spot_img

Thân thế Trần Nguyên Hãn

Trước họa tru diệt huyết thống đó, năm Ất Sửu (1385), Đại tư đồ Trần Nguyên Đán, lúc này về trí sĩ tại Côn Sơn (huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương), phải cho con trai là Trần Án cùng con dâu Lê Thị Hoàn đang mang thai được 3 tháng từ Chí Linh lên làng Quan Tử (1), trang Sơn Đông, huyện Lập Thạch, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây – nay là xã Sơn Đông, huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc – để lánh nạn. Cùng đi, có một vị tướng già tâm phúc của gia đình cụ Trần Nguyên Đán ủy thác giúp đỡ.

Theo gia phả họ Đào Trần ở phường Minh Nông, thành phố Việt Trì, tỉnh Phú Thọ, Đức Tổ Trần Nguyên Hãn sinh ngày 01 tháng 02 năm 1390 âm lịch. Ông là cháu nội Chương Túc Quốc Thượng hầu Đại tư đồ Trần Nguyên Đán (2) và là cháu sáu đời Chiêu Minh đại vương Tướng quốc Thái sư Trần Quang Khải (3), dòng dõi vua Trần Thái Tông, quê gốc ở làng Tức Mặc, huyện Mỹ Lộc, lộ Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Chẳng bao lâu, cụ Trần Án bị bọn Hồ Quý Ly truy tìm bắt được đem giết. Bà Hoàn một mình tần tảo nuôi dạy con nhỏ.

Tháng Hai năm Canh Dần (1410), ông bí mật chiêu tập thanh niên trai tráng trong vùng tổ chức luyện quân, lập căn cứ tại rừng Thần, ao Tó, đầm Trạch (nay gọi là đầm Đa Mang) thuộc hai xã Sơn Đông, Văn Quán để chờ thời cơ đánh giặc cứu nước.

Trong một trận càn của giặc vào làng, chúng bắt bà Lê Thị Hoàn và nhiều người khác đem giết. Ông đã cùng vị tướng già cải trang, đột nhập vào giết chết tên huyện quan tay sai chỉ điểm Trần Thiêm Ích ngay tại nhà hắn, loại trừ cho dân một tên phản quốc hại dân.
Giặc thành Tam Giang ở huyện Bạch Hạc ngày càng hung hãn, chúng ra sức cướp bóc, cưỡng bức dân lành. Dân ta vô cùng cực khổ, căm thù chúng tột độ. Trong một đêm, ông đã dẫn đầu nghĩa quân rừng Thần đánh diệt thành Tam Giang, làm chủ cả vùng Bạch Hạc khiến quân Minh phải kinh hồn bạt vía, tiếng tăm nghĩa quân lừng lẫy khắp vùng.

Cuối năm Ất Mùi (1415), Trần Nguyên Hãn cùng Nguyễn Trãi trốn vào Thanh Hóa tìm gặp Lê Lợi (tại Lỗi Giang – núi Điều – Lam Sơn, Thanh Hóa). Nguyễn Trãi dâng “Bình Ngô sách”. Lê Lợi mừng rỡ đón nhận, phong ông làm Hàn lâm thừa chỉ học sĩ (4) coi việc soạn thảo văn thư, chiếu hịch, tham dự bộ tham mưu. Trần Nguyên Hãn xin về quê dẫn quân vào gia nhập nghĩa quân Lam Sơn.

Gần tết năm Mậu Tuất (1418), Trần Nguyên Hãn đem hai trăm quân tinh nhuệ của nghĩa quân rừng Thần cùng hơn một trăm ngựa chiến vào tụ nghĩa. Trần Nguyên Hãn đã dâng Lê Lợi thanh bảo kiếm của Tướng quốc Thái sư Trần Quang Khải để tỏ rõ một lòng một dạ phò Lê Lợi làm minh chủ chống giặc cứu nước. Vốn đã biết tiếng về Trần Nguyên Hãn, Lê Lợi xếp ông vào bộ tham mưu, nằm trong bộ “ tứ trụ phù Lê” của cuộc khởi nghĩa (5) và giao cho ông việc rèn luyện nghĩa quân.

