spot_img

Tết Nguyên Đán và phong tục xưa tại xã Trung Lễ

Trước tiên tôi có vài điều muốn nói: Thời gian qua tôi đã đăng những mẫu chuyện về họ Trần và xã Trung Lễ dưới tiêu đề “Có thể bạn chưa biết…”, thực ra nhiều người đã biết nhưng có những tình tiết hiểu khác nhau vì nội dung các tài liệu nhiều sai khác và người này biết cái này thì người kia lại biết cái khác, còn lớp trẻ ít người biết vì thế tôi không ngại trao đổi, chia sẻ bài viết do tôi đã sưu tầm, tìm hiểu, chọn lọc trong sách báo, trên website bài của tổ chức có uy tín, những việc tôi đã thấy và người cao tuổi trong xã; về cách diễn đạt có thể chưa hay, chưa rõ thì sẽ điều chỉnh mong mọi người thông cảm.

Nhân dịp năm mới Nhâm dần tôi gửi lời chúc tết tới gia đình các chú bác, anh em trong họ Trần ta: như ý, cát tường; an khang thịnh vượng; đoàn kết, phát triển.

Để nói về tết Nguyên đán tôi có viết 1 bài riêng dài hơn 20 trang mong mọi người tìm đọc. Giỗ tết không phải là mê tín dị đoan mà có ý nghĩa nhân văn lớn, nhân dịp này các anh em con cháu “về nguồn” tập trung đông đủ để “ôn cố tri tân” sống tình nghĩa, tăng thêm truyền thống đoàn kết, sống tử tế, giúp đỡ, chia sẻ và học tập lẫn nhau cùng tiến bộ, đó cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt. Bây giờ tôi viết vài ý nghĩa về tết Nguyên đán chủ yếu ở xã Trung Lễ và vùng Đức Thọ…

 

1-   ĂN TẾT, TẾT NHẤT VÀ VUI NHƯ TẾT LÀ GÌ ?

      Từ nhiều ngàn năm trước cho đến năm 1970 cuộc sống của dân cả nước trong đó có xã Trung Lễ (nay là Lâm Trung Thủy) thiếu thốn cơ cực, đa số là nhà tranh, cột bằng tre hoặc gỗ tạp, vách đất hoặc nứa, sân đất… Không có điện, đài, ti vi, xe đạp; muỗi nhiều nhưng ngủ không màn, thắp đèn dầu lạc, nhà nào cũng nuôi trâu bò lợn chó gà, rất ít nhà có bật lửa bao diêm cho nên tàn lửa phải lưu trong bếp vỏ trấu quanh năm, quần nâu áo vải vá víu, đi chân đất… Mỗi năm trồng 2 vụ lúa chiêm mùa nhưng thường là 1 vụ, năng suất thấp lại hay mất mùa cho nên quanh năm cơm độn khoai hoặc rau cháo trừ bữa chỉ mong đến ba ngày tết cố gắng no đủ, xong rồi đến ngày giáp hạt (cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 âm lịch, lúa khoa mới trồng mà lương thực trong nhà đã hết) không có ăn nên nhiều người chết đói… Nỗi cơ cực dành dụm cả năm mong đến tết để được bữa ăn ngon hơn (ăn tết) và tết có quần áo mới để mặc, có nhiều trò vui chơi cho nên tết là nhất (tết nhất) và “vui như tết”.

Ngày tết các trò vui chơi lễ hội dân dã mang bóng dáng của nền sản xuất lúa nước gắn với cây tre, cây đa, bến nước, sân đình được tổ chức ở từng làng xóm nhỏ… Xuất phát từ địa lý khí hậu và tập quán canh tác dần hình thành nên phong tục tập quán của vùng miền, một số trò vui chơi qua nhiều năm được lan rộng ra phát triển lên thành lễ hội.

 

2–  PHONG TỤC NGÀY TẾT NGUYÊN ĐÁN     

Việt Nam sử dụng cả lịch dương và lịch âm. Căn cứ vào chuyển động của mặt trăng quay quanh trái đất để tính ngày tháng và năm âm lịch, mặt trăng quay 1 vòng quanh trái đất là 1 tháng; một năm âm lịch có 12 tháng, vài tháng thiếu có 29 ngày còn lại tháng nào cũng 30 ngày; cứ 4 năm có thêm 1 tháng nhuận, năm đó có 13 tháng gọi là năm nhuận âm. Lịch âm có liên quan tới canh tác nông nghiệp, quan niệm về ngũ hành và lễ hội truyền thống mang màu sắc văn hóa Phương đông.

Việt Nam có 54 dân tộc, một số dân tộc tổ chức ngày tết Nguyên đán cổ truyền cùng ngày với người Kinh; ngoài Việt Nam có 4 nước tổ chức tết Nguyên đán đó là Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Singapore nhưng ngày giờ giao thừa khác nhau, mỗi dân tộc có cách tổ chức lễ hội và phong tục khác nhau tạo nên bản sắc phong phú đa dạng.

Tết Nguyên đán bắt đầu từ ngày cúng ông Táo 23 tháng chạp nhưng chính thức tính từ thời khắc giao thừa (12 giờ 00 đêm, giờ tý), từ ngày mồng 1 tháng 1 (tháng giêng) âm lịch, thời khắc bước sang năm mới ai cũng mong muốn “tống cựu, nghinh tân”; mỗi người có thêm một tuổi với bao sự kiện mới đang chào đón phía trước, chúc nhau những điều tốt lành vui vẻ, đoàn kết, phát triển. Ba ngày tết tức là ngày mồng 1, 2 và 3 âm lịch nhưng lễ hội mùa xuân kéo dài 3 tháng (lễ hội chùa Hương, Yên Tử, Bái Đính…).

Trước những năm 1980, sáng mồng một tết dân Nghệ Tĩnh ngủ dậy rồi ăn sáng sum vầy ấm cúng, nói năng nhẹ nhàng, chúc nhau những lời tốt đẹp thân tình trong nội bộ gia đình; khoảng hơn 7 giờ đến hơn 8 giờ chủ gia đình sắm sửa 3 mâm cỗ, mỗi mâm có bánh chưng, thức ăn, rượu… gia đình tự đội lễ hoặc gánh đến cúng 3 nơi đó là: tại nhà tộc trưởng của nội tộc (để cúng cố can), bên nhà mẹ đẻ và nhà vợ của chủ nhà; sáng mồng một người gánh hay đội mâm cỗ đi cúng nhộn nhịp trên các nẻo đường thôn xóm, ngày nay không phải quang gánh như trước nữa mà gửi tiền trước nhờ làm hộ… Sáng đó con cháu chia ra đi chúc tết nhà anh em và đến nhà thờ họ thắp hương rồi trở về ăn cỗ 3 nơi, có gia đình con cháu đi ăn cỗ ở nhà khác thì tại nhà mình cũng có anh em nội thân đem mâm cỗ đến cúng… nhiều người vừa mới ăn lại ăn tiếp vì vui là chính.

Từ 30 đến mồng 3 nhiều gia đình tranh thủ họp mặt ôn lại khó khăn, thuận lợi của từng người trong năm qua để phát huy truyền thống gia giáo, đoàn kết, thông cảm và giúp nhau (đầu năm mới tránh xa nói những ý nặng nề, chỉ trích, xúc phạm). Cũng từ ngày mồng một đến mồng 3 đi chúc tết cho hết anh em họ hàng và bạn bè thân hữu.

 

3-   PHONG TỤC VÀ TRÒ VUI  NGÀY TẾT

Chuẩn bị cho tết Nguyên đán trước sân đình và đầu làng trồng câu nêu, nhiều nhà đi mua 1 chiếc mành mành mới có vẽ hoa sen cắm trong lọ độc bình treo trước bàn thờ; mua vài cành hoa giấy, câu đối tết, tranh dân gian, sau này có giăng đèn nháy nhiều màu trang trí quanh bàn thờ; bàn thờ gia tiên sắm lễ vật nhiều thứ trong có đó mâm ngũ quả, 5 thứ quả của dân Miền bắc phải là quả và màu khác nhau, gồm có: chuối xanh (tượng trưng cho bàn tay nâng đỡ của Đức Phật), bưởi màu vàng, hồng màu đỏ, lê màu trắng, quýt màu da cam; nói chung thường có nải chuối xanh còn lại quả loại nào cũng được nhưng khác màu sắc và không có màu đen. Ngũ quả ở Miền nam 5 loại theo tiếng lóng là: mảng cầu (cầu mong) là quả na, quả xoài (tiêu xài), quả dừa (vừa ý…), đu đủ (đầy đủ), quả sung (sung sướng); hoặc nải chuối có thêm 4 thứ cầu, xài, đủ, sung. Mâm ngũ quả thể hiện mong ước về một sự đủ đầy, no ấm và hạnh phúc; tượng trưng cho ngũ hành: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên). Tại sân hợp tác hay bãi đất trống người ta dựng rạp, sân khấu và sân bãi chuẩn bị cho những cuộc vui…

Để thể hiện “uống nước nhớ nguồn” và lòng biết ơn “tôn sư, trọng đạo” ngày xưa người Việt (dân Miền bắc) quan niệm “mồng 1 tết Cha, mồng 2 tết Mẹ, mồng 3 tết Thầy” tức là mồng 1 lo việc nhà mình, đi chúc tết cúng tết dòng tộc anh em nội thân của bố (bên nội- bên cha), đi nhà thờ; mồng 2 đi chúc tết bên ngoại (bên gia đình mẹ và vợ), tức là chúc tết ông bà ngoại cậu gì; những chàng trai đã có người yêu, vợ chưa cưới cũng đi tết bố mẹ vợ tương lai vào ngày này; mồng 3 tết thầy: học sinh đến thăm hỏi các thầy cô đã dạy học, dạy nghề, đối tác làm ăn, những người có ảnh hưởng lớn đến tình cảm và cuộc đời của mình để đến thăm viếng, tỏ lòng tôn kính biết ơn, đó là những người đã đem đến cho họ lời khuyên hay công việc tốt, từ đó làm cho cuộc đời thay đổi giàu có hạnh phúc.

Ngày nay, câu “mồng 1 tết cha, mồng 2 tết mẹ, mồng 3 tết thầy” không thể thứ tự như vậy mà tùy vào tình hình nơi nào thuận tiện hơn cần thiết hơn làm trước, có những việc để ra ngoài tết sẽ mất hết ý nghĩa, giá trị.

Từ ngày mồng 2 tết các cuộc vui hội làng, hội xã bắt đầu diễn ra tưng bừng khắp nơi và kéo dài cho đến ngày khai hạ (mồng 7 tháng 1) hoặc rằm tháng giêng. Trước những năm 1980 quê Trung Lễ ngày tết có đoàn sắc bùa (tầm vinh) rộn ràng tiếng hát và tiếng trống đi khắp ngõ xóm hằng đêm, nhà nào mời mở cửa sáng đèn thì vào hát với làn điệu cổ truyền theo hình thức diễn xướng dân gian dựa trên thể thơ lục bát; nội dung là chúc tết, mừng thọ hoặc mừng một sự kiện lớn nào đó của gia đình; một đoàn có 5 đến 7 người đều là nam, khỏe mạnh, gia đình tử tế, không ai tang xui xẻo; nhạc cụ gồm có: 1 chiếc trống cơm (tầm vinh) bọc bằng da con trăn, 1 chiếc trống bọc 1 mặt da trâu đường kính gần 40 cm, chiều cao khoảng 15 cm gõ tiếng lẹt phẹt, 1 trống loại nhỏ chiều cao khoảng hơn 1 gang tay, vài bộ đục đạc xúc xắc đeo vào ngón tay hay cổ tay, 1 người gõ phách nhịp có 2 đoạn tre hoặc gỗ; những nơi đã dựng sân khấu, buổi tối có thanh niên diễn kịch, tuồng, hát hò vè ví dặm; nơi có sân bãi ban ngày chơi đu, ném cù, hội vật, đá bóng, cờ người, chọi trâu; trên đường làng, ngõ xóm có từng nhóm đá cầu (đá kiện), đánh đáo, pháo đất… Những kỷ niệm đơn sơ nhưng tạo nên sự gắn kết cộng đồng, đối với một số người thì nó đi theo cả cuộc đời và càng bồi hồi náo nức mỗi khi tết đến xuân về.

Ngày nay do việc làm ăn chạy theo cơ chế thị trường nên ngày mồng 1 đã có nhiều tiểu thương buôn bán nhỏ mở hàng lo làm ăn. Nhiều cơ quan, doanh nghiệp được nghỉ tết tối đa cũng đến mồng 10 âm phải đi làm, nhưng cũng có một số cơ quan vì tính chất nghề nghiệp như bưu điện, bệnh viện… hoặc đơn vị sản xuất thi công vì tiến độ công việc nên không được nghỉ tết; vậy nên tết Nguyên Đán bây giờ không còn được như xưa nữa, không còn “Tháng giêng là tháng ăn chơi, tháng 2 cờ bạc, tháng 3 hội hè” như xưa mà đang mất dần đi ý nghĩa truyền thống, đang mất dần đi vị trí thiêng liêng trong tâm thức người Việt, nhất là những người trẻ tuổi… !

 

                                                TP Vinh, ngày 17  tháng 01 năm 2021

                                                      Trần Điện Năng, đời 14 – Phái 3

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles