Lê Thước (1891-1976): Hiệu là Tĩnh Lạc sinh ra trong một gia đình khoa bảng ở xã Trung Lễ, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Năm 27 tuổi ông đậu Giải nguyên Hán học trường Nghệ nhưng không ra làm quan mà xin học thêm, đến năm 30 tuổi ông tốt nghiệp thủ khoa trường Cao Đẳng sư phạm Hà Nội ban văn học
Sau khi tốt nghiệp Cao đẳng sư phạm ông được bổ nhiệm Giáo sư trường Quốc học Vinh, hai năm sau đổi làm Hiệu trưởng các trường tiểu học thành phố Vinh kiêm chức Thanh tra các trường sơ học, tiểu học tỉnh Nghệ An. Tháng 7-1927 có quyết định của Nha học chính Đông Dương đổi ông ra Hà Nội dạy tiếng Việt cho con Tây ở trường Trung học Xa- rô, một thời gian sau ông bị đổi lên Lạng Sơn vào Thanh Hoá và bị nhà nước bảo hộ cách chức năm 1943.
Lúc Quýnh sinh ra mới nửa ngày,
Thì nhà tiếp giấy báo cho hay,
Anh Huy tử trận trên sông Khóng (sông Cửu Long, tiếng Lào gọi là sông Khóng)
Trong lúc giúp Lào đánh lại Tây.
Đánh Tây để giữ nước non này.
Con tạo ghen chi khéo lá lay,
Được Quýnh mất Huy cười dở khóc,
Huy đi há dễ Quýnh vào thay.
Để Quýnh thay Huy chút đỡ buồn,
Được thì có một, mất thì muôn!
Mong cho Quýnh với đoàn anh nó, (Đăng, Hoàng, Phong, Diệm, Bộc)
Học giỏi như Huy, nết cũng ngoan.
Nết ngoan học giỏi nếp nhà ta,
Giữ lấy cho hay mới gọi là.
Gương sáng trông vào anh Cả đó,
Lấy trung làm hiếu, nước làm nhà.
Tháng 11-1946
Lê Thước