Ngày mồng 2 tháng Giêng năm Mậu Tuất (07 – 2 – 1418), Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa ở Lam Sơn, xưng là Bình Định vương.

Từ năm 1418 đến năm 1423, nghĩa quân thường xuyên bị giặc Minh tiến đánh vây hãm, phải ba lần rút lên núi Chí Linh, gặp rất nhiều khó khăn, gian khổ. Ông dốc lòng phò Lê Lợi, lập nhiều chiến công, được Lê Lợi phong chức Tư đồ là chức quan cao nhất lúc bấy giờ (6). Ngày 10 tháng 4 năm Quí Mão (19 – 5 – 1423), để thoát khỏi thế bế tắc, Lê Lợi chủ trương hòa hoãn với quân Minh để trở về Lam Sơn củng cố lực lượng. Quân Minh muốn dùng biện pháp mua chuộc Lê Lợi nên chấp thuận. Trần Nguyên Hãn được giao đặc trách về quân sự.

Sau một năm rưỡi củng cố lực lượng, theo đề xuất của tướng Nguyễn Chích, ngày 20 tháng 9 năm Giáp Thìn (12 –10 – 1424), Lê Lợi tuyệt giao với quân Minh, chuyển quân vào xây dựng căn cứ địa mới ở Nghệ An là nơi có địa bàn rộng lớn, có điều kiện phát triển lực lượng. Trần Nguyên Hãn được giao đánh trận mở đầu, diệt đồn Đa Căng (Bất Căng, xã Thọ Nguyên, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa ngày nay) (7) để mở đường cho nghĩa quân. Ông đã tiến hành một trận tập kích bất ngờ, giải quyết nhanh gọn chiến trường tạo điều kiện cho nghĩa quân tiến quân thuận lợi. Ở Nghệ An, lực lượng nghĩa quân phát triển lên hàng vạn người, lương thực, hậu cần được nhân dân Thanh Nghệ ủng hộ dồi dào.
Tháng 7 năm Ất Tỵ (tháng 8 – 1425), nghĩa quân tiến xuống bao vây các thành Nghệ An, Diễn Châu, Tây Đô, mở rộng vùng giải phóng thuộc hai tỉnh Nghệ An, Thanh Hóa. Theo ý kiến của Trần Nguyên Hãn và được Nguyễn Trãi ủng hộ, Lê Lợi giao cho ông cùng Thượng tướng Lê Nỗ, Chấp lệnh Lê Đa Bồ và tướng Đinh Đàm dẫn 1.000 quân và 1 voi chiến vào mở vùng Tân Bình – Thuận Hóa (các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên ngày nay) (8).

Với số quân ít ỏi, ông đã mưu trí tổ chức một trận mai phục nhử địch tại bến Hà Khương (phía Tây sông Gianh ngày nay), tiêu diệt đạo quân Minh do tướng Nhậm Năng chỉ huy đang đi chặn đánh nghĩa quân. Tiếp đó, cùng với 70 chiến thuyền chở quân tăng viện vừa kịp đến, ông để một bộ phận bao vây hai đồn Tân Bình – Thuận Hóa còn đại bộ phận tung đi giải phóng các châu huyện. Chỉ trong khoảng nửa năm, với lực lượng nhỏ hơn địch rất nhiều, ông đã chỉ huy giải phóng toàn bộ vùng Tân Bình – Thuận Hóa, xây dựng, củng cố vùng đất rộng, dân đông ở phía Nam Tổ quốc thành hậu phương lớn vững chắc cho nghĩa quân. Hơn hai vạn trai tráng đã tình nguyện gia nhập nghĩa quân, được huấn luyện thành quân tinh nhuệ. Cùng với vùng giải phóng ở Thanh Hóa – Nghệ An được mở rộng, thế và lực của nghĩa quân Lam Sơn phát triển lên một bước rất cao khiến giặc Minh ngày càng lâm vào thế bị động.

Tháng 4 năm Bính Ngọ (tháng 5 – 1426), nhà Minh cử Thái tử Thái bảo Thành Sơn hầu Vương Thông mang ấn Tổng binh giữ chức Chinh Di tướng quân đem 5 vạn quân, 5.000 ngựa sang tăng viện đến thành Đông Quan hợp với số quân 5 vạn còn ở trong thành lên 10 vạn tên. Chúng tổ chức nhiều trận đánh lớn ra vùng căn cứ của nghĩa quân nhưng bị thiệt hại nặng.

Nghĩa quân chuyển sang thế tấn công. Trong trận đánh vây hãm thành Đông Quan, Trần Nguyên Hãn được cử thống lĩnh lực lượng thủy binh đánh vào phía Đông thành Đông Quan phối hợp với đạo quân chủ lực do Lê Lợi trực tiếp chỉ huy ở phía Nam và cánh quân do Đinh Lễ chỉ huy gồm một vạn quân ở phía Tây.

Ngày 23 tháng 10 năm Bính Ngọ (22 – 11 – 1426), ông cùng tướng Bùi Bị dẫn hơn 100 chiến thuyền từ sông Lung Giang (sông Đáy) ra cửa sông Hát rồi xuôi theo dòng sông Hồng tiến về Đông Bộ Đầu (dốc Hàng Than ngày nay) đánh tan đội thủy quân địch bắt hơn 100 chiến thuyền giặc, cắt đứt cầu nối Hà Nội – Gia Lâm đồng thời phối hợp đập tan đạo quân của tướng Phương Chính bảo vệ vòng ngoài của thành Đông Quan, giết nhiều giặc, thu rất nhiều vũ khí. Vương Thông phải rút vào cố thủ trong thành Đông Quan, xin vua Minh cho quân ứng cứu. Sau trận này ông được phong Thái úy là chức quan cao nhất trong hàng ngũ tướng lĩnh.  Ngày 26 tháng chạp năm Bính Ngọ (31 – 01 – 1427), vua Minh quyết định điều 15 vạn quân, 3 vạn ngựa chia làm hai đạo quân theo hai đường sang ứng cứu Vương Thông, giải vây thành Đông Quan.

Đạo thứ nhất gồm 10 vạn quân, 2 vạn ngựa do Thái tử Thái bảo An Viễn hầu Liễu Thăng làm Tổng binh mang ấn Chinh Lỗ tướng quân chỉ huy tiến theo đường Quảng Tây – Lạng Sơn.

Đạo thứ hai gồm 5 vạn quân, 1 vạn ngựa do Thái phó Kiềm quốc công Mộc Thạnh làm Tổng binh mang ấn Chinh Nam tướng quân chỉ huy tiến theo đường Vân Nam – Tuyên Quang.

Để đối phó với viện binh của quân Minh, Bộ chỉ huy nghĩa quân quyết định phải khẩn trương bao vây, đánh chiếm và dụ hàng quân giặc đang đóng giữ các thành nằm trên trục đường tiến quân của quân Minh, trong đó thành Xương Giang là một cứ điểm trọng yếu nhất của địch (thành Xương Giang thuộc vùng đất làng Đông Nhan, xã Thọ Xương, nay là xã Xương Giang thành phố Bắc Giang).

Từ tháng 12 năm Bính Ngọ (cuối năm 1426), Lê Lợi đã phái các tướng Lê Sát, Lê Triện, Nguyễn Đình Lý, Lê Thụ, Lê Lãnh đi đánh thành Xương Giang. Trải qua 9 tháng vây hãm với hơn 30 trận giao tranh vẫn không hạ được.

Tháng 9 năm 1427, được tin viện binh địch đã đến gần, Lê Lợi giao cho Trần Nguyên Hãn lên trực tiếp chỉ huy với nhiệm vụ phải hạ được thành Xương Giang trước khi viện binh của Liễu Thăng kéo đến. Sau khi xem xét tình hình, ông cho đào công sự từ các khu rừng lân cận, đào hầm ngầm từ ngoài vào trong thành và huy động dân chúng các làng xung quanh tham gia giúp đỡ nghĩa quân.

Đêm mồng 8 tháng 9 năm Đinh Mùi (28 – 9 – 1427), trận đánh do ông chỉ huy với kế hoạch thần diệu, mở cuộc tấn công tổng lực, phối hợp các loại lực lượng, thần công hỏa tiễn, giáo dài, nỏ cứng, nội công ngoại kích, bốn mặt cùng đánh. Trận đánh diễn ra chưa đầy một canh giờ (hai tiếng đồng hồ ngày nay). Toàn bộ quân địch bị tiêu diệt, các tướng giặc đều bị chết hoặc bị bắt. Hai tên tướng chỉ huy giữ thành là Lý Nhậm và Kim Dận phải nhảy xuống thành tự tử.

Thành Xương Giang bị hạ trước khi Liễu Thăng kéo quân tới biên giới Việt – Trung tròn 10 ngày. Ông nhanh chóng củng cố thành Xương Giang thành một pháo đài kiên cố chặn đứng đường tiến quân của địch về Đông Quan và sẵn sàng đánh quân Minh cứu viện. Trong Đại Việt thông sử, nhà bác học Lê Quí Đôn viết: “Có thể nói trong lịch sử chống ngoại xâm, đây là lần hiếm hoi có một trận thắng của quân ta triệt hạ được một thành trì quan trọng có số quân lớn. Có lẽ thành công của chiến thắng Xương Giang chỉ đứng sau sự kiện Lý Thường Kiệt hạ thành Ung Châu”.

Được tin thắng trận, Lê Lợi đã vui mừng thốt lên với lời cảm phục: “Đại tư đồ Trần Nguyên Hãn đã không phụ lòng ta. Tài cầm quân của Đại tư đồ quả là bản triều không ai

sánh được. Ta không ngờ thắng nhanh đến thế!” Lê Lợi họp các tướng lĩnh rồi quyết định giao tiếp nhiệm vụ cho Trần Nguyên Hãn và Lê Sát dẫn quân lên biên giới đánh viện binh Liễu Thăng.   Với chức vị Thái úy, ông là tướng đầu triều ở chiến trường. Ông trực tiếp lên bố trí trận địa và vạch phương án phối hợp chiến đấu với các cánh quân của Trần Lựu, Lê Sát, Lưu Nhân Chú, Đinh Liệt…

Ngày 18 tháng 9 năm Đinh Mùi (08 – 10 – 1427), Liễu Thăng tiến đánh ải Pha Lũy (mục Nam Quan ngày nay). Tướng giữ ải Trần Lựu ra đánh nhưng giả thua lui quân về đóng tại Ải Lưu, rồi lại lui về giữ ải Chi Lăng.

Ngày 20 tháng 9 (10 – 10 – 1427), Liễu Thăng tự mình đốc thúc đạo quân tiên phong tiến tới đánh ải Chi Lăng. Hai đạo quân của Trần Nguyên Hãn và tướng Lê Sát cùng tướng Trần Lựu hợp đánh, chém được đầu Liễu Thăng tại núi Mã Yên, tiêu diệt gần một vạn tên giặc (Đại Việt thông sử trang 166).

Ngày 25 tháng 9 (15 – 10 – 1427), địch tiến đến Cần Trạm (khu vực thị trấn Kép – xã Hùng Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ngày nay), nghĩa quân tiêu diệt gần hai vạn tên, Phó tổng binh Bảo Định bá Lương Minh thay Liễu Thăng bị giết tại trận

Ngày 28 tháng 9 (18 – 10 – 1427), chúng tiến đến Hố Cát (hố điểm quân thời xưa, khu vực thị trấn Vôi – xã Xương Lâm, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang ngày nay), lại bị nghĩa quân đánh giết trên 1.000 tên. Thượng thư Lý Khánh uất ức thắt cổ tự vẫn.

Còn lại hai tên chỉ huy là Thôi Tụ, Hoàng Phúc dẫn quân cố chạy về Xương Giang, nhưng thành đã bị nghĩa quân chiếm từ trước chặn mất đường tiến. Chúng ở vào thế tiến thoái lưỡng nan, đành phải co cụm lại giữa cánh đồng, cách thành Xương Giang khoảng 3 km đắp lũy để tự vệ. Giặc bị ta bao vây bốn phía. Phía trước có hai đạo quân của Lê Sát, Lưu Nhân Chú và Nguyễn Lý, Lê văn An, có thủy binh hỗ trợ vây chặn địch. Trần Nguyên Hãn được giao trọng trách đánh mặt sau (9), chặt đường rút lui và triệt đường tải lương của chúng. Hai bên cùng hợp lại phá giặc. Địch bị vây khốn, chúng phải giết cả ngựa để ăn, “lương thực hết cả, quân lính chết đói xác chất thành núi” (Nguyễn Trãi toàn tập trang 148).

Trên hướng Vân Nam – Tuyên Quang, Lê Lợi cho mang sắc thư, ấn tín của Liễu Thăng đưa đến chỗ Mộc Thạnh. Bọn Thạnh hoảng sợ, đang đêm ra lệnh rút chạy nhưng đã bị phục binh của Phạm Văn Xảo, Lê Khả Uông, Lê Tung, Lê Khuyển chờ sẵn dốc quân đánh ở Lãnh Câu, Đan Xá (gần cửa ải Lê Hoa) chém hơn một vạn tên, bắt hơn 1.000 tù binh và hơn 1.000 ngựa, còn lại chết đuối nhiều vô kể. Mộc Thạnh chỉ một mình một ngựa chạy thoát về Vân Nam (Khởi nghĩa Lam Sơn – Nhà xuất bản khoa học xã hội, 1977, trang 455).
Ngày 15 tháng 10 năm Đinh Mùi (03 – 11- 1427), nghĩa quân Lam Sơn tổng công kích. Địch bị chém 5 vạn tên, 2 vạn tên đầu hàng (Đại Việt sử ký toàn thư viết 3 vạn tên). Thôi Tụ, Hoàng Phúc bị bắt tại trận cùng với hơn 300 tướng lĩnh lớn nhỏ. Sử cũ Trung Quốc Hoàng Minh thực lục viết “toàn bộ quân Minh bị bắt, bị giết, duy chỉ có một tên chủ sự là Phan Hậu trốn thoát về Trung Quốc”.

Như vậy không đầy 27 ngày, từ 08 – 10 – 1427 đến 03 – 11 – 1427, cả hai đạo quân viện binh của nhà Minh bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn.

Chiến thắng Chi Lăng – Xương Giang là đòn quyết định cuối cùng đập tan hoàn toàn ý chí xâm lược của nhà Minh, hoàn thành nhiệm vụ giải phóng dân tộc. Đất nước được giải phóng, nền độc lập dân tộc được khôi phục. Trần Nguyên Hãn là người có công rất lớn trong việc đánh chiếm thành Xương Giang và tổ chức chiến đấu tiêu diệt đạo quân 10 vạn tên của giặc từ Chi Lăng kéo xuống, tạo thế đập tan hoàn toàn lực lượng viện binh 15 vạn quân của nhà Minh.

Vương Thông thấy không còn con đường nào khác, đành phải nhận giảng hòa (thực chất là nhận đầu hàng). Ngày 22 tháng 11 năm Đinh Mùi (16- 12- 1427), hai bên tổ chức hội thề ở phía Nam thành Đông Quan trên gò Nam Phụ (ở phố Thợ Nhuộm đối diện với di tích nhà tù Hỏa Lò ngày nay) (10).

Phía quân Minh gồm 17 người do Tổng binh Vương Thông đứng đầu.
Phía nghĩa quân Lam Sơn gồm 14 người do Lê Lợi dẫn đầu(11), Trần Nguyên Hãn đứng ở vị trí thứ 2 sau chủ soái Lê Lợi. Đại Việt thông sử – Lê Quí Đôn viết: “Nhất quốc đầu mục, Hãn danh đệ nhị thứ, kỳ kiến trọng ư tôn giã” (Đầu nước Lê Lợi, tên Hãn thứ hai, đủ biết vua coi trọng ông như thế nào).

Ngày 12 tháng Chạp năm Đinh Mùi (29 – 12 – 1427), quân Minh bắt đầu rút quân, đến ngày 17 tháng Chạp năm Đinh Mùi (03 – 01 – 1428) là sáu ngày, tên lính cuối cùng của đạo quân xâm lược cuốn gói ra khỏi biên giới Tổ quốc ta.

Ngày 18 tháng Ba năm Mậu Thân (23 – 3 – 1428), đại hội các tướng lĩnh và các quan văn võ định công ban thưởng. Trần Nguyên Hãn được gia phong “Tả tướng quốc, Bình chương quân quốc trọng sự, Khu mật đại sứ”, được cấp 114 mẫu ruộng (12).
Vốn là người có tầm nhìn rộng lớn và hiểu biết sâu sắc, nên chỉ ít lâu sau khi nhận chức Tả tướng quốc, cuối năm 1428 (13), ông xin từ chức về nghỉ tại quê nhà. Vua Lê Lợi chuẩn y cho về, nhưng dặn rằng cứ một năm hai lần lại vào chầu.

Sử làng Sơn Đông viết: Trần Nguyên Hãn “Thập đạo kinh luân mao ức lý, nhân cựu trạch tử miếu” (sau mười năm chinh chiến, về ở lại ngôi nhà cũ). Sơn Đông thuộc vùng bán sơn địa ở giáp ven sông Lô, có nhiều ngành nghề: trồng dâu, sơn tràng, nghề mộc… đặc biệt làng Quan Tử xưa có nghề gốm truyền thống lâu đời nên gọi là làng Gốm Trong, có làng Phú Thị ở ven sông Lô trên bến dưới thuyền rất sầm uất, gọi là làng Gốm Ngoài, có sông Phó Đáy là nhánh của sông Lô lưu thông trong và ngoài tỉnh, lại gần ngã ba sông Thao, sông Lô, sông Hồng, lưu thông thuận tiện với các tỉnh trong cả nước. Về nghỉ hưu, ông nghĩ ngay đến việc mở mang xây dưng quê hương Sơn Đông thành vùng kinh tế trù phú, nâng cao đời sống vật chất, văn hóa cho dân. Ông vận động phát triển nghề gốm, mở rộng vận chuyển hàng hóa bằng thuyền buôn để giao thương các nơi, vận động thanh niên luyện tập võ nghệ, rèn luyện sức khỏe phát huy truyền thống quê hương. Bọn gian thần Trịnh Hoành Bá, Lê Quốc Khí, Đinh Bang Bản vốn muốn hãm hại ông bèn đặt điều vu cáo nói “Ông xây phủ đệ lớn, đóng thuyền to, tuyển tráng binh, chở binh khí, luyện tập thủy quân v v… để làm phản”.

Ngày 26 tháng 02 năm 1429 âm lịch, vua Lê Lợi sai 42 lực sĩ xá nhân đi bắt Trần Nguyên Hãn về triều hỏi tội. Trên đường về Thăng Long, thuyền vừa đến bến Đông Hồ trên dòng sông Lô, ông ngửa mặt lên trời khấn rằng(14): “Tôi với Hoàng thượng cùng mưu cứu nước cứu dân. Nay sự nghiệp lớn đã thành, Hoàng thượng nghe lời dèm pha mà hại tôi. Xin Hoàng thiên biết cho!” rồi ông tự trầm mình.

Sử làng Sơn Đông có ghi lại rằng: “… Gia nhân và lính hầu của nhà ông Hãn đông và nhiều người giỏi võ nghệ, họ rất tức tối và khuyên ông chống lại lệnh vua. Nhưng ông nói: “… việc lớn đã thành, vua muốn giết ta. Ta không thể sống được với nhà vua, nhưng ta ra mặt chống lại, nhà vua sẽ viện cớ đó tàn sát giết hại hết con cháu họ Trần. Nay chỉ để mình ta và gia quyến chịu chết là hơn”.  26 năm sau, năm Diên Ninh thứ 2 (1455) vua Lê Nhân Tông (1443 – 1459) xuống chiếu minh oan cho ông (15), trả lại ruộng đất, của cải cho con cháu ông, ra lệnh phục chức, truy phong ông là “Phúc thần”, cho gọi con cháu ra làm quan nhưng không ai ra. Nhân dân tôn phong ông hiệu “khai quốc nguyên huân”.

Đời nhà Mạc (1527 – 1593), ông được truy phong là “Tả tướng quốc trung liệt đại vương”.

Đời nhà Nguyễn, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), triều đình ban sắc phong cho ông là “Tuần hương lương trực Tả tướng quốc Trần phủ quân chi thần”.

Sau khi được vua Lê Nhân Tông xuống chiếu minh oan, nhân dân đã xây đền thờ ông ngay trên nền nhà cũ của ông (nay thuộc thôn Đa Cai, xã Sơn Đông) gọi là đền “Trần Tả Tướng”, còn có tên là “Đền Quốc Công”. Ngoài ra còn có đền thờ ông ở thôn Đức Lễ, xã Văn Quán, nơi có căn cứ Rừng Thần cũ; ở làng Phan Lãng, xã Cao Phong, nơi lập trang trại đầu tiên của gia đình ông và ở núi Côn Sơn, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương trong cụm di tích đền thờ Trần Nguyên Đán, Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn. Tại Chi Lăng, nhân dân tỉnh Lạng Sơn cũng đã lập viện bảo tàng Trần Nguyên Hãn. Ở thành phố Hồ Chí Minh có tượng đài Trần Nguyên Hãn.

Ở đền Trần Tả Tướng, có đôi câu đối:

“Lam Sơn tướng nghiệp tồn linh địa

Lô thủy thần tâm đối nghĩa thiên”

Có nghĩa là:

Sự nghiệp làm tướng đất Lam Sơn còn mãi với đất thiêng này

Lòng trung quân của người bầy tôi trên dòng sông Lô là có trời biết”.

Ngày 15 – 01 – 1984, Bộ Văn hóa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ra quyết định số 06/VH – QĐ xếp hạng di tích lịch sử đền thờ Trần Tả Tướng tại xã Sơn Đông để bảo tồn lâu dài.

Năm 2010, Nhà nước đã đầu tư lớn để tôn tạo, nâng cấp khu đền thờ Trần Tả Tướng. Sau hơn một năm tôn tạo, đền thờ Trần Tả Tướng đã được khang trang, đẹp đẽ như ngày hôm nay.

Hội thảo về thân thế, sự nghiệp Đức Tổ Trần Nguyên Hãn tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phú năm 1988 kết luận: “Ông Trần Nguyên Hãn là một nhà yêu nước nồng nàn, sáng suốt, thức thời, biết gắn quyền lợi của tông tộc với quyền lợi của dân tộc trong thời đại mà đất nước lâm nguy trước nạn ngoại xâm.

Lòng yêu nước, đức nhân ái, vị tha, sự nghiệp quân sự tài ba xuất sắc, nghệ thuật quân sự tài tình đã đem lại thắng lợi có ý nghĩa chiến lược, góp phần quyết định của cuộc giải phóng dân tộc, khôi phục giang sơn. Tất cả những cái đó đã qui định nên danh hiệu anh hùng dân tộc của ông mà nhân dân tôn thờ, Tổ quốc ghi công”.

Hội thảo một lần nữa tôn vinh: “Trần Nguyên Hãn, thế kỷ XV – một Anh hùng dân tộc!”

Đức Tổ Trần Nguyên Hãn là người văn võ song toàn, đức tài trọn vẹn.

Các thế hệ con cháu chúng ta tự hào về Đức Tổ Trần Nguyên Hãn. Chúng ta nguyện sống xứng đáng là con cháu hậu duệ của Người./.

 

Ngày 22 tháng 4 năm 2011

Trù bị Ban Liên Lạc dòng họ Trần Nguyên Hãn

 

Ghi chú:

(1) Làng Quan Tử tên gốc là làng Gốm, vốn là nơi danh thần Trần Khắc Chung đã về đây mở trường dạy học. Riêng làng này có 12 người đỗ tiến sĩ. Các gia đình trong làng hầu hết là con cháu nhà quan nên có tên là làng Quan Tử.
(2) Sách “Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo”- Bùi Văn Nguyên, Nhà xuất bản khoa học xã hội – 1999, trang 120: “Ông Trần Án là con trai thứ 6 của Băng Hồ tướng công, gọi bà Trần Thị Thái bằng chị, (Trần Thúc Quỳnh là anh). Theo Nguyễn Trãi viết trong “Băng Hồ di sự lục” thì cụ Trần Nguyên Đán có 11 người con, sau loạn lạc không mấy người còn.,.
(3) Có sách viết: Trần Nguyên Hãn là con Trần Thuần Đức (theo giả thuyết Trần Thuần Đức đổi tên là Trần Án) nên tính là cháu bảy đời Đức Tổ Trần Quang Khải. Thế nhưng theo Trần gia ngọc phả lưu trữ tại viện Hán Nôm ký hiệu A 2046 thì An Viễn tướng quân Trần Thúc Quỳnh có con là Công Thiên – Trần Thuần Đức hiện nay là tổ của một dòng họ ở làng Nhị Khê, huyện Thường Tín, Hà Nội. Trần gia ngọc phả viết: Trần Thuần Đức sinh ra Trần Chính Trực, Trần Chính Trực sinh ra Trần Chính Đạo, . . .tiếp nối 19 đời không có ai là Trần Nguyên Hãn. Như vậy, Trần Thuần Đức không đi Sơn Đông và không đổi tên là Trần Án.
(4) Sách Lam Sơn thực lục trang 48 viết: “Nhà vua từ khi khởi nghĩa, đến lúc bình được giặc, lấy lại được nước, bao nhiêu giấy tờ đi lại ở trong quân, đều sai văn thần Nguyễn Trãi làm ra”.
(5)Bốn vị tướng được coi là “tứ trụ phù Lê” gồm; Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Nguyễn Chích, Lê Văn Linh. (Trần Nguyên Hãn, Quỳnh Cư – Những Vì sao đất nước, tập hai trang 68).
(6) Đại Việt thông sử -Lê Quý Đôn viết: “Vua cũng biết được tài thao lược của ông, đãi ngộ ông rất hậu, cho được dự bàn mưu kín, ông theo đi đánh giặc luôn lập công, được lên chức tư đồ.”
(7)- Trần Nguyên Hãn, Sở Văn hóa, thông tin và thể thao Vĩnh Phú xuất bản năm 1991, trang 149.
– “Trẫn Nguyên Hãn, một vị tướng tài xuất sắc của nghĩa quân Lam Sơn” – giáo sư sử học Văn Tân- Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 5/89 trang 47.
(8) Danh tướng Việt Nam- Nguyễn Khắc Thuần – Nhà xuất bản giáo dục, Trần Nguyên Hãn, trang 32
(9)- Đại Việt thông sử, quyển 1, liệt truyện đệ 2, Trần Nguyên Hãn, trang 233.
Trần Nguyên Hãn, Sở Văn hóa thông tin và thể thao Vĩnh Phú, 1991, trang 68
(10) Tạp chí Lịch sử quân sự tháng 5/89 số 41“Tổ tiên ta đánh giặc”trang 48.
“ Nguyễn Trãi và bản hùng ca đại cáo – Bùi Văn Nguyên, nxb KHXH 1999 tr.259.
(11) Phái đoàn của nghĩa quân gồm 14 người: Lê Lợi, Trần Nguyên Hãn, Lê Nhân chú, Lê Vấn, Lê Ngân, Phạm Văn Xảo, Bùi Bị, Trịnh Khả, Nguyễn Chích, Nguyễn Lý, Phạm Bôi, Lê Văn An, Bế Khắc Thiệu, Ma Luân.
(12) Lê triều thông sử – Lê Quí Đôn.
(13) Có sách nói năm 1429.
(14) Lê triều thông sử – Lê Quí Đôn. Lịch triều hiến chương loại chí – Phan Huy Chú.
(15) Có sách nói năm 1454

  (Bài viết đăng trên Cổng thông tin dòng Họ Tr Ng Hãn)

Related Articles

Stay Connected

0Thành viênThích
0Người theo dõiTheo dõi
22,100Người theo dõiĐăng Ký
- Advertisement -spot_img

Latest Articles