Trần Đương, Lê Mạo,

Hồ Em Sim, thầy giáo Phú Thành,

Hồ Khoan, Lê Trị, Phạm Bình,

Trần Dư, Phúc Cảnh, Hồ Ninh, Bội Hoàn,

Hồ Nuôi Lu, Phạm Khoan, Phạm Chiểu,

Đào Du, Lê Thị Tỉu, Thanh Sương,

Lê Châu, Lê Tiến họ hàng,

Sáu Nhiên, Ngụ Niệm, Cu Cường, Trần Nghiên.

Anh em Hiến, Lê Yên, Lê Đấu,

Thêm Lê Mưu, chẳng dấu một tên.

Gớm thay! bè lũ đê hèn,

Giết người rồi chẳng làm nên thân gì.

Trong nguy hiểm lánh đi chỗ khác,

Cán bộ ta lưu lạc bốn phương,

Chó săn, mật thám đầy đường,

Phu đoàn, cai tổng, lý hương truy tầm.

Lần lượt bị sa hầm, sẩy hố,

Đau thương anh cán bộ làng ta,

Bắt về chúng khảo, chúng tra,

Giày đinh nện xuống, máu sa đỏ ngầu.

Dùi giáng xuống vở đầu giập sọ,

Xác ai nằm trên cỏ ngổn ngang,

Lôi đi vùi lấp vội vàng,

Nghe văng vẳng những tiếng oan đầy trời.

Báng súng thúc ngực người mới đến,

Dòng máu tươi từ miệng phun ra,

Lưỡi lê nhằm cổ xuyên qua,

Thân hình thảm hại ngã ra pháp trường.

Bao chiến sĩ còn xương da bọc

Chúng lôi đi trói cọc tre tươi,

Bịt xong mặt mũi lại rồi,

Súng thù nhả đạn, máu tươi, ruột mềm !

Trăm năm chớ ai quên Mụ Khỉ,  (dăm Mụ Khỉ, trước nhà thờ họ Lê,  

                  năm 1930 Pháp dùng làm pháp trường để bắn người cộng sản)

Máu đổ đây đúc chí dân mình,

Nhà ai giặc đốt tan tành,

Phải nhà đồng chí Phạm Bình thân yêu.

Làm cách mạng nhà thiêu cửa cháy

Người hy sinh hết thảy quản gì,

Tang bồng từ độ ra đi,

Lòng anh cán bộ nặng vì quê hương,

Nhà giặc dỡ vào trường Trung Lễ,

Bà Sâm ta chẳng kể gì đâu,

Tư cơ chuyền sạch làu làu,

Bà Mưu, Bà Mạo ruột đau  âm thầm.

Trời đất bỗng như sầm tối lại,

Cả làng đau tê tái buồng  gan,

Canh khuya nước mắt chảy tràn

Thương hai đồng chí bắn oan ven đồi

Núi Cận Kỵ máu rơi thấm đá, (núi Cận Kỵ, núi gần chùa Am)

Vọng ngàn năm tiếng của Lê Luân.

Thân tao thà chết chẳng cần,

Đố bay giết được tinh thần dân tao,

Tao ngã xuống đồng bào đứng dậy,

Cuồn cuộn như bão xoáy, triều dâng.

Nay mai, bay sẽ liệu chừng,

Loài bay tiêu diệt, chẳng chung đội trời.

Người đang sống ngậm ngùi tưởng nhớ,

Khói trầm bay, hoa nở đầy vòng,

Cho dù trăm núi, ngàn sông,

Đố ai ngăn được tấm lòng sắt son.

Xa mù mịt núi non Trung Bộ,

Chốn sơn cùng là chỗ tù lao,

Nam nhi từ bước chân vào,

Tấm thân sắt thép thử bao lửa nồng,

Gươm súng ấy, đừng hòng tra hỏi,

Sức mạnh nào thắng nổi tuổi xuân,

Lẽ thường sự thế chuyển vần,

Bên kia, (nước Pháp) mặt trận bình dân cầm quyền,

Đảng cương quyết đứng lên tranh đấu,

Thoát chim lồng, cá chậu từ đây.

Người về tiếp tục bừa cày,

Xây nhà, xẻ gỗ, vá may với làng.

Gió thổi tới thôn trang bừng dậy,

Cán bộ xưa ra khuấy phong trào,

Việt Minh bí mật buổi đầu,

Càng ngày càng mạnh, ít lâu ra đời.

Ngày thu ấy, long trời, lở đất,

Trống vang lừng, cờ phất phới bay,

Rừng người dáo mác gậy tày,

Theo ông Lê Mạo bao vây phủ đường.

Tên Tri Huyện ra hàng vội vã,

Chính quyền đây, tất cả về ta,

Ba ngày sau mở phiên toà,

Bắt tên Bá Lựu đưa ra pháp trường.

Hôm đó, các ngã đường chợ Giấy,

Người đông vui lộng lẫy cờ băng,

Mạnh Đàn bồng súng lên ngang,

Giáng cho phát đạn đầu tan, sọ rời.

Hô đồng loạt ầm trời, chuyển đất,

Xa, nghe như bão quật, mưa sa,

Xóm làng nhộn nhịp tiếng ca,

Đêm đêm đèn đuốc như là ban mai.

Mới dịp trước sống đời tôi mọi,

Mà hôm nay ăn nói nên lời,

Muôn vàn sung sướng, thảnh thơi,

Tự do bàn bạc việc đời dân ta,

Trưa, tấp nập mấy nhà hội quán,

Tối, vui vầy bầu bạn bình dân,

Gái trai vào tự vệ quân,

Bò trườn, lui tiến, chật sân đình làng.

Tin chiến sự vội vàng đưa đến,

Pháp tàn quân đánh chiếm Na Pê,

Dưới cờ cao vút lời thề,

Nguyện đi chưa hẹn ngày về hậu phương.

Đời đời nhớ Lê Xương anh dũng

Thét xung phong cướp súng quân thù,

Uy danh lừng lẫy chiến khu,

Là Trần Phan Tấn ngìn thu lưu truyền.

Lê Phú Nhận nêu tên cảm tử

Phá đồn Tây gìn giữ biên cương.

Có ai dũng cảm phi thường

Như người chiến sĩ tiền phương quê mình.

Nhìn lớp lớp sóng xanh Sông Khóng, (sông Mê Công)

Tưởng Thiệu Huy hình bóng hiên ngang.

Ai vào cuối đất Miền Nam

Lắng nghe chuyện kể Anh Cườm (anh Búp Cườm) năm xưa.

Anh quyết tử dưới cờ quyết thắng

Gửi báo công thân tặng quê hương.

Các anh ngã xuống chiến trường

Bắc cầu chiến thắng mở đường quân qua.

Miền Nam bỗng giặc sa nhà cháy,

Cầm vũ trang hết thảy đứng lên!

Quê ta vâng lệnh Đảng truyền

Tức thì phát động ghi tên tiến vào.

Trai làng lại nêu cao truyền thống

Lập chiến công anh dũng tuyệt vời.

Thành đồng ruột thịt xa xôi

Điện về liên tiếp bao lời ngợi khen.

Khắp đất nước, ngòm đen giặc Pháp

Cậy binh hùng chà đạp núi sông,

Làng ta một dạ một lòng,

Tim gan sôi sục máu hồng mấy lâu.

Tiền của vội bảo nhau góp lại,

Hủ gạo thơm ưu đãi nuôi quân.

Mẹ già sống lại tuổi xuân,

Ngày đêm may áo, vá quần cho con,

Nhiều phụ nữ vai mòn, chân dạn

Xung phong đi tiếp đạn, tải lương,

Rạng ngày, hối hả lên đường,

Nghe như có tiếng tiền phương gọi chờ.

Ngoài trụ sở, giờ trưa rộn rịp,

Bồ che mưa sắp xếp gọn gàng.

Tuyên thề một nhịp hô vang,

Gánh gồng cất bước tiến sang bên Lào,

Ngày nghỉ lại núi cao rừng thẳm,

Gió vi vu đưa nắng vàng tươi,

Đêm đi, lấp lánh sao trời

Giúp đèn soi tỏ rạng người dân công,

Tuy gian khổ mà lòng nô nức,

Trông đồn Tây chảy rực khắp nơi.

Thua đau giặc Pháp chạy dài,

Lính mình truy kích, chúng tôi hộ tùng.

Lúc hoả tuyến qua rừng nước bạn,

Có ngờ đâu! khốn nạn tàn binh

Bắn vào đội ngũ xã mình,

Ôi! anh Phạm Viện hy sinh trên đường.

Gạt nước mắt, tiếc thương đồng chí,

Chúng tôi đi anh nghỉ lại đây.

Băng đại ngàn tới chốn này,

Uỷ ban, đoàn thể tỏ bày quan tâm.

Đến đây, giặc ngoại xâm yếu thế,

Phát khùng lên rồi để tắt hơi,

Chúng mang bom ném tơi bời,

Bốn nhà Trung Khánh thương ôi! tan tành.

Người vùi cạn cứu nhanh chẳng sống,

Kẻ tìm sau cảm động biết bao.

Tóc tang mới đó ngày nào,

Giờ, bom tàn ác dội vào Trung Nam.

Xưa, đây vốn ăn làm vui vẻ,

Giờ đây, sao quạnh quẽ, buồn tanh.

Lặng rồi, tre nứa, phên tranh

Thành tâm mang đến dựng nhanh cửa nhà.

Nghe trở lại lời ca, tiếng hát,

Nghe động viên ồ ạt nhân tài,

Làng ta chẳng có thua ai,

Tăng gia, chiến đấu, cả hai vẹn tròn.

Tin giặc Pháp hoàn toàn thất bại,

Bộ đội ta chiếm lại Điện Biên,

Meeting trống mỏ vang rền

Báo tin kháng chiến hai miền thành công.

Đảng lãnh đạo bần nông đứng dậy,

Đấu tranh mà giành lấy áo cơm,

Trâu bò, nhà cửa, ruộng nương,

Đòi về hết thảy, chẳng nhường một ly.

Ngày sản xuất, đêm đi mở hội,

Vững niềm tin có đội về đây,

Nông dân rạng rỡ mặt mày,

Vũ trang thuyết pháp, định ngày tấn công.

Ngày hôm đó, cờ hồng phất phới,

Đỏ vàng trùm đồng nội, xóm thôn,

Chiêng khua, trống thúc dập dần,

Người đi rung chuyển đường mòn quê ta.

Mừng cải cách nay đà thắng lợi,

Mừng nông dân chủ mới ruộng đồng,

Kính mừng Đảng bộ tiên phong,

Hôm nay gặp gỡ vui trong một nhà .

Rất phấn khởi trên đà thắng lợi,

Bà con ta vun xới chăm lo,

Một năm hai vụ chiêm mùa,

Xanh rờn rồi lại nhường cho ánh vàng.

Xuân, én lượn qua làng đổi mới,

Hạ, nước đưa cá lội tung tăng,

Thu về, lúa gọi gánh quang,

Đông sang, mạ giục thêm hăng cày bừa.

Trông Tổ Quốc vẫn chưa thống nhất,

Miền Nam còn chia cắt đau thương,

Gái trai bước tiếp lên đường,

Hẹn nhau gặp lại chiến trường lập công.

Bao xương máu hiến dâng đất nước

Vạn đời sau Dân Tộc ghi ơn,

Quyết tâm bảo vệ sống còn,

Tay cày, tay bắn Giôn Xơn  lưng trời.

Trong khói lửa, bao người chuyển đạn,

Gánh kho lương phân tán làng xa,

Người đi dựng lán, dời nhà,

Đào hầm tác chiến, hoặc ra pháo đài,

Già trẻ vẫn hai vai gánh nặng,

Cũng nhiều đêm thức trắng là thường,

Ban ngày cấy hái, đào mương,

Đêm đên lấp hố trên đường quân đi,

Làm hết sức những khi mùa tới,

Lo làm sao hặt hái kịp thời,

Thu nhanh thóc thuế vẹn mười,

Việc ăn chia tốt, mọi người yên vui.

Máu đỏ với mồ hôi quyện lại,

Vun đắp nên thắng lợi vẻ vang,

Hôm nay, nhìn lại xóm làng,

Tiếc thương kẻ khuất, lòng càng thù căm.

Hồi tưởng lại những năm xưa ấy,

Nhân dân ta mới thấy tự hào.

Ngồi vui kể chuyện năm nào,

Tàu bay giặc Mỹ rào rào rung cây,

Bom trút xuống, khói bay ngùn ngụt,

Lửa rực trời cao vút từng mây.

Tang thương giáng xuống đất này,

Nhưng lòng dũng cảm còn đây sẵn sàng.

Người vụt đến cứu hàng, cứu pháo,

Đẩy xe dầu thu dấu làng bên.

Bà Khoan, bà Cận ai quên,         (bà Khoan là vợ của chú ông Miêu)

Trong gian nguy vẫn đứng lên hô hào,

Biết bom đạn xới đào liên tiếp,

Cho dân sơ tán hết trong làng,

Tinh sương kẻng đã gọi vang,

Cày bừa, cấy hái rộn ràng, điềm nhiên.

Xin trân trọng nêu lên cán bộ,

Những con người hiếm có xưa nay,

Là ông Trần Hợp còn đây,

Ông Lê Miêu đó, tháng ngày vui tươi.

Năm trước, lúc đất trời rung động,

Chết chóc trùm sự sống bình an,

Các ông miệng nói, tay làm,

Để cho đồng lúa xanh vàng luân phiên.

Lo thóc đủ gửi lên tiền tuyến,

Lo quân đầy đi chiến trường Nam,

Quan tâm mọi việc dân làng,

So xưa, đời sống rõ ràng nâng cao.

Quân giải phóng ào ào Nam tiến,

Thần tốc vào đánh chiếm khắp nơi,

Mỹ thua, Mỹ cút đường trời,

Ngụy nhào đáy hố, chẳng lời kêu ca.

Bổng loa gọi, nhảy ra hầm trú,

Dân reo hò chuyển rú, ầm sông,

Dậy lên trống mõ chiêng cồng,

Trường kỳ kháng chiến thành công vang lừng.

Nhớ ơn những anh hùng liệt sỹ,

Những quân nhân, đồng chí thương binh,

Cùng Lê Thức Niệm tận tình,

Cho ta vui hưởng hòa bình ấm no.

Nên sự nghiệp là do cả nước,

Song, làng ta đóng góp một phần.

Mỗi năm đất nước thêm xuân,

Con em càng, tiến tinh thần hăng say.

Bạn có biết sau ngày thắng lợi,

Xóm làng tôi đổi mới ra sao?

Dãy nhà dài rộng, to cao,

Tường vôi trắng xoá, ngõ vào thênh thang.

Nơi đó chính là trường Trung Lễ,

Do nhân dân, đoàn thể dựng nên.

Chốn đây là chiếc nôi mềm,

Từ đây xuất phát tuổi tên nhân tài.

Có tướng tá thắng hai đế quốc,

Đây chiến binh, kẻ khuất, người còn.

Đời cha huấn luyện đời con,

Trông quân tự vệ, xóm thôn yên lòng…

Quê ta vốn thịnh dòng khoa bảng,

Chức Khâm Sai làm rạng đất này.

Có nhà toán học giỏi thay !

Tham gia cách mạng từ ngày xuất dương.

Nhà tri thức phi thường đến thế,

Pháp phục anh, kính nể dân mình,

Trong thuyền trên nước sông xanh,

Anh hy sinh, Bác tiếc anh vô ngần.

Đất văn hiến giành phần tiến sỹ,

Vườn thơm danh hoa quí giải nguyên,

Tinh thần thượng võ lưu truyền,

Dạy con cháu quyết giữ yên cõi bờ.

Càng tưởng niệm người xưa yêu quý,

Ta hậu sinh, suy nghĩ gì đây?

Ngôi nhà đứng giữa vườn cây

Ngói son vôi trắng, tháng ngày khang trang,

Nơi đó gọi bảo tàng cách mạng,

Trong trưng bày, di sản đấu tranh:
Búa liềm, dáo, trống, ảnh hình,

Những nơi nương náu Đảng mình năm xưa,

Chắc bạn cũng say sưa đàn trẻ

Áo nhiều màu quanh mẹ thân yêu,

Và đây sáng sáng, chiều chiều

Nôi đưa nhè nhẹ hoà theo ru dòn.

Giữa vườn rộng bên con kênh ấy,

Một dãy dài, ai thấy cũng khen,

Màu hồng chữ thập từng quen,

Nhắn cùng ai ốm, ai hèn bớt lo.

Kìa, dăm bảy con đò xuôi ngược

Vỗ mái chèo cuộn nước xanh trong,

Ngoài đồng, chẳng có bờ cong,

Đường vùng bằng phẳng, song song kéo dài.

Trước, hạn hán, trông trời mỏi mắt,

Lúa héo khô, buồn đất trắng phau,

Tát gàu nước thấm đi đâu,

Xe guồng loạc quạc mà ngao ngán lòng.

Giờ nhàn hạ ra đồng ngắm cảnh,

Những vòi rồng xối mạnh ngày đêm,

Nước vàng lay gọi lúa chiêm,

Ăn no tắm mát, mời lên khoe màu.

Trạm biến thế bao lâu mong mỏi,

Mở đường lên xã hội văn minh,

Đêm, đèn điện sáng lung linh,

Say sưa trò chuyện, gia đình thêm vui.

Trời gần sáng, nhờ đài thức dậy,

Vang khắp nơi lừng lẫy Điện Biên,

Mọi nhà bếp lửa nhen lên,

Con em sung sướng dưới đèn học chăm.

Nhớ lại thủa quanh năm vất vả,

Chỉ loay hoay gốc mạ vườn rau,

Nay mình như dạo Năm Châu,

Bắc Nam bốn biển, đâu đâu cũng tường.

Chuyện chính sách, chủ trương thời sự,

Việc làm ăn đối xứ lân bang,

Nghe truyền thanh dạy rõ ràng

Khuyên nhau tu sửa, xóm làng hơn xưa,

Vào những lúc ban trưa mệt mỏi,

Khi chiều về mong đợi tiếng ca,

Bổng trầm giọng hát ngân nga,

Tiếp thêm phấn khởi, làm ta yêu đời.

Cầu cốt thép nối đôi bờ rộng,

Uốn cong mình soi bóng trên sông,

Ngày mùa vui nhộn vô cùng,

Xe qua, người lại, gánh gồng sang mau.

Âm vang hát mừng cầu trẻ lại,

Ca lên chào gặt hái tưng bừng.

Đường làng thuận tiện giao thông,

Phẳng lì, thông thoáng như trong sân nhà,

Mời bạn hãy ghé qua vườn tược,

Chè xanh tươi giếng nước trong ngon.

Nhà toàn mái lợp ngói son,

Tường xây mát mẻ lối mòn tinh khôi.

Chuồng trâu lợn tách rời sạch sẽ,

Cửa nhà nay vui vẻ, phong quang.

Chiều thu, nồm thổi nhẹ nhàng,

Cánh diều lướt gió, sáo vang bầu trời.

Đây chưa phải tới nơi thỏa mãn,

Tương lai còn xán lạn gấp trăm.

Đón nghe máy chạy ầm ầm,

Điện đèn át ánh trăng rằm cho coi.

Làm hợp tác mọi người lo lắng,

Chẳng quản chi dãi nắng, dầm mưa,

Trẻ già cặm cụi sớm trưa,

Nhá nhem trời tối vẫn chưa chuyện về.

Xưa, giáp hạt, nhiều bề căng thẳng,

Giờ, vui vui cơm trắng, canh ngon.

Áo màu mẹ sắm cho con,

Bốn mùa lành lặn, chẳng còn vá vai.

“ Còn non, còn nước, còn người ”

Công ơn Đảng – Bác muôn đời không quên .

 

                    Viết tại Trung Lễ, ngày 15 – 01 – 1987 

                        Tác giả:  Trần Trúc Ngân

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles